Tuesday, 1 December 2020

20 NGÀY QUAY CUỒNG TRƯỚC QUYẾT ĐỊNH BẤT NGỜ CỦA TỔNG THỐNG TRUMP (Zing News)

 


20 NGÀY QUAY CUỒNG TRƯỚC QUYẾT ĐỊNH BẤT NGỜ CỦA TỔNG THỐNG TRUMP   

Zing News

1/12/2020

https://zingnews.vn/20-ngay-quay-cuong-truoc-quyet-dinh-bat-ngo-cua-tong-thong-trump-post1157978.html

 

Sự thật không thể chối cãi hiện nay là Tổng thống Donald Trump đã thua.

 

Nhưng nhà lãnh đạo Mỹ từ chối chấp nhận kết quả này. Sau thất bại trong cuộc bầu cử, Tổng thống Trump bị cô lập trong Nhà Trắng và không quan tâm đến công chúng.

 

Washington Post dẫn lời một cố vấn thân cận với ông Trump cho biết ông giận dữ và đôi khi không tỉnh táo khi nói chuyện với những người thân cận. Có lúc ông lẩm bẩm: "Tôi đã thắng. Tôi đã thắng. Tôi đã thắng".

 

Dù các trợ lý của Tổng thống Trump rõ ràng có thể nhìn nhận được rằng ông đã bị đối thủ Joe Biden đánh bại, nhiều người trong số họ vẫn khuyến khích ông tiếp tục cuộc chiến pháp lý.

 

Người cố vấn này nói các trợ lý của ông Trump "vui khi gãi đúng chỗ ngứa cho ông ấy".

"Nếu ông Trump nghĩ rằng ông ấy đã thắng, mọi người sẽ tỏ vẻ như 'Shh... chúng ta sẽ không nói với ông ấy sự thật'".

 

Không chấp nhận thất bại

 

John McLaughlin, chuyên gia thăm dò dân ý thuộc chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, từng thảo luận với ông về cuộc thăm dò được thực hiện sau bầu cử.

 

Kết quả cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ có xếp hạng mức độ ủng hộ tương đối tích cực. Đa số người Mỹ cho rằng truyền thông đã "không công bằng và thiên vị khi chống lại ông Trump". Phần lớn cử tri tin rằng chất lượng cuộc sống của họ hiện được cải thiện so với 4 năm trước.

 

Không ngoài dự đoán, Tổng thống Trump đánh giá cao báo cáo này.

 

Kết quả là một cuộc bầu cử chưa từng có trong lịch sử Mỹ. Washington Post nhận định nhà lãnh đạo Mỹ đã và đang gây ảnh hưởng tiêu cực lên nền dân chủ Mỹ, đe dọa an ninh quốc gia và sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, ông cũng cung cấp cho người ủng hộ những thông tin sai lệch về cuộc bầu cử.

 

https://znews-photo.zadn.vn/w860/Uploaded/neg_sfzyrwj/2020_11_29/trump_ap8.jpg

Tổng thống Trump trả lời báo giới từ Nhà Trắng hôm 26/11. Ảnh: AP.

 

Các cáo buộc của ông Trump gây áp lực không hề nhỏ lên các quan chức bầu cử tiểu bang và địa phương, buộc họ phải chấp nhận các cáo buộc gian lận bầu cử và ngăn chặn quy trình chứng nhận kết quả kiểm phiếu.

 

Tổng thư ký bang Georgia Brad Raffensperger cho biết dù ông là một đảng viên đảng Cộng hòa và đã bỏ phiếu cho Tổng thống Trump, ông không đồng tình việc những người ủng hộ khuyến khích nhà lãnh đạo Mỹ vượt qua ranh giới đạo đức.

 

"Tôi không nghĩ mình có sự lựa chọn. Nhiệm vụ của tôi là tuân theo pháp luật. Chúng tôi sẽ không để bị ép buộc phải làm chuyện đó. Vấn đề ở đây là sự chính trực", ông Raffensperger nói.

