Sunday 30 December 2012

VÀI DÒNG TÂM SỰ VỀ VIỆC KÝ VÀO "LỜI KÊU GỌI" (T.T.T. - BauxiteVN)





Thư sinh viên gửi Bauxite Việt Nam
T.N.T.
31-12-2012

Tôi là sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên, thuộc Đại học Quốc gia TP HCM.

Cách đây mấy năm, tôi đã từng tham gia ký tên vào Kiến nghị phản đối khai thác bauxite Tây Nguyên. Tuy không thay đổi được gì, nhưng tôi vẫn hy vọng trong chính quyền vẫn còn người vì nước, vì dân.

Nay lại có Lời kêu gọi thực thi quyền con người theo hiến pháp tại Việt nam, đột nhiên ký ức lẫn thất vọng trào dâng, nên muốn ghi vài dòng cho khuây khỏa.

Gia đình bên ngoại tôi có truyền thống cách mạng. Ông tôi từng làm ở tuyên giáo tỉnh. Tôi ở với ông từ bé, hồi nhỏ ít được giao tiếp với đám trẻ hàng xóm, nên tối ngày chỉ biết lật lật đọc mấy quyển sách của ông ngoại. Đầu tiên là những quyển sách hình tuyên truyền về Cách mạng tháng Mười Nga, về chiến tranh Vệ quốc Nga. Rồi đến những mẫu chuyện ngắn về Mít Đặc và Biết Tuốt. Lên cấp 2 tôi bắt đầu đọc say mê những quyển sách về Đảng và Bác. Giờ Sử, trong khi các bạn đều kêu chán thì tôi lại rất hăng phát biểu, tiết nào cũng giơ tay xin phát biểu ý kiến. Lúc được kết nạp Đoàn sớm vào năm lớp 9, tôi vui tới mức đeo cái huy hiệu đoàn suốt 1 tháng, cả trên lớp lẫn khi ở nhà, gặp ai cũng khoe hết. Tôi đã mơ được đứng vào đội ngũ của Đảng, được ra sức vì CNXH, vì dân tộc Việt Nam. Mặc dù tôi cũng chả hiểu mấy về CNXH, nhưng lúc đó tôi cứ nghĩ nó là ưu việt nhất, là lý tưởng vĩ đại nhất đời.

Khi lên cấp 3, mọi thứ bắt đầu thay đổi, những gì tôi tin tưởng hào hứng mong muốn ngày xưa bắt đầu vỡ vụn và mất dần. Bắt đầu từ một đoạn văn nhỏ trích dẫn di chúc của Bác Hồ tôi đọc được trong sách của chị, có đoạn nói khi bác mất đồng bào chớ ma chay, phúng điếng linh đình để khỏi lãng phí. Một chút tò mò nổi dậy, tôi đi tìm nguyên văn Di chúc của Bác để đọc, và biết rằng Bác muốn được hỏa táng, tro cốt đặt ở ba miền Bắc, Trung, Nam, ở mỗi nơi đặt tro cốt đều dựng một chỗ nghỉ nhỏ, cho mọi người dừng chân nghỉ ngơi. Nhìn lại thực tế Lăng Bác ở ngoài đời tôi chợt nghĩ: “Tại sao Đảng lại không làm đúng theo di chúc của Bác?”. Đó cũng là lúc bắt đầu cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Mong ước chính đáng cuối cùng của người đã khuất là được an táng một cách giản dị nhất đã không được thực hiện thì làm sao mà học được ý người xưa đây?!

Chính phủ công bố kế hoạch khai thác bauxite Tây Nguyên. Thật kỳ lạ, tại sao lại giao bauxite Tây Nguyên cho người Trung Quốc khai thác, trong khi vùng Tây Nguyên là mái nhà Đông Dương, là nơi trọng yếu quân sự? Đưa người ngoài vào nơi trọng yếu quân sự, Đảng không sợ mất nước ư? Trên mạng internet tôi đọc được thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bản Kiến nghị của trang Bauxite Việt Nam. Không một chút ngại ngần tôi đã ký vào bản kiến nghị của trang Bauxite Việt Nam.

Tôi bắt đầu dừng đọc những quyển sách về lịch sử Đảng mà tìm kiếm những tư liệu về lịch sử dân tộc, về thời phong kiến của cha ông, và bắt đầu nhìn ra ngoài đường nhiều hơn. Những câu hỏi không ngừng xuất hiện: “Tại sao nước ta nghe ưu việt thế, nhưng nông dân làm lam lũ vẫn không khá lên được?”. “Tại sao xã hội ta nghe ưu việt thế nhưng vẫn đầy rẫy trẻ con ra đường bán vé số, người dân phải đi xuất khẩu lao động đơn giản, đi làm osin ở nước người?”…

Tiếp theo đó là một chuỗi dài thất vọng về việc học, việc thi cử khi Bộ công bố thi trắc nghiệm chính thức các môn Lý, Hóa. Những câu trắc nghiệm khô khan, vô vị, không có một chút liên tưởng nào, không khiến mình hứng thú học như những bài tự luận xưa, làm mình chán ngấy đi được, nhất là môn Lý. Tôi nghĩ :”Rốt cuộc mình học vì cái gì? Học nhiều thế này để làm gì? Vì bằng thôi ư???”.

Lên Đại học, mọi thứ vẫn chả khá hơn. Vẫn thi giấy, vẫn những bài giảng khô khan nhấn vào việc thi cái gì, chứ không phải là dùng để làm gì. Đó cũng là thời điểm bắt đầu vụ vỡ nợ của Vinashin, tôi nhớ đâu như là 90.000 tỷ đồng. Nhìn sang Nhật Bản, có một ông Thủ tướng đang từ chức. “Sao họ lại từ chức?” – Thêm một câu hỏi nữa.
Tôi là một Đoàn viên công tác tích cực. Trong Đại hội thường niên của Đoàn Khoa, phần chương trình hành động năm, mục Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chỉ thấy ghi học tập Bác hai chữ “Cần-kiệm”. Bốn chữ “Cần-kiệm-liêm-chính” của Bác là một chuỗi gắn kết, mật thiết với nhau, sao lại cắt đôi thế này được? Tôi nêu ý kiến thắc mắc thì được nghe một câu trả lời rất quái của anh Phó bí thư Đoàn Khoa: “Đoàn Trường chủ trương cho sinh viên tập trung học hai đức tính chính là Cần-kiệm thôi, còn liêm-chính thì khi nào ra trường, hay ai vào Đảng rồi học”. Ơ hay?! Học ý người xưa mà tự nặn nhào ý người xưa theo ý mình thế này đâu được! Tôi tranh luận. Kết quả là biên bản Đại hội ghi đủ 4 chữ Cần-kiệm-liêm-chính, nhưng lại thêm dòng: Nhấn mạnh “Cần-kiệm”!

Tôi tìm đọc được những quyển triết luận phương Tây được dịch ra tiếng Việt như Bàn về tự do của John Stuart Mill, Dân chủ và giáo dục của John Deway. Và vô số câu hỏi vẫn cứ xoáy trong đầu: “Tại sao lại không được biểu tình chống giặc?”. “Tại sao lại phải học thứ này, thứ kia trong khi chúng không có một chút lợi ích nào, hoặc có ích nhưng dùng ra sao, không có ai chỉ?”. “Tại sao lại kéo quân đội đi cưỡng chế nhà dân?”. “Tại sao ngày xưa ta nói quân đội “Trung với nước, hiếu với dân” mà giờ thành “Trung với Đảng, hiếu với dân”"?… Những câu hỏi đó được mang ra hỏi người nhà thì ai cũng lảng tránh. Mẹ tôi khuyên hãy yên thân, kiếm bằng đi đã. Nhưng nhà nước này của dân mà. Tôi cũng là công dân, sao tôi không được góp ý xây dựng?

Việc tham gia ký Lời tuyên bố lần này cũng vẫn là tại một câu hỏi tại sao: “Tại sao Hiến pháp Việt Nam cho phép biểu tình nhưng công an lại bắt người biểu tình? Hiến pháp là thượng tôn, chính quyền với dân đâu được phép vi phạm?”.

Tôi cũng không hy vọng cao về lần ký này, do các kiến nghị trước cũng không có kết quả, không sự có hồi đáp. Nhưng thà làm một điều gì đó còn hơn ngồi đợi ai đó giúp mình, tôi nghĩ vậy.

T.N.T.

-------------------------------

THEO DÒNG SỰ KIỆN :

‘Vì sao tôi ký kiến nghị về nhân quyền’  - Lại Nguyên Ân / BBC  29-12-2012
‘Điều 88 gây nguy hiểm cho trí thức’  (Audio) – Lại Nguyên Ân / BBC  29-12-2012
Boxitvn.net  25-12-2012








No comments:

Post a Comment

View My Stats