Viên Linh
Wednesday,
December 26, 2012 6:58:54 PM
Không
phải là một tín đồ Thiên Chúa Giáo, song ngày Giáng Sinh luôn luôn và mãi mãi
thiêng liêng đối với người viết bài này, đó là ngày đầu tiên - đúng ra là đêm
đầu tiên trong đời, tôi đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhứt. Vâng, lúc ấy
năm 1954, gọi là Nhứt, sau này nhiều người gọi quen, mới thành Nhất. Và Tân Sơn
Nhất là mặt đất đầu tiên của Sài Gòn, của Miền Nam, mà cậu thiếu niên bước
xuống, ở lại, lớn lên, và tất cả khiến lòng yêu Tân Sơn Nhất ấy là vô cùng và
lòng yêu Giáng Sinh ấy cũng là vô cùng. Nhưng cũng vô cùng đau đớn, Tân Sơn
Nhất cũng là phi trường mà tôi lìa bỏ vào một ngày Tháng Tư 1975, từ đó ra đi
mãi mãi khi chiếc máy bay DC 3 cất cánh, bay lên cao, nghiêng lượn một vòng cho
những kẻ khứ quốc được nhìn thấy thủ đô đất nước tự do một lần nữa, cho tới giờ
phút những dòng này được viết ra, hắn chưa trở lại Sài Gòn, Miền Nam, và Ðất
Nước, từ ngày ra đi Tháng Tư ấy.
Nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn, ảnh Manhhai, Internet
Hiệp
Ðịnh Geneve chia đôi Việt Nam bắt đầu được thực thi vào Tháng Bảy, 1954, là sau
300 ngày từ ngày ký kết, đất nước sẽ chia hai, ngăn cách bởi dòng Bến Hải ở vỹ
tuyến 17, không ai còn có thể ra hay vào, đi hay ở. Hà Nội, trong trí nhớ đã
phai mờ, lúc ấy tan hoang, xô bồ với bàn ghế vật dụng bày bán ngoài đường, với
con người tất tả ngược xuôi, ôm đồm, với những khuôn mặt đăm chiêu, với những
bóng dáng lầm lũi, cho dù đó là bóng một người đàn ông mặc bộ âu phục khéo cắt,
hay dáng một phụ nữ trong chiếc áo dài nhung màu đen hay màu huyết dụ mịn
màng... “Ði Nam!” “Vô Nam!” “Ði!” Những câu quyết định nói trực diện, những
tiếng ngắn ngủi nói với theo sau lưng. “Ở với Vẹm thế nào được. Răng đen mã tấu mồ hôi dầu. Chết với chúng
liền. Mõm vẩu, chân đất, túi dết, bỏ mẹ cả đám.” Tôi vừa 16
tuổi, bộ vó ngây thơ, chân đi Bata (một loại giầy vải), đầu đội mũ liège trắng
(cái mũ bằng bấc thông thường nhiều người đội, không phải nón cối; nón cối vành
nhỏ hơn, màu xanh lá cây và bọc nhựa để che mưa). Cảnh vật như thế, còn âm
thanh màu sắc hẳn cũng đổi thay. Tôi có nghe một vài lời nhạc mới, nay thì
không nhớ hết. Dường như lời tiếng Việt chuyển dịch từ một bài thơ của thi sĩ
Nga Simonov: Ðợi Anh Về. Với chiếc xe đạp Peugeot Dura, cậu học trò đệ ngũ vèo
vèo khắp đường phố Hà Nội, cho tới một hôm, gia đình bắt trở về quê, “lỡ Hà Nội
lại nổ súng,” “lỡ chiến tranh tái phát bất ngờ...”
Virginia, Giáng Sinh 2012 trong ngày tuyết đầu mùa.
Quê
tôi là thị trấn Ðồng Văn, cách Hà Nội 48 cây số ở phía Bắc, cách Phủ Lý 11 cây
số ở phía Nam, lúc ấy đã nằm dưới sự kiểm soát của Việt Minh. Một nửa Ðồng Văn
bên kia quốc lộ số 1, từ con sông đào trở vào, gọi là làng; một nửa bên này với
Con Ðường Cái Quan hay quốc lộ số 1 có đường xe lửa Xuyên Việt (Hà Nội Sài
Gòn...) chạy qua, gọi là phố. Như thế tôi đã sống hơn hai tháng với cơ chế của
Việt Minh ở quê nhà. Cứ buổi sáng đạp xe tới học ở Trung học Phủ Lý, xế trưa
đạp xe về, có hôm biết mẹ thuê xe vận tải xuống bãi biển Văn Lý ở tỉnh Nam Ðịnh
buôn muối cho đại lý muối của bà ở quê mình, tôi trốn nhà đạp thẳng lên Hà Nội
chơi, tối mới về. Thời gian ngắn ngủi này đã khiến nhiều thiến niên, nam cũng
như nữ, say mê nếp sinh hoạt đoàn thể, ca hát, đóng kịch, làm bích báo, tập
trận giả... Còn nhớ, tôi đã làm một bài thơ đăng trên tạp chí Vấn Ðề của thầy
Vũ Khắc Khoan, ghi lại một trong những kỷ niệm của thời gian ấy, một trong
những đêm trăng không thể quên:
Y
biết chơi trận giả
Làm
Việt Minh một tối, tối khác làm Tây
Ðánh
vùi ven dốc chùa nhà
Ðôi
khi sưng đầu tét trán.
Nhưng
một đêm trăng nọ
Nhảy
tòm xuống hố cá nhân
Lỡ
ôm nhằm cô nàng đeo băng hồng thập tự
Y
biết thế nào là chuyện yêu đương
Vào
năm mười hai tuổi rưỡi
Với
người thôn nữ mười lăm.
Có
gặp lại em cách đây một độ
Em
nuôi cút lời, làm patin lỗ
Nhìn
nhau than thở liên hồi
Háy
nhau lúc chia tay
Mấy
vợ mà sao ốm dữ.
(Viên
Linh, Lời Nôm)
Vì
thế, tôi nôn nóng trở về trường cũ Chu Văn An ở Hà Nội, cùng ngày 26 tháng 10,
1954, là ngày bộ đội Việt Minh “nhập đô thành,” tiếp thu thủ đô từ tay quân
Pháp. Thầy Hiệu Trưởng B. (ngồi trên ghế ở văn phòng hiệu trưởng cũ của thầy Vũ
Ngô Xán), mở cuộc thi bích báo (báo dán tường) toàn trường, chủ đề tự do, lớp
nào cũng phải nộp một tờ. May mắn tôi được giải ba, chiếm một trong ba giải cao
nhất cùng các anh các lớp đệ tam, đệ nhị. Nhờ tờ báo ấy, “chủ nhiệm” được thầy
hiệu trưởng gọi lên làm việc tại văn phòng, trước và sau giờ học. Thầy B. nói
từ nay gọi thầy bằng anh. Những đam mê thiếu thời này khiến cậu thiếu niên nhẹ
dạ không muốn vào Nam, không những thế, càng muốn ở lại tham gia các sinh hoạt
nhộn nhịp, quyến rũ. Nhưng trước Noel một hai ngày, bà mẹ rời họ hàng đang chờ
tàu ở Hải Phòng để di cư vào Nam, lộn trở về Hà Nội. Bà nhờ người chở thẳng tới
trường Chu Văn An, vào thẳng phòng hiệu trưởng xin phép cho gặp con. Chuyện đi
Nam giữa hai mẹ con kéo dài cả tiếng đồng hồ ở một góc sân trường, cuối cùng bà
mẹ bảo con phải vào nói sự thật với thầy B., và xin thầy một cái giấy phép.
Lúc
ấy, lằn ranh Quốc Cộng đã lùi tới ga xe lửa Ðỗ Xá (nếu người viết nhớ đúng
tên), trên đường Hà Nội-Hải Phòng. Trong không thể ra, ngoài không thể vào, vì
ở quãng giữa một bên là bộ đội Việt Minh, bên kia là quân Pháp và quân đội quốc
gia Việt Nam, kiểm soát giấy tờ ngặt nghèo. Bà mẹ biết trước như thế, nên sau
khi dặn dò con trai, bà hóa trang thành một phụ nữ làm ruộng, đầu đội nón lá,
mặc quần thâm lấm bùn, áo vải nâu cũ sờn, lội ruộng đi vòng ra xa khu nhà ga,
để lên con tầu ở phía bên kia ga, trở lại trại tạm cư ở Hải Phòng. Còn cậu con
trai, sau khi vào gặp thầy Hiệu Trưởng B., cậu đã là một người khác. (Thật ra
Chu Văn An Hà Nội sau khi được Việt Minh tiếp thu, chưa có chức hiệu trưởng.
Giáo Sư B. ngồi ở ghế điều hành, nhưng chức vị của ông là đặc trách trung học
và đại học. Sau 1954, ông là bộ trưởng Giáo Dục Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.)
Chỉ
đâu ba ngày sau, tôi được đưa lên một chiếc DC 4, và chiếc máy bay vận tải nặng
nề đã rời phi trường Cát Bì, đổ mẹ góa con côi chúng tôi xuống phi trường Tân
Sơn Nhứt chỉ khoảng ba tiếng đồng hồ sau. Trên đường rời phi trường, tới một
trại lều tạm cư, xung quanh phần lớn là đồng bào Thiên Chúa Giáo, tôi nghe được
những lời đối thoại về ngày Chúa ra đời, cùng tiếng nhạc bài ca Silent Night
(Ðêm Thánh Vô Cùng): “Ðêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời...” Ðó là một đêm
không ngủ, hầu như không ai ngủ, tiếng chuyện trò râm ran, tiếng cười nói đều
đều, và tiếng hát nho nhỏ êm đềm mà với tôi, Tân Sơn Nhất là phi trường đưa đến
Tự Do, dù 1954 hay 1975. Nếu có một ngày nào kẻ ra đi xưa kia đặt chân xuống
Tân Sơn Nhất một lần nữa, bốn mươi năm sau ngày rời bỏ chẳng hạn, thì Tân Sơn Nhất
cũng vẫn lại là một phi trường tự do. Tôi tin chắc chắn ngày ấy đã rất gần.
(Viên Linh, Giáng
Sinh trong tuyết 2012, Virginia. Tặng Ðinh Cường, Thế Toàn Phở Xe Lửa.)
lam dep tai anh thu
ReplyDeletelàm đẹp tại anh thư
spa anh thu
spa anh thư
thẩm mỹ viện người mẫu anh thư
tham my vien nguoi mau anh thu
điêu khắc chân mày anh thư
dieu khac chan may anh thu
tham my vien anh thu o dau
viện thẩm mỹ anh thư ở đâu