Wednesday, 20 January 2021

TRUMPISM, CHUYỆN DÀI NHIỀU TẬP . . . (Thụy Mân)

 


TRUMPISM, CHUYỆN DÀI NHIỀU TẬP . . .     

Thụy Mân

18/01/2021 lúc 17:24  

https://www.facebook.com/thuyman.tran.54/posts/1373858029618965

 

Lẽ dĩ nhiên sau bao nhiêu năm tháng làm việc, theo dõi diễn tiến chính trị, lên tiếng cho lẽ phải, rồi cơn đại dịch ập đến, mệt mỏi và tức giận với tin vịt cùng những kẻ cuồng Trump điên dại xung quanh, ngày hôm nay, các bạn và tôi, cũng như số đông dân chúng đất nước này cảm thấy mình xứng đáng để được nghỉ ngơi một lúc.

 

Mình xứng đáng được nghỉ ngơi, nhưng chỉ một lúc thôi, bởi vì Trump không còn đó, nhưng một chủ nghĩa, lớn hơn Trump, nguy hiểm hơn Trump, hiện hữu ngay cả trước khi Trump bước vào White House, đã được củng cố. Những người đi theo chủ nghĩa đó là một tập hợp nhỏ hơn đại đa số quần chúng, nhưng nếu chúng ta không thận trọng, sẽ tiếp tục BỊ lấn át, và đi ngược lại mong mỏi chung của đa số dân Mỹ. Tôi muốn nói đến Trumpism!

 

Dưới đây là một bài phân tích rất hay, cảnh báo về tình cảnh chúng ta sẽ phải đối mặt, dù hiện giờ đối với nhiều người, đảng Dân Chủ đang ở vị thế thuận lợi.

 

******************

 

Dịch từ bài viết của Zeynep Tufekci - The Atlantic

 

AMERICA'S NEXT AUTHORITARIAN WILL BE MUCH MORE COMPETENT

 

Joe Biden giờ đã đắc cử tổng thống, chúng ta có thể mong đợi người ta tranh luận về việc liệu Donald Trump có phải là một sự lầm lạc (chứ không phải “chúng ta đã sai lầm”) hay không? Hay nói cách khác đó là những bệnh lý và lỗi lầm của nước Mỹ. Người ta có thể lý giải bằng truyền thống cội rễ ăn sâu của người Mỹ, đồng thời cũng nhận ra được cả những điểm bất thường: tweet vào những giờ nửa đêm về sáng, sở thích kết hợp kinh doanh cá nhân với điều hành chính phủ, nỗi ám ảnh về dân chúng sẽ xếp hạng mình ra sao như một minh tinh của truyền hình- công việc duy nhất ông ta đã chứng tỏ mình được việc.

 

Tuy nhiên, nhìn tổng quát ở mức độ quốc tế, Trump chỉ là một ví dụ nữa trong số nhiều người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu đã lên nắm quyền trên khắp thế giới: Narendra Modi ở Ấn Độ, Jair Bolsonaro ở Brazil, Viktor Orbán ở Hungary, Vladimir Putin ở Nga, Jarosław Kaczyński ở Ba Lan, và Recep Tayyip Erdoğan ở Thổ Nhĩ Kỳ, quê hương của tôi. Những người này đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử nhưng lại làm khuynh đảo các chuẩn mực dân chủ: bằng cách buộc tội những người bất đồng chính kiến, đàn áp hoặc gán cho giới truyền thông là quỷ dữ, quấy nhiễu phe đối lập và xé rào luật pháp bất cứ khi nào có thể (các đối thủ của Putin có xu hướng gặp phải những tai nạn thương tâm). Orbán tự hào đã sử dụng cụm từ "dân chủ phi tự do" để mô tả chủ nghĩa dân túy được thực hiện bởi những người lãnh đạo kể trên; Trump có nhiều điểm tương đồng với họ, cả về mặt hùng biện và chính sách khôn khéo thuyết phục dân.

 

Trump cũng đã vận động như họ, chống lại khuynh hướng toàn cầu hóa đang đặc biệt thống lĩnh thời đại này và mang lại lợi ích cho nhiều người, nhưng lại quá không cân xứng cho những người giàu có, để lại hậu quả một số lượng lớn người dân bị tụt lại đằng sau, đặc biệt là ở các nước giàu có. Ông ta dựa trên ý tưởng truyền thống của Herrenvolk về chủ nghĩa dân túy dân tộc chủ nghĩa: ủng hộ một hình thức nhà nước mang lại phúc lợi, nhưng chỉ dành cho một số người "xứng đáng" hơn là những người không xứng đáng (như người nhập cư, thiểu số), mà những người này lại bị cáo buộc chiếm đoạt những lợi ích đó. Ông đã truyền tải và khích động sự nghi ngờ lan rộng trong dân chúng đối với các thể chế dân chủ tự do trung dung (đáng chú ý nhất là báo chí) - giống như những người theo chủ nghĩa dân túy khác. Và những trò tương tự!

 

Nhưng có một điểm khác biệt chính giữa Trump và những người khác trong danh sách kể trên. Những người khác đều là những chính trị gia tài năng, những người thắng cử nhiều lần.

 

Ngược lại, Trump là một ngôi sao truyền hình thực tế (reality TV star), người vô tình đi lạc và may mắn "sa vào hũ nếp" của một cuộc cải tổ đang diễn ra trong nền chính trị Mỹ, được hỗ trợ bởi một loạt các sự kiện đặc biệt diễn ra vào năm 2016, đã như là cơ hội ngàn năm một thuở cho ông ta:

 

- Đảng Dân chủ đã chọn một ứng cử viên khá phân cực nhưng không có đủ điều kiện thiết yếu về kỹ năng chính trị có được từ sự tồn tại sau những cuộc bầu cử gay go;

 

- Phương tiện truyền thông xã hội, vào thời điểm đó, đã ăn sâu vào nền chính trị của đất nước, nhưng sự ăn mòn của nó phần lớn không được kiểm soát; nhiều người đã lợi dụng nó- chẳng hạn như khi đó, Giám đốc FBI James Comey - đã làm cho nhiều người phản ứng từ việc cho rằng họ đặt niềm tin sai chỗ vào Hillary Clinton;

 

- Các đối thủ của Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa đã đánh giá thấp ông ấy.

 

Ông ta đã có một sự may mắn tuyệt đỉnh.

 

Không hẳn Trump hoàn toàn không có tài năng. Các cuộc gặp mặt cử tri cho phép ông ta gần gũi với đám đông ủng hộ, giúp Trump thử nghiệm các thông điệp khác nhau với đám đông mà sau đó ông ta đã khuếch đại khắp mọi nơi. Trump có trực giác để hiểu rõ sức mạnh của sự chú ý, và ông ta đã dùng các phương tiện truyền thông truyền thống như một trò chơi - họ được hưởng lợi từ những trò hề của ông ta, và họ đã tận lực khai thác nó. Trump cũng cảm nhận rõ ràng thời điểm thuận lợi chính trị cho ông ta vào năm 2016 và đã cố gắng điều chỉnh con đường của mình vào vị trí tổng thống, mặc dù điều đó có lẽ liên quan nhiều đến bản năng hơn là lập ra một kế hoạch cẩn trọng.

 

Tuy nhiên, nếu gạt sang bên sự may mắn, Trump không giỏi trong công việc của một vị tổng thống. Ông ta thậm chí còn không thích công việc đó. Trump quá vô kỷ luật và mong manh để có thể hoạt động chính trị hiệu quả trong một thời gian dài, để dẫn đến việc giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sau đó. Ông ta dường như cũng ngạc nhiên như bất kỳ ai khác khi chính ông ta thắng cử vào năm 2016. Mặc dù Trump ghét cái tiếng tăm của một kẻ thua cuộc sẽ từ đây đi theo ông ta, nhưng có lẽ ông ta cũng sẽ chấp nhận, đặc biệt là khi ông ta có thể đổ lỗi cho những âm mưu tưởng tượng liên quan đến trộm cắp phiếu hoặc nhét thêm phiếu hoặc các tòa án - miễn là ông ta có thể tìm ra cách để thoát khỏi các phiên tòa hình sự đang diễn ra bằng mọi cách của ông ta có thể. (Một sự tự ân xá? Một sự ân xá có thương lượng? Ông ta sẽ cố tìm một cách nào đó.)

 

Trump tranh cử như một người theo chủ nghĩa dân túy, nhưng ông ta thiếu tài năng chính trị và năng lực để điều hành như một con người tài ba. Bạn còn nhớ "Tuần lễ Cơ sở hạ tầng" ông ta đã hứa chứ? Đã chẳng bao giờ xảy ra. Còn nhớ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc mà ông ấy tuyên bố là sẽ thắng ? Một số thuế nhập cảng đã được tăng lên ở một vài lĩnh vực, nhưng những công việc sẽ mang lại sự cứu trợ cho lĩnh vực sản xuất đã suy tàn của Mỹ đã không bao giờ hồi sinh. Tại Wisconsin vào năm 2018, tổng thống đã công bố "kỳ quan thứ tám của thế giới" - một nhà máy Foxconn được cho là sẽ mướn 13.000 người để đổi lại 4,5 tỷ đô la trợ cấp của chính phủ. Tuy nhiên, vào thời điểm bắt đầu của cuộc bầu cử (2020) này, tòa nhà vẫn trống trơn, và tổng thống đã mất Wisconsin trong Đại cử tri đoàn. (Foxconn đã thuê người trong những tuần cuối cùng của năm 2019 để hoàn thành đủ để có thể đạt đến tiêu chuẩn được trợ cấp, và ngay sau đó vào năm mới đã sa thải nhiều người trong số này.)

 

Hầu hết những người theo chủ nghĩa dân túy trên toàn cầu phát triển rộng rãi mạng lưới bảo trợ : dùng chi tiêu của chính phủ để thúc đẩy những người ủng hộ của chính họ. Mô hình của Trump vẫn gắn bó nhiều với lợi ích cá nhân: Ông khuyến khích mọi người nghỉ lại khách sạn của mình và ăn tối tại Mar-a-Lago để đổi lấy quyền lợi, thay vì phát triển một mạng lưới có sự tham gia rộng lớn và sẽ vẫn trung thành với ông trong nhiều năm sau. Và khi đại dịch ập đến, thay vì lợi dụng dịp này để chứng tỏ khả năng và vai trò lãnh đạo mạnh mẽ, tập hợp đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ Trung Quốc - một cơ hội hoàn hảo cho kiểu người theo chủ nghĩa dân túy mà Trump luôn mong muốn như vậy- thay vào đó ông ta bối rối không biết phải làm gì.

 

Erdoğan nắm quyền trên toàn quốc từ năm 2003. Sau hai thập kỷ, ông được cho là đã đánh mất một phần ma thuật chính trị của mình, do những sai lầm ngày càng gia tăng và tình hình xấu đi xung quanh các quyền dân chủ. Tuy nhiên, ông vẫn là một trong những chính trị gia tài năng nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ. Ông đã có thể vượt qua nhiều thách thức, bao gồm cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trước đó. Ở Nga, Putin đã thắng nhiều cuộc bầu cử, thậm chí còn xoay xở để phá bỏ giới hạn nhiệm kỳ. Tại Ấn Độ, Modi cũng đã được bầu lại. Người ta có thể tranh cãi những cuộc bầu cử này còn lâu mới có thể gọi là hoàn hảo, nhưng chúng vẫn là những cuộc bầu cử. Bolsonaro của Brazil đã làm rối loạn phản ứng của đất nước đối với đại dịch nhưng đang viện trợ khẩn cấp cho những người nghèo và gia tăng sự nổi tiếng của mình. Đạo luật CARES đã làm điều tương tự, cung cấp một khoản trợ cấp đáng kể cho các doanh nghiệp và cải thiện tài chính cho nhiều gia đình, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp, nhưng nó đã kết thúc ngay trước cuộc bầu cử; còn Trump thì lại tweet một cách bất nhất về việc có thể đi đến một thỏa thuận về vũ khí hạt nhân.

 

Tôi cho rằng giới lãnh đạo Đảng Cộng hòa lạc quan, nếu không muốn nói là họ đã hài lòng về sự thất bại của Trump. Điều đáng chú ý là Fox News đã nhanh chóng gọi Arizona là chiến thắng thuộc Biden, và bao nhiêu nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa đã lên án hành động tweet giận dữ của tổng thống và cố gắng ngăn chặn cuộc đếm phiếu của Trump. Họ biết rằng Trump đã "tiêu tùng", và họ có vẻ chấp nhận điều đó. Đối với họ, còn điều gì khiến họ phải phàn nàn? Tối Cao Pháp Viện kiên cố đã được dựng xong cho họ; họ có khả năng sẽ giữ quyền kiểm soát ở Thượng viện; Đảng Cộng hòa tại Hạ viện giành được nhiều ghế hơn dự kiến; và họ cũng đang xem xét mức tăng đáng kể trong các Hạ viện của tiểu bang, cho phép họ kiểm soát việc tái phân chia khu vực trong thập niên tới. Thậm chí tốt hơn cho dự án dài hạn của họ, họ đã đa dạng hóa liên minh của riêng mình, thu hút nhiều ứng cử viên nữ và nhiều cử tri da màu hơn về phía ủng hộ họ.

 

Và họ có một số khía cạnh có thể được phát triển: Cử tri đoàn và đặc biệt là Thượng viện là những tổ chức chống chuyên chế, và chúng có thể được kết hợp với những nỗ lực khác để khuynh đảo chế độ đa số. Các nhà lãnh đạo và các đảng có thể tham gia vào việc đàn áp cử tri và phá vỡ các quy tắc thông thường với sự hợp tác của lưỡng đảng ở một mức độ nào đó trong chính phủ. Kết hợp lại, những tính năng này làm cho người tham gia cuộc chơi phải đi theo những nguyên tắc của thiểu số (Cộng Hòa): Hãy nhớ rằng không có tổng thống Đảng Cộng hòa nào giành được số phiếu phổ thông kể từ năm 2004, và Thượng viện có cấu trúc bị thiểu số (Cộng Hòa) thống trị. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa có sức mạnh to lớn. Động lực này cũng xảy ra ở cấp địa phương, nơi gerrymandering cho phép đảng Cộng hòa tăng cường đại diện của họ trong các cơ quan lập pháp tiểu bang.

Nói một cách khác, tình huống (Trump) là một sự sắp đặt hoàn hảo để một chính trị gia tài năng theo Chủ nghĩa Trump ra tranh cử vào năm 2024. Một người không có sự háo hức tí toáy Twetter, không tham lam sở hữu một chuỗi khách sạn, một người có thiên hướng quản lý hơn là chơi golf. Một người không chọc tức tất cả những người không thích ông ta, một người có cô vợ nhìn ông ta một cách trìu mến thay vì hất tay ông ta quá nhiều lần nơi công cộng. Một người nào đó không có băng ghi âm khoe khoang về việc sàm sỡ với phụ nữ, một người nói những điều đúng đắn về các cựu chiến binh. Một người có thể gửi lời chia buồn phải phép khi các thượng nghị sĩ qua đời, thay vì khiến cử tri bang của họ tức giận, như Trump đã làm, có lẽ đã gây bất lợi cho ông ta ở Arizona. Một người đàn ông mạnh mẽ khuynh đảo chuẩn mực, người có thể tạo ra đa số bền vững và giữ liên minh của mình cùng nhau để giành được nhiều cuộc bầu cử hơn.

 

Không lầm lẫn gì nữa: Nỗ lực khai thác chủ nghĩa Trump - không còn Trump, nhưng với tài năng chính trị có tính toán, tinh tế và thông minh hơn - đang đến. Và sẽ không dễ dàng để biến Trumpist kế tiếp trở thành tổng thống một nhiệm kỳ. Ông ta, trong tương lai sẽ không vụng về hay dễ bị tổn thương như vậy. Ông ta sẽ được bầu lên do kỹ năng làm việc nhiều hơn là do may mắn.

 

Có thể đó sẽ là Thượng nghị sĩ Josh Hawley, người đang viết một cuốn sách chống lại Công nghệ lớn (Big Tech) vì ông biết rằng đó sẽ là chương tiếp theo trong các cuộc chiến văn hóa, với các công ty truyền thông xã hội tham gia "tin giả" như kẻ thù.

 

Có lẽ đó sẽ là Thượng nghị sĩ Tom Cotton, đang tranh cử với tư cách là một nhà lãnh đạo theo kiểu Luật Pháp và Trật Tự với khuynh hướng dân túy.