 

Trong khi đó, Tổng thống Trump không mấy để tâm đến việc xử lý đại dịch Covid-19 - vốn là trách nhiệm của nhà lãnh đạo Mỹ. Trớ trêu hơn, David Bossie - cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Trump sau bầu cử - có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 chỉ vài ngày sau khi giữ vị trí mới.

 

Đến tận ngày 23/11, ông Trump mới miễn cưỡng đồng ý bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.

 

Theo CNN, bà Emily Murphy, người đứng đầu GSA, đã gửi thư thông báo cho đội ngũ chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Joe Biden.

 

Lá thư được đánh giá là bước đi đầu tiên từ chính phủ Trump trong việc thừa nhận thất bại của nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa, gần 2 tuần sau khi truyền thông Mỹ tuyên bố ông Joe Biden là người chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng.

 

Tuy nhiên, ông Trump vẫn khẳng định ông mới là người chiến thắng thực sự.

 

Việc đồng ý chuyển giao quyền lực sau 20 ngày sau ngày bầu cử là minh chứng cho thấy dấu ấn của Tổng thống Trump ở Nhà Trắng, nơi tâm trạng của ông là yếu tố chi phối.

 

Washington Post nhận định dù thất bại trong việc lật ngược kết quả cuộc bầu cử, Tổng thống Trump phần nào thành công trong việc làm xói mòn niềm tin của cử tri Mỹ vào cuộc bầu cử và tính hợp pháp đối với chiến thắng của ông Biden.

 

Cuộc chiến pháp lý "không đi đến đâu"?

 

Trong những ngày sau cuộc bầu cử, khi ông Trump cố gắng chối bỏ thực tế là ông đã thua. Ông phớt lờ ý kiến của hầu hết quan chức phụ trách chiến dịch tranh cử và các luật sư chuyên nghiệp.

 

Thay vào đó, nhà lãnh đạo Mỹ trao quyền cho những người trung thành, những người sẵn sàng nói với ông những gì ông muốn nghe - rằng nếu cuộc bầu cử không gian lận và bị đánh cắp như vậy, ông sẽ thắng trong cuộc chiến long trời lở đất. Và sau đó, ông vận động công chúng tin vào điều này.

 

Đỉnh điểm của nỗ lực lật ngược kết quả hiện nay là vào ngày 19/11, khi các luật sư Rudolph W. Giuliani, Jenna Ellis và Sidney Powell thay mặt tổng thống Mỹ đến thảo luận tại trụ sở của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa.

 

Họ cáo buộc cuộc bầu cử gian lận và thiên vị cho ứng cử viên Biden, đồng thời lập luận rằng các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ gian lận bầu cử ở một số thành phố với đa số dân là người Mỹ gốc Phi.

 

Tuy nhiên, các luật sư này không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào chứng minh các cáo buộc nói trên.

 

Các cố vấn cho rằng chính tổng thống Mỹ cũng không chắc chắn về cuộc chiến pháp lý đang diễn ra và ông đặc biệt thất vọng về luật sư Powell khi không thể đưa ra bằng chứng cho các cáo buộc gian lận bầu cử.

 

Tucker Carlson, người dẫn chương trình của Fox News, nói: "Chúng tôi đã mời Sidney Powell tới chương trình. Chúng tôi dự định dành cho cô ấy cả tiếng đồng hồ. Cô ấy không đưa ra được bằng chứng nào. Không một trang nào. Khi chúng tôi tiếp tục gặng hỏi, cô ấy tức tối và yêu cầu chúng tôi đừng liên lạc với cô ấy nữa".

 

Một nguồn thạo tin cho biết trong dịp lễ Tạ ơn, ông Trump gọi điện cho các cố vấn và hỏi liệu họ có tin rằng ông thực sự đã thua hay không. "Anh có nghĩ rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp không?", ông Trump hỏi một cố vấn.

 

Tuy nhiên, các cố vấn của ông thừa nhận những ồn ào này cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ đang chấp nhận thất bại. Trong khi đó, tổng thống đắc cử Biden bắt đầu lựa chọn quan chức nắm giữ các vị trí quan trọng trong nội các sắp tới.

 

William A. Galston, Chủ tịch chương trình nghiên cứu quản trị tại Viện Brookings, nhận định: "Việc một tổng thống kiên quyết nỗ lực nhằm lật lại phán quyết của người dân trong lịch sử Mỹ thực sự không đi đến đâu cả. Không phải là không đạt được mục tiêu, mà thực sự là vô ích".

 

 

"Hẳn phải có một âm mưu"

 

Kể từ khi theo dõi kiểm phiếu ở Nhà Trắng trong đêm bầu cử 3/11, Tổng thống Trump đã không tin vào kết quả. Tham gia vào buổi xem chung này có người quản lý chiến dịch tranh cử Bill Stepien, các cố vấn cấp cao Jared Kushner và Jason Miller, cùng các trợ lý hàng đầu khác của tổng thống Mỹ.

 

Trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử, ông Trump đã nhận thức được khả năng ông có thể thua. Ông từng nhiều lần nói với các trợ lý rằng: "Ồ, để thua gã này thì sẽ thật xấu hổ đấy nhỉ?".

 

Nhưng trong giai đoạn cuối của chiến dịch, gần như mọi người - bao gồm cả tổng thống Mỹ - đều tin rằng ông sẽ giành chiến thắng.

 

Vào đầu đêm bầu cử, ông Trump và nhóm trợ lý thân cận cho rằng kịch bản năm 2016 đang lặp lại. Có thể ông sẽ lại thắng một lần nữa bất chấp kết quả thăm dò dân ý trước đó cho thấy ông bị dẫn trước.

 

Nhưng không lâu sau, Fox News - kênh truyền hình yêu thích của ông Trump - dự đoán ông Biden thắng ở bang Arizona.

 

"Khi đó ông ấy la mắng mọi người", một quan chức cấp cao trong chính quyền nhớ lại phản ứng của ông Trump.

 

"Ông ấy nói: 'Cái quái gì vậy? Đúng ra chúng ta phải thắng ở Arizona chứ? Chuyện gì đang xảy ra?'. Rồi ông ấy bảo Jared gọi cho (Chủ tịch của Fox News) Rubert Murdoch", quan chức này nói.

 

Nhưng con rể Kushner và những trợ lý khác của ông Trump đã thất bại trong việc thuyết phục Fox News rút lại tuyên bố dự đoán ở Arizona.

 

Tổng thống Mỹ và các cố vấn rất tức giận. Một phần vì động thái này khiến cho tuyên bố chiến thắng của ông Trump vào đêm bầu cử trở nên kém thuyết phục.

 

Trong bối cảnh đối thủ Biden đã gần đạt được 270 phiếu đại cử tri để chiến thắng, ông Trump quyết định tuyên bố có gian lận bầu cử. Và đội ngũ của ông đã cố gắng chứng minh điều đó.

 

Trong suốt mùa hè và mùa thu năm nay, ông Trump liên tục tuyên bố đây là cuộc bầu cử "gian lận" quy mô lớn. Cựu chánh văn phòng Nhà Trắng John F. Kelly cho rằng ông Trump khi đó đã "sẵn sàng bào chữa cho bản thân nếu thua cuộc".

 

Vào tháng 6, trong cuộc họp tại Phòng Bầu dục với các cố vấn chính trị và chuyên gia tư vấn, tổng thống Mỹ đề xuất khả năng kiện các chính quyền tiểu bang về cách vận hành cuộc bầu cử. Ông cho rằng mọi tiểu bang phải tuân theo các quy tắc giống nhau và không thể tin được là chính quyền tiểu bang được phép thay đổi các quy tắc bầu cử.

 

Theo nguồn tin từ một cựu quan chức chiến dịch tranh cử của tổng thống Mỹ, các cố vấn cũng nói với ông về khả năng phiếu bầu qua thư sẽ chiếm số lượng lớn hơn so với phiếu bầu trực tiếp, và số phiếu qua thư này có thể sẽ không bầu cho ông.

 

Các cố vấn và đồng minh, bao gồm cả Lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Mitch McConnell, khuyến khích ông Trump cố gắng thu hẹp khoảng cách đối với phiếu bầu qua thư. Họ cho rằng ông cần thuyết phục nhóm cử tri ủng hộ ông, chủ yếu là người cao tuổi, bỏ phiếu sớm qua thư.

 

Nhưng thay vào đó, nhà lãnh đạo Mỹ lại kêu gọi người ủng hộ mình không bỏ phiếu qua thư. Ông cho rằng nếu bầu cử theo cách này, các lá phiếu của họ sẽ không được kiểm đếm.

 

"Thật là điên rồ", cựu quan chức phụ trách chiến dịch tranh cử của ông Trump nói với Washington Post.

 

Cuối cùng, chính các lá phiếu bầu qua thư được kiểm đếm sau cùng này đã khiến ông Trump mất đi vị thế dẫn đầu ở các bang chiến địa Georgia, Pennsylvania, Wisconsin và đưa ông Biden đến chiến thắng.

 

Khi chứng kiến khoảng cách dẫn trước bị thu hẹp và sau đó ông Biden vươn lên dẫn đầu, ông Trump trở nên tức giận. Ông cho rằng có âm mưu nào đó đang được thực hiện.

 

Anthony Scaramucci, cộng sự lâu năm của ông Trump và là cựu giám đốc truyền thông Nhà Trắng, nói: "Bạn thực sự phải hiểu tâm lý của ông Trump. Phản ứng điển hình nhất là cho rằng chắc chắn phải có âm mưu gì đó ở đây. Kiểu như đó không phải là thiếu sót của tôi, nhưng có một nhóm chống lại tôi. Đó là lý do tại sao ông ấy dễ suy nghĩ theo thuyết âm mưu như vậy".

 

 

"Chảo lửa" Georgia

 

Vào những ngày sau cuộc bầu cử, ít có bang nào thu hút sự chú ý lớn của ông Trump như Georgia - một pháo đài từng đáng tin cậy của những lá phiếu Cộng hòa mà ông Trump giành được hồi năm 2016, nhưng trong cuộc bầu cử lần này ông dường như để thua sít sao đối thủ Biden vào thời điểm những phiếu bầu sau cùng được kiểm.

 

Và ít ai khiến ông Trump nổi giận như Thống đốc Brian Kemp - vị thống đốc Cộng hòa của bang - người đã đồng hành với chiến thắng sít sao của tổng thống năm 2018.

 

Một số đồng minh của ông Trump đã cố gắng gây sức ép với ông Raffensperger - tổng thư ký và là một thành viên đảng Cộng hòa của bang Georgia. Hai Thượng nghị sĩ Cộng hòa David Perdue và Kelly Loeffler - cả hai sẽ buộc phải đọ sức trong cuộc bầu cử vào ngày 5/1 tới - đã yêu cầu ông Raffensperger từ chức.

 

https://znews-photo.zadn.vn/w860/Uploaded/neg_sfzyrwj/2020_11_29/geo_000.jpg

Raffensperger nói ông đã biết Georgia sẽ trở thành tâm điểm chú ý trên toàn quốc vào ngày bầu cử. Ảnh: AP.

 

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey O. Graham, một người bạn của ông Trump đang đứng đầu Ủy ban Tư pháp Thượng viện đầy quyền lực, đã gọi điện cho ông Raffensperger và dường như gợi ý ông loại bỏ tất cả phiếu bầu vắng mặt hợp pháp ở một số hạt của bang.

 

Tuy nhiên, Thống đốc Kemp - người từng giữ vị trí tổng thư ký bầu cử như ông Raffensperger - không chấp nhận điều đó.

 

“Ông ta sẽ không trở thành thống đốc nếu không có tôi”, Tổng thống Trump tức tối nói với các cố vấn hồi đầu tháng 11, khi ông định thực hiện một cú điện thoại gay gắt với ông Kemp.

 

Và trong cuộc gọi này, ông Trump đã hối thúc Thống đốc Kemp hành động nhiều hơn để đấu tranh cho ông ở Georgia, công khai tán đồng những tuyên bố của tổng thống về gian lận bầu cử và xuất hiện thường xuyên hơn trên truyền hình. Về phần mình, ông Kemp đã không hứa hẹn gì hếtWashington Post dẫn nguồn thạo tin cho biết.

 

Raffensperger nói ông đã biết Georgia sẽ trở thành tâm điểm chú ý trên toàn quốc vào ngày bầu cử, khi số người bỏ phiếu trực tiếp ít hơn đáng kể so với chiến dịch Trump cần để giành chiến thắng rõ ràng sau làn sóng bỏ phiếu qua thư do cử tri Dân chủ lấn át.

 

Tuy nhiên, ông khẳng định bản thân chưa bao giờ có ý định hùa theo những cáo buộc không có bằng chứng của Tổng thống Trump bởi trách nhiệm của ông là quản lý cuộc bầu cử. Ông Raffensperger cho biết chiến lược của ông là giữ sự tỉnh táo và tuân thủ luật pháp.

 

“Mọi người đưa ra những cáo buộc ngông cuồng về hệ thống bỏ phiếu của chúng tôi ở Georgia. Họ hỏi ‘Làm thế nào để chúng ta đạt được 270 phiếu?’, Làm thế nào để đưa lên Quốc hội nhằm định đoạt (kết quả)?”, ông Raffensperger cho biết.

 

“Nhưng tôi không được phép tác động để có lợi cho phe Cộng hòa”, vị tổng thư ký nhấn mạnh.

 

 

Thuyết âm mưu lệch lạc

 

Ông Trump đã tìm cách thúc đẩy một thuyết âm mưu sai trái rằng các máy bỏ phiếu Dominion Voting Systems sản xuất và được sử dụng ở Georgia và các bang khác đã được lập trình để đếm phiếu dành cho ông Trump thành phiếu ủng hộ Biden. Trong nhiều cuộc trò chuyện riêng tư, tổng thống đều tìm cách hướng về thuyết âm mưu này. Ông dường như bị ám ảnh.

 

Ông Raffensperger cho rằng đảng Cộng hòa chỉ đang tự gây tổn hại cho chính mình bằng cách xoáy nghi vấn vào những chiếc máy Dominion. Ông cảnh báo rằng những loại cáo buộc vô căn cứ này có thể ngăn cản các cử tri đảng Cộng hòa bỏ phiếu trong cuộc tranh cử Thượng viện sắp tới.

 

Thêm những rắc rối khác mà ông Raffensperger phải đối mặt là nhiều lời đe dọa mà ông và vợ, Tricia, đã nhận được trong vài tuần qua - và một vụ đột nhập vào nhà của một thành viên khác trong gia đình.

 

“Nếu các thành viên đảng Cộng hòa không bắt đầu lên án những sự việc này thì tôi đã nghĩ rằng họ đang đồng lõa”, ông Raffensperger nói. “Đã đến lúc đứng lên. Bạn có định đứng về phía lẽ phải? Bạn có định đại diện cho sự chính trực không? Hay bạn sẽ đứng về phía đám đông ngông cuồng? Bạn muốn lên án đám đông ngông cuồng khi họ đang lệch lạc?”.

 

Hôm 20/11, sau khi ông Raffensperger xác nhận kết quả của bang, Thống đốc Kemp thông báo ông sẽ đưa ra tuyên bố trên truyền hình, làm dấy lên lo sợ rằng tổng thống cuối cùng đã khiến thống đốc không thể nén giận.

 

Tuy nhiên, ông Kemp đã giữ chừng mực và đưa ra xác nhận chính thức.

 

“Là một thống đốc, tôi có trách nhiệm nghiêm túc tuân theo luật pháp và đó là điều tôi sẽ tiếp tục thực hiện”, ông Kemp nói. "Chúng ta phải hợp tác để đảm bảo công dân tin tưởng vào các cuộc bầu cử trong tương lai ở tiểu bang của chúng ta", ông nhấn mạnh.

 

 

Không đưa ra bất cứ bằng chứng nào

 

Vào ngày 7/11, bốn ngày sau cuộc bầu cử, gần như toàn bộ tổ chức báo chí lớn của Mỹ đều dự đoán ông Biden sẽ thắng cử. Cùng lúc đó, luật sư Giuliani của ông Trump đứng trước các máy quay trong bãi đậu xe của hãng Four Seasons Total Landscaping ở Philadelphia, gần một cửa hàng bán video và một cơ sở hỏa táng, để trình bày chi tiết các cáo buộc về hành vi gian lận bầu cử.

 

https://znews-photo.zadn.vn/w860/Uploaded/neg_sfzyrwj/2020_11_29/geo_002.jpg

Luật sư Giuliani của ông Trump phát biểu trước các máy quay trong bãi đậu xe của hãng Four Seasons Total Landscaping ở Philadelphia. Ảnh: AP.

 

Sự tương phản trong ngày hôm đó - giữa không gian khiêm tốn, bí bách của luật sư Giuliani với bài phát biểu chiến thắng gây nhiều tiếng vang của ông Biden và Phó tổng thống đắc cử Kamala D. Harris trên một sân khấu lớn, được chiếu ánh sáng xanh ở Wilmington - đã nêu bật sự bất khả thi trong chiến dịch lật ngược kết quả của ông Trump.

 

Cũng trong hôm đó, các luật sư Stepien, Clark, Miller và Bossie cũng thông báo tóm tắt cho ông Trump về một chiến lược pháp lý tiềm năng. Họ giải thích rằng việc chiếm ưu thế sẽ rất khó và liên quan đến các kịch bản phức tạp ở nhiều bang có thể kéo dài đến tháng 12. Họ ước tính "5 đến 10% cơ hội chiến thắng", một người tham gia cuộc họp cho biết.

 

Ông Trump ra hiệu rằng ông đã hiểu và đồng ý với chiến lược này.

 

Trong khoảng thời gian này, một số luật sư xung quanh ông Trump bắt đầu đột ngột biến mất trong nỗ lực mà một số trợ lý cho là nhằm bảo vệ danh tiếng của họ. Cựu Tổng chưởng lý Florida Pam Bondi, người đã xuất hiện trong một cuộc họp báo với ông Giuliani ngay sau cuộc bầu cử, đã bỏ cuộc sau tuần đầu tiên.

 

Một bước ngoặt đối với các nỗ lực pháp lý của chiến dịch Trump đến vào ngày 13/11 khi Tòa Phúc thẩm ở Philadelphia bác bỏ yêu cầu từ phía đảng Cộng hoà về việc chặn khoảng 9.300 phiếu bầu đến sau ngày bầu cử. Phán quyết này được cho là đòn chí mạng tiềm tàng đối với nhiều nỗ lực thách thức pháp lý của chiến dịch Trump ở bang Pennsylvania.

 

Đó cũng là lúc hố sâu nổi lên giữa tầm nhìn của hầu hết luật sư trong chiến dịch và luật sư Giuliani, người mà nhiều luật sư khác cho rằng có vẻ "loạn trí" và không chuẩn bị tốt để tranh tụng, theo một người quen thuộc với nhóm pháp lý của chiến dịch. Một số luật sư của chiến dịch tranh cử Trump và đảng Cộng hòa thậm chí còn tìm cách tránh các cuộc gặp với ông Giuliani và đội của ông. Khi được yêu cầu cung cấp bằng chứng cho những tuyên bố bùng nổ nhất của họ, các luật sư Giuliani và Sidney Powell đều không đưa ra bất cứ bằng chứng nào.

 

Và trong một diễn biến khiến nhiều người ngỡ ngàng, chiến dịch tranh cử của ông Trump tối 22/11 đột ngột thông báo bà Powell không còn là thành viên của đội pháp lý Trump và cũng không còn là luật sư riêng của tổng thống. Trong tuyên bố phản hồi lại chiến dịch Trump, bà Powell cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi các vụ kiện mặc dù đã tách khỏi đội ngũ của tổng thống.

 

Trước đó, trong một bài đăng Twitter, ông Trump tuyên bố bà Powell là nhân vật trung tâm của nhóm pháp lý. Tổng thống cũng nói bà Powell, ông Giuliani và những người khác sẽ thành lập một nhóm “tác chiến gồm những người tinh hoa”.

 

Tuy nhiên, cho đến nay, nhóm này không thể giành được bất kỳ chiến thắng pháp lý có ý nghĩa nào. Trên thực tế, đơn kiện của họ nhiều lần bị các thẩm phán liên bang bác bỏ.

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats