Sunday, 6 December 2020

NGA và DO THÁI ĐỘC DIỄN Ở TRUNG ĐÔNG (Hoàng Ngọc Nguyên)

 


Nga và Do Thái độc diễn ở Trung Đông

Hoàng Ngọc Nguyên 

06/12/2020

https://baotiengdan.com/2020/12/06/nga-va-do-thai-doc-dien-o-trung-dong/

 

Ông chẳng còn bao nhiêu thời giờ. Đã hẳn vì cái tuổi của ông, nhưng mà còn vì nhiệm kỳ sẽ sớm chấm dứt. Trong khi đó, quân tử nhất ngôn. Một lời đã hứa, bốn con ngựa chạy theo không kịp (ông ưa nói nhầm: nhất ngôn ký xuất, tứ nữ nan truy). Cho nên nay ông phải hành động gấp gáp.  Hứa với con rể Do Thái thúc hối. Đàng khác là “From Russia with Love”, có thể được ông chọn là quê hương đào tỵ.

 

Ngay sau khi thất cử, Trump đã “dứt” (terminate) ngay Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper. Vài ngày sau đó, ông cũng “dứt” (ông không thể dùng chữ tao nhã hơn, như từ chức hay giải nhiệm) Chris Krebs, giám đốc Cơ quan An ninh Mạng. Những mục tiêu sắp đến của Trump có thể là Christopher Wray, giám đốc FBI, và bà Gina Haspel, giám đốc CIA (Cơ quan Tình báo Trung ương).

 

Trump vẫn nổi tiếng thay người như thay áo, một thói quen người ta đã thấy trong chương trình truyền hình “The Apprentice” của ông ta, với thành ngữ quen thuộc “You’re fired” để cho thấy quyền hành tuyệt đối tha hồ lạm dụng của ông trùm. Nhưng dĩ nhiên Trump phải có lý do.

 

Mark Esper có tội đã cảnh cáo ông: Không dùng quân đội để đàn áp phong trào của người da đen BLM. Krebs bị bay chức là vì công khai nói: “Không có bầu cử gian lận”. Ông Wray có tội không chịu điều tra cha con ông Biden. Bà Haspel thì nhấn mạnh mối đe dọa của Nga phá hoại bầu cử ở Mỹ cùng âm mưu của Putin đuổi Mỹ ra khỏi Afghanistan và Syria…

 

Nhưng đặc biệt, ông Esper và bà Haspel đều báo động về sự đe dọa của Nga cùng chống lại việc rút quân Mỹ ra khỏi Trung Đông. Một số nhân viên cao cấp trong ngành tình báo chiến lược cũng đã bị sa thải gấp rút, lý do là họ đã cảnh báo chính sách của Mỹ ở Trung Đông đang phá sản.

 

Dĩ nhiên, từ ngàn xưa đã như thế. Đời nay vẫn thế. Chung quanh bạo chúa bao giờ cũng chỉ có toàn gian thần, nịnh thần, chẳng hạn như Rudy Giuliani (người đang ăn mỗi ngày 20.000 đô để phá kết quả bầu cử cho bằng được), Roger Stone, Scott Atlas (quân sư số 1 phá những nỗ lực kiểm soát đại dịch coronavirus của giới khoa học như Bác sĩ Anthony Fauci, bà Deborah Birx…), Peter Navarro, Steve Bannon (người đòi bêu đầu bác sĩ Anthony Fauci và giám đốc FBI)… Trung thần đương nhiên rơi rụng.

 

Tuy nhiên, tại sao Trump không sợ tai tiếng, vẫn dứt điểm nhiều người vào thời điểm này – ngoài lý do thù hận? Câu trả lời đến từ chính Trump: Ông vừa buộc Bộ quốc phòng và CIA thỏa hiệp để Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và Iraq. Và có thể cả Syria trong nay mai. Nhường đất cho Nga. Và ông cũng phải để cho Do Thái tự do hành động “gián chỉ” Iran, không cho cơ hội Mỹ và Iran có thể nhích lại gần nhau như dưới thời Obama. Do đó, Trump phải ra tay trước nhằm những người có thể chống đối!

 

Ở Afghanistan, từ 19 năm nay, Mỹ đã giúp chế độ ở Kabul (theo phái Shiite trong Hồi giáo) do Mỹ dựng lên chống đỡ những đe dọa tàn bạo của loạn quân Taliban (phái Sunni), là chế độ Mỹ đã đánh đuổi sau khi chúng bảo trợ cho al-Qaeda (Sunni) của Osama Bin Laden tiến hành vụ khủng bố 9/11. Mỹ và đồng minh đã có mặt ở Afghanistan từ năm 2001!

 

Tổng thống Trump vẫn muốn làm lịch sử bằng chuyện rút quân Mỹ ra khỏi A-Phú-Hãn, một chuyện mà ông cho rằng hai tổng thống tiền nhiệm là Bush và Obama đã thất bại hay không dám làm.

 

Vào ngày 11-9 năm ngoái, Trump tính làm chuyện ngoạn mục, mời cả Taliban và chế độ Kabul đến Camp David (California) “hòa đàm”, chủ yếu là chụp hình với ông ta, nhưng kế hoạch tan vỡ vì Taliban đánh bom khủng bố ở Kabul, sát hại cố vấn Mỹ mấy ngày trước đó. Tuy nhiên, Trump vẫn nhất quyết theo đuổi kỳ cùng về chuyện mật đàm.

 

Cuối tháng hai năm nay, Mỹ đã đạt thỏa thuận song phương với Taliban về chuyện rút quân – chế độ Kabul bị đứng ngoài mật đàm. Giống như Henry Kissinger nói chuyện riêng rẽ với Lê Đức Thọ năm 1969-1973. Giới quan sát chính trị nhận định, Mỹ đã quá nhượng bộ kẻ thù để có cớ rút quân, bất kể sự an toàn của chế độ Kabul. Mỹ rút quân, Taliban ngưng khủng bố. Rút thì dễ, ngưng khủng bố đương nhiên là không!

 

Taliban là một lực lượng khủng bố sát nhân mà người dân Afghanistan ai cũng lo sợ. Và sau lưng Taliban, ai cũng biết là người Nga, lãnh đạo là Putin đang có dã tâm đuổi Mỹ và đồng minh ra khỏi nước này để phục thù Mỹ đã từng giúp các lực lượng Hồi giáo đuổi Liên Xô ra khỏi Afghanistan hồi năm 1988.

 

Hẳn nhiều người còn nhớ: CIA đã đưa tin Nga trao tiền thưởng cho phần tử Taliban nào giết được lính Mỹ, mục đích là làm cho Mỹ ngán và chán mà rút quân sớm hơn – Trump đã không phản ứng gì trước tin này. Làm như không biết, không tin.

 

Tại sao Mỹ hay Trump muốn rút quân ngay tức thì với bất cứ giá nào?  Có hai mục đích đều chính: Làm phá sản bằng mọi giá sách lược đối ngoại của “tiền nhân” (Bush và Obama), và hoàn thành “thỏa thuận ngầm” với Putin. Trong khi giới quan sát đều nói để cho Taliban “hòa hợp hòa giải dân tộc” với Kabul là “giao trứng cho ác” (trứng đây là người dân vô tội và ác là những hành động quen thuộc khủng bố, đánh bom, xử tử, ám sát… của Taliban) vì ở nước này tôn giáo còn khó hòa hợp, hòa giải hơn cả dân tộc.

 

Và về mặt chiến lược, Trump đã mở thêm một cánh cửa cho Putin thực hiện giấc mộng Nga tiến vào Trung Đông. Nga từ bao đời nay vẫn xem Afghanistan có một vị trí chiến lược mà Nga cần kiểm soát, chính là để bảo vệ cho ba nước “tan” Tajkistan, Uzbekistan, Turkmeristan được Nga “bảo hộ” thoát sự đe dọa quân sự và chính trị của những nước Hồi giáo trong khu vực.

 

Để có thể vào Afghanistan, Putin đang chơi sách lược bắt cá hai tay, cả Kabul và Taliban. Nhưng để cho “êm thắm”, Putin cần Mỹ rút. Trump trả lời: “OK! Rút thì rút!”. Đương nhiên, không phải America First mà Russia First hay Me First!