 

Có thể đó sẽ là một nhân vật truyền thông khác: Tucker Carlson hoặc Joe Rogan, đều là những người đàn ông có tài năng và được nhiều người theo dõi.

 

Có lẽ đó sẽ là một Sarah Palin khác - bà ta là một khuôn mẫu ban đầu cho thể loại này- với sự lôi cuốn và hấp dẫn nhưng không có gánh nặng và sự cần thiết của một ứng cử viên tổng thống để chọn bà ấy một cách ngẫu nhiên (như đã xảy ra).

 

Có lẽ một người nào đó giống như Lauren Boebert, người được bầu cử Đại diện ủng hộ QAnon của Colorado, người đầu tiên đánh bại đại diện truyền thống của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử sơ bộ và sau đó đi vào cuộc đua của mình với vũ khí ngời ngời, không thèm đeo khẩu trang và giành chiến thắng trước ứng cử viên Đảng Dân chủ, một giáo sư đã nghỉ hưu, người tránh trực tiếp vận động tranh cử vì sự lo ngại về lan tràn dịch bệnh. Đúng như thế! Một người độc lập có sức hấp dẫn ngẫu nhiên có lẽ lại có cơ hội tốt hơn nhiều so với một nhân vật thành danh trong đảng.

 

Vậy chúng ta phải làm gì? Đầu tiên và quan trọng nhất, chúng ta cần nhận ra bản chất của vấn đề và chấp nhận rằng sự thất bại của giới tinh hoa không thể được đáp lại bằng các lỗi lầm tương tự. Rất nhiều thông điệp của Đảng Dân chủ đã được gói gọn trong hoài niệm. Nhưng sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy là một triệu chứng của những thất bại trong quá khứ. Nắm giữ những điều quý giá của những ngày tốt đẹp cũ sẽ không giúp chúng ta thoát khỏi điều này. Đúng vậy, điều quan trọng là làm nổi bật giá trị của các chuẩn mực và kêu gọi khôi phục các thể chế dân chủ. Nhưng những gì chúng ta cần để tiến về phía trước vượt ra ngoài sự giữ lịch sự và sự hùng biện cho phải trái. Những thất bại trong quá khứ không nên được hướng đến. Các thất bại đó phải được tránh, quan trọng hơn là được hiểu và thay đổi để tốt hơn. Sẽ có những tranh luận về việc làm thế nào để xây dựng lại một nền chính trị có thể gây hấp dẫn trong thời điểm hiện tại, và cách thức vận động thế nào cho tương lai. Nên như thế!

 

Cuộc khủng hoảng ở Mỹ của chúng ta không thể được giải quyết trong một bài báo bao quát chung chung mà có thể đưa ra các giải pháp dễ dàng. Nhưng bước đầu tiên là nhận ra cái hố sâu thăm thẳm này đối với các nền dân chủ trên khắp thế giới, bao gồm của cả chúng ta, và nhận ra rằng những gì phía trước không phải là một sự trở lại dễ dàng.

 

Hiện giờ, Đảng Dân chủ đã phải bỏ qua dịp ăn mừng sự kiện Trump thất bại, để cho nó qua đi- một mối nguy hiểm nghiêm trọng, đặc biệt là vì ở nhiều khu vực bầu cử, những khu vực Trump thất bại, người dân đã hoàn toàn mệt mỏi. Một giấc ngủ ngắn về chính trị trong vài năm có lẽ có vẻ hấp dẫn đối với nhiều người phản đối Trump, nhưng thông điệp thực sự của cuộc bầu cử này không phải là Trump thua cuộc và đảng Dân chủ chiến thắng. Đó là việc một chính trị gia yếu kém và không có năng lực đã thua cuộc, trong khi phần còn lại là đảng Cộng Hòa đã hoàn toàn cố thủ quyền lực của mình đối với mọi nhánh khác của chính phủ: thiết lập hoàn hảo để một nhà dân túy cánh hữu tài năng lên nắm quyền vào năm 2024.

 

Và đừng nhầm lẫn: Tất cả họ đang nghĩ về nó!

https://www.facebook.com/photo?fbid=1373858002952301&set=a.156093288062118

 

86 BÌNH LUẬN  

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats