Sunday, 30 December 2012

[NHÂN ĐỌC "BÊN THẮNG CUỘC"] VÀI CẢM NGHĨ VỀ QUYỂN "BÊN THẮNG CUỘC" (Người lính già Oregon)




người lính già oregon
Posted on Tháng Mười Hai 23, 2012 by ttngbt

Một cách nào đó, somehow, dù bận lắm, tôi cũng vừa đọc xong quyển Bên Thắng Cuộc, phần I, 190 trang, của Huy Đức do một người bạn gửi tới. Tôi đọc rất kỹ đến trang 90, thì “nắm” được điều tôi muốn “nắm”, và từ đó trở đi, tôi đọc phớt qua, vì không còn gì hấp dẫn, cũng bấy nhiêu chuyện chúng ta đã quá biết. Như trên đầu đề, tôi viết những dòng này như “vài cảm nghĩ”, m à “cảm nghĩ” thì lúc nào cũng mang tính cá nhân, chủ quan; không phải một bài phê bình có tính cách hàn lâm, dài dòng, với trích dẫn, bằng cớ. Nghĩa là đọc xong phần I (tôi chỉ có phần này), tôi xếp nó lại, và viết theo trí nhớ, trung thực với cảm nghĩ đã có mà thôi. Vì quyển sách không đáng bỏ công sức và thì giờ để bình phẩm, khen hay chê. Không đáng, vì theo thiển ý, nó chỉ gây xôn xao vài bữa, rồi cuối cùng sẽ chìm vào tầm thường, quên lãng như những tác phẩm của Bùi Tín, Dương Thu Hương, Vũ Thư Hiên, Tô Hải dạo nào v.v…

Không đáng, vì Bên Thắng Cuộc, tôi nghĩ, chỉ là một sưu tập (recueil, collection) những mẩu chuyện đã xưa, đã cũ 37 năm, từ 1975, được phân đoạn thành phần, chương, mục, thêm dẫn chứng v.v… Tôi sực nhớ quyển Những thiên đường mù của Dương Thu Hương trong đó bà kết án vụ đấu tố năm 54 –điều làm dân hải ngoại hả hê, nhưng thực ra về vụ ấy, tên cáo già Hồ Chí Minh cũng đã vờ vịt lên tiếng nhận khuyết điểm và trách cứ những cán bộ thừa hành đã làm sai v.v… Tôi có quá lời lắm không nếu tôi đánh giá Bên thắng cuộc như những chuyện ngồi lê đôi mách, ai cũng biết rồi khổ quá nói mãi, được tác giả góp nhặt lại, kể và in thành sách bán tại Mỹ, để kiếm tiền, kiếm danh –là điều chắc chắn– và dĩ nhiên, kiếm lợi nào đó về chính trị trên thế đứng của một người hiện-còn-là-Cộng-sản đứt đuôi con nòng nọc, chưa bỏ nước ra đi như, ít ra, những cựu đảng viên ly khai sống tại Pháp.

1) Danh sách cám ơn Trong mục tác giả cảm tạ những người đã giúp ông hoàn thành tác phẩm, người ta thấy danh sách quá dài, quá chi tiết, mà hai phân ba là những lãnh đạo và cán bộ gộc, xưa và nay, của Cộng Phỉ Coco ViXi. Bọn ác ôn này làm sao mà nói tốt về dân “ngụy” thua cuộc cho được? Lại nữa, phỏng vấn bọn lãnh đạo Vi Xi, có thực hay không, làm sao dân hải ngoại biết? Kê đại ra cho oai?

Phần còn lại gồm những nhân vật theo Cộng từ khuya, đa số còn trong nước (như Hồ Ngọc Nhuận), hay ngoài nước, hoặc cộng tác với tờ pro VC Người Việt (như Đinh Quang Anh Thái, nhân vật này trong lời giới thiệu quyển sách đã dùng chữ của Vi Xi “tư liệu” thay cho “tài liệu”, thì đủ rõ lập trường của y), hoặc nửa nạc nửa mỡ, hay những tên tuổi lạ hoắc gồm những khoa bảng trẻ tuổi lớn lên tại xứ người, biết cóc khô gì về cuộc chiến VN, về Cộng sản, hay những khoa bảng già què ăn quẩn cối xay đã sống nhờ cơm quốc gia nay thờ ma Cộng sản (như Châu Tâm Luân, hay Nguyễn Mạnh Hùng –có thời là giáo sư trường Đại Học CTCT Đà Lạt)… Thiếu vắng những người chống Cộng thứ thiệt và thứ dữ (như nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, chủ báo Hoàng Dược Thảo, những talk show hosts Huỳnh Quốc Bình, Đoàn Trọng Hiếu, Hồng Phúc, những cựu quân nhân, cựu tù nhân, cựu thuyền nhân có tiếng tăm và những bạn bè bảo vệ Cờ Vàng của tôi trong các diễn đàn Thụ Nhân, Tổng Hội Ái Hữu Đại Học CTCT Đà Lạt). Trừ vài nhân vật hải ngoại nổi tiếng, như bà Khúc Minh Thơ (nhân chứng về vụ vượt biên?), hoặc Phan Nhật Nam (ví dụ về cha là cán bộ Vi Xi gộc, mà con “ngụy” vẫn đi tù), mà, tôi đoán, tác giả xử dụng như nguồn tin vô thưởng vô phạt về những tiết mục nhất định. Lại có cả Kissinger, một tên “đồng minh” vô liêm sỉ đã bán đứng VNCH cho Cộng Phỉ; tin được tên này thì có mà bán thóc giống. Ngoài ra, nhìn tác phẩm trong thư mục tác giả đã tham khảo, tôi đoán ông trích dẫn tài liệu nhiều hơn là phỏng vấn những nhân chứng, chẳng hạn Kissinger (đâu có hưỡn, và đâu có phỏng vấn y chùa được?), vì tài liệu có sẵn hết rồi, giờ đâu mà tác giả bày đặt phỏng vấn để biết những điều mà ông đã quá biết qua sách vở? Chẳng qua chỉ muốn làm tăng thêm giá trị của quyển sách để dễ bán, để hù độc giả dễ tin. Cũng như tại Mỹ, được cơ sở thương mại Amazon phát hành có gì là ghê gớm lắm đâu mà tác giả, đúng hơn các bơm sĩ, khua chiêng gõ mõ kinh quá?

Chỉ đọc qua danh sách, có thể biết tác giả là ai, và tác phẩm muốn viết gì.

2) Muốn gì? Tôi có cảm tưởng quyển Bên Thắng Cuộc, nếu là tiểu thuyết, sẽ rơi đúng, ngoài ý muốn, và khả năng, dĩ nhiên, của tác giả VC Huy Đức, vào một tiêu chuẩn của “tân tiểu thuyết” Pháp (nouveau roman) được đề ra trong những tiểu thuyết và nhất là L’ère du soupçon (Kỷ nguyên hồ nghi) của Nathalie Sarraute: cứ nêu tất cả sự kiện, lộn xộn, khách quan… cũng không sao. Tác giả thì ẩn núp trong các nhân vật của mình, hoặc ở đâu đó, và tất cả đều không quan trọng. Độc giả mới là người phải sắp xếp lại các sự kiện để tìm ra ý nghĩa thật của nội dung, nhân vật, tác giả, sứ điệp (message) trong sách. Cũng vậy, trong quyển La Jalousie (có hai nghĩa), tác giả Alain Robbe-Grillet đứng sau bức mành cửa sổ (jalousie) nhìn và kể những sự kiện xảy ra trong căn phòng của một người đàn ông đang ghen (jalousie) vợ. Độc giả có nhiệm vụ ráp lại các chi tiết để cấu thành nội dung câu chuyện và hiểu ý của tác giả.

Như thế, trong sách của mình, Huy Đức núp dưới bóng các nhân vật hoặc trốn sau bức mành, phơi bày những sự kiện, có tính lịch sử hay không. Nhiệm vụ của chúng ta, độc giả, là lôi tác giả ra khỏi những sự kiện, câu văn hay nhân vật để nhìn thấy sự thật. Và sự thật trong Bên Thắng Cuộc, đó là:

a) Trong những đoạn mở đầu, Huy Đức tả / kể về cuộc điều quân và thắng trận của Cộng quân vào ngày 30/4/1975 một cách chi tiết, tỉ mỉ, toàn hảo, cho độc giả cảm tưởng rằng Đảng tuyệt vời, những cấp chỉ huy bên Cộng quân đều là danh tướng, không khác những phim, sách kể lại những trận đánh lớn trong quân sử thế giới. Để làm gì, nếu không là để ca ngợi và thấy hãnh diện về “chiến thắng lịch sử”, một cách khéo léo qua những sách vở Đảng, công điện, lời nói của Bí thư Đảng (Lê Duẩn) và các tướng chỉ huy mặt trận? Để làm gì? Vì nếu “hồi chánh” thật (như một số độc giả hải ngoại tưởng lầm hoặc mong ước) hoặc ít ra có cái nhìn trung thực, khách quan về lịch sử, tác giả phải lên án cuộc tấn công ấy chứ, ví dụ, Việt Cộng vi phạm hiệp định Paris, với sự đồng lõa của người Mỹ lật lọng và tay trong ngu đần Dương Văn Minh, tên tướng được sinh ra chỉ để phản bội; ví dụ, nếu không có Trung Cộng và Liên Xô viện trợ, thì Việt Cộng cũng chẳng làm nên cơm cháo gì, hoặc nếu Miền Nam là tay sai của Mỹ thì Miền Bắc nô lệ cho hai quan thầy, Nga và Tàu. Đàng này, Huy Đức cứ kể chuyện, mà phớt lờ những vấn đề ấy.

Vì muốn đề cao chiến thắng vĩ đại của đoàn quân anh hùng, Huy Đức cũng lờ đi sự việc mà người dân Miền Nam nào cũng thấy, cũng biết, cũng chế giễu: đó là đoàn quân anh hùng chiến thắng vĩ đại gồm toàn những tên bộ đội mặt mũi non choẹt, hay những tên sĩ quan, đứa nào cũng có hàm răng hô như bàn nạo dừa, gốc gác bần cố nông, nhà quê, tóc không chải, chân đi dép râu, quần áo rộng thùng thình, lâu ngày không giặt hôi hám, ngơ ngơ ngác ngác như những thằng Mán về thành, ngẩng mặt nhìn những cao ốc Sài Gòn thiếu điều cổ muốn gãy, gọi nhà hộ sinh là “xưởng đẻ”, cầu tiêu tiểu là “nhà ỉa, nhà đái”. Huy Đức cũng có kể câu chuyện tên bộ đội rửa rau trong bồn cầu, giật nước trôi đi và nó la hoảng, tưởng là CIA gài bẫy phá hoại, hay một tên khác khoác lác là “ở Miền Bắc ti vi tủ lạnh chạy đầy đường”, nhưng đó chỉ là hai ví dụ mà tác giả đưa ra, cốt lấy điểm người Việt hải ngoại, và cho là hiện tượng cá nhân, không đáng kể. Không hiểu sao, bây giờ những đứa nào trong phe chiến thắng cũng có mặc cảm xấu hổ về tính chất quê mùa, bần cố nông, bồi tàu, thiến heo, phu cạo mủ cao su, giao liên xã –mà trước kia là điều kiện tiên quyết ắt có và đủ để trở thành Cộng sản. Dương Thu Hương, trong Tiểu thuyết vô đề, lâu ngày quá, quên mình là Vi Xi, đã “ngụy hóa” viên sĩ quan chỉ huy một đại đội trên Trường Sơn bằng cách giấu biến dép râu và nón cối, cho y mang giày mang tất đường hoàng như lính quân đội VNCH. Thế đấy.

b) Huy Đức bơm quá sá Võ Văn Kiệt và Lê Duẩn. Nếu Bùi Tín trongMây mù thế kỷ đứng về phe Võ Nguyên Giáp, nâng bi tên tướng bị thất sủng này thế nào thì trong Bên thăng cuộc, Huy Đức bơm Lê Duẩn như thế ấy, hoặc hơn, ví dụ khen giọng nói “giọng Quảng Trị trầm ấm” của y (“trầm ấm” chỗ nào hả ông? Ba tôi cũng dân Quảng Trị, giọng nói nghe nặng chình chịch, nịnh vừa thôi chứ). Theo Huy Đức, Lê Duẩn lúc ấy là bí thư Đảng, đã lãnh đạo cuộc tấn công xâm chiếm Miền Nam , tạo nên chiến thắng lẫy lừng 30/4/1975 . Lê Duẩn chống Tàu Cộng (ví dụ, không thèm bắt tay Chu Ân Lai), lãnh đạo cuộc phản công nhanh chóng và thắng lợi trong những trận đánh phá biên giới phía Bắc bởi Tàu, và phía Tây Nam bởi Pol Pot, đệ tử của Tàu Cộng. Qua đó, Huy Đức muốn nhắn gửi gì cho bọn lãnh đạo VC hiện nay đang rước voi về dày mả tổ, tự nguyện làm tay sai cho Tàu Cộng? Cũng cần nhắc thêm, tôi đã xem đâu đó, dưới mắt quốc tế, Lê Duẩn được xem là một tay đồ tể Việt Nam đã sát hại bao nhiêu sinh linh, chỉ sau Hồ Chí Minh,

Còn Võ Văn Kiệt, theo Huy Đức, là một thủ tướng “cởi mở” đề ra chính sách hòa hợp hòa giải, chiêu hiền đãi sĩ. Chính sách này, Huy Đức đang giăng ra, theo nghị quyết 36 của Đảng, như cái bẫy đối với những con mồi quốc gia hải ngoại suốt đời ngây thơ bị lừa phỉnh dài dài mà không tởn, qua quyển sách đang ăn khách của ông –mà các bơm sĩ chuyên đút và thổi ống đu đủ xem như một người trung thực, vô tư, công bằng. Cũng không phải vô tình mà Huy Đức nhiều lần nhắc đến tên của Đỗ Trung Quân, tác giả bài “Quê hương là chùm khế ngọt”. Đại khái, về đi anh ơi, quên hết hận thù, xóa bàn làm lại. Nguyễn Minh Triết, tại Dana Point, năm nào, thì trắng trợn hơn không thua một thằng ma cô chánh hiệu: về đi anh ơi, gái Việt Nam bây giờ đẹp lắm. Chúng ta có thể xem tác giả Huy Đức là người của phe đối lập với lãnh đạo hiện tại? Tại sao không? Đối lập, nhưng nhát gan, không dám đụng trực tiếp, sợ bị tai nạn xe hoặc bị mời vào trại cải tạo. Một thắc mắc nữa của tôi là vấn đề thời điểm, timing: tại sao bây giờ, sau 37 năm, mới viết sách, đưa tất cả chuyện này ra? Có thể tác giả đang học hay tu nghiệp tại Mỹ và đối tượng chính lần này là độc giả hải ngoại, mà ông ta rất cần sự ủng hộ, ít ra bằng võ mồm, chống lại bọn trên và chống Tàu Cộng? Hay có thể bọn lãnh đạo hiện tại mượn tay Huy Đức chiêu dụ Việt kiều xóa bỏ hận thù? Dám lắm.

c) Vụ kẻ chiến thắng lừa và lùa kẻ chiến bại vào những trại tù cải tạo:Huy Đức, trong một đoạn đã tiết lộ nội dung cái thông cáo của Ủy ban Quân quản bắt trình diện “học tập” là do mưu kế của Võ Văn Kiệt, chính ủy Sài Gòn toàn quyền lúc ấy, thần tượng của Huy Đức trong sách: “Việc công bố ba mức thời gian học tập […] là cố ý để cho các đối tượng ngầm hiểu rằng thời gian học tập tối đa của các sỹ quan chỉ là một tháng”. Ai cũng dính bẫy. Đó là một trò lừa phỉnh đê tiện mà chỉ có “bên thắng cuộc”, tức bọn lưu manh Vi Xi mới xử dụng. Thay vì kết án, như tôi đang làm, Huy Đức lại trích ra nguyên văn câu trên, không ý kiến, để làm gì?

Về các sĩ quan VNCH bị nhốt ở các trại tù, Huy Đức có nhỏ vài giọt nước mắt cá sấu, chẳng hạn kể những thảm cảnh và cực khổ của vài “nhân chứng” đi thăm nuôi chồng, con. Lại có đoạn kể một quản giáo cũng khóc ròng vì thương cảm (chuyện về một người tên Lưu Đình Triều). Ô hô. Nhưng không có một lời kết án nào dành cho bọn chiến thắng đã đối xử một cách tàn bạo, nhỏ nhen, hèn hạ đối với những người đã buông súng đầu hàng. Trái lại, qua văn phong, ông tỏ vẻ dửng dưng, nếu không nói là hài lòng đối với biện pháp cải tạo đề ra bởi Đảng, dưới quyền của Lê Duẩn, một cách kín đáo bằng cách trích dẫn, không cần thiết, những lời giải thích, biện minh qua các văn kiện, thông tư của những tên chóp bu. Hoặc ngược lại, của những cải tạo viên “giác ngộ” công khai ca tụng chính sách cải tạo, từ ông tướng già bệnh hoạn Nguyễn Văn Vỹ “học” sáu tháng đến các binh sĩ “học” ba ngày được thong thả về nhà. Chưa nói việc một số tay sai trong hàng ngũ quốc gia tuyên bố được đi tù là điều “may mắn”, nhẹ nhàng như đi dạo mát. Chưa nói việc Huy Đức bênh Đảng, cho rằng vì “ngân sách của Cách mạng” eo hẹp nên phải cho tù cải tạo ăn ít đi, mà cố tình lờ rằng, cho tù ăn đói là một chính sách thâm độc của Vi Xi. Vân vân…

Việc này cũng giống như việc bọn “bên thắng cuộc” đánh tư sản mại bản, gian thương, Hoa kiều, bằng cách đổi tiền, tịch thu tài sản, lùa dân đi kinh tế mới, cho đến phong trào vượt biên: không một lời kết tội bọn cầm quyền và chính sách đểu cáng, ty tiện (vơ vét tiền bạc, vàng bạc của nhân dân Miền Nam). Tác giả –núp sau lưng Đảng Cướp Ngày CSVN– chỉ kể, nhưng độc giả không biết để làm gì, vì không có một lời lên án những hành động này. Không có cả một lời cảm thông cho những nạn nhân, trái lại ông ngầm đồng tình với bọn cướp xem họ như những tư bản ác ôn, không hơn không kém.

3) Độc giả hải ngoại Trừ bài viết cò mồi quảng cáo bán sách của ông bơm sĩ, giáo sư Trần Hữu Dũng, và vài nhân vật nổi tiếng pro VC, tôi có đọc vài ý kiến của một số người thực sự “phe ta” cho rằng Huy Đức đã gọi các sĩ quan tự sát là “tuẫn tiết”, đã gọi tổng thống, tướng lãnh, sĩ quan VNCH, đầy đủ tước vị, với vẻ kính trọng đường hoàng, như vậy, họ kết luận, tác giả này rất good, cò thể tin được… Chu choa! In sách tại Mỹ, cho người Việt hải ngoại mua đọc và phổ biến, với mục đích gì tôi đã phân tích, thì bố bảo ông ta cũng không dám gọi ai trong “phe mình” là “thằng” này “thằng” nọ. Nhưng qua lời ông ta trích dẫn câu nói của vài tên thuộc phe chiến thắng hạng gộc, trong đó có Lê Duẩn, hay lũ cán bộ, quản giáo trong những trại tù cải tạo, người dân Miến Nam từ tổng thống trở xuống đều bị gọi và bị chửi là “thằng”, là “ngụy” tuốt luốt. Và đó mới là lời lẽ đích thực của tác giả Huy Đức, cựu bộ đội, nhà văn, nhà báo VC, đứng sau mành cửa sổ, như tác giả Alain Robbe-Grillet của La Jalousie, xem chúng nó đánh nhau. “Chúng nó” đây là những người phe ta ca ngợi tác phẩm của ông vs những người phe mình có tánh đa nghi, đầu có nhiều sạn, như tôi, rất khó dụ khị. “Chúng nó” mà xào xáo, chia rẽ nhau vì cuốn sách tầm thường, nặc mùi Vi Xi này, thì cuốn sách cũng đã thành công rồi, đúng theo Nghị quyết 36 đề ra.

4) Một ví dụ về hình thức chửi khéo Vi Xi của một tù nhân cải tạo, có thể so sánh với phương cách chửi khéo phe ta được tác giả Huy Đức áp dụng trongBên thắng cuộc: “Mới đầu, đa số còn phát biểu linh tinh lắm. Hệ thống ăng ten chưa được thiết lập qui mô. Trong đội Rau Xanh có ông Đại úy Cảnh sát già gân Hoàng Bá Linh. Ông Linh là người Quảng Bình, hay Quảng Trị, trực tánh, ưa kể chuyện tiếu lâm và chuyện chế độ cũ, nói năng rất “phản động”, thuộc loại điếc không sợ súng. Trong một buổi học tập của đội, ông đã phát biểu, lên án “bọn CTCT ngụy” như sau: “Bọn ngụy tuyên truyền rất bố láo bố lếu về Bác Hồ vĩ đại, vô vàn kính yêu của ta, ví dụ họ nói nguyên văn như ri, tổ cha thằng già Hồ Chí Minh là tên giết người bán nước, làm tay sai cho thằng Xịt Ta Lin và thằng Mao Xếnh Xáng… Họ xuyên tạc bộ đội anh hùng của ta nguyên văn như ri, là chúng nó ốm đói quá, bảy thằng Việt Cộng đu một cọng đu đủ mà không gãy… Thật là mất dạy hết sức!”, v.v… Và cứ thế ông nói dai, nói dài, nói lớn nguyên văn như ri, như ri”, với giọng nặng trịch, nhừa nhựa thuốc lào. Tất cả sĩ quan cải tạo xanh mặt, cản không được, ngồi im, lo lắng cho ông. Phải hơn hai phút sau thằng cán bộ quản giáo mới hiểu ra, lên tiếng cắt ngang, hầm hầm quát bảo ông im ngay. Nó ức lắm, nhưng lúc ấy vì quá bất ngờ chưa biết kết ông vào tội gì. Hôm sau, ông bị dẫn đi “làm việc” khá lâu, rồi bị biệt giam một tháng. Ra khỏi phòng biệt giam, ông tiếp tục mở máy, như cũ, cười hề hề: ‘Tui đâu ngán thằng mô’”
(trích bài “Đá Nát Vàng Phai” của Kim Thanh)

Người Lính Già Oregon
Portland, 21/12/2012




1 comment:

View My Stats