 

Cũng tương tự là Mỹ rút khỏi Iraq, bỏ rơi chế độ do họ dựng lên năm 2003, sau khi Bush loại bỏ Saddam Hussein và thế lực Sunni của ông ta. Iran, một nước Hồi giáo theo giáo phái Shiite mạnh nhất ở Trung Đông (đối nghịch là Saudi Arabia theo Sunni), đang muốn thay Mỹ ở Iraq để bảo vệ chế độ Baghdad, chống lại đe dọa của lực lượng Nhà nước Hồi giáo ISIS (Sunni).

 

Chúng ta có thể nhớ lại cuộc chiến Iran-Iraq kéo dài tám năm, bắt đầu năm 1980 khi Hussein cho quân xâm lăng Iran. Đầu năm nay, Trump đã cho lệnh giết tướng Soleimani của Iran ở phi trường Baghdad, và Iran phản ứng bằng cách tấn công vào một số căn cứ Mỹ ở Iraq. Chính quyền Baghdad đã yêu cầu Mỹ rút quân vì đã hành động bất kể chủ quyền quốc gia và luật pháp của Iraq, nhưng Trump trả lời “còn lâu” – trả nợ cho Mỹ đã rồi mới nói chuyện rút quân.

 

Nhưng chẳng ai ngộ nhận về ý đồ của Mỹ – hay đúng hơn của Trump. Ngày 17-11, ông ta công bố quyết định rút bớt quân Mỹ khỏi Afghanistan – từ 4.500 còn 2.500 – và Iraq – từ 3.000 còn 2.500. Thực ra, Trump muốn rút hết, nhưng giới tình báo và Ngũ Giác Đài phản ứng, và Trump còn ngại. Ông ta đã cho thấy chẳng biết gì và chẳng quan tâm gì đến trật tự quốc tế ở khu vực này. Mục tiêu của Trunp vẫn là Mỹ rút khỏi Trung Đông, hủy bỏ những cam kết và trật tự khu vực của những tổng thống Mỹ trước ông, và nhường sân chơi cho Putin làm lịch sử khi đưa Nga tiến vào vùng này.

 

Một thí dụ tương tự là Syria, nơi mà Bashar al-Assad là một nhà độc tài gia đình trị nổi tiếng, và từ mười năm nay nội loạn nổi lên nơi nơi. Syria có đa số dân theo phái Sunni, trong khi al-Assad theo phái Alawites thiểu số. Ông ta thiểu số mà tồn tại được là nhờ Nga che chở, đổi lại Syria là đầu cầu của Nga, lập được căn cứ quân sự đầu tiên ở Trung Đông. Mỹ vẫn ủng hộ những lực luợng nổi dậy ở Syria (trừ Nhà nước Hồi giáo), vừa nhằm lật đổ chế độ Assad vừa nhằm kềm chế Nga ở nước này. Mỹ đây là Mỹ dưới thời Obama.

 

Nhưng Trump cứ nhất quyết rời bỏ nơi này, không muốn làm mất lòng Nga, mặc dù giới quốc phòng và tình báo Mỹ đã nhiều lần cảnh báo, Mỹ mà rút khỏi Syria thì bao nhiêu hiểm họa sẽ đến. Trump đã rút quân Mỹ khỏi Syria bất kể sự an toàn của những lực lượng nổi dậy lâu nay vẫn được Mỹ yểm trợ. Một đàng họ bị các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tấn công nhằm vào các nhóm người Thổ Kurdish ở biên giới. Đàng khác, al-Assad muốn lợi dụng cơ hội để tiêu diệt các nhóm nổi loạn. Trump viện cớ đã được Putin hứa bảo đảm an toàn cho các nhóm người Kurd này!!!

