Saturday 29 December 2012

SỰ GIẢ DỐI CÔNG KHAI & THÓI LẠM DỤNG QUYỀN LỰC (Trịnh Kim Tiến)




Tuesday, December 25, 2012 at 3:37am

Ngành công an là “lá chắn của chế độ” nhưng không phải là “đầy tớ” phục vụ nhân dân như những gì mà họ vẫn nói. Tức nhiên không thể gộp chung tất cả những người công tác trong ngành công an lại để nói, nhưng hình ảnh những người công an đầy nhiệt huyết và tấm lòng là những hình ảnh hiếm xuất hiện trong lòng người dân. Thay vào đó hầu hết là hình ảnh của những “tên cướp”, của sự giả dối, và của những kẻ giết người không tội trạng. Không phải vì bố tôi bị công an đánh chết mà tôi viết những dòng này, mà những sự thực đang diễn ra đã cho tôi thấy điều đó. Sự giả dối công khai diễn ra ngay cả khi họ muốn xây dựng những hình ảnh tốt đẹp nhất về ngành của mình trong lòng người dân.

Chiều ngày 9/12/2012, đọc được một status trên facebook cá nhân của anh Trịnh Hữu Long và tôi đã chia sẻ về tường facebook cá nhân với nội dung: “Buổi sáng, ở Bờ Hồ, công an lùa người biểu tình lên xe bus, bắt đi trại Lộc Hà. Buổi chiều, mình dừng đèn đỏ ở ngã tư Bờ Hồ góc Tràng Tiền, thấy cảnh sát đình chỉ tất cả các phương tiện để một nữ cảnh sát xinh đẹp diễn màn dắt một bé gái cầm hoa đi qua ngã tư. Khoảng gần chục nhiếp ảnh gia đã chờ sẵn, bấm lấy bấm để”. Họ có thể công khai “diễn”, như những diễn viên trên sân khấu và biến những người dân xung quanh trở thành những khán giả bất đắc dĩ. Rất tiếc là do tình cờ, không có máy hình nên anh Long đã không chụp được hình ảnh giả tạo cần suy nghĩ này. Status được viết ngày 9/12, thì đến ngày 10/12 hình ảnh cô cảnh sát giao thông dắt em bé cầm hoa qua đường xuất hiện trên mạng với nhiều lời khen ngợi. Một việc làm rất bình thường và đơn giản, có cần thiết phải khiến họ giả tạo đến như vậy không?


Nhiều người dân gọi họ là “ăn cướp”, nhưng họ lại không phải là những tên cướp, bởi sự ăn cướp đó rất đúng công vụ, rất tinh vi, nhiều kiểu cách và có thể vô hình chung nhiều khi họ cũng không biết rằng họ đang cướp của dân. Qua những khu chợ khi bị dẹp, qua những đoạn đường với những người dân nghèo bày bán hàng vỉa hè, mỗi khi thấy xe công an hú còi đi dẹp đường phố, thỉnh thoảng lại có những tiếng hô vâng oang oang “ chúng nó đến rồi, chạy đi, chạy đi”, “cướp, cướp”… Tức nhiên việc bày bán đồ ra lòng lề đường là không được phép, nhưng cuộc sống khó khăn, kinh tế suy thoái, đó là cả bát cơm nuôi sống biết bao nhiêu miệng ăn của biết bao gia đình. Họ không có vốn nhiều, họ không có hiểu biết luật pháp, điều duy nhất họ muốn là sống, sống sót khi giá cả leo thang, lạm phát, thất nghiệp. Và họ cũng muốn được công bằng. Nếu sống trong một xã hội ấm no, một gia đình đầy đủ thì chắc gì họ đã phải làm công việc ấy. Có người nói “làm việc” cả với công an rồi, nhưng chỗ nào bán được thì mới “ làm việc”, mỗi tháng một gian nộp khoảng 300 ngàn. Người ta có giả vờ bắt cho có thì lên lấy họ vẫn trả lại. Còn chỗ nào bán ế, không làm luật thì mỗi lần bị bắt đồ là bị giữ cả tháng, phạt cả triệu, mà lúc lấy về còn bị thiếu, không có đủ đồ. Mấy quán ăn nhậu thì làm luật nhiều hơn, bao ăn uống thêm. Thường bị bắt đồ ít thì vứt bỏ luôn chứ không có đi lấy về làm gì”. Tôi nghe được những lời này từ một số người bán hàng vỉa hè mà tôi được biết trong những lần đi mua đồ nói chuyện vu vơ. Những chuyện này dường như rất thường ở Việt Nam.


Mới gần đây thôi, đường dây một số cảnh sát trật tự cơ động quận 6, thành phố Hồ Chí Minh còn công khai làm luật, ngã giá, bảo kê xe tải đi vào trong thành phố giờ cấm, đường cấm. Đội cảnh sát trật tự cơ động, công an quận Bình Tân còn công khai hơn, ngã giá với các chủ xe ngay tại trụ sở. Đây là hành vi của những người thi hành công vụ hay hành vi của những kẻ “ăn cướp”? Và tại sao tôi lại nói có nhiều khi họ “cướp” mà cũng không biết rằng mình đang “ăn cướp”? Bởi khi nhận tiền công, đồng lương được lấy từ mồ hôi công sức và nước mắt của người dân mà không làm gì để bảo vệ dân, đảm bảo sự bình an cho người dân, hưởng lợi trên những thành quả lao động của người khác thì khác mà không phục vụ công ích, không lao động thì khác gì “kẻ ăn cướp”. Những vụ cướp táo bạo ngày càng nhiều trên đường phố, những tên cướp giật hết sức dã man và táo tợn.

Mạng sống và tài sản của người dân luôn bị đe dọa, rình rập. Trước tình trạng như vậy, những người được trả lương Nhà nước từ tiền thuế của dân, mỗi ngày vẫn có thể đến phường điểm danh và ngồi café ung dung ngoài quán. Còn người dân lại được khuyến khích đi bắt cướp với mức tiền thưởng 5 triệu đồng do chính tiền của người dân khác đóng góp. Trong tay những tên cướp hung hãn có vũ khí, sẵn sàng có thể hành hung người dân. Tôi cho rằng sự khuyến khích này là sự coi thường mạng sống người dân. Một công an viên khi chết trong quá trình công tác thì được phong công hàm, được biểu dương, được ghi nhớ và gia đình sau đó cũng sẽ được những quyền lợi nhất định vì sự ra đi của người thân. Nhưng người dân bình thường thì sao, họ bán mạng mình chỉ để đổi lại 5 triệu đồng tiền thưởng đó thôi sao? Mạng con người không rẻ đến như thế, tấm lòng của các hiệp sĩ bắt cướp cũng không rẻ đến thế. Họ bất chấp nguy hiểm bắt cướp vì họ cảm thấy bất bình, vì chính họ có thể cũng từng là những nạn nhân, hay vì họ không thấy “ai” bắt cướp nên họ mới đứng ra làm chuyện nghĩa hiệp. Cướp thì ai cũng muốn bắt, an ninh trật tự thì ai cũng muốn được bảo đảm, nhưng khi toàn dân được khuyến khích bảo vệ an ninh trật tự, thì viên công an, an ninh trong những lúc này, họ đang làm những gì?

Họ đang lạm dụng quyền lực mình có trong tay để gây ra những cái chết oan khiên của người dân. Tình trạng công an lạm dụng quyền lực đánh chết người dân đang tiếp diễn ngày một nhiều và tức nhiên là vẫn chưa có một biện pháp chế tài nghiêm khắc nào dành cho họ. Thay vào đó là sự bao che, lấp liếm và dung túng tội ác một cách công khai và trắng trợn của những người nắm trong tay luật pháp. Họ dùng bạo lực với người dân mà không chút run tay, ghê sợ. Những cái chết thương tâm trong thời gian qua, chưa cần nói đến những vụ án trước đó, tính từ khi tôi biết về vấn đề này đã đủ để tôi cảm thấy được điều đó. Hầu như tất cả các sự việc đều trôi dần vào quên lãng và không được xét xử đúng nghĩa.

Và cứ như vậy, họ dần dần tự cho mình một quyền lực tự tôn, coi thường mạng sống con người, bất chấp luật pháp. Họ đánh chết người rồi có thể thản nhiên, trắng trợn nói rằng, điều tra rằng, kết luật rằng người ta tự thương, tự tử chết, rằng họ làm chết người trong khi thi hành công vụ….

Tính 2 năm trở lại đây, chỉ nói đến những vụ được biết đến qua báo chí cũng phải 30 vụ người dân chết oan khiên dưới bàn tay công an.

Nhìn vào tấm hình anh Bảo (Hà Nội) dưới đây, đủ có thể thấy trước khi chết anh đã bị tra tấn đau đớn đến mức nào, anh ấy không hề có vi phạm gì, ngay cả lý do bắt giữ người cũng bị mập mờ, từ lý do này qua lý do khác. Cuối cùng họ kết luận rằng anh ấy tự thương trong đồn mà chết. Một người cha bỏ lại con mình, một người chồng bỏ lại vợ mình, vô cớ bị giữ trong đồn công an, rồi tự thương mà chết?

Chúng ta cũng cùng nhau nhìn vào hình ảnh hiền lành phúc hậu của anh Nhựt khi còn sống, rồi cùng nhìn vào tấm ảnh lạnh lẽo khi anh nằm trên bàn khám nghiệm tử thi. Những ai quan tâm đến vụ án, chắc cũng biết rằng kết quả xét xử vụ án trộm cắp lốp xe ở công ty Kumho vừa qua không hề liên quan đến anh Nhựt, và anh chính là người đi tố cáo tội ác. vậy mà họ công khai công bố rằng anh hối hận, sợ tội mà phải tự tự chết trong đồn công an Bến Cát bằng dây cáp điện thoại.

Hình ảnh máu me của ông Năm ở Hà Tĩnh sau khi ăn 6 phát đạn vào cổ và vai chỉ vì can ngăn tên trưởng công an xã say rượu bắt nhầm người mới đau thương làm sao!

Thỉnh thoảng lại đọc được những câu như thêm một người chết trong trại giam, thêm một người bị tra tấn trong đồn công an. Những bức hình với những vết tra tấn trên thi thể, không phải của một người mà của rất nhiều người trông mới đáng sợ làm sao!

Một vụ án gần đây nhất, khi bắt người ở sới bạc gà chọi, thiếu tá công an nổ súng vào ông Bùi Văn Lợi ngay cả khi tay ông đã bị còng số 8 khóa chặt, lưu ý rằng họ chưa biết ông Lợi có tham gia đánh bạc hay không, hay chỉ là người đứng xem chọi gà. Và ông Lợi không có ý kháng cự, chống đối mà trước đó chỉ muốn chạy cho thoát thân. Tay ông đã bị còng rồi vậy mà cuối cùng ông vẫn bị bắn chết. Hình ảnh tay ông bị bẻ quặt, còng lại nằm trong vũng máu khiến tôi nhớ đến hình ảnh của bố, sau khi ông bị đánh đập dã man gẩy đốt sống cổ, kêu la đau đớn vậy mà vẫn bị còng tay đến tận phòng cấp cứu của bệnh viện Bạch Mai sau khi bị giam giữ trái pháp luật 6 tiếng đồng hồ trong đồn công an.


Tất cả những hình ảnh đó là minh chứng rõ rệt nhất sự bất nhân, man rợ và lạm dụng quyền lực của những người gắn mác thi hành công vụ, thi hành pháp luật, những người được gọi là công an nhân dân.

Tuy nhiên, tất cả ngành công an không phải ai cũng xấu, cá nhân tôi cũng đã từng chứng kiến một cảnh sát giao thông trẻ nhặt đồ cho một chiếc xe bị đổ, dẹp đường cho đoàn xe đi trong mồ hôi giữa trời hè nắng chói. Những hình ảnh đó hết sức tự nhiên và không hề có sự giả tạo. Thay vì việc họ cố gắng “phô diễn” để cho người dân thấy thì họ hãy hành động bằng chính lương tâm và tấm lòng của mình có lẽ sẽ tốt hơn nhiều. Họ chỉ cần nghĩ đến người dân một chút, tôn trọng pháp luật và người dân hơn một chút, có lẽ hình ảnh của họ trong mắt người dân cũng sẽ được cải thiện rất nhiều. Họ bớt đi sự hung hăng, bớt đi thói lạm dụng chức vụ, quyền lực, hiểu được họ đang sống bằng tiền của ai, làm việc cho ai thì có lẽ xã hội đã không như ngày hôm nay.







No comments:

Post a Comment

View My Stats