Thursday, 17 December 2020

KHI NGƯỜI VIỆT YÊU TỰ DO DÂN CHỦ CHIA RẼ, AI CÓ LỢI? (Song Chi)

 


Khi người Việt yêu tự do dân chủ chia rẽ, ai có lợi?

Song Chi  

Thứ Hai, 12/14/2020 - 10:18 — songchi

https://www.rfavietnam.com/node/6613  

 

Chúng ta thường được nghe, được học từ nhỏ rằng người Việt chúng ta có nhiều đức tính tốt đẹp như cần cù, siêng năng, yêu nước, có tinh thần đoàn kết…Nhưng nếu nói về sự đoàn kết thì chưa chắc đã đúng. Dường như người Việt chỉ đoàn kết khi có giặc ngoại xâm, phải cùng nhau chiến đấu để bảo vệ sự sống còn của đất nước, dân tộc. Còn trong thời bình, người Việt rất chia rẽ, trong nước thì đến bây giờ vẫn cứ phân biệt/kỳ thị người miền này miền kia, dân Thủ đô với dân tỉnh lẻ, dân tại chỗ với dân nhập cư, ra bên ngoài sống cũng phân biệt người miền nào, người đến trước hay người đến sau v.v…Và đó chỉ là một ví dụ nhỏ. Người Việt còn bất đồng, chia rẽ nhau vì vô số lý do khác.

 

Điều đó có thể do nguyên nhân lịch sử: dù cùng một dòng máu Lạc Hồng, cùng một ngôn ngữ nhưng trong quá khứ, lãnh thổ VN từng bị chia cắt nhiều lần, đáng kể là 2 lần chia cắt: Lần thứ 1 là thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (1600-1787), bắt đầu khi chúa Nguyễn Hoàng ly khai khỏi miền Bắc và kết thúc khi quân Tây Sơn tiến ra tiêu diệt chúa Trịnh; lần thứ 2 là thời chiến tranh Việt Nam (1954-1976), bắt đầu từ Hiệp định Genève 1954 cho đến khi Sài Gòn thất thủ ngày 30 tháng 4 năm 1975, chiến tranh VN kết thúc. Chưa kể thời Pháp thuộc thì Pháp đã chia Việt Nam ra làm 3 xứ riêng lẻ, dù không chia cắt về lãnh thổ, là Bắc Kì, Trung Kỳ (dưới chế độ bảo hộ - protectorat), và Nam Kì (dưới chế độ thuộc địa - colonie).

 

Còn nếu truy tìm tận gốc thì ngay từ trong huyền thoại Âu Cơ-Lạc Long Quân xa xưa thời lập nước, hai nhân vật được xem là thủy tổ sinh ra dân tộc Việt Nam này đã chia tay nhau, chia đôi 50 người con theo mẹ lên núi, 50 người theo cha xuống biển rồi.

 

Phải chăng vì vậy mà ngay cả bây giờ, 45 năm sau khi “thống nhất về lãnh thổ” giữa người Việt 2 miền, người Việt trong ngoài nước vẫn chưa thật sự “thống nhất về lòng người”, dẫn tới một thực tế là người Việt rất hay dễ tranh cãi nhau, bất đồng với nhau về nhiều điều? Nhất là trong quan điểm chính trị. Trước đây thì là quan điểm chính trị về VN.

 

Nhưng tình trạng chia rẽ đó càng trở nên gay gắt hơn trong mấy năm qua, không chỉ còn là chuyện chính trị VN nữa mà là chính trị Mỹ. Chỉ vì ủng hộ hay chỉ trích một Tổng thống, một chính đảng nào đó của Mỹ, rất nhiều người có thể miệt thị nhau, block nhau trên mạng cho tới từ nhau ngoài đời, dù lắm khi từng là bạn nhau bao nhiêu năm hay thậm chí là người nhà với nhau. Chuyện này nhiều người, nhiều bài viết trên mạng xã hội cho tới báo Người-Việt, BBC, VOA…tiếng Việt cũng đã đề cập đến.

 

Song có một điều khác nguy hiểm hơn, là vì mãi tranh cãi nhau chuyện chính trị Mỹ, chuyện bầu cử Mỹ, nhiều khi chúng ta quên đi mất bao nhiêu vấn đề khác nghiêm trọng hơn của đất nước, dân tộc.

 

Cứ nhìn lại trong suốt thời gian mấy năm gần đây là thấy, bao nhiêu tội ác tày trời của nhà cầm quyền trong những vụ như Đồng Tâm, Thủ Thiêm, đàn áp bắt bớ người bất đồng chính kiến, kết án tù dài hạn hoặc thậm chí tống vào Bệnh Viện Tâm thần (như nhà báo tự do Lê Anh Hùng, nhà văn Phạm Thành), bao nhiêu vụ án tham nhũng gây tổn hại kinh hoàng cho đất nước, bao nhiêu sự trái tai gai mắt, bất công, phi lý phi nhân xảy ra hàng ngày…người Việt xôn xao năm ba bữa rồi quên, rồi lại quay về với chuyện chính trị Mỹ, bầu cử Mỹ. Câu hỏi là khi người Việt vì chia rẽ mà có phần xao nhãng đi tình hình chính trị xã hội VN, thì ai có lợi?

 

Dịch giả Phạm Viêm Phương viết trên facebook:

 

ĐỊCH TA BẠN THÙ

 

Những bài học chính trị đầu tiên mà tôi được/bị học sau 1975 là về cách phân biệt địch ta bạn thù, và cách phân hóa kẻ thù cũng như khai thác (nói trắng hơn là "lợi dụng") những lực lượng (tầng lớp) được coi là bạn. Phải chăng những kỹ thuật ấy đã ghi ít nhiều trong óc và khiến tôi đặt câu hòi, "Ai là kẻ có lợi nhất trong tình trạng phân hóa, chia rẽ (tới mức thù ghét nhau cùng cực) trong hàng ngũ những người được coi là có ít nhiều khả năng đọc, phân tích, suy nghĩ, và phản biện hiện nay?"

 

Trên fb, tôi nhìn thấy sự chia rẽ này trong đủ thứ chuyện chứ không riêng gì chuyện bầu cử Mỹ.

 

Tôi nghĩ rằng, một khi xác địch được kẻ thù lớn nhất, nguy hiểm nhất, cần dồn sức chống nhất, người ta có thể dễ dàng xem những mâu thuẫn khác là không đáng kể.

Bất đồng chính kiến (hay bất đồng ý kiến ở mọi lãnh vực) là cần thiết, nhưng đừng để nó gây bất hòa, lại càng không nên để nó dẫn đến thù hằn.

 

Điều đó hoàn toàn chính xác.

 

Chưa kể, có một hiện tượng là trong những năm qua, nhất là trước, trong và sau bầu cử Mỹ, fake news tức tin giả, tin vịt tràn lan khắp nơi. FBI, CIA đã khẳng định rất nhiều tin giả, tin vịt đó bắt nguồn từ Nga, Tàu và Iran-các quốc gia không thân thiện với Mỹ. Còn với người Việt, tin giả tiếng Việt một phần bắt nguồn từ những trang báo ở bên ngoài trong đó nổi bật là Đại Kỷ Nguyên, bản tiếng Việt của The Epoch Times (Đọc thêm: “Người Việt và Hoa cùng đọc Đại Kỷ Nguyên và ủng hộ TT Trump đến cùng?”, BBC), từ các kênh youtube tiếng Việt của một số nhân vật người Việt sống tại Mỹ. Nhưng còn có những tin giả, tin vịt có máy chủ tại VN nữa. Rất nhiều người Việt đã post, like, share những tin giả này vì nó hợp với điều họ muốn nghe, muốn tin chứ không phải vì nó đúng sự thật. Ngoại trừ những kênh truyền thông, những tờ báo bên ngoài, thì với những tin giả xuất phát từ trong nước ai đứng đằng sau? Nhằm mục đích gì?

 

Không có gì khó để suy luận. Tin giả từ Nga, Tàu, Iran tung ra thì mục đích là để làm cho nước Mỹ bị chia rẽ, người Mỹ và thế giới mất lòng tin vào hệ thống dân chủ Mỹ, luật pháp Hiến pháp Mỹ và như thế là làm cho Mỹ bị suy yếu đi. Còn với nhà cầm quyền VN, tung ra tin giả hay sử dụng đội ngũ “dư luận viên” lập ra hàng ngàn tài khoản facebook, góp phần lan truyền tin giả, nhảy vào chỗ này chỗ kia chơi trò kích động, khiến người Việt trong ngoài nước tối ngày lo cãi nhau chuyện chính trị Mỹ mà quên đi thực trạng của VN, phong trào đấu tranh dân chủ ở VN bị sa sút, mất lửa hẳn.

 

Thậm chí có người còn bi quan cho rằng phong trào đối kháng ở VN đã chết, với một trong những khuôn mặt có tiếng trên trường quốc tế là nhà báo Phạm Đoan Trang bị bắt vào tháng 10.2020 nhưng không có một cuộc xuống đường hay một phản ứng gọi là mạnh mẽ nào từ phía những người yêu tự do dân chủ! Hay cuộc tuyệt thực lần này của một trong những tù nhân lương tâm nổi tiếng nhất, Trần Huỳnh Duy Thức, cũng thế. Nghe cay đắng nhưng không sai.

 

Thực tế suốt cuộc chiến tranh VN cho tới 45 năm qua đã cho chúng ta thấy Cộng Sản là bậc thầy như thế nào trong những trò gây chia rẽ này, nên chớ để mắc mưu họ. Và hãy tự hỏi, với 95, 96 triệu người Việt trong nước, cái gì mới là quan trọng hơn, vận mệnh đất nước VN, dân tộc VN hay chuyện nước Mỹ?

 

songchi's blog

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats