Friday, 1 January 2021

TIỄN BIỆT MỘT NĂM BUỒN (Hiếu Chân / Người Việt)

 


Tiễn biệt một năm buồn

Hiếu Chân/Người Việt

Dec 29, 2020

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/tien-biet-mot-nam-buon/

 

Rồi cũng đến lúc năm 2020 buồn thảm trôi qua, nhân loại lại chào đón năm mới 2021 với niềm hy vọng mới.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/12/A1-Tien-biet-mot-nam-buon-1536x925.jpg

COVID-19 chưa hẳn là đại dịch nguy hiểm nhất, mà có thể là “hồi chuông cảnh tỉnh” để con người chuẩn bị cho những đại dịch khủng khiếp hơn nữa trong tương lai. Trong hình, một người mua thức ăn “to go” tại một nhà hàng ở Los Angeles, California. (Hình minh họa: Frederic J. Brown/AFP via Getty Images)

 

Thông thường, con người học được từ đau khổ và bất hạnh hơn là từ hạnh phúc và thành công. Theo nghĩa đó, năm 2020 bất hạnh để lại nhiều ấn tượng khó quên và nhiều bài học để suy ngẫm hơn là những năm thuận buồm xuôi gió trong quá khứ. Nhìn lại 2020, có lẽ hai sự kiện khó quên nhất với người Mỹ chúng ta là đại dịch viêm phổi Vũ Hán và cuộc tổng tuyển cử Tháng Mười Một.

 

Đã có vô số sách báo bàn tới hai sự kiện lớn nhất năm 2020, từ nhiều góc độ khác nhau; khó mà có thêm bình luận khác.

 

Đại dịch viêm phổi Vũ Hán, hay COVID-19, bùng phát ở Trung Quốc hồi cuối năm 2019, được công khai đầu năm 2020 và lan tới Mỹ cuối Tháng Giêng, 2020. Lúc đầu, không ai nghĩ rằng đại dịch có thể tàn phá ghê gớm nước Mỹ – quốc gia hùng mạnh nhất thế giới có nền kinh tế và khoa học kỹ thuật, đặc biệt là y khoa – hàng đầu. Nhưng sự thể đã vượt ra ngoài mức tưởng tượng, vào những ngày cuối năm, Mỹ là nước bị đại dịch tàn phá trầm trọng nhất, dẫn đầu thế giới cả về số người nhiễm bệnh và số tử vong.

 

Chuyện không ai ngờ – ngay cả những nhà làm phim giàu tưởng tượng nhất của Hollywood cũng không nghĩ ra được – là các bệnh viện ở New York trước đây và Los Angeles hôm nay đã không còn giường cho bệnh nhân, phải đặt băng-ca tràn ra hành lang, lều bạt dựng trong khu để xe, còn người chết vì dịch đã phải nằm tạm trong các thùng xe vận tải đông lạnh!

 

Có nhiều ý kiến giải thích nguyên nhân tàn phá của dịch bệnh ở Mỹ; những người chống Cộng đổ cho dã tâm hiểm độc của chính quyền Trung Quốc, người cấp tiến thì cáo buộc sự bất nhất của chính quyền Donald Trump, nhiều người khác cho rằng quan niệm cực đoan về tự do cá nhân của Mỹ mới là nguyên nhân gây ra thảm họa. Cách giải thích nào cũng có phần đúng; kết hợp nhiều cách giải thích với nhau chúng ta sẽ có thể hiểu được nguyên nhân căn bản của tình trạng bi đát hiện nay và từ đó tìm cho mình một cách ứng xử thích hợp. Nhưng dù giải thích thế nào thì thiệt hại mà đại dịch đã và đang gây ra cho người dân Mỹ là không thể bù đắp được, và còn di hại trong nhiều năm sắp tới.

 

Trên bình diện quốc tế, đã có những quốc gia thành công trong việc khống chế đại dịch. Từ đó nổi lên lối giải thích rằng các chính thể độc tài có năng lực tốt hơn so với các quốc gia dân chủ tự do. Lối giải thích này do Trung Quốc đưa ra và được các quốc gia độc tài khác ủng hộ. Việt Nam chẳng hạn, đã coi việc ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của đại dịch COVID-19 như là một “thành tích sáng chói” của đảng và chính phủ Cộng Sản. Ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước CSVN, còn mạnh miệng tuyên bố với các quan chức dưới quyền: “2020 được xem là năm thành công nhất trong nhiệm kỳ 5 năm qua,” bất chấp tình hình bi đát của đất nước với hàng trăm ngàn công ty lớn nhỏ phải dẹp tiệm, hàng triệu người mất việc làm và đa số dân nghèo vật vã không biết làm gì để kiếm sống qua ngày.

 

Những người quan niệm độc tài chống dịch tốt hơn dân chủ đã vin vào cái thành tích đáng ngờ của Trung Quốc, Việt Nam và phớt lờ cái thực tế rằng, những nơi chống dịch có kết quả nhất mà không gây tổn thất lớn cho nền kinh tế lại là các nền dân chủ như Đài Loan, New Zealand, Nam Hàn. Các thông tin rò rỉ từ Nga và Trung Quốc trong vài ngày gần đây càng khiến người ta hoài nghi thành tích chống dịch của độc tài Cộng Sản, chẳng hạn như số người bị nhiễm virus ở Vũ Hán, Trung Quốc hồi đầu dịch cao gấp 10 lần con số chính quyền công bố, hoặc số người tử vong vì dịch ở Nga cao gấp ba lần con số của chính quyền và Nga là nước có số người chết cao thứ ba thế giới, sau Mỹ và Brazil. Ấy vậy mà lập luận độc tài tốt hơn dân chủ vẫn được nhiều chính phủ quảng bá để tự đánh bóng và nhiều người vẫn tin!

 

Cái nguy hiểm của lập luận này là ở chỗ nó khuyến khích người ta chấp nhận bị kìm kẹp dưới ách chuyên chế trong thời buổi dịch bệnh hoành hành; thậm chí coi việc “ở lại Việt Nam thời dịch là một may mắn ‘xa xỉ’” như lời của Tổng Bí Thư Trọng. Cho đến nay, chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh chính thể độc tài có năng lực vượt trội trong việc phòng chống dịch bệnh, mà chỉ có những cáo buộc chính quyền độc tài che giấu thông tin, bịt miệng đối lập khiến cho một bệnh dịch lẽ ra đã có thể được phát hiện sớm và khống chế ngay tại ổ dịch đã nhanh chóng biến thành một đại dịch truyền nhiễm khắp toàn cầu làm đảo lộn tất cả mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội.

 

Rồi đây đại dịch sẽ qua, có thể là ngay trong mùa Hè sắp tới, vấn đề dân chủ và độc tài sẽ được nhìn nhận lại nhưng có thể nói, đại dịch năm 2020 là một cơ hội trời cho để các chính thể độc tài củng cố bàn tay sắt của họ lên cuộc sống của người dân, dập tắt ý chí phản kháng nhân danh phòng chống dịch.

 

Rồi đây cuộc sống sẽ trở lại bình thường, nhưng có lẽ không giống như thời trước đại dịch. Theo các chuyên gia y tế, tuy đã gây bệnh cho 82 triệu người, 1.8 triệu người tử vong nhưng COVID-19 chưa hẳn là đại dịch nguy hiểm nhất, mà có thể là “hồi chuông cảnh tỉnh” để con người chuẩn bị cho những đại dịch khủng khiếp hơn nữa trong tương lai. “Đây là hồi chuông cảnh tỉnh. Đại dịch này rất nghiêm trọng, nó lây lan rất nhanh và ảnh hưởng mọi khu vực trên thế giới, nhưng chưa hẳn là dịch bệnh nguy hiểm nhất. Tỷ lệ tử vong hiện nay vẫn tương đối thấp nếu so với nhiều dịch bệnh mới nổi, chúng ta cần chuẩn bị cho những căn bệnh nghiêm trọng hơn trong tương lai,” Bác Sĩ Mike Ryan, giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), cảnh báo.

 

Nếu có một điều gì đó tích cực mà đại dịch này mang lại cho cuộc sống của chúng ta thì đó có lẽ là những ngày tháng giam chân trong nhà, nhận tin tức về những chuyến ra đi trong cô quạnh của người thân, bạn bè đã giúp chúng ta nhận chân được bản chất vô thường của đời người mà bớt ngạo mạn và sân hận. Một trong những sự thay đổi lớn có lẽ là chúng ta sẽ sống hài hòa hơn, cẩn thận hơn với sức khỏe của chính mình và người thân, tránh những nơi tụ tập đông người, làm việc và mua sắm qua mạng, giảm đi lại bằng máy bay, sao cho tự do của mình không đụng chạm đến quyền sống và tự do của người khác. Có lẽ đó là tự do đích thực hay chăng?

 

                                                ***

 

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đem lại những nỗi niềm khác. Trong năm 2020 trên trang báo này chúng tôi đã đôi lần bày tỏ tâm sự về “nước Mỹ, một sinh nhật buồn,” và “nước Mỹ cần chữa trị.” Quả thật chưa bao giờ nước Mỹ buồn như năm 2020 khi sự hồ nghi và chia rẽ xâm nhập vào sâu trong tâm trí của từng người, từng gia đình, từng cộng đồng, đặc biệt là chung quanh cuộc bầu cử tổng thống ngày 3 Tháng Mười Một và những cuộc hỗn loạn tiếp sau đó.

 

Một hy vọng hàn gắn giữa những người Dân Chủ và Cộng Hòa, người da trắng và người da màu sau khi cuộc bầu cử kết thúc đã trở thành nỗi thất vọng khi hố sâu ngăn cách đôi bên, ngăn cách hai đường lối quản trị đất nước lại cứ rộng ra sau mỗi ngày khi các phe liên tục tố cáo nhau gian lận hoặc tham quyền cố vị và không ai chịu nhường ai. Mối xung khắc này đã có từ lâu, được khoét sâu trong những năm cầm quyền của Tổng Thống Donald Trump và còn di hại thêm nhiều năm nữa.

 

Mặt tích cực là cuối cùng người dân Mỹ bằng lá phiếu của mình đã lựa chọn một tương lai khác, cho thấy nền dân chủ Mỹ có lúc tưởng như sụp đổ trước sự tấn công của kẻ thù chuyên chế bên ngoài và sự xói mòn từ độc tài bên trong đã tạm thời đứng vững được, nhưng các định chế nền tảng của nó bị suy yếu trầm trọng. Một số đông cử tri theo sự dẫn dắt của Tổng Thống Trump đã không còn niềm tin vào các định chế dân chủ như Tối Cao Pháp Viện, cộng đồng các cơ quan tình báo và thực thi công lực, báo chí chính thống; thậm chí có tới 80% những người đã bỏ phiếu cho ông Trump nghĩ rằng chính quyền Joe Biden/Kamala Harris sắp nhậm chức là “bất hợp pháp,” đi lên từ một “cuộc bầu cử bị đánh cắp!”

 

Lỗi không hoàn toàn ở Tổng Thống Trump nhưng phong thái lãnh đạo của ông đã kích hoạt một sự bùng nổ “truyền thông giả” đầy rẫy thuyết âm mưu, tin tức xuyên tạc và kích động làm người dân mất niềm tin vào các giá trị dân chủ, nghi ngờ lẫn nhau và sẵn sàng gây hấn với tất cả những ai khác ý kiến với mình. Vây bủa giữa truyền thông giả, bất chấp mọi dữ kiện đang diễn ra, nhiều người như sống trong một thực tế khác, họ phủ nhận cả sự thật rành rành về sự tàn hại của virus Corona lẫn kết quả rõ ràng của cuộc bầu cử.

 

Niềm tin như bát nước, đã đổ xuống thì khó mà hốt lại được. Sức mạnh Mỹ không chỉ nằm ở thể chế dân chủ lâu đời mà còn do người dân tin vào thể chế đó, tin vào cơ chế phân quyền và kiểm soát quyền lực đã sâu rễ bền gốc trong xã hội Mỹ từ ngày lập quốc.

Chính phủ mới của ông Joe Biden thừa kế một nước Mỹ năm 2020 bị chia rẽ và mất niềm tin như vậy. Chính phủ Biden sẽ làm gì trong năm 2021 để thay đổi tình hình, khôi phục lại một xã hội Mỹ thịnh vượng và bao dung, tôi không biết. Nhưng chắc chắn đây là một thách thức hết sức khủng khiếp.

 

Nếu có điều gì đó tích cực về cuộc bầu cử tổng thống vừa qua thì đó có lẽ là nó giúp chúng ta nhận chân được cái xã hội mà chúng ta đang sống, với đủ mọi sắc thái và cung bậc. Nó cũng đồng thời khẳng định sức sống bền vững của mô hình chính trị dân chủ “của dân, do dân và vì dân” như định nghĩa của cố Tổng Thống Abraham Lincoln.

 

Với niềm lạc quan và tin tưởng như vậy, hãy tiễn biệt năm 2020 buồn thảm vào quá khứ, và chờ đón một năm mới an lành hơn, hạnh phúc hơn. [qd]

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats