Friday, 25 December 2020

ANH - LIÊN HIỆP CHÂU ÂU : THỎA THUẬN HẬU BREXIT AI LÀ NGƯỜI THẮNG, KẺ THUA? (Anh Vũ - RFI)

 


Anh - Liên Hiệp Châu Âu : Thỏa thuận hậu Brexit ai là người thắng, kẻ thua ?

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 25/12/2020 - 15:06

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20201225......thua

 

Một tuần trước hạn cuối cùng, hôm qua 24/12/2020, Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu (EU) thông báo đã đạt được thỏa thuận định hình cho mối quan hệ thương mại hậu Brextit, kể từ ngày 1 tháng Giêng năm 2021, thời điểm Anh phải ra khỏi thị trường châu Âu. Sau khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp, Luân Đôn cũng như Bruxelles đã trút được nỗi lo một kết cục tai hại Brexit không thỏa thuận.

 

https://s.rfi.fr/media/display/7a9cffe0-45fd-11eb-a3bb-005056bf18d4/w:980/p:16x9/AP20342690164554.webp

Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu đạt được thỏa thuận hậu Brexit, ngày 24/12/2020. Ảnh minh họa. AP - Frank Augstein

 

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, cũng như thủ tướng Anh, ngay chiều tối hôm qua, đã đều tuyên bố thỏa thuận là một thắng lợi. Đi vào thực chất của vấn đề thì ai là người thắng, kẻ thua sau các vòng thương lượng tranh giành nhau từng điểm, từng số liệu câu chữ kéo dài 10 tháng qua giữa Anh và Liên Hiệp Châu Âu ?

 

Bà Ursula von der Leyen đã trút thở phào nhẹ nhõm khi đã có thể xếp sang một bên hồ sơ Brexit đầy phiền toái kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý 23/06/2016, khi người Anh chọn chia tay với Liên Hiệp Châu Âu. « Đã đến lúc để lại Brexit phía sau chúng ta. Tương lai giờ ở châu Âu », chủ tịch Ủy Ban Châu Âu tuyên bố.

 

Trong khi đó, bên kia bờ biển Manche, thỏa thuận hậu Brexit đã mang lại lợi thế chính trị cho thủ tướng Boris Johnson và ông cũng ngay lập tức tuyên bố đây là thắng lợi, coi thỏa thuận như là một món quà Giáng Sinh cho người dân Anh. 

 

Đúng một năm sau khi được bầu làm thủ tướng Anh, ông Boris Johnson cuối cùng đã hoàn thành lời hứa khi tranh cử : Hoàn tất thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Liên Âu. 

 

Toàn bộ thỏa thuận được cho dày tới 2000 trang, không mấy ai đã đọc hết các nội dung chi tiết điều khoản và dù chính phủ Anh hay châu Âu đã phải nhượng bộ một số điểm mấu chốt trên bàn thương lượng, rõ ràng nhờ có thỏa thuận mà cả hai bên đã tránh được một cuộc chia tay trong hỗn loạn và đẩy các tác nhân kinh tế cũng như các công dân có liên hệ với Anh Quốc vào trong bất định hoàn toàn. Trước mắt thỏa thuận tạo ra một khuôn khổ cho các quan hệ hợp tác giữa hai bên trong tương lai, không chỉ đơn giản trong thương mại, kinh tế mà sẽ còn có những tác động đến các mối quan hệ khác giữa Anh và các nước trong Liên Hiệp Châu Âu.

 

Thực tế thì tự thân Brexit đã là một cú sốc kinh tế cho cả hai bên. Nhưng dù có thỏa thuận hay không thỏa thuận thì từ đầu năm tới, giữa Anh và các nước Liên Âu sẽ kết thúc tự do lưu thông con người, hàng hóa, dữ liệu, tiền vốn và các dịch vụ tài chính... Nói một cách khác các quan hệ hai bên sẽ được điều chỉnh bằng các kiểm soát thuế quan, chuẩn mực an toàn sản phẩm, rồi các thủ tục hành chính, giấy phép.

 

Nhưng trong trường hợp không đạt được thỏa thuận thương mại như ngày hôm qua, hai bên sẽ còn phải bổ sung thuế nhập khẩu về sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp. Trong trường hợp này, Luân Đôn sẽ là bên thua thiệt nhất khi mà 50% hàng xuất nhập khẩu của Anh gắn với thị trường châu Âu, trong khi tỷ trọng xuất khẩu của EU sang Anh chỉ chiếm 8%.

 

Các cuộc thương lượng gai góc liên quan đến một hồ sơ khác mang tính biểu tượng về chủ quyền lãnh thổ của Anh, đó là việc Anh muốn giảm tới 60% giá trị đánh bắt hải sản của các tàu cá châu Âu trong vùng biển của Anh trong khi mà 80% sản lượng hải sản của các ngư dân Anh được xuất khẩu sang châu Âu. Cuối cùng, hai bên đã dàn xếp được với nhau về con số cắt giảm giá trị đánh bắt hải sản của các tàu châu Âu từ nay đến năm 2026 là 25%.

 

Với thỏa thuận hậu Brexit, ông Boris Johnson khẳng định, Anh « đã kiểm soát trở lại đồng tiền của chúng ta, biên giới, luật pháp, thương mại và vùng biển đánh bắt cá của chúng ta». Luân Đôn bảo đảm thỏa thuận này đã đáp ứng được các đòi hỏi của cuộc trưng cầu dân ý 2016 về việc Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

 

Giới quan sát đều nhất trí cho rằng thỏa thuận hậu Brexit mà Luân Đôn và Bruxelles đạt được vào giờ chót không thể giải quyết và lường trước được hết các tình huống quan hệ giữa hai bên, vẫn chỉ được áp dụng tạm thời từ đầu năm tới. Giai đoạn tiếp theo, Nghị Viện Châu Âu bỏ phiếu thông qua trước khi toàn thể 27 nước thành viên phê chuẩn. Tương tự tại Anh, văn kiện sẽ phải được Nghị Viện bỏ phiếu thông qua trước khi được Nữ hoàng ký phê chuẩn. Trong khi đó, văn kiện rất dài này còn chứa đựng nhiều nội dung mà các nhà lập pháp, công luận và các giới chính trị tranh cãi.

 

                                                    ***

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Anh và Liên Hiệp Châu Âu đạt thỏa thuận cho quan hệ hậu Brexit

 

Thỏa thuận hậu Brexit : Thủ tướng Boris Johnson là "người hùng" của nước Anh ?

 

Brexit, chuyện kể không hồi kết ?

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats