Saturday, 2 January 2021

VIỆT NAM KHÓ ĐỘT PHÁ TRÊN NỀN "TƯ DUY CŨ" (Quốc Việt - BBC)

 


Việt Nam khó đột phá trên nền "tư duy cũ"?

Quốc Việt

Nhà báo, gửi cho BBC từ Hà Nội

2 tháng 1 2021, 18:40 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-55507199

 

Năm 2020 có thể được xem là một năm thành công đối với Việt Nam khi kiểm soát hiệu quả Covid-19 và duy trì tốc độ tăng trưởng GDP dương (2,4% theo dự báo của IMF) trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm, khiến nhiều nước phải trầm trồ.

 

Bên cạnh đó, Việt Nam còn giữ chức chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh 10 nước ASEAN trực tuyến (tháng 11/2020), sau đó đóng góp tích cực vào lễ ký kết trực tuyến lịch sử Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - được xem là khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới.

 

Việt Nam rõ ràng đã có những bước tiến thuận lợi, tranh thủ được sự chuyển dịch địa chính trị, kinh tế và môi trường kinh doanh toàn cầu, trong đó có thương chiến Mỹ - Trung. Việc nhiều tập đoàn đa quốc gia lên kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc để né thuế quan trừng phạt của Mỹ đang tiếp thêm nhiên liệu cho nền kinh tế Việt Nam.

 

Theo báo cáo do IMF thực hiện, đến hết năm 2020, GDP danh nghĩa của Việt Nam sẽ vượt qua Singapore và Malaysia để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư ASEAN. Ruchir Sharma, chiến lược gia trưởng của Morgan Stanley Investment Management, cũng nhận định Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế đang phát triển bật lên mạnh mẽ nhất sau đại dịch (xem bài viết "Which Developing Economies Will Rise After the Pandemic?" trên New York Times).

 

Bức tranh chỉ có màu hồng?

 

Tuy nhiên, bức tranh ấy chắc chắc sẽ không phải chỉ có mỗi màu hồng. Bên cạnh những điểm sáng lạc quan, hãy còn đó không ít nỗi lo.

 

Thứ nhất là nguy cơ "chưa giàu đã già". Trên thực tế, Việt Nam đã bắt đầu bước vào thời kỳ lão hóa dân số từ năm 2011 (với tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 9,9%), sẽ trải qua giai đoạn dân số già từ 2026 - 2054 (chiếm 10 - 19,9%), và giai đoạn dân số rất già từ 2054 - 2069 (chiếm 20 - 29,9%).

 

Việt Nam cũng được xem là nước có thời gian chuyển từ "lão hóa dân số" sang "dân số già" thuộc nhóm nhanh nhất thế giới (20 năm), trong khi Nhật Bản và Trung Quốc mất 26 năm, Anh và Tây Ban Nha mất 45 năm. Một số biện pháp can thiệp nhằm duy trì mức sinh thay thế, như bỏ quy định không sinh con thứ ba, hay TP. HCM khuyến khích phụ nữ sinh thêm con, … vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.

 

Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa thật sự tận dụng tốt cơ hội trong giai đoạn dân số vàng, khi tỷ lệ lao động được đào tạo có tăng lên nhưng năng suất vẫn thấp hơn nhiều so với Singapore, Malaysia, Thái Lan, … thậm chí còn có nguy cơ bị Lào và Campuchia qua mặt.

 

Thứ hai, việc tranh thủ tối đa các yếu tố thuận lợi quốc tế và ổn định chính trị trong nước để tiếp tục thành công như 5 năm qua có thể sẽ không còn dễ dàng nữa khi Việt Nam bắt đầu chịu nhiều áp lực, bao gồm cả từ phía Washington - đối tác toàn diện, thân thiện và bạn hàng lớn nhất.

 

Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ trong 10 tháng đầu năm 2020 đã lên tới 58 tỷ USD, vượt qua Nhật Bản, chỉ xếp sau Trung Quốc và Mexico, khiến Bộ Tài chính Mỹ "gắn nhãn" chỉ định Việt Nam là nước thao túng tiền tệ trong giai đoạn chuyển giao quyền lực của chính quyền Donald Trump.

 

Thứ ba, tư duy phát triển của các lãnh đạo Việt Nam thật sự chưa có nhiều đột phá. Trong giai đoạn 2006 - 2016, do nóng vội, duy ý trí và quản trị kém, nhiều tổng công ty, tập đoàn nhà nước - được kỳ vọng là "quả đấm thép" của nền kinh tế Việt Nam - đã gây ra những sai phạm và hậu quả nghiêm trọng (như tham nhũng, thất thoát, thua lỗ tại Vinashin, PVN, …) mà đến giờ vẫn chưa khắc phục xong.

 

Điều này cho thấy tính không hiệu quả của chủ trương phát triển lấy khu vực kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Tuy nhiên, lộ trình thoái vốn nhà nước và cổ phần hóa các doanh nghiệp này vẫn đang diễn ra hết sức chậm chạp, liên tục bị trì hoãn.

 

Bên cạnh chính sách gom các đầu mối về một siêu ủy ban quản lý vốn nhà nước (thay cho SCIC), dự thảo mới đây do Bộ Kế hoạch & Đầu tư soạn thảo còn đề cập tới khái niệm "doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn", đề xuất thí điểm chính sách riêng biệt đối với một số doanh nghiệp nhà nước đặc thù trong lĩnh vực viễn thông (Mobifone), năng lượng (EVN) và công nghiệp quốc phòng (Viettel) để đưa thành những con "sếu đầu đàn" thực thụ của nền kinh tế Việt Nam.

 

Cách làm này thực ra không có nhiều thay đổi về chất, chỉ là "dấu bụi dưới thảm", cho nên khó có thể đảm bảo thành công và hiệu quả quản trị rủi ro.

 

Có thể trì hoãn cải cách được nữa?

 

Cùng nhìn lại lịch sử, bài học Đổi mới tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6 (năm 1986) thực chất chỉ là trở về với những giá trị cũ (xóa bỏ độc quyền nhà nước và tự do hóa một phần nền kinh tế) khi mô hình chỉ huy bao cấp lâm vào khủng hoảng.

 

Để đạt được mục tiêu thịnh vượng và chí ít trở thành một cường quốc bậc trung cho xứng đáng với tiềm năng của đất nước, Việt Nam cần thiết phải tiến hành cải cách mạnh mẽ, triệt để, vĩnh viễn không được đi vào vết xe đổ của "cải cách nửa vời". Kinh nghiệm thế giới cho thấy, thịnh vượng sẽ là kết quả sau cùng của chính sách tự do hóa.

 

Nhà sử học Johan Norberg, người từng làm tập phim tài liệu "Thụy Điển: Một bài học cho Hoa Kỳ?", khẳng định Thụy Điển không phải là một quốc gia xã hội chủ nghĩa bởi "nhà nước không sở hữu tư liệu sản xuất".

 

Trong giai đoạn tăng trưởng thần kỳ của mình, các nền kinh tế Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đều duy trì vai trò dẫn dắt của nhà nước, nhưng dần nới lỏng, chấm dứt sự chi phối và nhường sân chơi cho khu vực tư nhân. Ngay đến những công ty đình đám nhất Trung Quốc hiện nay - vốn tương đồng với Việt Nam về ý thức hệ - như Alibaba, Tencent, … cũng đều là do tư nhân điều hành.

 

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 sắp diễn ra, sẽ hoạch định lộ trình cho giai đọan 5 năm tiếp theo nhằm củng cố thành công của Việt Nam như một quốc gia trẻ đang phát triển năng động, và một thị trường hấp dẫn 100 triệu dân. Nhưng đó mới chỉ là trên khía cạnh kinh tế, còn về mặt chính trị xã hội (theo cách nói của Marx, chính là kiến trúc thượng tầng của cơ sở hạ tầng kinh tế), có lẽ Việt Nam không thể trì hoãn cải cách được nữa.

 

Trong bài viết Vietnam's Communists brace for next 5 years after big 2020 (tạm dịch: Việt Nam củng cố chế độ cộng sản cho 5 năm tới sau 2020) trên Nikkei Asia Review, tác giả Tomaya Onishi đã dẫn lời cựu Tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp thị Đặng Tâm Chánh, rằng các lãnh đạo Việt Nam giai đoạn tới nhất thiết phải có những chính sách hiệu quả để đảm bảo mô hình "nhà nước pháp quyền", kiến tạo không gian tự do cởi mở thực sự cho người dân, bên cạnh tầm nhìn, mục tiêu và hành động cụ thể để dẫn dắt thế hệ trẻ phát triển hết tiềm năng.

 

------------------------

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà báo đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội.

 

----------------------------------------

 

XEM THÊM

 

Lính Nghĩ Gì? - Vì sao Cộng Sản Trung Hoa và Việt Nam không sụp đổ?   

Vann Phan/Người Việt

Sep 5, 2020

https://www.nguoi-viet.com/cuu-chien-binh/linh-nghi-gi-vi-sao-cong-san-trung-hoa-va-viet-nam-khong-sup-do/

 

SANTA ANA, California (NV) – Kể từ khi Cộng Sản Trung Hoa được kết nạp vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) hồi năm 2001, cộng đồng quốc tế cứ mải mê và tất bật lo chuyện buôn bán với nước Cộng Sản khổng lồ này để làm giàu.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/09/CCB-Vi-sao-Cong-San-khong-sup-1-1536x1144.jpg

Ông Trần Huỳnh Duy Thức đang chịu án 16 năm tù giam về tội chế độ Hà Nội quy chụp là “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.” (Hình: Facebook Ngô Ngọc Trai)

 

Thế giới chỉ mới bắt đầu chú ý đến vấn đề tồn tại của chế độ Cộng Sản tại Hoa Lục cũng như tại các nước Á Châu khác từ Tháng Giêng năm nay, sau khi Cộng Sản Trung Hoa bị nhiều quốc gia, từ Hoa Kỳ cho tới Liên Âu và Úc, nghi là kẻ đã chủ tâm tung ra con virus Corona và gây nên đại dịch COVID-19 để làm tê liệt các quốc gia tự do, dân chủ, đứng đầu là Hoa Kỳ, nhằm tạo cơ hội cho Bắc Kinh trở thành bá chủ thế giới.

 

Nhưng Cộng Sản Trung Hoa (99 năm tuổi), và luôn cả nước Cộng Sản Việt Nam đàn em của họ (90 năm tuổi), cùng với Cộng Sản Bắc Hàn (74 năm tuổi), sẽ không dễ gì mà sụp đổ, ít ra cũng là trong tương lai gần.

 

Các lý do sau đây có thể giải thích vì sao Cộng Sản Trung Hoa, Cộng Sản Việt Nam, và Cộng Sản Bắc Hàn chẳng những đã không sụp đổ như nhiều người mong đợi mà còn hùng mạnh hơn, bám vững hơn, dù đã 29 năm trôi qua kể từ khi các chế độ Cộng Sản Liên Xô và Cộng Sản Đông Âu cáo chung bên trời Âu.

 

Ba lý do chính

 

Thứ nhất, không cần phải kể đến trường hợp của chế độ Cộng Sản Bắc Hàn vốn nổi tiếng hà khắc và tàn bạo nhất thế giới, cả Cộng Sản Trung Hoa và Cộng Sản Việt Nam đều sử dụng bạo lực tối đa để trấn áp các mầm mống chống đối chế độ ngay từ buổi ban đầu.

 

Mặc dù thông tin về những vụ đàn áp như thế đã bị triệt để bưng bít, thế giới cũng biết được một số vụ đàn áp các thành phần “phản động” qua cuộc Cách Mạng Văn Hóa (tức là cuộc Đại Cách Mạng Văn Hóa Giai Cấp Vô Sản) tại Hoa Lục, mà lịch sử gọi là “10 năm thảm họa.” Cuộc cách mạng này do Chủ Tịch Mao Trạch Đông và lực lượng Vệ Binh Đỏ thực hiện từ 1966 tới 1976, với hậu quả là Tướng Lâm Bưu bị chết một cách bí mật vì ra mặt chống đối họ Mao, trong khi có khoảng 1.8 triệu người dân bị giết hay tự sát, và 20 triệu người khác bị tù đày.

 

Đến năm 1989, cuộc đàn áp sinh viên và các thành phần đòi tự do, dân chủ tại Quảng Trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh đã làm cho hàng ngàn người biểu tình bị bắn hoặc bị xe tăng cán chết cùng hàng ngàn người khác bị thương, với những vết máu loang lổ và xương, thịt còn để lại trên quảng trường sau cuộc thảm sát.

 

Tại Cộng Sản Bắc Việt, cuộc nổi dậy hồi năm 1956 ở Quỳnh Lưu  chống kế hoạch cải cách ruộng đất do Chủ Tịch Hồ Chí Minh phát động đã bị đàn áp tàn bạo, khiến hàng trăm người biểu tình bị giết chết và bị thương. Tại Cộng Sản Việt Nam ngày nay, từ năm 2014 tới 2017, các cuộc biểu tình khiếu kiện đất đai, chống Cộng Sản Trung Hoa xâm lấn biển đảo của Việt Nam và chống công ty Fornosa gây ô nhiễm môi trường biển miền Trung Việt Nam đều bị thẳng tay đàn áp trong khi những phần tử bị cho là xúi giục dân chúng làm loạn đều bị bắt giam.

 

Kinh nghiệm về sự sụp đổ “đáng tiếc” của các đảng Cộng Sản Liên Xô và Đông Âu hồi năm 1991 bên trời Âu (chỉ vì quân đội và công an Liên Xô đã không thẳng tay tiêu diệt lãnh tụ phe “phản loạn” Boris Yeltsin tại một cuộc tập họp ở Moscow trong khi đảng Cộng Sản Liên Xô đã lơ là để cho chính sách Perestroika [Công Khai] và Glasnost [Cải Cách] của Tổng Bí Thư Mikhail Gorbachev phát triển làm ung thối chế độ) đã khiến cho hai đảng Cộng Sản Á Châu này càng cương quyết hơn trong sách lược dùng tối đa bạo lực để trấn áp mọi cuộc đối kháng từ trong trứng nước của dân chúng hoặc của chính các đảng viên Cộng Sản có khuynh hướng “xét lại” hoặc “cải cách.” Ngay tại Cộng Sản Việt Nam, như thế giới bên ngoài đã rõ, các cuộc biểu tình chống chế độ chưa kịp bùng lên thì những thành phần bị tìn nghi là nhà tổ chức đã bị bắt giữ hoặc bị cô lập rồi, và con số những nhà bất đồng chính kiến hoặc thành phần chống đối chế độ bị Cộng Sản Việt Nam bắt giam ngay trước giờ hành động ngày một gia tăng.

 

Thứ nhì, sách lược làm giàu cho các chế độ Cộng Sản Á Châu để họ được “nếm mùi tư bản phồn thịnh” rồi họ sẽ tự động chuyển mình thành các quốc gia tự do, dân chủ chẳng những đã thất bại ê chề mà còn làm gia tăng thêm sức mạnh để các lãnh tụ Cộng Sản củng cố cho vững vàng hơn chế độ độc tài, đảng trị, như trường hợp của Cộng Sản Trung Hoa và Cộng Sản Việt Nam cho thấy. Rõ ràng là các đảng Cộng Sản Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ một phần cũng vì nền kinh tế yếu kém của họ mà họ lại không được Hoa Kỳ và Tây phương “hà hơi, tiếp sức” bằng chủ nghĩa tư bản “phồn vinh,” trong khi cả Cộng Sản Trung Hoa và Cộng Sản Việt Nam đều được giới tư bản Tây phương ve vãn để mong xâm nhập vào thị trường béo bở của họ, kể cả công kênh họ vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) với nhiều biệt lệ và đặc quyền để họ yên tâm làm giàu thì giới tư bản Mỹ và Tây phương mới có thể nhờ đó mà giàu có thêm.

 

Thứ ba, chủ nghĩa vật chất (materialism), cùng đích của hai chủ nghĩa cộng sản (communism) và tư bản (capitalism), ngày càng chế ngự nền văn minh thế giới và đang trở thành chủ nhân ông điều khiển mọi sinh hoạt của nhân loại từ Đông sang Tây. Có điều, chủ nghĩa vật chất dường như chỉ làm lợi cho những quốc gia theo chế độ Cộng Sản hoặc độc tài, đảng trị như Cộng Sản Việt Nam, và đặc biệt là Cộng Sản Trung Hoa, mà lại gây hại cho các nền tự do, dân chủ trên thế giới chỉ vì lòng tham lam quá độ của các nhà tư bản. Trong khi chủ nghĩa vật chất đang tạo bất an xã hội tại các nước Tây phương, từ Hoa Kỳ cho tới Âu Châu, vì chỉ làm lợi cho giới tư bản giàu có và đào sâu và làm rộng thêm cái hố cách biệt từng tồn tại bấy lâu giữa người giàu và kẻ nghèo, chủ nghĩa vật chất đang là công cụ đắc lực có khả năng bình định xã hội và ru ngủ được đám dân chúng, trước đây nghèo khó vì chủ nghĩa xã hội, nay bỗng có chút của ăn, của để, từ đó làm nhụt đi ý chí đối kháng chống đường lối cai trị tàn bạo của chính quyền Cộng Sản, và với thời gian thì quyết tâm dùng bạo lực để lật đổ chế độ độc tài, đảng trị trong nước cũng mai một theo.

 

Giới Việt kiều chuyên làm ăn với Cộng Sản Việt Nam vẫn đưa ra nhận xét rằng, trong chín, mười năm trở lại đây, một số người dân trong nước xem ra còn giàu có hơn nhiều người Việt hải ngoại nữa, nhất là giới kinh doanh và những kẻ hoạt động trong kỹ nghệ du lịch và giải trí, ai cũng có gia tài bạc triệu (đô la) và có tài sản mua sẵn tại Mỹ cũng như tại các nước Tây phương khác, tức là họ còn giàu có hơn nhiều người trong giới công nhân tại Hoa Kỳ và Âu Châu nữa.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/09/CCB-Vi-sao-Cong-San-khong-sup-2-1536x806.jpg

Xe tăng quân đội Cộng Sản Trung Hoa trong cuộc đàn áp người biểu tình tại Quảng Trường Thiên An Môn. (Hình: heritage.org)

 

Nhưng càng có tiền, có của, dân chúng tại các quốc gia Cộng Sản, như Trung Hoa và Việt Nam, càng trở nên cầu an và không muốn mạo hiểm làm điều gì để bị chính quyền gây khó dễ, chưa nói tới chuyện họ sẽ bị bắt bớ, giam cầm, với những bản án nặng nề hàng chục năm trở lên mà không biết kêu ca vào đâu. Đường lối chung của những con người đang ăn nên, làm ra tại Cộng Sản Việt Nam ngày nay là “nếu mình không phản đối chính quyền điều gì thì họ cũng chẳng làm khó, làm dễ gì mình cả,” có nghĩa là người dân cứ việc làm ăn bằng cách riêng của họ theo những gì mà nhà nước cho phép, nhưng tuyệt đối không được kêu ca, phản đối hoặc chống lại chính quyền Cộng Sản thì mới mong được họ để yên cho.

 

Tấm gương của hàng trăm nhà bất đồng chính kiến bị nhà cầm quyền Cộng Sản tù đày và hành hạ tại Cộng Sản Trung Hoa, như Lưu Hiểu Ba, Ngải Vị Vị, Ngụy Kinh Sinh… và tại Cộng Sản Việt Nam như Trần Anh Kim, Lê Thị Công Nhân, Trần Huỳnh Duy Thức… cho thấy ngày nay dân chúng tại hai quốc gia Cộng Sản thầy trò nói trên có rất ít cơ hội để nổi lên chống đối nhằm lật đổ guồng máy cai trị của chính quyền trong nước. Nếu Hoa Kỳ và các nước Tây phương không ra sức dụ dỗ Cộng Sản Trung Hoa và Cộng Sản Việt Nam mở cửa buôn bán với họ để có được mức độ phồn thịnh như ngày nay thì đám dân chúng, bị nghèo đói vì chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa không tưởng, có thể đã bị dồn vào bước đường cùng để rồi nổi lên chống đối và lật đổ chế độ Cộng Sản đang cai trị họ, vì họ chẳng có gì để mất cả.

 

Các lý do phụ

 

Ngoài các lý do chính yếu nêu trên, cón có các lý do phụ thuộc giúp các chế dộ Cộng Sản tại Trung Hoa và Việt Nam tồn tại lâu hơn:

 

- Cuộc Chiến Tranh Lạnh chấm dứt sau hơn bốn thập niên tồn tại khi Cộng Sản Liên Xô và Cộng Sản Đông Âu sụp đổ (1991) cùng với nguyên tắc không can thiệp vào nội tình của nhau giữa các nước thành viên tổ chức Liên Hiệp Quốc tạo cơ hội cho các nước Cộng Sản còn lại của thế giới, như Trung Hoa, Việt Nam, Bắc Hàn, và Cuba, có thể yên tâm phát triển đất nước của họ mà không còn lo sợ bị các nước tự do, dân chủ trên thế giới tấn công, và đồng thời cũng giúp cho chính quyền tại các nước đó dồn mọi nỗ lực vào việc củng cố quyền hành và tăng cường bộ máy kiểm soát dân chúng để không cho họ nổi loạn, dù họ là dân chúng ở Tây Tạng, Tân Cương, và Bắc Hàn, hay Hà Tĩnh, Nghệ An, và La Havana.

 

- Việc toàn cầu hóa nền kinh tế vừa giúp ích cho các quốc gia Cộng Sản biết lợi dụng thời cơ mà làm ăn và tích lũy của cải mà cũng còn giúp giải tỏa tâm lý bị dồn nén của dân chúng sống dưới các chế độ độc tài, đảng trị nhờ vào việc giao thương và phong trào du lịch quốc tế đang phát triển khắp nơi. Những yêu tố này càng làm cho người dân sống dưới sự cai trị của Cộng Sản gia tăng nhiều hơn việc thụ hưởng khoái lạc vật chất, để rồi từ đó trở nên dửng dưng hơn trước những bất công xã hội do chế độ gây ra, miễn là bản thân mình được sung sướng thì thôi.

 

- Kỹ thuật kiểm soát và kềm kẹp người dân dưới các chế độ Cộng Sản ngày càng tinh vi hơn, kể cả việc quấy nhiễu và khủng bố thân nhân của những kẻ bị bắt giam về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (theo Điều 79 Bộ Luật Hình Sự). Bên cạnh đó, những tiến bộ vượt bực của khoa học trong thế kỷ này so với thế kỷ trước (do các nước Tây phương sáng chế và được các quốc gia Cộng Sản triệt để áp dụng), trong đó có kỹ thuật nhận dạng và theo dõi con người, càng giúp ích cho các chế độ bạo tàn có thên phương tiện khống chế dân chúng và bóp nghẹt các phong trào chống đối hoặc bạo động chống chính quyền ngay từ trong trứng nước nữa.

 

- Cũng giống như các chế độ Cộng Sản tại Liên Xô và Đông Âu hồi cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, các chế độ Cộng Sản tại Trung Hoa, Việt Nam, Bắc Hàn, và Cuba ngày nay chỉ có thể sụp đổ vì các cuộc nổi dậy từ bên trong đất nước của họ mà thôi, chứ không thể nhờ vào sự can thiệp từ các quốc gia bên ngoài. Nhưng, như đã trình bày ở trên, các cuộc nổi dậy của dân chúng chống các chế độ Cộng Sản là điều khó có thể thực hiện được trong hoàn cảnh thế giới hiện nay. (Vann Phan) [qd]

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats