Monday 31 December 2012

NGƯỜI VIỆT Ở BA LAN & 10 SỰ KIÊN 2012 (Mạc Việt Hồng)




08:03:am 31/12/12

Cộng đồng người Việt tại Ba Lan, theo những đánh giá khác nhau, khoảng 30-50 ngàn người, những sinh hoạt ở đây giống như một xã hội thu nhỏ, với nhiều sự kiện, cả tích cực lẫn tiêu cực.

Dưới đây là 10 sự kiện tiêu biểu trong năm dưới góc nhìn của chúng tôi:

1/ Hàng ngàn người hợp thức hóa được cư trú qua luật Ân Xá.
Abolicja hay còn gọi là luật ân xá được thông qua vào tháng Tám năm ngoái nhưng bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2012.
Theo đó, những người chứng minh được sự có mặt ở Ba Lan ít nhất từ 12/2007 sẽ được nhà nước Ba Lan cho hợp thức hóa cư trú. Đây là đợt ân xá thứ 3 trong thập niên qua của Ba Lan dành cho người nước ngoài sống bất hợp pháp.
Trong số hơn 9000 người nước ngoài nộp đơn, người Việt chiếm số lượng đông đảo nhất, gồm 2189 bộ hồ sơ. So với 2 đợt ân xá trước, lần này thủ tục xét duyệt có phần dễ dàng hơn, số hồ sơ bị từ chối không nhiều. Theo thông tin công bố cách đây 2 tháng, đã có trên một ngàn người Việt nhận thẻ cư trú, nhiều người kịp về đón Tết cổ truyền với gia đình sau những năm dài vắng mặt. Số hồ sơ còn lại đang tiếp tục được xem xét.
Trong sự kiện này, hàng trăm người Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ của nhà thờ Công giáo thông qua 2 Linh mục người Việt và các bà sơ Ba Lan. Những người của nhà thờ đã giúp khai hồ sơ, dẫn đi nộp và phiên dịch khi tiếp xúc với cơ quan ngoại kiều Ba Lan.

2/ Người Việt nhiều lần biểu tình “chống lại người Việt”
Đó là những lần biểu tình hay còn gọi là bãi chợ liên quan tới kinh tế, giữa những người thuê cửa hàng (đa phần là người Việt) với lãnh đạo trung tâm thương mại ASG. Những đợt biểu tình như vậy đã diễn ra từ đôi năm trở lại đây, nhưng lần này có sự khác biệt, khi ASG là trung tâm do 4 ông chủ người Việt thành lập.

Đã diễn ra ít nhất 3 đợt biểu tình ở ASG vào tháng 7/2012. Ảnh Đàn Chim Việt

Biểu tình nổ ra khi hợp đồng cũ hết hạn sau 10 năm, hợp đồng mới bế tắc trong đàm phán, khiến người Việt phải sử dụng phương tiện cuối cùng.
Căng thẳng đã diễn ra giữa đôi bên khi vài tấm kính bị đập vỡ; phía chủ đưa công an, biên phòng tới nhằm kiểm tra giấy tờ và trấn áp bà con.
Cuối cùng, các yêu sách của những người biểu tình cũng được đáp ứng, có ý kiến cho rằng, việc tung ra bằng chứng thu tiền (ngoài sổ sách?) là một trong những nhân tố quyết định.

3/ Cháy lớn tại ASG
Đây là lần thứ 3 liên tiếp trong 3 năm xảy ra cháy lớn tại quần thể thương mại Wólka Kosowska- khu bán sỉ lớn nhất châu Âu và là nơi làm việc của hàng ngàn người Việt.

Cảnh tượng kinh hoàng như thế này đã diễn ra 3 lần

Đám cháy xảy ra vào rạng sáng Chủ Nhật một ngày cuối tháng Tám đã thiêu rụi 35 quầy hàng và làm nhiều quầy ở khu vực tiếp giáp bị ảnh hưởng do nước và hóa chất dập lửa.
Thiệt hại rất lớn, do thói quen không mua bảo hiểm của các chủ hàng. Thực ra, sau những vụ cháy trước, nhiều người đã nghĩ tới việc bảo hiểm, nhưng những đòi hỏi về thủ tục, nhất là hóa đơn xuất nhập kho chính xác về số lượng, giá cả và chủng loại… khiến việc bảo hiểm hàng hóa vẫn nằm ngoài tầm tay của người kinh doanh.
Cũng sau vụ cháy này, trên các phương tiện truyền thông Ba Lan xuất hiện những ý kiến nghi ngờ về nguyên nhân cháy, liệu có phải do bị đốt hay không? Nghi vấn được đặt ra trên cơ sở so sánh với các khu buôn bán và dịch vụ khác, nơi những người Ba Lan quản lý.
Cho tới nay, sau cả 3 vụ cháy, mặc dù các cơ quan điều tra Ba Lan đã vào cuộc, nhưng nguyên nhân vẫn chưa thể xác định được. Và người Việt, cũng không có biện pháp gì thật hữu hiệu để đối phó, việc buôn bán hoàn toàn phó mặc cho may rủi.

4/ Ban hành luật quốc tịch mới
Kể từ 15/8/2012, luật quốc tịch mới của Ba Lan có hiệu lực. Luật mới phù hợp hơn với chuẩn của các nước tiên tiến. Theo đó, những người muốn nhập quốc tịch Ba Lan sẽ phải qua kỳ sát hạch tiếng. Những người đã sở hữu những bằng cấp do Ba Lan cấp sẽ được bỏ qua thủ tục này. Luật mới cũng đòi hỏi người xin nhập tịch chứng minh được thu nhập hay khả năng tài chính của mình và có nơi cư trú ổn định.
Luật mới thuận lợi hơn ở chỗ, không bắt người nhận quốc tịch Ba Lan phải bỏ quốc tịch Việt Nam. Thủ tục bỏ quốc tịch Việt Nam vốn khá nhiêu khê và mất nhiều thời gian, những người nhận tịch Ba Lan theo luật cũ, thông thường mất 2 năm để hoàn tất thủ tục thôi quốc tịch Việt Nam.
Theo thống kê trên báo ít tháng trước đây, có khoảng 2000 người Việt sở hữu quốc tịch Ba Lan.
Hiện Ba Lan đang tiếp tục hoàn thiện luật về người nước ngoài, sau khi luật được thông qua (dự tính khoảng 9/2013) những người muốn có thẻ định cư tại Ba Lan cũng sẽ phải thi tiếng.

5/ Tranh cãi xung quanh chuyện chùa chiền
Thiên Việt là tên ngôi chùa đầu tiên được xây dựng tại Ba Lan. Chùa do cá nhân ông Bùi Anh Thái xây dựng năm 2004. Sau vài năm hoạt động, chùa phải đóng cửa, di dời tượng phật do hết hạn hợp đồng thuê đất.
Một số hội đoàn đã tổ chức quyên góp tiền để mua đất xây ngôi chùa mới, nhưng cũng từ chuyện tiền bạc đất cát dẫn đến những tranh cãi gay gắt và dai dẳng và trong cộng đồng.
Các bên cãi cọ đã lôi cả đại sứ quán cùng Giáo hội phật giáo Việt Nam vào cuộc qua những thư từ, văn bản trình bày. Giữa lúc đó, ông Búi Anh Thái lại một lần nữa đi trước một bước trong việc xây chùa, khi biến ngôi nhà riêng của mình thành chùa và đặt tên là Thiên Phúc. Từ đó xuất hiện thêm những chia rẽ trong hội phật tử cũng như việc “trả lại tên chùa”, trả lại tượng phật…
Cuộc họp của lãnh đạo một số hội đoàn tổ chức sau đó đã đổi tên phật đường Thiên Việt (nơi dự tính xây chùa cộng đồng) thành Nhân Hòa. Quyết định này, theo một thăm dò khách quan trên Đàn Chim Việt, không đại diện cho số đông. Thăm dò cho thấy, 67% người Việt trả lời vẫn muốn lấy tên cũ. Một phật tử nhiều năm chia sẻ, việc đổi tên có thể khiến “người âm bị lạ”.
Được biết, ngôi chùa mới Nhân Hòa hiện đã duyệt xong thiết kế và dự kiến sẽ xây dựng trong năm 2013.
Song, theo một số nhận định, phật giáo tại Ba Lan phụ thuộc và chịu sự chỉ đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vẫn nhuốm mầu chính trị và không hoàn toàn là hoạt động tôn giáo độc lập.

6/ “Được mùa” sách, báo
Là một cộng đồng nhỏ, nhưng năm 2012 đã một số sự kiện đáng chú ý liên quan tới xuất bản, ra mắt sách của người Việt. Đặc biệt, trong số đó có những cuốn sách bằng tiếng Ba Lan.
Đầu tiên phải kể tới 2 cuốn sách của Lệ Tân Sitek viết về cuộc đời bà, nhưng qua đó giới thiệu rất nhiều nét văn hóa Việt, những phong tục tập quán đầu thế kỷ 20 và thấp thoáng những sự kiện lịch sử lớn của dân tộc. Bằng ngôn ngữ dễ hiểu và cách kể chuyện lôi cuốn, bà đã giúp người đọc Ba Lan phong phú thêm những hiểu biết về Việt Nam. Cuốn thứ 2 “Giữa Ngã Ba Đường” có thể nói, tiêu biểu cho số phận của nhiều sinh viên Việt Nam đã phải lựa chọn tình yêu lứa đôi để bị coi là “phản bội tổ quốc”.
Kế tiếp, người con mang 2 dòng máu Việt- Ba Lan, Lan Marzena Wilkanowicz, cho ra cuốn tự truyện. Lan Marzena Wilkanowicz từng là Tổng biên tập trong gần 10 năm của tạp chí “Elle”, cha là nhà báo, mẹ là người dòng dõi hoàng tộc triều đình Huế. Cuốn sách của Marzena Wilkanowicz và trước đó là của mẹ cô bà Trần Thị Lài chứa đựng những góc nhìn khác về Việt Nam mà chắc chắn không gây hứng thú với nhà cầm quyền.
Sự kiện nữa là việc chuyển ngữ tập tiểu thuyết “Chłopi” (tức “Nông Dân”) dày 1400 trang, của nhà văn Ba Lan đoạt giải Nobel - Wladyslaw Reymont- ra tiếng Việt. Cuốn sách vừa ra mắt tại Việt Nam vào trung tuần tháng 11. Ông Nguyễn Văn Thái người dịch 2 tập sách kể trên đã từng dịch “Chàng Tadeusz” của Adam Mickiewicz và một số tác phẩm của Henryk Sienkiewicz ra tiếng Việt.
Ở Ba Lan, ông Thái được biết đến như một người hoạt động tích cực trong cộng đồng. Mới đây, ông trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Song, dưới con mắt của những người Việt hoạt động đối lập, ông còn là một đảng viên cộng sản trung kiên, cựu bí thư chi bộ, Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Năm qua, cũng đánh dấu sự ‘tái xuất giang hồ’ của tờ Phương Đông- tờ báo đầu tiên trong cộng đồng người Việt. Phương Đông đã để lại những dấu ấn nhất định trong sự phát triển của cộng đồng những năm 90s. Sau này, một số thành viên trở thành biên tập viên BBC. Lê Hải, người rời khỏi BBC hồi năm ngoái đã tái xuất bản báo giấy Phương Đông. Lần này, không chỉ riêng ở Ba Lan mà còn ở vài nước châu Âu khác. Ấn bản Ba Lan được bán với giá 8, PLN.

7/ Hội người Việt lên báo Ba Lan
Trong một bài báo khá dài trên tờ báo hàng đầu Wyborcza mới đây trên Wyborcza, nhà báo Aleksandra Szyłło đã đưa ra nhiều nhận định liên quan tới hoạt động của hội Người Việt tại Ba Lan.
Đây là hội, có thể nói, mang tính ‘bao trùm’ trong cộng đồng người Việt, nhưng không phải là duy nhất, dù ông chủ tịch hội muốn khẳng định như vậy. Hội được thành lập bởi 15 người, và sau đó thực hiện việc “kết nạp thành viên tập thể” là các hội đồng hương. Hội đăng ký hoạt động theo pháp luật Ba Lan và từng được tài trợ bởi Liên Minh châu Âu, nhưng theo nhà báo Wyborcza, hội đã có hoạt động “tuyên truyền đỏ” và “vi phạm pháp luật Ba Lan” qua việc truy nã người tình nghi phạm tội.
Vẫn theo nhà báo, ông hội trưởng giống như cảnh sát trưởng (tự phong) ‘nắm gáy’ cả ngàn người thông qua những hoạt động của mình.
Bài viết của Aleksandra Szyłło ít nhiều liên quan liên quan tớiloạt bài về hội đoàn trước đó được công bố trên Đàn Chim Việt. Để thực hiện bài viết, tác giả đã gặp đại diện của hội cũng như người cấp tiền cho dư án để tìm hiểu thông tin.

8/ Bắt nhiều vụ vượt biên trái phép
Nếu như năm ngoái người Việt xuất hiện nhiều trên mặt báo Ba Lan bên cạnh từ khóa “cần sa”, thì năm nay số vụ bắt giữ liên quan tới vượt biên trái phép chiếm vị trí ‘áp đảo’.
Chỉ riêng thống kê của biên phòng vùng Biała Podlaska, con số người Việt bị bắt giữ đã lên tới gần 100.
Trong số các vụ bắt giữ, có các vụ lớn, bắt 17 người khi đã về tới Warsaw, hay 19 người trên đường di chuyển tới đến đến.
Vượt biên qua biên giới phía Đông vào Ba Lan đã diễn ra từ 20 chục năm qua. Chính quyền Ba Lan nhiều lần phá vỡ các đường dây đưa người, nhưng ngay lập tức, một đường dây khác lại thế chỗ vào.
Nhiều người sau đó tiếp tục từ Ba Lan vượt biên qua các nước phương Tây như Đức, Pháp, Anh… Không giấy tờ và ôm món nợ lớn, nhiều người trở thành “người rơm” trong các chuyên án cần sa tại Anh.
Năm nay, tờ Wprost đã công bố một phóng sự điều tra dài liên quan tới việc này. Phóng sự cho biết, giá tiền trọn gói của chuyến vượt biên vào khoảng trên dưới 10.000 đô la.

9/ Thành lập Câu lạc bộ Hà Thành
Đây không hẳn là một hội đồng hương mà là hội của những người ‘yêu Hà Nội’ nhưng những thành viên Ban chấp hành (hiện gồm 15 người) phải là những người sinh ra tại Hà Thành, một thành viên BCH cho biết như vậy.
Trong số cả chục hội đồng hương ở Ba Lan, thì CLB Hà Thành thuộc diện ‘sinh sau đẻ muộn’. Do tính tứ xứ của thủ đô, nên những người sinh trưởng tại đây ít khi gắn kết, hiếm khi có một hội đồng hương Hà Nội.

Việc ra mắt được đánh giá là ấn tượng với nhiều nét văn hóa độc đáo của hội là một trong những sự việc khác lạ, đáng chú ý so với các sinh hoạt cộng đồng vốn mang tính rập khuôn đến nhàm chán trong nhiều năm.
Buổi ra mắt đã tái hiện nguyên một góc phố ẩm thực với nhiều món ăn tiêu biểu của Hà Nội, với xích lô, áo dài, gánh hàng rong…

10/ Cuộc thi hoa hậu cộng đồng
Vào một ‘ngày cùng tháng tận’ của năm 2012, Edyta Rose Krejner, cô gái có cha người Việt và mẹ Ba Lan đã giành giải nhất cuộc thi “Người đẹp thanh lịch”. Thực chất, đây là tên gọi khiêm tốn hơn của cuộc thi hoa hậu người Việt tại Ba Lan.
Các thí sinh. Ảnh FB Nguyen Huu Hoan

Á hậu 1 là Ngô Thu Thủy và á hậu 2 chính là người chị của hoa hậu, cô Violetta Mai Krejner.

Hoa hậu Edyta Krejner mang 2 dòng máu Việt, Ba Lan. Ảnh FB Nguyen Huu Hoan

Đây là cuộc thi lần thứ 3, sau 2 lần vào các năm 1999 và 2004. Sở dĩ có sự đứt đoạn như vậy vì một cộng đồng nhỏ mà thi hàng năm thì “các cháu lớn không kịp”- một người hoạt động trong cộng đồng chia sẻ.
Mặt khác, ở những lần trước, cũng tồn tại những dư luận trái chiều nhất định xung quanh cuộc thi.
So với 2 lần thi trước, việc tổ chức và chấm điểm lần này đã chuyên nghiệp hơn, ban giám khảo, bên cạnh các thành viên tại Ba Lan, có những người có chuyên môn được mới từ Việt Nam và nước khác qua. Cuộc thi do báo Quê Việt kết hợp với công ty TTC và Mb events tổ chức.
Edyta Rose Krejner cũng đánh dấu sự trưởng thành của một thế hệ con lai mà cha mẹ các em là những sinh viên sang du học từ thập niên 70s, 80s.

© Đàn Chim Việt





1 comment:

View My Stats