 

Mỹ và Iran có thể hợp tác để bảo vệ chế độ ở Afghanistan và Iraq. Đó là điều có thể thực hiện dưới thời Obama, khi Mỹ và các nước đồng minh phương Tây vào năm 2015 ký một hiệp định ủng hộ Iran ngừng phát triển lực lượng nguyên tử, đổi lại giao thương sẽ giúp Iran phát triển kinh tế. Iran có thể giúp Mỹ kềm chế Taliban. Iran cũng có thể giúp Mỹ đẩy lui sự đe dọa của Nhà nước Hồi giáo (ISIS) ở Iraq. Và nhờ thế Mỹ có thể duy trì được thế đồng minh với cả Kabul và Baghdad. Nhưng chúng ta cũng biết ngay dưới thời Obama, Benjamin Netanyahu, thủ tướng Do Thái, đã quyết liệt chống hiệp định này với lý do “Mỹ không kiểm soát được Iran”. Ông ta vẫn xem Iran là kẻ thù, hay mối đe dọa, số 1 của Do Thái. Bởi vậy, ông ta tìm mọi cách để phá quan hệ Mỹ và Iran. Và cũng vì thế quan hệ Mỹ-Do Thái khá lạnh nhạt dưới thời Obama.

 

Tổng thống Trump lên thay Obama và “mở ra một chương mới”, như Trump vẫn tự hào. Với “cố vấn tối cao” Jared Kushner, chàng rể gốc Do Thái, năm 2018 Trump đơn phương rút khỏi hiệp định này, và đòi thương thuyết lại để có một hiệp định mới mang tên ông ta, nhưng Iran từ chối. Trump đến tận Đông Jerusalem để nhìn nhận đây mới là thủ đô của Do Thái (không phải Tel Aviv như thế giới công nhận bấy lâu nay), và giảm thiểu viện trợ cho người Palestine. Trump trở lại chính sách thù nghịch với Iran theo ý muốn của Kushner và Netanyahu!

 

Vào đầu tháng giêng năm nay, Mỹ hạ sát tướng Suleimani của Iran tại Baghdad, một quyết định hẳn phải được Netanyahu đưa đường, Kushner dẫn lối. Nhưng việc Do Thái hạ sát nhà khoa học chuyên ngành nguyên tử Mohsen Fakhrizadek của Iran vào ngày 27-11 ngay tại vùng ngoại ô thủ đô Tehran là một điệp vụ được tính toán rất kỹ – rất thành công, như phim ảnh.

 

Chỉ hơn hai tháng sau khi Trump ca ngợi Do Thái dưới sự lãnh đạo của Netanyahu đã hòa hiếu hết cỡ, ký hòa ước với hai nước Hồi giáo Trung Đông Bahrain (1.6 triệu dân) và United Arab Emirates (9.6 triệu), Do Thái đã tiến hành vụ ám sát rất táo bạo này (bẳng phương pháp tấn công “kiểm soát từ xa”). Hầu như đương nhiên, Mỹ phải cho phép tiến hành vụ ám sát này. Và đây có thể là một trong những “quyết định lịch sử” cuối cùng của Trump trước khi rời Tòa Bạch Ốc.

 

Chúng ta nên nhớ là sau khi Liên Xô sụp đổ (năm 1990), Nga và Iran đã là hai nước đồng minh chặt chẽ, lập nên một cái trục chạy dài vùng Trung Á. Hai nước còn là đồng minh quân sự ở Afghanistan, Iraq và Syria. Iran đã dắt tay Nga đi vào, và nơi nào Nga đến thì Mỹ đi.

 

Chẳng biết rồi đây Iran sẽ làm gì để trả thù, nhưng vụ ám sát nhà khoa học hàng đầu này đương nhiên sẽ làm khó Joe Biden vô kể khi ông muốn tái lập trật tự cũ ở Trung Đông thời Obama mà Trump đã phá bỏ. Việc bình thường hóa quan hệ Mỹ-Iran và tiến hành tái thương lượng là một thử thách rất lớn cho cả Mỹ và Iran. Nhưng để cho kinh tế khắc phục những khó khăn, Iran có thể vẫn phải đi tới trong hướng đó. Đồng thời Iran sẽ phải nhích lại gần Nga hơn – vừa vì lý do kinh tế vừa trong mục đích quân sự.

 

Liệu Do Thái, dưới đế chế tham nhũng của Netanyahu, có thể xỏ mũi Mỹ mãi hay không?

Và đương nhiên, chỉ có Nga là hài lòng trước diễn tiến hủy hoại trật tự khu vực hiện nay ở Trung Đông.

 

Netanyahu là vấn đề của Do Thái. Trump là vấn đề của Mỹ. Chỉ có sự hợp tác giữa hai nước mới giải quyết được những vấn đề của mình.

 

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats