Đài
Loan – chìa khóa trong xung đột Mỹ – Trung ở Biển Đông
Người dịch : Ánh
Hiền - Luật Khoa
30/11/2020
https://www.luatkhoa.org/2020/11/dai-loan-chia-khoa-trong-xung-dot-my-trung-o-bien-dong/
Vì sao Mỹ không thể “nhường” Biển Đông cho Trung Quốc và
vai trò tối quan trọng của Đài Loan.
Xung đột giữa Hoa Kỳ và
Trung Quốc ở Biển Đông đang ngày càng trở nên gay gắt. Để đối phó với các yêu
sách lợi ích phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, Hoa Kỳ đã triển khai các “Hoạt
động hàng hải tự do” và huấn luyện tập trận trong khu vực, đồng thời chỉ trích
các cuộc phóng tên lửa thử nghiệm của Trung Quốc tại đây vào tháng 8/2020 là những
hành động khiêu khích trắng trợn. Bài viết dưới đây của tác giả Nose Nobuyuki đăng trên tờ Nippon vào
ngày 20/10/2020 sẽ lý giải vì sao Biển Đông trở thành điểm nóng trong mối quan
hệ Mỹ – Trung và vai trò tối quan trọng của Đài Loan.
Ghi chú: Trong bài viết, tác giả và những tài liệu
trích dẫn đều dùng tên gọi quốc tế Biển Nam Trung Hoa (South China Sea). Người
dịch chọn tên Biển Đông cho tất cả các trường hợp trên để độc giả Việt Nam tiện
theo dõi.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/11/319422.jpg
Máy bay chiến đấu cất
cánh từ tàu sân bay Nimitz trong cuộc diễn tập với tàu sân bay Ronald Reagan tại
Biển Đông vào ngày 5/7/2020. Ảnh: Kyodo News/ Zuma Press.
***
Ý đồ của Trung Quốc
với các vụ phóng tên lửa
Vào ngày 26/8/2020, quân
đội Trung Quốc phóng bốn quả tên lửa đạn đạo về phía Biển Đông, một hành động
được cho là để thể hiện ý chí mạnh mẽ của Trung Quốc: tuyệt đối không rút lui
trước thách thức của Hoa Kỳ đối với lợi ích mà họ xem là thuộc về mình ở Biển
Đông.
Ngay ngày hôm sau, Bộ Quốc
phòng Mỹ đáp trả: “Việc tiến hành các cuộc diễn tập quân sự tại các khu vực
tranh chấp trên Biển Đông là đi ngược lại mục tiêu giảm bớt căng thẳng và duy
trì ổn định…. Hành động của Trung Quốc đi ngược lại cam kết của chính họ về việc
không quân sự hóa Biển Đông”. Vào ngày 9/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố
các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông là “bất hợp pháp”. Sau đó, vào
ngày 17/9, khi Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ có chuyến thăm đến Đài Loan, trong
hai ngày tiếp theo Trung Quốc huy động tổng cộng 35 máy bay ném bom, máy bay
chiến đấu và máy bay tuần tra băng qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan, xâm
nhập vùng nhận dạng phòng không của đảo quốc.
Căng thẳng giữa hai siêu
cường này đang lên cao, và nếu các hành động diễu võ giương oai tiếp diễn, người
ta không thể loại trừ khả năng một cuộc đụng độ vũ trang bất ngờ sẽ diễn ra. Vì
sao Biển Đông trở thành một điểm nóng xung đột? Lý do ngắn gọn là nước Mỹ nhận
định rằng, nếu Trung Quốc kiểm soát được Biển Đông, an ninh quốc gia của họ sẽ
gặp nguy hiểm.
Để hiểu hơn về điều này,
trước tiên ta cần xem xét kỹ vụ phóng tên lửa vừa qua của Trung Quốc.
Bài viết của South China
Morning Post đăng ngày 26/8/2020 tường thuật, “Trung Quốc đã phóng hai tên lửa,
bao gồm một “sát thủ diệt tàu sân bay” (aircraft-carrier killer), vào Biển Đông
vào sáng thứ Tư cùng ngày, theo một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc…
Một quả tên lửa có tên hiệu DF-26B được phóng từ tỉnh Thanh Hải ở phía Tây Bắc,
quả còn lại DF-21D phóng từ tỉnh Chiết Giang ở phía Đông.” Nguồn tin của tờ báo
cho biết “vụ phóng tên lửa này là nhằm mục đích tăng cường khả năng của Trung
Quốc trong việc hạn chế năng lực tiếp cận của các nước khác đến Biển Đông, một
khu vực đang có tranh chấp.”
“Guam Killers”
(Sát thủ đảo Guam) và “Carrier Killers” (Sát thủ tàu sân bay)
Cả hai tên lửa DF-26B và
DF-21D đều sử dụng bệ phóng di động. DF-26B có tầm bắn 4.000 km, có thể tấn
công các mục tiêu trên đất liền với đầu đạn hạt nhân hoặc phi hạt nhân. Nó được
đặt cho cái tên “Sát thủ đảo Guam” vì tầm bắn có thể vươn tới các căn cứ quân sự
của Mỹ trên đảo Guam. Dù chưa được chính thức xác nhận, nhưng một số nguồn tin
tham khảo đã phân loại đây là tên lửa chống hạm. DF-21D trong khi đó là tên lửa
tầm trung với tầm bắn 1.800 km. Nó được gọi là “Sát thủ tàu sân bay” vì có khả
năng đánh trúng các mục tiêu trên biển và tấn công hệ thống phòng vệ Aegis
(Aegis Combat Systems) của Mỹ chuyên được trang bị cho các tàu chiến.
Tên lửa đạn đạo là vũ khí
nhắm vào các mục tiêu cố định không di chuyển, nhưng tên lửa đạn đạo chống hạm
thì có đầu đạn được trang bị cảm biến truy tìm các tàu mục tiêu và tấn công vào chiến hạm đang di chuyển. Chưa có cường quốc
phương Tây nào sở hữu thứ vũ khí này.
DF-26B có tầm bắn gấp đôi
DF-21D và có trang bị khác biệt so với các tên lửa chống hạm khác, nhưng theo một bài viết trên Global
Times (Thời báo Hoàn cầu – phiên bản tiếng Anh của tờ Nhân dân Nhật
báo của Trung Quốc), cả hai tên lửa này đều có thể tấn công các khu vực trên Biển
Đông. Sử dụng chúng cùng lúc trong một cuộc “tấn công bão hòa” (saturated
attack) cho phép Trung Quốc hoàn toàn ngăn cản các nhóm tác chiến tàu sân bay của
Mỹ tiếp cận Biển Đông.
Kìm hãm hành động
quân sự của Hoa Kỳ
Trong các năm qua, Hoa Kỳ
đã nhiều lần triển khai các “Hoạt động hàng hải tự do” (gọi tắt là FONOPs) tại
Biển Đông như một cách duy trì quyền tiếp cận đi lại ở khu vực này. Hoạt động
này diễn ra hai lần vào năm 2015, ba lần vào năm 2016, sáu lần vào năm 2017,
năm lần vào năm 2018, bảy lần vào năm 2019 và tính đến ngày 27/8/2020 là bảy lần
trong năm 2020.
Ngoài ra, Hoa Kỳ còn triển
khai các cuộc tập trận khác tại khu vực. Đó là cuộc diễn tập của các nhóm tác
chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt và Nimitz gần Philippines vào
tháng 4/2020; cuộc diễn tập giữa nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan và
Nimitz tại Biển Đông vào tháng 7/2020. Cùng khoảng thời gian trên, một máy bay
ném bom cỡ lớn B-52H của Không quân Mỹ cũng được điều động cho một cuộc diễn tập
bất thường trong khu vực.
Một bài bình luận trên
tờ Global Times vào ngày 28/8/2020 xem các vụ thử tên lửa của Trung Quốc như một
phương thức để đấu lại đối phương hùng mạnh của mình trong khu vực. Bài viết
cho rằng nếu nước Mỹ “gia tăng các hoạt động quân sự trên Biển Đông nhắm vào
Trung Quốc, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) phải triển khai các
biện pháp đối phó mạnh mẽ cùng những cuộc tập trận để giảm bớt áp lực từ phía Mỹ.”
Vậy, Biển Đông có ý nghĩa
như thế nào đối với các chiến lược an ninh của Mỹ? Báo cáo của Quốc hội Hoa
Kỳ có tên “Cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ở Biển Đông và Biển
Hoa Đông (U.S.-China Strategic Competition in South and East China Seas)“, được công
bố vào tháng 8/2020, cảnh báo rằng, “các căn cứ của Trung Quốc tại Biển Đông
cùng lực lượng đồn trú hoạt động tại đó có thể giúp tạo ra pháo đài phòng ngự ở
Biển Đông, phục vụ cho lực lượng tàu ngầm chiến lược mang đầu đạn hạt nhân
(SSBNs) đang nổi lên của nước này.”
Hoa Kỳ e ngại Biển
Đông biến thành “pháo đài” của Trung Quốc
SSBN có thể được trang bị
tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân. Việc báo cáo của Quốc hội Mỹ nhấn mạnh đến
hoạt động phát triển các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc có thể là vì nó đóng
vai trò quan trọng trong vấn đề triển khai vũ khí hạt nhân ở Biển Đông.
Có thông tin cho rằng
Trung Quốc đang phát triển loại máy bay ném bom tàng hình hạng nặng có tên mã
H-20 với tầm hoạt động trên 8.500 km. Nhưng tính đến tháng 8/2020, Trung Quốc
chưa sở hữu máy bay ném bom nào có thể bay tới lục địa Mỹ. Vì vậy, Hoa Kỳ chưa
xem các máy bay ném bom của Trung Quốc là mối đe dọa trực tiếp.
Mỹ cũng chưa lo lắng nhiều
về tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Trung Quốc. Các loại tên lửa này sử
dụng hai phương thức phóng. Một là dùng các silo lớn đặt dưới lòng đất, hai là
các bệ phóng di động gắn trên xe tải hoặc các toa xe lửa. Cho dù là hệ thống
phóng nào, với công nghệ cảm biến và hệ thống vệ tinh do thám vào thời điểm hiện
tại, các vị trí phóng tên lửa có thể dễ dàng bị phát hiện, và những bệ phóng
ICBM sẽ trở thành mục tiêu đầu tiên của hệ thống tên lửa đối phương, khiến hoạt
động của chúng có thể bị ngăn chặn từ đầu.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/11/319417.jpg
Tên lửa đạn đạo
trang bị cho tàu ngầm với mã JL-2 xuất hiện trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm
quốc khánh ở Bắc Kinh. Ảnh: Kyodo.
Tuy nhiên, nếu là SSBN
(tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược) có trang bị SLBM (tên lửa đạn đạo phóng
từ tàu ngầm) thì có thể thoát khỏi đòn tấn công phủ đầu của đối phương bằng
cách lặn sâu dưới biển, và từ đó đảm bảo khả năng phản công. Trung Quốc hiện
đang vận hành sáu tàu ngầm SSBN lớp Jin (Jin-class). Mỗi tàu có thể trang bị tối
đa 12 tên lửa SLBM với mã hiệu CSS-N-14 (JL-2). Thế hệ tàu ngầm tiếp theo của
Trung Quốc, Loại 096 (Type 096), sẽ được trang bị loại tên lửa mới JL-3, và đã
được lên kế hoạch chế tạo từ đầu năm 2020.
Tên lửa JL-2 có tầm bắn
trên 7.400 km, nhưng theo bản báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về năng lực quân
sự của Trung Quốc vào năm 2020, “tầm bắn giới hạn của JL-2 vào thời điểm hiện tại
sẽ buộc tàu ngầm lớp Jin phải hoạt động trong khu vực phía Bắc và Đông Haiwaii
nếu Trung Quốc muốn nhắm đến các mục tiêu ở bờ biển *phía Đông của Mỹ”. (Người
dịch: có lẽ tác giả nhầm lẫn và đang muốn nói đến bờ biển phía Tây nước Mỹ). Việc
tàu ngầm Trung Quốc hoạt động tại khu vực trên mà không bị Mỹ phát hiện ngăn chặn
gần như là điều không thể xảy ra. Vì vậy, vào thời điểm hiện tại, Trung Quốc
khó có thể sử dụng các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm để tấn công các mục
tiêu trên lục địa Hoa Kỳ.
Sự phát triển tên
lửa của Trung Quốc là “mối nguy” đối với Mỹ
Tuy nhiên, với tên lửa mới
JL-3, được thử nghiệm từ tháng 11/2018, cục diện có thể thay đổi. JL-3 có tầm bắn
từ 12.000-14.000 km, và tàu ngầm Loại 096 có thể mang 24 quả tên lửa loại này.
Báo cáo năm 2020 ở trên đề cập, “Với việc Trung Quốc triển khai các loại tên lửa
SLBM mới hơn, hiện đại hơn, có tầm bắn xa hơn như JL-3, Hải quân Trung Quốc sẽ
có khả năng tấn công các mục tiêu của Hoa Kỳ từ vùng bờ biển của Trung Quốc
(littoral waters).”
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/11/321129.png
Bản đồ minh họa tầm
bắn các loại tên lửa đạn đạo của Trung Quốc. Ảnh: Nippon
Việc triển khai tàu ngầm
Loại 096 trang bị tên lửa JL-3 rõ ràng tạo ra mối đe dọa trực tiếp đối với Hoa
Kỳ, khi nó cho phép Trung Quốc sở hữu con bài có sức mạnh răn đe, có khả năng tấn
công lục địa nước Mỹ.
Vùng bờ biển mà Trung Quốc
có thể sử dụng để tấn công Hoa Kỳ chính xác là khu vực nào?
Các vùng biển tiếp giáp với
Trung Quốc có thể được chia thành ba khu vực: Biển Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và
Biển Đông. Độ sâu trung bình của Biển Hoàng Hải chỉ vào khoảng 50 mét. Biển Hoa
Đông gần như sâu chưa tới 200 mét. Giả sử tàu ngầm tên lửa lớp Jin cố gắng tiến
vào Thái Bình Dương từ bờ biển Trung Quốc qua Biển Hoàng Hải và Biển Hoa Đông,
nó sẽ phải vượt qua khu vực quần đảo Satsunan và Ryukyu của Nhật Bản. Nơi đây
được ví như bức tường, đặt dưới sự theo dõi thường xuyên của máy bay tuần tra
P-8A của Mỹ, xuất phát từ căn cứ không quân Kadena tại đảo Okinawa. Lực lượng
Phòng vệ Biển của Nhật Bản cũng giám sát khu vực này với máy bay tuần tra săn
ngầm P-3C, xuất phát từ căn cứ Naha. Nói cách khác, cả Biển Hoàng Hải lẫn Biển
Hoa Đông đều không thích hợp để Trung Quốc triển khai các tàu ngầm trang bị tên
lửa của mình.
Tàu ngầm Trung Quốc
cập tại Yulin Harbor (Vịnh Du Lâm) ở đảo Hải Nam, thuộc phía Bắc Biển Đông. Ảnh:
Nippon
Vì sao Trung Quốc
muốn giành Biển Đông
Biển Đông trong khi đó có
nhiều vùng biển có mực nước sâu 2.000 – 4.000 mét. Đây có lẽ là lý do chủ yếu
Trung Quốc xây dựng căn cứ cho các tàu ngầm lớp Jin trang bị tên lửa SLBM tại vịnh
Du Lâm trên đảo Hải Nam.
Nếu có thể ngăn chặn tàu
ngầm, tàu nổi và máy bay tuần tra săn ngầm của các quốc gia khác tiếp cận khu vực
này, Trung Quốc có thể biến Biển Đông trở thành thánh địa lý tưởng cho các tàu
ngầm hạt nhân của họ. Việc xây dựng đường băng, hệ thống radar, thiết bị phòng
không, bến cảng, cùng các trang thiết bị khác trên các đảo và đảo nhân tạo ở Biển
Đông là những bước đi hoàn toàn phù hợp với mục tiêu biến Biển Đông thành ao
nhà cho các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc.
Các tên lửa JL-2 phóng từ
Biển Đông không thể vươn tới lục địa nước Mỹ, nhưng hoàn toàn có thể tấn công
Nhật Bản và đảo Guam. Nếu Trung Quốc có thể thâu tóm vùng biển này, khả năng rất
cao họ sẽ triển khai các tàu ngầm Loại 096 trang bị tên lửa JL-3 tại đây trong
tương lai, và như vậy có thể đe dọa trực tiếp bờ biển phía Tây của Hoa Kỳ.
Như vậy, việc Trung Quốc
đẩy nhanh phát triển các dự án 096/JL-3, cùng với các hoạt động thâu tóm biến
Biển Đông thành ao nhà cho tàu ngầm của mình, có thể được xem là đang nhắm đến
các mục tiêu trên nước Mỹ. Các “Hoạt động tự do hàng hải” (FONOPs) của Mỹ có thể
hiểu là nỗ lực để ngăn cản ý đồ này của Trung Quốc.
Cuộc đối đầu ngày càng khốc
liệt giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông vì thế là vấn đề an ninh quốc
gia đối với Mỹ, và là vấn đề nâng cao năng lực tấn công hạt nhân chiến lược đối
với Trung Quốc. Đây là những vấn đề mà cả hai cường quốc này đều không dễ lùi
bước thỏa hiệp.
Vậy thì Mỹ sẽ làm gì nếu
trong tương lai gần, Trung Quốc hoàn thành tàu ngầm hạt nhân Loại 096 với trang
bị tên lửa JL-3, còn Mỹ và các nước đồng minh thất bại trong việc ngăn cản
Trung Quốc biến Biển Đông thành ao nhà? Đây là lý do Đài Loan đóng vai trò cực
kỳ quan trọng.
Hệ thống radar khổng
lồ ở Đài Loan
Trên đỉnh núi Leshan (Lạc
Sơn) cao 2.500 mét ở Hsinchu (Tân Trúc), phía Bắc Đài Loan, người ta có thể
phát hiện một công trình khổng lồ qua hình ảnh từ các vệ tinh thương mại. Đây
là công trình của Lực lượng Không quân Đài Loan, tiêu tốn 1,2 tỷ USD, hoàn
thành vào năm 2012. Có tên mã Dự án Anpang, đây là hệ thống radar mảng pha sử dụng
các phần tử phát sóng trạng thái rắn (solid state phased array radar antenna),
là hệ thống phát hiện cảnh báo sớm hàng đầu thế giới.
Radar khổng lồ trên
đỉnh núi Lạc Sơn ở Tân Trúc, phía Bắc Đài Loan. Công trình hình tam giác, chứa
ăng-ten chính, có chiều dài khoảng 30 mét. Ảnh: Nippon
Đây là một trong những hệ
thống radar hiện đại bậc nhất thế giới, nằm trong hệ thống radar chiến lược cảnh
báo sớm AN/FPS-115 PAVE PAWS đã được Mỹ chấp thuận chuyển giao cho Đài Loan vào
năm 2000. Theo tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, nó giúp Đài Loan tăng cường khả
năng phòng không và phòng thủ tên lửa. Điều đặc biệt thú vị ở đây là khả năng
liên kết dữ liệu để chia sẻ thông tin tình báo giữa Đài Loan và Hoa Kỳ thông
qua hệ thống này.
PAVE PAWS là hệ thống
radar chủ yếu dùng để đối phó với SLBM được Mỹ phát triển trong những năm 1970
và 1980. Theo Bộ Tư lệnh Không gian của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ, hệ
thống này cho phép vừa duy trì chức năng giám sát vừa theo dõi nhiều mục tiêu.
Radar này có thể phát hiện
tên lửa phóng đi từ cách đó 5.000 km, có thể phát hiện và theo dõi chi tiết
hành trình các tên lửa đang di chuyển ngay từ khoảng cách 2.000 km. Chu vi
2.000 km quanh núi Lạc Sơn bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông. Vì thế, sẽ rất
đáng lưu tâm xem liệu các thông tin thu thập từ hệ thống radar này có được chia
sẻ theo thời gian thực cho người Mỹ hay không.
Nếu có thể bắt được tín
hiệu tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm tại Biển Đông nhắm vào Mỹ, hệ thống này
sẽ cho phép Hoa Kỳ cơ hội đánh chặn tên lửa và phản công bằng kho vũ khí hạt
nhân chiến lược của mình.
Tuy nhiên, nếu hệ thống
radar khổng lồ của Đài Loan không hoạt động, hoặc nếu dữ liệu không được chia sẻ
kịp thời cho quân đội Mỹ, khả năng đánh chặn hoặc phản công của phía Mỹ có thể
bị suy giảm đáng kể.
Vì vậy, đối với Hoa Kỳ, hệ
thống radar cảnh báo sớm của Đài Loan có thể trở thành con mắt của họ trên Biển
Đông, và Hoa Kỳ có thể sẽ tìm mọi cách bảo vệ con mắt này. Mỹ có thể xem hệ thống
radar quân sự của Đài Loan là một phần trong tiền tuyến bảo vệ của mình. Không
có Đài Loan, Mỹ sẽ không đủ khả năng ngăn chặn hiệu quả các đợt tấn công của
Trung Quốc.
Hoa Kỳ đang nhanh
chóng đẩy mạnh tăng cường quan hệ quân sự với Đài Loan
Chính quyền của Tổng thống
Donald Trump đang chủ động bán vũ khí để tăng cường sức mạnh quân sự cho Đài
Loan. Ví dụ, vào ngày 20/8/2019, Mỹ tuyên bố sẽ xuất khẩu 66 chiếc máy bay tiêm
kích F-16V (biến thể mới nhất của dòng tiêm kích một động cơ F-16 C/D) và các
khí tài liên quan khác cho Đài Loan. Ngoài ra, vào ngày 28/8/2020, Đài Loan trở
thành nước đầu tiên ở châu Á thành lập trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu
(MRO) máy bay chiến đấu F-16.
Với sự xuất hiện của
trung tâm MRO này, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn coi đây là “một cột mốc
quan trọng để nâng cao năng lực chiến đấu của Không quân Đài Loan, tăng cường
khả năng phòng vệ và mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng trong nước ra thế giới.”
Nói cách khác, trung tâm này không chỉ để bảo dưỡng và sửa chữa F-16 của Đài
Loan, mà còn có mục đích bảo trì cho máy bay F-16 của các quốc gia khác.
Nếu các quốc gia sở hữu
F-16 tại châu Á dùng dịch vụ sửa chữa duy tu của Đài Loan, mối quan hệ giữa đảo
quốc này và nhiều quốc gia hiện không có quan hệ ngoại giao với họ có thể sẽ được
cải thiện.
Khi mối quan hệ quân sự
giữa Mỹ và Đài Loan ngày càng được thắt chặt, các hoạt động gây hấn như việc
máy bay chiến đấu Trung Quốc xâm phạm vùng trời Đài Loan đã bắt đầu dẫn đến
căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Với tình trạng cò cựa nhau kéo dài
như vậy, sẽ không quá ngạc nhiên nếu một cuộc đụng độ ngẫu nhiên dẫn đến xung đột
nghiêm trọng. Và rất có khả năng Biển Đông sẽ đóng vai trò quan trọng trong các
cuộc đối đầu như vậy.
***
Đôi nét về tác giả Nose Nobuyuki:
Nose Nobuyuki là một nhà
bình luận cao cấp cho kênh Fuji TV. Ông sinh năm 1958 tại Kyoto, tốt nghiệp Đại
học Waseda với bằng văn học, và có nhiều năm kinh nghiệm trong việc theo dõi
đưa tin về mảng quốc phòng cho các kênh truyền hình. Năm 1999, ông tác nghiệp tại
Belgrade và trụ sở của NATO để đưa tin trực tiếp về cuộc xung đột Kosovo. Ông
là tác giả của các quyển sách “Phòng thủ tên lửa”, “Tình hình quân sự ở Đông Á
từ giờ sẽ diễn biến thế nào”, đồng tác giả của “Xem xét một cuộc tấn công tên lửa
nhắm vào Nhật Bản”.
No comments:
Post a Comment