Saturday, 19 December 2020

COVID-19 : THẾ GIỚI HỐI HẢ KHỞI ĐỘNG CHIẾN DỊCH TIÊM CHỦNG (Thanh Phương - RFI)

 


Covid-19: Thế giới hối hả khởi động chiến dịch tiêm chủng

Thanh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 19/12/2020 - 16:11

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD...A7ng

 

Sau Anh Quốc, một số nước khác đã khởi động chiến dịch chích ngừa Covid-19; Sau khi đại cử tri đoàn chính thức bầu Biden làm tổng thống Mỹ, đảng Dân Chủ nỗ lực giành thêm chiến thắng ở Thượng Viện; Một nhà nghiên cứu Đức tố cáo Trung Quốc cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ; Giới văn nghệ sĩ Anh tiếc thương John Le Carré, bậc thầy của truyện gián điệp. Đó là những chủ đề chính của tạp chí Thế Giới Đó Đây cuối tuần này.

 

https://s.rfi.fr/media/display/b2c19774-411a-11eb-9220-005056bfd1d9/w:980/p:16x9/2020-12-15T223621Z_1354002444_RC2YNK94B6GM_RTRMADP_3_HEALTH-CORONAVIRUS-CANADA-VACCINES.webp

Một nhân viên viện dưỡng lão được chích ngừa Covid-19 tại Vancouver, Canada, ngày 15/12/2020. REUTERS - JENNIFER GAUTHIER

 

 

Covid-19 : Thế giới đua nhau tiêm chủng

 

Cùng lúc với Hoa Kỳ, ngày 14/12/2020, Canada đã khởi động chiến dịch chích ngừa Covid-19, đầu tiên là tiêm chủng cho những người sống trong các viện dưỡng lão ở Québec và các nhân viên y tế ở Ontario. Theo kế hoạch, từ đây đến đầu tháng 1/2021, khoảng 50.000 người dân Canada sẽ được chích ngừa virus corona. Đây được coi là chiến dịch tiêm chủng quy mô nhất trong lịch sử nước này.

 

Từ Québec, thông tín viên Pascale Guéricolas tường trình ngày 14/12:

Những tràng vỗ tay vang lên dồn dập để hoan nghênh cụ bà Gisèle Lévesque, 89 tuổi, phụ nữ Canada đầu tiên được chích ngừa tại thành phố Québec, ngay trước khi đến lượt một hộ lý ở Toronto. Tại Québec, chính quyền địa phương ưu tiên chích ngừa trong các viện dưỡng lão, nơi tập trung gần 2 phần 3 số ca tử vong. Hai bộ trưởng Y Tế của Québec và Canada đã cùng nhau trải qua thời điểm quan trọng này, được xem như là tín hiệu hy vọng giữa cơn khủng hoảng đại dịch, theo lời dân biểu đảng cầm quyền Pablo Rodriguez: « Tôi  muốn gởi lời cám ơn đến các nhân viên y tế, ở vùng Québec của chúng tôi và ở khắp Canada. Nhưng đó chỉ mới là khởi đầu, chúng ta hãy cùng nhau tiếp tục, cám ơn ! »

Trong khi có đến 95% số người sống trong các viện dưỡng lão cho biết sẵn sàng được chích liều vac-xin đầu tiên, thì tỷ lệ này nơi các nhân viên y tế tụt xuống còn 40%. Khi được hỏi về điều đó, bà Francine Dupuis, điều hành nhiều cơ sở y tế ở Montréal, tỏ vẻ tin tưởng : « Chắc chắn là còn rất nhiều việc phải làm trước khi tiêm chủng cho toàn bộ người dân. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm công tác truyền thông để khuyến khích thêm nhiều người chích ngừa. »

 

Vac-xin của của hai hãng Mỹ Đức Pfizer/BionNTech là thuốc tiêm chủng đầu tiên được cấp phép ở một số nước phương Tây như Anh, Mỹ, Canada (riêng Hoa Kỳ vừa cấp phép cho vac-xin thứ Hai, vac-xin của Moderna, hôm 17/12), cũng như ở một số nước khác như Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Hai nước vùng Vịnh cũng đã bắt đầu chích ngừa cho dân trong tuần này.

 

Về phần châu Âu, hôm thứ Tư 16/12/2020, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen thông báo là 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu sẽ có thể bắt đầu chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 kể từ ngày 27/12, sau khi Cơ quan dược phẩm châu Âu ( EMA ) cấp phép cho vac-xin Pifzer-BioNtech. Dưới áp lực của nước Đức, Cơ quan dược phẩm châu Âu sẽ họp lại ngay từ ngày 21/12, tức là sớm hơn một tuần so với dự kiến ban đầu, để cho biết ý kiến về vac-xin Pifzer-BioNtech. Ủy Ban Châu Âu có thể sẽ cấp phép cho vac-xin trong khoảng thời gian lễ Noel. Hôm thứ Tư, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu cũng nhắc lại là họ đã đặt mua số lượng vac-xin nhiều hơn mức cần thiết để chích ngừa cho toàn bộ người dân châu Âu, thông qua các hợp đồng với nhiều viện bào chế khác nhau để có một nguồn vac-xin đa dạng.

 

Riêng tại nước Pháp, thủ tướng Jean Castex ngày 16/12 đã thông báo là chiến dịch chích ngừa Covid-19 tại Pháp sẽ bắt đầu ngay từ tuần cuối của tháng 12, nhưng những người không thuộc diện ưu tiên sẽ phải chờ đến cuối mùa xuân năm tới mới được tiêm chủng.

Hy vọng là việc chuẩn bị cho chiến dịch chích ngừa Covid-19 tại Pháp nói riêng và châu Âu nói chung sẽ không bị xáo trộn bởi việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 17/12/2020 được xét nghiệm dương tính với virus corona và phải tự cách ly trong 7 ngày. Cùng với tổng thống Macron, một số lãnh đạo chính trị của Pháp và châu Âu, do có tiếp xúc gần với nguyên thủ quốc gia, cũng phải tự cách ly trong 7 ngày, để đề phòng cho dù được xét nghiệm âm tính, như thủ tướng Jean Castex, chủ tịch Hạ Viện Richard Ferrand, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, thủ tướng các nước Bồ Đào Nha (Antonio Costaet), Bỉ (Alexander De Croo), Tây Ban Nha (Pedro Sanchez) và

Luxembourg (Xavier Bettel).

 

 

Hoa Kỳ: Biden lại đi vận động

 

Sau khi chính thức được đại cử tri đoàn bầu làm tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, ngày 15/12/2020, ông Joe Biden đã đến Atlanta để yểm trợ hai ứng cử viên Dân Chủ tranh cử Thượng Viện Raphael Warnock et de David Ossof.

 

Cả hai đều phải cố giành được chiếc ghế nghị sĩ để bảo đảm cho đảng Dân Chủ nắm đa số ở Thượng Viện. Georgia là bang mà ông Biden giành thắng lợi với đa số sát sao và như vậy là chưa có gì chắc chắn trong cuộc bầu cử có có tính chất quyết định này vào ngày 05/01 tới. Thông tín viên thường trực của RFI Anne Corpet tường thuật từ Atlanta :

 

Về phía đảng Dân Chủ, để có thể giành chiến thắng, các ứng cử viên phải quy tụ một liên minh rộng lớn bao gồm: thiểu số người da đen, gốc Mỹ La tinh, gốc Á và thành phần cấp tiến ở các vùng ngoại ô lớn.

Alexis Harris, nữ sinh viên khoa học chính trị người Mỹ gốc Phi, ý thức rất rõ về tầm quan trọng của cuộc bầu cử này. Cô nói :

« Chúng tôi sẽ quyết định ai kiểm soát Thượng Viện, nơi nắm quyền lực chính trị thật sự ở Hoa Kỳ, bởi vì nếu chúng tôi không kiểm soát được Thượng Viện, chúng tôi sẽ không thể đưa được các dự luật lên đến văn phòng tổng thống. Cho nên, nhiều người trong chúng tôi thấy trách nhiệm của mình rất nặng nề và điều này khiến chúng tôi phải càng tích cực tham gia.

Nhưng phe Cộng Hòa cũng nhận thấy tầm quan trọng của cuộc bầu cử Thượng Viện này. Eddi Tuck còn rất đau về thất bại của Donald Trump, nhưng anh vẫn rất quyết tâm. Anh nói :

« Mọi cặp mắt nay đều hướng về Georgia, cả nước đang nhìn vào chúng tôi. Cuộc bầu cử này quan trọng lắm. Bằng mọi giá chúng tôi phải giữ được đa số ở Thượng Viện, để duy trì sự cân bằng quyền lực. »

Các ứng cử viên Cộng Hòa mô tả đối thủ Dân Chủ của họ như là những kẻ theo chủ nghĩa xã hội cực đoan, một lập luận thuyết phục được rất nhiều người tại bang miền nam theo xu hướng bảo thủ này. Ông Joe Biden, vốn được xem là một nhân vật thuộc cánh trung, sẽ cố làm dịu đi hình ảnh đó, nhưng tổng thống tân cử sẽ khó mà thu phục được những cử tri Cộng Hòa đã bỏ phiếu cho Donald Trump ».

 

Về phần Donald Trump, cho tới nay ông vẫn dứt không nhìn nhận đã thất cử và vẫn đưa ra những cáo buộc không có cơ sở về các vụ gian lận bầu cử. Những người trung thành với tổng thống Cộng Hòa mãn nhiệm thì vẫn hy vọng Quốc Hội Mỹ sẽ đảo ngược kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn ngày 06/01 năm tới. Nhưng gần như chắc chắn là điều này không thể xảy ra, vì muốn như thế thì phải có sự chấp thuận của đa số hai phần ba Quốc Hội lưỡng viện. Trong khi đó, thứ nhất là đảng Dân Chủ đang nắm đa số ở Hạ Viện, thứ hai là tại Thượng Viện, có rất nhiều nghị sĩ Cộng Hòa, kể cả lãnh đạo khối đa số Cộng Hòa Mitch McConnell, đã công nhận chiến thắng của ông Joe Biden.

 

 

Trung Quốc bị tố cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ

 

Trong khi cả thế giới lo chống dịch Covid-19, Trung Quốc tiếp tục đàn án sắc tộc Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Theo một nghiên cứu mới vừa được công bố tại Hoa Kỳ trong tuần này, hơn nữa triệu người thuộc các sắc tộc thiểu số đã bị đưa đi lao động cưỡng bức tại các cánh đồng trồng bông sợi. Tác giả của báo cáo này là nhà nghiên cứu người Đức Adrian Zenz, một trong những người đầu tiên tìm hiểu về các trại tập trung do chính quyền Bắc Kinh lập ra để giam giữ người Duy Ngô Nhĩ. Trả lời RFI Pháp ngữ, ông Adrian Zenz cho biết :

 

« Chúng tôi biết là tình trạng lao động cưỡng bức có trong ngành dệt may. Nhưng điều mà nay chúng tôi có thể chứng minh, đó là trong cả việc thu hoạch bông sợi, Trung Quốc cũng sử dụng đến nữa triệu lao động thuộc các sắc tộc thiểu số. Kế hoạch lao động cưỡng bức này đã được phát triển cùng lúc với việc giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung. Nhưng ở đây là những người Duy Ngô Nhĩ còn tự do. Họ bị tuyển dụng một cách cưỡng bức và buộc phải làm việc theo hướng thay đổi xã hội và văn hóa của họ, để gia tăng sự kiểm soát của nhà nước lên họ. Họ ép buộc các nông gia và các nhà chăn nuôi truyền thống Duy Ngô Nhĩ biến thành những nhân viên hay công nhân nhà máy. »

 

 

Vĩnh biệt bậc thầy của truyện gián điệp

 

Cái chết của nhà văn Anh nổi tiếng John Le Carré ở tuổi 89 đã gây xúc động mạnh tại nước này. Bậc thầy về truyện gián điệp, đã bán hơn 60 triệu cuốn sách trên thế giới, vừa qua đời hôm thứ bảy 12/12/2020 vì bệnh viêm phổi. Ông đã viết tổng cộng 25 tiểu thuyết và nhiều hồi ký. Tên thật là David Cornwell, John Le Carrré đã nổi tiếng khắp thế giới kể từ khi cho ra mắt độc giả cuốn tiểu thuyết thứ ba « Điệp viên đến từ vùng đất lạnh », xuất bản năm 1964, khi ông còn là một nhà ngoại giao làm việc trong đại sứ quán Anh ở Bonn, Đức. Rất nhiều người trong giới văn nghệ sĩ Anh Quốc hôm thứ Hai vừa qua đã tỏ lòng tôn vinh bậc thầy về truyện gián điệp. Từ Luân Đôn, thông tín viên Muriel Delcroix tường trình :

 

« Một người khổng lồ của văn học Anh » và « một trong những tiểu thuyết gia lớn nhất của nước Anh thời hậu chiến » : các nhà sử học, nhà văn, cũng như các diễn viên từng thể hiện các nhân vật của ông trên màn ảnh nhỏ, cũng như màn ảnh lớn, hôm thứ hai này đã thi nhau bày tỏ nỗi đau buồn của họ trước cái chết của John Le Carré. Nam tài tử Anh Gary Oldman, từng đóng vai George Smiley, nhân vật huyền thoại của John Le Carré, trong phóng tác điện ảnh "Tinker Taylor Soldier Spy", đã bày tỏ sự ngưỡng mộ của ông đối với một tác giả lớn, bậc thầy thực thụ về truyện gián điệp, một nhà văn nghiêm túc, bí hiểm, chín chắn, nhưng cũng là một « người đàn ông lịch lãm ».

 

« John Le Carré đã xâm nhập được vào văn hóa bình dân, một điều rất hiếm », theo nhận xét của nhà văn Anh  Robert Harris. Đối với ông, « Điệp viên đến từ vùng đất lạnh quả là một kiệt tác, một bức chân dung tâm lý tuyệt hảo về sự phản bội và sự suy đồi của chính quyền Anh ».

 

Còn đối với tác giả Mỹ Stephen King, John Le Carré đúng là « một người khổng lồ của nền văn học và hiện thân của tinh thần nhân bản ». Đó là hai phẩm chất mà đại diện của nhà văn, Jonny Geller, cũng ca ngợi khi thông báo cái chết của điệp viên trở thành tác giả. Geller không giấu nỗi đau buồn của ông khi thấy Anh Quốc mất đi « một nhân vật rất dí dỏm, rất thông minh và rất khoan dung ». Rồi ông kết luận : « Tôi vừa mất một người bạn thân, một người thầy và một nguồn cảm hứng ».

 

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats