Monday, 31 December 2012

TIỀN VỆ ĐÃ SÁNG TẠO TÔI (Đinh Thị Như Thúy)




30.12.2012

Tôi sống ở Phước An, một thị trấn nhỏ thuộc huyện Krông Pắc của tỉnh Đắc Lắc. Cái thị trấn mà một hôm tình cờ lang thang trên net tôi mừng rỡ đọc được bài viết có nhắc đến nó. Bài Về đâu anh hỡi mưa rơi chiều nay của Blogger Người Buôn Gió:

“Đaklak đã xa xôi rồi, mà Phước An hay còn gọi là Krongbuk hay Krongboc beo gì đó nghe còn xa xăm hơn. Nơi ấy có cái thị trấn nhỏ dọc theo con lộ, hai bên đường là nhà mái bằng, nhưng chỉ đằng sau dãy ấy là nhà gỗ nguyên sơ từ thuở nào. Lúc Hà Nội hay Sài Gòn ngột ngạt nóng, nơi này ban ngày sương mù, mây còn bay lảng bảng trên những mái nhà, thậm chí ngang cả đường đi. Bởi thế tối đến trời se lạnh. Mình đã có lần bị ốm vì chủ quan, cứ nghĩ dân Bắc Hà quen với giá lạnh. Nhưng cái lạnh đột ngột như thế thì cảm là chuyện tất nhiên. Cái thị trấn tối đến có vài quán cà fe, ở đó khách khứa biết nhau cả, họ chào nhau hỏi nhau rồi ngồi vào bàn theo từng nhóm. Cảm giác như trong phim cao bồi miền Tây, người lạ bước vào quán khối con mắt dò xét nhìn theo...”

Người Buôn Gió đã đến Krông Pắc? Ngày tháng được ghi dưới bài viết là ngày 9 tháng 6 năm 2011. Vừa mới đây thôi. Đọc xong tôi có chút ngậm ngùi. Nơi tôi sống dưới mắt nhìn của người nơi khác xa xăm và hoang lạnh vậy sao? Tối đó tôi chạy xe chậm theo quốc lộ 26. Ghé vào một quán café quen. Ngồi vào một chỗ ngồi quen. Thử nhìn ngó quan sát chung quanh bằng cái nhìn của Người Buôn Gió. Tự dưng lại thấy thú vị lạ lùng.

Tôi nhớ nhà thơ Inrasara năm 2010, trong một lần giới thiệu thơ tôi trên báo Thể thao – Văn hóa cuối tuần cũng đã viết: “Không ngờ một nhà thơ đang dạy Phổ thông Trung học ở vùng sâu vùng xa lại nhập cuộc vào cuộc thơ đương đại sòng phẳng như thế.”

Và tôi nghĩ: Cái sự “không ngờ” ở “vùng sâu vùng xa” này có lẽ cũng có những nguyên do của nó. Nguyên do trước tiên phải kể đến là internet. Và cụ thể hơn, quan trọng hơn, với tôi, chắc chắn phải kể đến là Tiền Vệ.

Tôi nối mạng internet cuối năm 2005, gửi bài và được in lần đầu tiên trên Tiền Vệ vào ngày 1 tháng 3 năm 2006. Ngoài trừ email đầu tiên gửi chung chung cho Ban biên tập Tiền Vệ. Những emails sau tôi đều đề gửi cho anh Hoàng Ngọc-Tuấn. Anh Tuấn thi thoảng cũng gửi thư thăm hỏi tôi. Tôi thấy anh uyên bác, tài hoa nhưng cũng rất gần gũi, giản dị.

Có lần trong thư anh kể cho tôi nghe về mùa hè ở miền Bắc nước Úc với hoa phượng, xoài, mít, bưởi, cá sấu, và những đàn trâu:
“...có những con trâu cực kỳ to lớn, nhưng chúng là trâu hoang, vì ở Úc không có ai nuôi trâu cả. Có những đàn trâu hoang nhiều đến hàng ngàn con. Mỗi khi chúng đi qua đường, tất cả xe cộ đều phải dừng lại rất lâu để chờ đợi... Có rất nhiều cá sấu nữa...”

Lần khác anh chăm chút động viên:
“Bài thơ mới của em rất hay, rất rất hay. Anh chỉ xoá bớt 1 chữ cuối cùng, chữ "đai" (trong "đất đai"): "... và đôi chân mọc rễ bám sâu vào đất" thay vì: "... và đôi chân mọc rễ bám sâu vào đất đai". Chữ "đất đai" ở đây làm yếu bài thơ về phần âm điệu và tiết nhịp. Vả lại, "đất đai" là một chữ nói khái quát về một khoảng mặt đất, chứ không nói đến tính chất cụ thể của đất. Đúng theo ngữ nghĩa thì "đôi chân mọc rễ bám sâu vào đất", chứ không thể "đôi chân mọc rễ bám sâu vào đất đai". Cũng như, "tôi uống nước", chứ không thể "tôi uống nước nôi". "Tôi giậm chân lên mặt đường", chứ không thể "tôi giậm chân lên mặt đường sá" :) Nhiều khi nhà thơ đang lao theo dòng chữ, có thể vô tình viết thừa một chữ. Tuy nhiên, cũng có khi thừa rất nhiều chữ, nhiều câu. Có một ví dụ rất đáng nhớ về điều này: Năm 1922, T.S. Eliot viết bài thơ "The Waste Land" dài 800 câu, rồi nhờ Ezra Pound xem lại. Ezra Pound cắt bớt... 367 câu thừa! Còn lại 433 câu. Và khi xuất bản, TS. Eliot đã đề tặng "The Waste Land" 433 câu ấy cho Ezra Pound. Bài "The Waste Land" 433 câu ấy trở thành một trong vài bài thơ vĩ đại nhất của văn chương hiện đại...”

Lần khác nữa, khi tôi gửi Tiền Vệ bài viết “Tất cả những điều đó đâu ngăn cản chúng ta cảm thấy hạnh phúc” với nỗi băn khoăn không biết nên gọi nó là một bài thơ hay có thể xem nó như một truyện cực ngắn, anh đã giúp tôi giải tỏa nỗi băn khoăn. Thư anh viết:
“Cảm ơn em vì một tác phẩm quá đẹp. Nó vừa là một bài thơ, vừa là một truyện cực ngắn. Thật ra, rất nhiều tác phẩm đương đại vượt ra ngoài những khái niệm về thể loại. Jorge Luis Borges không xếp tác phẩm của mình vào bất kỳ thể loại nào. Ông chỉ xuất bản những cuốn sách, mặc cho người ta muốn xếp chúng vào thể loại gì thì tuỳ. Vì thế, có rất nhiều "thơ" của Borges được đem vào các tuyển tập "truyện", và ngược lại. Cũng vậy, có rất nhiều "truyện" của Borges được đem vào các tuyển tập "tiểu luận", và ngược lại”.

Cũng nói về thể loại, một thư khác nữa anh lại viết:
“Thúy ơi, bài này rất đẹp. Tất nhiên đa số người đọc sẽ gọi nó là thơ, nhưng anh lại thích gọi nó là một tuỳ bút. Đọc nó như một tuỳ bút, ta sẽ đọc một cách khác với cách đọc thơ. Đọc nó như một tuỳ bút, ta đặt nó vào lòng hiện thực cuộc sống và xem nó như một đoạn phim ghi lại dòng cảm thức đang chuyển động của người viết. Chính vì thế, nó tác động đến cảm xúc của người đọc một cách trực tiếp hơn. Vì khi đọc thơ, người ta khởi sự từ một tiền giả định là đọc để trước hết khám phá cái đẹp trong ngôn từ và nhịp điệu của bài thơ. Còn khi đọc tuỳ bút, người ta khởi sự từ một tiền giả định là đọc để trước hết chia sẻ dòng cảm thức của người viết. Thuý có đồng ý để anh xếp bài này vào thể loại tuỳ bút không?”

Tôi nghĩ những thăm hỏi trò chuyện như thế của anh Tuấn với tôi (và chắc chắn với cả những người viết khác) không chỉ là những trò chuyện thông thường. Một cách nào đó vừa khéo léo, vừa chân thành, anh Tuấn đã chỉ bày cho tôi những điều tôi đang cần biết, để tiếp tục viết và đổi khác trong cách viết theo đúng tinh thần tiên phong của Tiền Vệ.

Sau này, qua anh Tuấn tôi quen với chị Hoàng Ngọc Trâm. Chị Trâm đã thực sự trở thành một người chị thân thiết với tôi. Qua email Trâm chia sẻ cho tôi tinh thần lạc quan hiếm có và lòng yêu văn chương nghệ thuật của chị. Đôi khi tôi nghĩ là tôi, chứ không phải là Trâm đang mệt mỏi, đang từng ngày chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo. Bởi không phải tôi động viên Trâm, mà chính Trâm lại là người phải động viên tôi, để tôi đi qua cuộc sống có quá nhiều phiền toái và mỏi mệt này.

Cứ như thế mỗi ngày, có khi bận bịu thì đôi ba ngày, tôi lại dành thời gian vào Tiền Vệ. Tôi gửi bài viết của tôi cho Tiền Vệ và đọc bài của các tác giả khác trên trang web này. Mỗi lúc đọc, tôi thấy vui như mình đang có những cuộc gặp với rất nhiều người. Những tác giả xuất hiện ở đó mỗi sáng như đang cùng tôi uống café, và họ trò chuyện với tôi bằng những gì họ viết ra. Tôi nghĩ việc viết và in thơ trên Tiền Vệ đã mở ra những ngày mới trong cuộc sống của tôi. Như thể tôi có những cánh cửa để mở ra nhìn ngắm những cảnh sắc khác, chia sẻ những cuộc đời khác, ngoài cuộc đời tôi đang sống ở cái thị trấn hoang sơ, tù túng, và trầm lặng như cảm nhận trong bài viết của Người Buôn Gió.

Tôi cần viết. Tôi muốn viết để được mơ tưởng xa xôi. Nhưng tôi sợ những điều tôi viết ra là nhảm nhí. Tôi sợ những chia sẻ của tôi quá nhỏ bé riêng tư. Bởi đã có những người đọc thơ tôi và cho rằng nó thật là vô ích. Tiền Vệ đã cho tôi sự tự tin khi chọn đăng gần như tất cả những bài viết tôi gửi đến. Tiền Vệ đã làm tôi tin hơn vào chính tôi. Tôi tin mỗi người đều có sức mạnh riêng mà Thượng đế ban cho họ. Ai đó có thông minh. Ai đó có nhạy cảm. Ai đó có giễu nhại. Và ai đó có chân thành. Tiền Vệ không răn dạy ai. Phải viết thế này hay thế khác. Phải viết về điều này hay điều kia. Phải có ích. Phải đừng vô ích. Không răn dạy. Cái cách chọn in hay không in của Tiền Vệ khiến mỗi người viết tự biết mình phải viết gì. Như thể để cái cây nở ra bông hoa của riêng nó. Thật hạnh phúc khi tự mình nở ra bông hoa của riêng mình. Và vì một lý do nào đó mà cái cây đó không nở hoa. Tiền Vệ biết đợi chờ. Vì có phải mùa nào cây nào cũng có thể nở hoa được đâu. Vậy nên cứ để những bông hoa nở theo dòng nhựa riêng của nó. Với tinh thần đó tôi viết theo cách của tôi với những gì tôi muốn viết. Tiền Vệ luôn ở đó chấp nhận tôi, dung nạp tôi. Viết. Và in trên Tiền Vệ. Không phải là lý do duy nhất để thơ tôi tồn tại. Nhưng đã là một trong những lý do để tôi nuôi dưỡng đam mê sáng tạo trong tôi.

Tôi nghĩ không dễ dàng gì để tìm được nhịp cho trái tim. Tìm được hơi thở. Tìm được dòng chảy. Ngày trước có lần tôi đứng trước sông Lô. Một ấn tượng thật kinh ngạc. Tôi đã sống ở Đà Nẵng và đã chứng kiến những ngày con sông Hàn giận dữ tràn bờ. Tôi cũng đã nhiều lần đến Huế mà ngỡ ngàng trước sự ngưng đọng như không trôi đi của sông Hương. Bởi vậy tôi thấy kinh ngạc trước sự trôi đi lừng lững mạnh mẽ của con sông Lô. Nhưng vạt lục bình trên sông Lô. Những bọt nước trắng đục. Tất cả đang đi với một vẻ xác tín sâu xa về con đường nó đã chọn. Con sông biết phải đi đâu. Tôi có cảm giác như thế. Tôi nghĩ như thế. Con sông biết mình sẽ phải đi đâu. Và nó đi với một xác quyết lạ lùng. Khi gặp Tiền Vệ tôi như thấy lại con sông Lô ngày đó. Tôi muốn phần nào có được vẻ xác quyết đó. Tôi muốn mình có thể viết. Như một niềm tin sẽ tìm được chính mình. Nhìn ngó mình. Khám phá mình. Một cách nghiêm cẩn sâu xa. Cả những nỗi đau. Những khát vọng.

Tiền Vệ kỷ niệm mười năm. Rất nhiều tác giả xuất hiện trên Tiền Vệ đã cảm ơn sự có mặt của Tiền Vệ. Tôi cũng vậy. Không chỉ bây giờ. Nhiều lần viết thư cho anh Hoàng Ngọc-Tuấn – Người biên tập Tiền Vệ, tôi đã nói đến tác động của Tiền Vệ với riêng cá nhân tôi:
“Cả tuần rồi đi học thay sách, giờ em mới có thời gian đọc bù Tiền Vệ. Em thích những bài thơ tình của Neruda quá / Em vẫn đọc Tiền Vệ đều. Em rất thích truyện Một buổi sáng của Lữ / Cuộc sống đã bớt nặng nề nhờ những điều em đọc và học trên Tiền Vệ / Thật kỳ lạ bao giờ đọc bài của mình trên Tiền Vệ em đều có một cảm xúc thật khác, cứ y như thể em đang đứng ở một nơi nào đó để nhìn lại mình / Lâu quá em không có bài nào in Tiền Vệ, em thấy thật trống vắng / Em vui khi đọc bài em trên Tiền Vệ. Nếu không được in trên Tiền Vệ, em thấy nó chưa được sống. Em cảm ơn anh vì niềm vui đó / Em vẫn luôn thấy thích đọc bài của em khi nó đã được in trên Tiền Vệ. Buồn cười là em luôn thấy nó hay hơn. / Em đọc ‘‘Nhắc đến rượu, nhớ bạn” của anh Nguyễn Hưng Quốc trong mục Đối thoại trên Tiền Vệ mà thấy thật cảm động. Các anh đã có những tình bạn thật đẹp. Em rất thích chi tiết uống rượu và nói chuyện qua điện thoại của anh và anh Quốc / Em cảm ơn anh rất nhiều. Đã đọc và động viên em.”

Tôi muốn nhắc lại những trao đổi trên để thấy tôi đã sống với văn chương Tiền Vệ như vậy đó. Để nói lại một điều tôi vẫn thường nói: Nếu không ở Tây Nguyên có lẽ tôi sẽ không làm thơ và nếu không có Tiền Vệ có lẽ tôi sẽ không làm thơ theo cách như tôi đang làm. Tôi nghĩ trong một phần quan trọng nào đó chính Tiền Vệ đã sáng tạo tôi.

Tiền Vệ kỷ niệm mười năm. Chưa bao giờ tôi nghĩ đến sự vắng mặt của Tiền Vệ. Cũng chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ không viết nữa. Tôi nghĩ tôi sẽ viết như là viết thôi. Ngôn ngữ có thân phận của nó. Cũng như thân phận của mỗi con người. Cứ viết tự nhiên như sống. Yếu đuối hay mạnh mẽ cũng đành. Để tôi có thể còn góp mặt vào Tiền Vệ như một bọt nước lừng lững đi trên sông. Mặc kệ người đứng trên bờ nhìn ngó.

Krông Pắc, ngày 30.12.2012
Đinh Thị Như Thúy


----------------------------------
Các tác phẩm cùng đề tài:



Một viên ngọc sáng (tiểu luận / nhận định) - Lưu Mêlan













Con đường đến với văn chương (tiểu luận / nhận định) - Trà Đoá






Đảm nhận vai trò lịch sử... (tiểu luận / nhận định) - Ngự Thuyết

Vài ghi nhận, 10 năm Tiền Vệ (tiểu luận / nhận định) - Ðinh Trường Chinh


Hoàng Ngọc-Tuấn và tôi (ký sự / tường thuật) - Nguyễn Đạt


Tiền Vệ là gì? (thư toà soạn) - Tienve.org



Những điều có thật (tiểu luận / nhận định) - Lê Minh Phong


10 năm Tiền Vệ (tiểu luận / nhận định) - Black Raccoon






Hơn một ngàn ngày (tiểu luận / nhận định) - Khuất Đẩu



Tiền Vệ: văn học xung phong (ký sự / tường thuật) - Bùi Văn Phú

Không có sự cô độc nào (tiểu luận / nhận định) - Trần Tiến Dũng


10 năm Tiền Vệ (ký sự / tường thuật) - Lê Trung Tự






Mười năm Tiền Vệ (2002-2012) (tiểu luận / nhận định) - Nguyễn Hưng Quốc

Khi chúng đến (truyện / tuỳ bút) - Lưu Diệu Vân

Bút nữ Tiền Vệ (nhiếp ảnh) - Tú Trinh

Những ý nghĩ trên ghế bố (ký sự / tường thuật) - Thận Nhiên

Tiền Vệ & tôi (ký sự / tường thuật) - Nguyễn Viện


Duyên vui (ký sự / tường thuật) - Hiệp Phong







Cơn mộng giữa rừng phong (truyện / tuỳ bút) - Hoàng Long










1 comment:

View My Stats