Monday 31 December 2012

VIỆT NAM SẼ ĐƯA CÁC THANH NIÊN CÔNG GIÁO RA TÒA NGÀY 8-1-2013 (Gia Minh - RFA)




Gia Minh, biên tập viên RFA
2012-12-31

Phiên xử những thanh niên Công giáo và Tin lành bị bắt cách đây hơn một năm dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 8 tháng giêng tới đây. Dù họ bị nhà cầm quyền đưa ra xét xử, nhưng nhiều tiếng nói cho rằng họ vô tội đã được đưa ra.

Đã có ngày xử

Chính luật sư Hà Huy Sơn vào ngày 26 tháng 12 xác nhận về tin ông đã nhận được thông báo chính thức về ngày xử:
“Tôi đã nhận được quyết định xét xừ là 8 tháng giêng tại thành phố Vinh.”

Trong số những người bị đưa ra xét xử, luật sư Hà Huy Sơn sẽ tham gia bào chữa cho hai người là anh Nguyễn Đình Cương và anh Hồ Văn Oanh. Ông này cho biết, trước đây gia đình anh Trần Minh Nhật cũng mời ông bào chữa cho anh này. Thế nhưng theo luật sư Hà Huy Sơn cho biết vừa qua anh Trần Minh Nhật từ chối luật sư bởi cho rằng bản thân không làm gì sai trái. Ngoài ra còn có hai người từ chối luật sư khác nữa là Đặng Xuân Diệu và Nguyễn Văn Duyệt. Riêng Lê Văn Sơn thì từ chối khai báo tại cơ quan điều tra.

Hồi ngày 18 tháng 9 Viện Kiểm sát Tối cao ký bản cáo trạng truy tố 14 thanh niên Công giáo và Tin Lành hoạt động âm mưu lật đổ chính quyền theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Văn Đài nghiên cứu bản cáo trạng và nói rõ chiếu theo hiến pháp nước Việt Nam thì 14 thanh niên Công giáo và Tin Lành không hề vi phạm luật pháp của Việt Nam:
“Trong Hiến pháp Việt Nam qui định tương đối đầy đủ các quyền của công dân như quyền lập hội, lập đảng, rồi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Đương nhiên khi Hiến pháp qui định như thế thì bất kỳ người công dân nào khi muốn tham gia hoạt động chính trị họ đều có thể tự mình lập nên các tổ chức, đảng phái chính trị; hay họ gia nhập vào các đảng phái chính trị có sẵn.
Như tôi đã xem trong bản cáo trạng của Viện Kiểm sát truy tố 14 anh em Công giáo này thì những hoạt động của họ hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp như việc họ đi du lịch nước ngoài, họ tham gia vào những buổi huấn luyện đấu tranh bất bạo động, rồi tham gia Đảng Việt tân. Khi trở về nước họ cũng tiếp cận những thanh niên là bạn bè của họ,và họ cũng mới tham dự những buổi học như vậy. Những việc làm của họ như vậy hết sức bình thường.
Điểm thứ hai là nội dung của việc đấu tranh bất bạo động, thì theo Hiến pháp Việt Nam, quyền lực Nhà nước thuộc về người dân, thì kghi người dân muốn thay đổi quyền lực nhà nước, họ phải thông qua những hoạt động chính trị của mình bằng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, các quyền hội họp, lập hội, biểu tình. Đó là những biện pháp hết sức hòa bình đã được hiến định. Người ta gọi đó là những phương pháp đấu tranh hòa bình, bất bạo động. Và ngoài ra có thêm khía cạnh nữa là giải thích và giúp cho người khác hiểu về nhân quyền và quyền tự do dân chủ của họ và tự bảo vệ quyền của mình. Thì phương pháp đấu tranh bất bạo động này được cả thế giới thừa nhận, đó là một phương pháp đấu tranh ôn hòa và thúc đẩy việc dân chủ hóa xã hội, thúc đẩy tiến bộ xã hội chứ nó không mang lại sự rối loạn an ninh hay bất kỳ điều gì bất lợi cho một quốc gia nào cả, hoàn toàn đem lại những điều có lợi cho quốc gia đó.”

Những thanh niên vô tội

Riêng gia đình các thanh niên nằm trong nhóm sắp bị đưa ra xét xử đều đồng tình và nhấn mạnh rằng người thân của họ làm những việc đúng với lương tâm con người. Họ hãnh diện về điều đó và tiếp tục đấu tranh cho lẽ phải.
Bà Đinh Thị Oanh, vợ của anh Nguyễn Xuân Anh cho biết:
“Tôi cảm thấy quá oan, mà mình không thể đứng ra giải oan được. Chính vì điều đó mà tôi mong muốn những người ở hài ngoại làm sao lên tiếng, thúc đẩy Nhà cầm quyền Việt Nam xét lại để thả chồng tôi và những người anh em đó. Tại vì không phải theo tôi mà tất cả những người trên thế giới đều thấy việc đó làm gì có tội. Chỉ có đất nước Việt Nam 'tồi tệ' mới bắt con người, mới hành hạ con người như vậy thôi; chứ xét theo lương tâm thì điều đó không có tội. Từ rất lâu, tôi cố gắng mọi việc ( hai con, việc của chông nhưng phải đấu tranh cho bằng được. Nhờ mọi người trên thế giới cho thấy việc bắt giữ như vậy là sai, vi phạm nhân quyền.
Cầu nguyện thúc đẩy làm sao sửa đổi pháp luật để người ta yêu nước Việt Nam; chứ thế này người ta ghét đất nước này. Sống thế này thì 'đào hố mà chui xuống chờ chết' chứ sống mà bị áp bức như thế này thì có ngày chết oan. Mong làm sao Việt Nam thay đổi để con người có quyền lợi...”

Anh Hồ Văn Lực, em trai của Hồ Đức Hòa cũng bày tỏ quan điểm của gia đình trong vụ việc của người anh:
“Quan điểm của gia đình hành vi đó không phải tội, nên gia đình đồng ý. Nếu nói tội thì cả đất nước, thế giới này đều tội cả.”

Anh Trần Khắc Đạt, anh trai của Trần Minh Nhật, một trong ba người từ chối luật sư, cũng chia sẽ cảm nghĩ của gia đình vào dịp cuối năm nhân dịp lễ Giáng sinh khi trong gia đình thiếu vắng một thành viên:
“Có buồn về sự thiếu vắng của một thành viên gia đình; nhưng có niềm vui vì gia đình có người dấn thân vì đất nước, vì chính nghĩa...”

Mới ngày 24 tháng 12 vừa qua, trên mạng Thanh Niên Công giáo blogspot xuất hiện Thỉnh Nguyện thư gửi cho giám mục Phao lô Nguyễn Thái Hợp giáo phận Vinh. Thư do 10 người gồm cha mẹ, vợ cũng như người thân của nhóm 14 thanh niên Công giáo - Tin Lành sắp bị đưa ra xét xử kêu gọi giám mục Nguyễn Thái Hợp lên tiếng bảo vệ cho những người được gọi là những người 'con cái ngay lành của Giáo hội'.

Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.





1 comment:

View My Stats