Saturday, 12 December 2020

MỘT NGÒI BÚT, MỘT TẤM LÒNG (Vũ Thư Hiên)

 


 

MỘT NGÒI BÚT, MỘT TẤM LÒNG   

Vũ Thư Hiên

02:25  12/12/2020    

https://www.facebook.com/vth.ntt/posts/10224584317819209

 

Ở miền Bắc trong thập niên 60 mọi tin tức đều chậm. Tin trong nước, tin thế giới, chậm hết. Tin được kiểm duyệt kỹ, được phát từ trên xuống dưới theo các đại lý, cấp cao nhiều, cấp thấp ít, đến đám bần dân thì nó chỉ còn là cái xác rữa. Thế tất tin ở ngoài lọt vào bên trong những bức tường và hàng rào các trại giam còn chậm hơn rất nhiều.

Tin Bùi Ngọc Tấn bị bắt đến với tôi chậm tới bốn năm.

 

Năm 1971, tôi ở trại cải tạo Tân Lập. Trại này to, nằm trong vùng đồi núi Phú Thọ, gồm trại chính, lớn nhất, và các phân trại cách nhau năm bẩy cây số. Thỉnh thoảng người ta lại xây dựng thêm một phân trại nữa cho tù mới.

 

Tù mới lên trại là sứ giả của cuộc sống bên ngoài. Không có tù mới thì tù cũ chẳng thể nào biết ở “ngoài kia” có chuyện gì xảy ra. Tin tức tù mới mang theo cũng chậm rề - trước khi lên trại Trung ương họ thường ở trại tạm giam hoặc trại địa phương vài tháng, có khi một hai năm.

 

Một tù mới kể anh có gặp ở trại Thuỷ Nguyên một anh tù đặc biệt vốn là nhà báo. Anh nhà báo này đứng đắn, chững chạc khác người, được mọi tù nhân kính trọng, ban giám thị cũng vì nể. Tôi hỏi anh nhà báo số chẵn hay số lẻ , anh tù mới bảo: số chẵn, nhưng là tù chính trị, chắc chắn thế. Hỏi tên thì người kể chuyện không nhớ - trại to, tù đông, không quen trực tiếp thì không nhớ được. Tôi nghĩ ngay đến Bùi Ngọc Tấn, bằng linh tính. Nhà báo, tóc rễ tre thì đúng, nhưng to con thì không phải - Tấn người tầm thước, mập mạp, nhưng không thể gọi là to con. Ra tù rồi, tôi mới biết mình luận không sai. Tấn bị bắt sau tôi có mấy tháng, vào đầu năm 1968.

 

Xã hội miền Bắc Việt Nam hồi ấy giống một tu viện dưới quyền một chưởng quản già nua, khắc nghiệt. Trong tu viện này, con người phải từ chối quyền làm người. Con người không được cảm thấy mình là mình, anh ta chỉ là một vật thể bị chiếm hữu, bị nuốt chửng. Con người chỉ có một cái quyền: ấy là ngoan. Người ngoan đông, người không ngoan ít. Con người là thế, nó thích ứng với mọi hoàn cảnh, Dostoevsky đã kết luận. Nhưng trong số đông ngoan vẫn có những người bướng bỉnh. Bướng là tội nặng trong xã hội ngoan. Tức là, không có một tội tên là như thế, nhưng bắt đầu bằng sự dám cãi lại bề trên, anh công dân ngây thơ lập tức bị người ta báo cáo lên “trên”, bị người ta kín đáo lập hồ sơ, bị theo dõi. Thế rồi vào một ngày đep trời, căn cứ vào tập hồ sơ đã dày lên theo năm tháng, anh bị tống lên xe bịt bùng, bị ném vào trại giam, để rồi cứ ở miết cho đến khi được tha, không được xét xử, không có án. Nếu anh ta còn có thể về. Nếu anh ta không nằm lại trong một nghĩa trang gió hú. Chuyện ấy thường, chẳng làm ai ngạc nhiên.

 

Ðiều làm tôi phân vân không dám tin rằng Bùi Ngọc Tấn đã bị bắt là thế này. Tấn không thuộc loại bướng bỉnh. Anh hiền lành, nho nhã, sống củ mỉ cù mì, không cãi lại cấp trên, không châm chọc chính quyền, không nói xấu lãnh tụ, không bới móc chế dộ, ăn nói thì cẩn trọng, viết văn thì thuận chiều. Ngoan như Tấn mà còn rơi vào tù thì chắc bạn bè tôi, những người tôi quen, ắt phải vào tù nhiều lắm. Cứ ngẫm bản thân tôi mà suy ra thì thấy – chẳng cứ phải có hành động chống đối, chỉ cần có ý nghĩ chống đối thôi đã đủ để Ðảng ra tay trừng trị rồi. Mà ý nghĩ của con người ta khó giữ kín lắm, giấu mấy thì giấu, cẩn thận mấy thì cẩn thận, rồi cũng lộ ra, không ở chỗ này thì chỗ kia, không với người này thì người khác. Sau này, tôi mới biết những người tôi đoán sẽ bị bắt, như Mạc Lân, Dương Tường, Châu Diên, Xuân Khánh, thì lại không bị bắt, mà Bùi Ngọc Tấn lành một cục lại bị, mới kỳ. Thôi thì cứ đổ mọi sự không giải thích được cho cái số. Chứ biết làm thế nào?

 

Cũng có thể luận rằng Tấn bị bắt là do chơi thân với tôi và Hồng Sĩ, trung tá công an, mà cả tôi lẫn Hồng Sĩ đều bị bắt, cùng một tội “xét lại chống Ðảng". Hồng Sĩ bị bắt là do chơi thân với Kỳ Vân. Kỳ Vân bị bắt là vì chơi thân với Hoàng Minh Chính. Dưới triều Duẩn-Thọ, cái sự bạn bè chơi với nhau luôn tiềm ẩn hiểm họa. Nhiều người không dám khai ai là bạn thân trong lý lịch (trong bản khai lý lịch có một mục như thế). Cứ khai không có bạn cho chắc ăn.

 

Tôi kể đầu đuôi câu chuyện chúng tôi bị bắt nó là như thế để nói rằng cái xã hội trong đó chúng tôi sống nó là như thế. Chứ không định nói rằng chúng tôi oan. Lại càng không có định kêu oan với mấy chính trị gia nửa mùa "có ăn tìm đến, đánh nhau bỏ đi", thích chống nạnh vênh váo buông lời phán xét.

 

Ông bạn Bùi Ngọc Tấn của tôi trở thành nhà văn phản động chống chế độ đúng là như thế, không phải nói vống.

 

Chúng tôi quen nhau vào đầu thập niên 60, cái thập niên đầy biến động sau khi Nikita Khrusốp cho nổ quả bom chống sùng bái cá nhân trong Ðại hội lần thứ XX Ðảng cộng sản Liên Xô, làm rung lay tận gốc các quốc gia cộng sản. Chống sùng bái cá nhân chưa phải là chống chế độ cộng sản toàn trị, nhưng là đòn cực nặng giáng vào nó. Những nhà lãnh đạo yêu nền chuyên chính nổi sùng bèn chống lại nó bằng tất cả quyền lực trong tay.

 

Nếu như Mao sếnh sáng ở Bắc Kinh xướng lên “đại cách mạng văn hóa” để tiêu diệt những kẻ dám hó hé chống mình, thì ở Việt Nam mấy chú Xuân Tóc đỏ cũng chế ra một thứ tương tự, chúng tôi gọi thứ ấy là "tiểu cách mạng văn hóa". Mục tiêu của cái “cách mạng” này là đè bẹp làn sóng ngầm đòi dân chủ hóa xã hội được khởi lên từ nhóm "Nhân Văn - Giai Phẩm" đã bị chôn sống. "Tiểu cách mạng văn hóa" nhằm vào lớp đảng viên cứng đầu và đám trí thức, kẻ thù tiềm tàng và thường trực của nền chuyên chế. Trong cuộc săn phù thuỷ do tân vương Lê Duẩn và đại quan Lê Đức Thọ dẫn đầu, những người cầm bút do chính đảng cộng sản đào tạo trở thành con mồi.

 

Không biết khi Bùi Ngọc Tấn trở thành “kẻ thù của nhân dân” thì anh nghĩ sao, chứ tôi ngao ngán lắm. Tôi tiếc mình đã không làm một cái gì hơn những phát biểu bạo miệng cho xứng với sự ở tù này. Thật uổng.

 

- Mình cũng nghĩ thế - Bùi Ngọc Tấn nói với tôi khi chúng tôi gặp nhau tại Sài Gòn năm 1985 - Nhưng nếu làm, thì hồi ấy chúng mình có thể làm được cái gì ?

 

Chúng tôi chẳng làm được cái gì hết, trừ những lời nói hoà vào tiếng xì xầm của nỗi bất bình âm ỉ. Ðành tự an ủi rằng dù sao mặc lòng làn sóng bất tuân đã gióng lên được tiếng chuông nho nhỏ, cổ võ mọi người hãy nghĩ bằng cái đầu của mình, chứ không thể cứ mãi mãi khom lưng trước bọn đầu mục ở đại sơn trại.

 

Ðáng mừng là sau những khốn khó cả hai đứa tôi đều còn sống trở về. Có vài người trong chúng tôi đã không về nữa.

 

Bùi Ngọc Tấn vẫn y như ngày trước sau sáu năm tù không có án. Vẫn ăn nói nhỏ nhẹ, điềm đạm, vẫn suy nghĩ thâm trầm trong ánh mắt đăm chiêu. Tuy mái tóc dày đã có nhiều sợi bạc, mặt nhiều nếp nhăn, trong mình nhiều bệnh tật - kỷ vật của trại tù khổ sai.

 

- Chúng mình sẽ phải viết về những gì chúng mình thấy - Tấn nói - Trách nhiệm đấy.

- Hoặc đừng cầm bút nữa - tôi đồng ý với anh.

 

Tôi cặm cụi sưu tầm tài liệu cho cuốn sách của tôi. Nó sẽ phải ra đời, một lúc nào đó.

Rồi chúng tôi lại mỗi người một ngả, kiếm sống là chính, nhưng không quên chuẩn bị cho cuốn sách dự định. Tôi làm xong cuốn sách của tôi năm 1997. Tấn cho ra “Chuyện Kể Năm 2000”.

 

Trong lần gặp ấy, Tấn kể cho tôi nghe chuyện đời tù của anh. Nó cũng tương tự đời tù của tôi, với vài dị biệt nho nhỏ. Anh ở trại tỉnh nhiều hơn trại trung ương, bởi vì, như anh nói đùa: “Tôi chỉ là “xét lại” cấp tỉnh, không được như ông, cấp Trung ương!”.

 

Mặt buồn rượi, Tấn than phiền dạo này làm sao ấy, cầm đến bút mới thấy mình bất lực - sự thật cứ ngồn ngộn trước mắt, mà ngòi bút thì ẻo lả, không sinh khí.

 

Tôi cũng vậy. Mà với ai mà chả thế - công việc nào bỏ bễ một thời gian dài khi bắt đầu trở lại đều lóng ngóng. Ấy là chưa kể chúng tôi vẫn còn ở trong cái nhà tù lớn. Ở trong nhà tù ấy phải biết sợ. Cái sợ ngáng trở ngòi bút. Nó là con đỉa sống dai, bám chắc. Hồi ấy, năm 1985, chưa có gì hứa hẹn cái chết của nó.

 

Tôi hình dung ra phòng văn của Tấn. Một căn phòng không quá hai chục thước vuông, nơi vừa là phòng ăn, vừa là phòng ngủ của cả gia đình - vợ chồng anh và các cháu. Nơi từ nhiều năm thường xuyên diễn ra những cuộc gặp gỡ ồn ào giữa mấy thế hệ cầm bút, những cuộc tranh cãi nghệ thuật khi vui vẻ khi khùng điên bên cạnh giường ngủ của vợ con Tấn, màn đã buông. Nơi Nguyên Hồng lui tới nhiều nhất mỗi khi trở về vùng đất sinh thành của những nhân vật Bỉ Vỏ, Qua Những Màn Tối... Nguyên Hồng nhận xét về Tấn :"Thằng này dí dỏm ra phết. Cái nhìn của nó cũng thế, tưởng là lờ đờ mà lại nhìn thấy những cái người khác không thấy. Mình mà có cái chất của nó hồi trẻ thì phải biết!"

 

Những kỷ niệm này được Tấn ghi lại một phần không nhiều trong Một Thời Ðể Mất.

Tấn bắt đầu văn nghiệp bằng nghề phóng viên. Anh làm ở tờ Tiền Phong, một tờ báo của Ðoàn thanh niên lao động (sau thay đổi tên thành Ðoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh). Anh đi nhiều, viết nhiều. Những bài báo tầm phơ, tất nhiên. Nhưng những chuyến đi liên miên ấy cho anh chất liệu để viết cái khác - những truyện ngắn, bút ký. Bạn đọc bắt đầu chú ý tới anh bởi cái nhìn sắc sảo, cách biểu hiện dí dỏm. Anh viết cần cù, không nhiều, nhưng không nịnh bợ, lại biết tránh né. Có những tác phẩm anh viết để đấy, không với mục đích cho xuất bản, chỉ cho vài người bạn thật thân đọc. Những cuốn sách như thế không phải chỉ Bùi Ngọc Tấn có, anh em khác cũng có. Cũng không phải tác phẩm gì ghê gớm, bôi đen chế độ chẳng hạn. Chúng chỉ thực, hoặc quá thực. Không biết khi bắt anh công an có thu mất những bản thảo ấy không? Tôi e rằng với cách đọc của đám quan chức mù văn hoá, tội của anh lại nặng thêm.

 

Bùi Ngọc Tấn không bỏ bút, đúng như anh nói. Anh cặm cụi viết, và kết quả là hai cuốn sách rồi cũng ra đời được: Một Thời Ðể Mất, Những Người Rách Việc.

 

Nhưng nhiều tình người hơn cả là những dòng anh Viết Về Bè Bạn trong cuốn sách mà các bạn đang cầm trong tay.

 

Tôi sẽ không nói về nội dung những chuyện được ghi lại trong sáng tác này của Bùi Ngọc Tấn. Cách tốt nhất để hiểu Bùi Ngọc Tấn là đọc cuốn này. Nó là chuyện đời thực, đời thường của một thời. Là nhân chứng của tình bạn giữa Bùi Ngọc Tấn với Mạc Lân, Dương Tường, Nguyên Bình, Lê Bầu, Hứa Văn Định… Tôi xác nhận: trong những câu chuyện được kể không có sự bịa đặt. Chỉ thiếu, chứ không thừa. Thực tế phũ phàng của một dĩ vãng chưa xa có thể làm rơi nước mắt người đọc hôm nay.

 

Một thời kinh khủng.

 

Tự những câu chuyện được kể bằng giọng la đà, không có ý thuyết phục ai, chẳng có ý dạy bảo ai, đôi lúc lạnh lùng, đôi lúc giễu cợt, hiện lên cái nhìn nhân bản, xót xa, đối với con người. Cái nhìn ấy bây giờ sao mà hiếm hoi.

 

Sáng tác đầu tiên của Bùi Ngọc Tấn đến với bạn đọc hải ngoại là Người Chăn Kiến, được đăng trong tờ Diễn Ðàn ở Paris. Số phận của người giám đốc bị bỏ tù oan được miêu tả một cách dửng dưng có sức mạnh của tiếng thét bất bình. Anh giám đốc cuối cùng được trả lại tự do, được phục chức, lẽ công bằng có vẻ như đã được lập lại cho anh ta, nhưng ở lúc lẽ ra anh ta phải vui nhất, sướng nhất, thì anh lại lẳng lặng chui vào phòng riêng để làm cái công việc khổ sai kỳ cục mà những tên anh chị lưu manh trong tù bắt anh phải làm, để hạ nhục anh, là đi bắt mấy con kiến và ... chăn chúng. Mặc cho ở ngoài kia người ta liên hoan tưng bừng, anh kiên nhẫn dùng những tấm danh thiếp chặn đường đi của những con kiến trong cái trò chơi vô nghĩa của mình. Ngay cả trong vô thức anh ta cũng không còn là anh ta nữa. Người Chăn Kiến là tiếng kêu cứu cho con người bé nhỏ, con người tội nghiệp, con người dân đen, là lời nguyền rủa cái quyền lực bất nhân không đếm xỉa đến số phận thần dân nằm dưới quyền cai trị của nó.

 

Ðược viết mấy dòng về bạn mình, trong lúc bạn còn sống, là một niềm vui.

 

Bùi Ngọc Tấn gặp rủi, nhưng vượt qua nỗi bất hạnh của mình, anh may mắn được sống tới hôm nay, để còn có dịp gửi tới bạn đọc ở xa, cũng là bè bạn của anh, tiếng lòng anh.

 

Vũ Thư Hiên

Paris, 2004

 

Hình : https://www.facebook.com/photo/?fbid=10224584317419199&set=a.10200170791816317

 

18 BÌNH LUẬN   

 

------------------------------------------------

.

.

Vũ Thư Hiên

12:03 12/12/2020

https://www.facebook.com/vth.ntt/posts/10224587225411897

 

THƯ GỬI BẠN Ở CÕI-BÊN-KIA

Posted on Tháng Mười Hai 6, 2015 by CN

Nhân giỗ đầu nhà văn Bùi Ngọc Tấn

 

Người nhận: Bùi Ngọc Tấn

Địa chỉ: Cõi-Bên-Kia

 

Mình đang đi trên một con phố mới, hình như ở Hải Phòng. Lạ hoắc song lại có nét gì quen quen mà không tài nào xác định nổi. Giống như khi ta cố nhớ ra một cái tên rất thân quen, chắc chắn nó ở quanh quanh đâu đây trong bộ nhớ, chỉ dấn chút xíu nữa là “bắt” được mà nó vẫn vuột mất để rồi đến một lúc thôi không cố nhớ nữa thì nó lại bất ngờ hiện ra. À, đây rồi cái biển tên phố gắn trên một cột đèn. Mình tiến lại và đọc thấy: BÙI NGỌC TẤN…

 

Thế là mình thức giấc. Và ngồi viết thư cho Tấn đây.

 

Ờ, thế mà đã sắp một năm chúng mình xa nhau rồi đấy nhỉ. Chiều qua, Vũ Thư Hiên từ Paris gọi điện về hỏi ngày giỗ đầu Tấn và số điện thoại của Bích, mình nói là từ khi Tấn đi, Bích vẫn dùng cái mobile cũ Tấn để lại. Có lẽ đó là những tiền đề dẫn tới giấc mơ này. Mình nhớ cách đây dăm bảy năm, nhân một chuyến xuống Hải Phòng thăm Tấn, mình nhảy xe ôm đến phố Văn Cao hồi đó vừa mới mở. Mình trả tiền xe và thả bộ dọc phố. Ở đây, ngay từ đầu, đã có qui định: không nhà nào được thấp dưới ba tầng. Chợt hiện lên trong trí nhớ mình cái vẻ bí bí mật mật song không khỏi lộ niềm hân hoan khó kìm nổi của chị Thúy Băng, Văn Cao phu nhân, một hôm mình ghé thăm anh chị vào đầu những năm 1990, khi mình vừa bước chân vào nhà. “Tôi cho anh xem cái này”, chị nắm tay tôi kéo ra cuối hành lang căn gác hai nhà 108 Yết Kiêu. Hẳn phải là một sự kiện gì đặc biệt đây, mình nghĩ thầm. Té ra chỉ là một buồng vệ sinh không rộng hơn 4 mét vuông với thiết bị Nhật Bản trắng toát. Mình nói đùa mà suýt trào nước mắt: “Tưởng gì chứ bảy mươi tuổi mới được ị cho tử tế mà cũng khoe”. Ấy đấy sinh thời Văn Cao sinh hoạt trong những điều kiện như thế, mà giờ đây khi anh không còn thì con phố mang tên anh laị thuộc loại sang nhất, đẹp nhất Hải Phòng và được coi là tuyến đường qui hoạch tốt nhất của thành phố, không cho xe tải qua.

 

Đây không phải lần đầu mình viết thư gửi về Cõi-Bên-Kia. Khoảng 25, 26 năm trước, nghỉ đêm lại ở thành phố quê hương của Hồ Biểu Chánh, mình đã viết cho Nguyễn Tuân, một năm sau khi ổng ra đi. Bức thư ấy, chắc Tấn còn nhớ, được đăng trong cùng một số tạp chí Cửa Biển với đoạn hồi kí của Tấn về Nguyên Hồng. Hà Nội đã có những đường phố mang tên Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Xuân Diệu, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng …, những điểm son của văn học Việt Nam. Thế còn bao giờ Nam Định có phố Trần Dần, Bắc Ninh có phố Hoàng Cầm, Thanh Hóa có phố Hữu Loan, Yên Bái có phố Lê Đạt, Thừa Thiên-Huế có phố Phùng Quán? Và Hải Phòng có phố Bùi Ngọc Tấn? Một dự cảm tâm linh nói với mình: rồi những giá trị đích thực sẽ được trả về đúng vị trí. Con đường mình vừa dạo chơi trong mơ – đường Bùi Ngọc Tấn – rồi sẽ thực sư có trong thực tại. Và biết đâu đấy, mình lại có dịp thả bộ trên con đường ấy, như đã thả bộ trên đường Văn Cao dăm năm trước, như vừa làm thế trong giấc mơ, thầm thì trò chuyện với Tấn trong rì rào những tán lá non của hàng cây mới trồng, nếu như mình còn ở trên cõi đời tạm trú này…

 

Thư ngắn tình dài

Hẹn gặp lại

DƯƠNG TƯỜNG

 

5 BÌNH LUẬN  

 

 

·         Tưởng Năng Tiến

https://www.danluan.org/.../sttd-tuong-nang-tien-giac-mo...

DANLUAN.ORG

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Giấc Mơ Dương Tường & Ác Mộng Bùi Ngọc Tấn

 

 

-----------------------------------

.

.

NHỚ TẤN  

Vũ Thư Hiên

05:25  12/12/2020   

https://www.facebook.com/vth.ntt/posts/10224585018876735

 

NHỚ TẤN

Một thế hệ có thể làm nên tất cả.

Một thế hệ vàng ròng nhưng đã bị làm hỏng

và cũng đã góp phần làm hỏng một thế hệ khác.

Dương Tường

 

Từ Hà Nội, Dương Tường gọi tôi: “Tấn đi rồi, Hiên ơi, sáng nay, lúc 6 giờ 15. Buồn quá!”

Buồn, chứ lại không ư? Còn hơn thế, Tấn đi, để lại cho bạn bè biết bao hụt hẫng, biết bao nuối tiếc.

Tôi muốn khóc, mà không còn nước mắt.

 

XEM TIẾP >>>  

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats