Saturday, 23 January 2021

NHỮNG KẺ ĐIÊN VÀ NHỮNG NHÀ HIỀN TRIẾT - SUY NGHĨ VỀ SỰ KẾT THÚC CỦA NHIỆM KỲ TỔNG THỐNG TRUMP (Jacques Rancière)

 



Những kẻ điên và những nhà hiền triết - Suy nghĩ về sự kết thúc của nhiệm kỳ của Tổng thống Trump    

Jacques Rancière[*]

Phạm Nhu Hồ dịch

22/01/2021

http://www.phantichkinhte123.com/2021/01/nhung-ke-ien-va-nhung-nha-hien-triet.html#more

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgN_wPP-D3YfFNCqm17b59knzIMA-6OcwuYhTqIciiOcq1ct699L5DCQ5MzznBsQY4RkBxoIZfVqpEo8w6JsJeKCncOfd9Up4iRYcWBhNx4b5Im6hND2vy5v6VCcwSdKDnIMdLtvNtQueu0/w578-h303/Jacques+Ranci%25C3%25A8re+%25281940-%2529.jpg

Jacques Rancière (1940-)

 

Sau vụ tấn công Đồi Capitol, ta có thể ngạc nhiên khi thấy những người ủng hộ Trump kiên quyết phủ nhận sự thật đến mức rơi vào bạo lực cuồng tín. Một số coi họ là những kẻ cả tin bị những tin tức giả lừa gạt. Nhưng làm sao ta vẫn có thể tin được câu chuyện hoang đường này khi ta đang sống trong một thế giới mà thông tin và những bình luận “giải mã” thông tin tràn ngập? Thực tế, nếu ta từ chối điều hiển nhiên, đó không phải vì ta ngu ngốc mà là để chứng tỏ rằng ta thông minh. Dấu hiệu của một sự lệch lạc được ghi trong chính cấu trúc lý trí của chúng ta.

 

Thật dễ dàng để chế nhạo những sự lầm lạc của Donald Trump và phẫn nộ trước sự bạo lực của những người cuồng tín ủng hộ ông. Nhưng sự bùng nổ của tính phi lý thuần túy nhất ngay ở trung tâm của quá trình bầu cử của đất nước được xây dựng tốt nhất để quản lý sự luân phiên trong chế độ đại nghị cũng đặt ra câu hỏi về thế giới mà chúng ta chia sẻ với nó: một thế giới mà chúng ta nghĩ là thế giới của tư duy thuần lý và của nền dân chủ thanh bình. Và câu hỏi đầu tiên tất nhiên là: làm thế nào có thể cố chấp không chấp nhận những sự kiện đã được chứng thực tốt nhất và làm thế nào mà sự cố chấp này lại có thể được chia sẻ hoặc ủng hộ rộng rãi đến như vậy?

 

Một số người vẫn muốn tiếp tục bám vào cái phao cũ kỷ để thoát nạn: những ai không muốn thừa nhận sự kiện là những người không hiểu biết không có nhiều thông tin hoặc những đầu óc cả tin bị lừa dối bởi các tin tức giả mạo. Đó là sự kết hợp cổ điển của một nhân dân tốt bị đánh lừa, do tính ngây thơ chất phác của mình, chỉ cần được dạy về cách thu thập thông tin về các sự kiện và cách đánh giá chúng với một đầu óc phê phán. Nhưng làm thế nào để có thể còn tin vào câu chuyện hoang đường này về tính ngây thơ của nhân dân khi ta đang sống trong một thế giới có vô số phương tiện thông tin, phương tiện xác minh thông tin và bình luận “giải mã” mọi thông tin được mọi người tiếp cận?

 

Lúc đó chúng ta buộc phải đảo ngược lập luận: nếu ta từ chối điều hiển nhiên, đó không phải là vì ta ngu ngốc, mà là để chứng tỏ rằng ta thông minh. Và trí thông minh, ai cũng biết, là phải cảnh giác với những sự kiện và tự hỏi việc khối lượng thông tin khổng lồ được trút đổ vào chúng ta hàng ngày là để làm gì. Và câu trả lời dĩ nhiên được đề xuất là tất nhiên để lừa dối thế giới, bởi vì những gì được trải ra trước mắt mọi người nói chung là để che đậy sự thật mà ta cần phải biết cách khám phá ẩn dưới cái vẻ bề ngoài dối trá của những sự kiện.

 

Điểm mạnh của câu trả lời này là làm hài lòng đồng thời những kẻ cuồng tín nhất và những người đa nghi nhất. Một trong những đặc điểm đáng chú ý của phái cực hữu mới là vị trí mà các thuyết âm mưu và phủ nhận (sự thật/négationnisme) chiếm được trong phái. Những thuyết này bao gồm những khía cạnh hoang tưởng, như lý thuyết về đại âm mưu quốc tế lớn của những kẻ ấu dâm. Nhưng sự mê sảng này cuối cùng chỉ là hình thức cực đoan của một loại tính thuần lý thường được coi trọng trong xã hội của chúng ta: hình thức buộc phải nhận thức bất cứ sự kiện đặc biệt nào như là hệ quả của một trật tự toàn cầu và đặt nó trong trình tự tổng thể giải thích nó và cho thấy nó cuối cùng rất khác so với những gì nó có vẻ lúc ban đầu.

 

Khả năng phủ nhận mọi thứ không thuộc về “thuyết tương đối”. Đó là một sự lệch lạc được khắc sâu trong cấu trúc lý trí của chúng ta.

 

Chúng ta biết rằng nguyên tắc giải thích mọi sự kiện bằng tất cả các mối liên hệ của nó cũng có thể được đọc ngược lại: luôn có thể phủ nhận một sự việc bằng cách viện dẫn sự vắng mặt của một mắt xích trong chuỗi các điều kiện làm cho nó có thể tồn tại. Chẳng hạn, như chúng ta đã biết, các trí thức Mác xít triệt để đã phủ nhận sự tồn tại của các phòng hơi ngạt của Đức Quốc xã vì không thể suy ra sự tất yếu của chúng từ logic tổng thể của hệ thống tư bản. Và ngay cả những trí thức tinh tế ngày nay cũng đã coi coronavirus như một câu chuyện hoang đường do các chính phủ của chúng ta bịa ra để kiểm soát chúng ta tốt hơn.

 

Các lý thuyết âm mưu và phủ nhận tuân theo một logic không dành riêng cho những đầu óc ngây thơ và những bộ não bệnh hoạn. Các hình thức cực đoan của chúng minh chứng cho phần phi lý trí và mê tín dị đoan hiện diện ở trung tâm của hình thức thuần lý thống trị trong xã hội của chúng ta và trong các cách tư duy diễn giải sự vận hành của nó. Khả năng phủ nhận mọi thứ không thuộc về “thuyết tương đối” bị lên án bởi các bộ óc nghiêm trang vốn nghĩ rằng mình là những người bảo vệ lý tính phổ quát. Đó là một sự lệch lạc được khắc sâu trong cấu trúc lý trí của chúng ta.

 

Người ta sẽ nói rằng không phải chỉ cần có đủ vũ khí trí tuệ để phủ nhận mọi thứ. Mà còn phải muốn làm điều đó nữa. Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng chúng ta cần phải xem ý chí này là gì hay đúng hơn cái cảm xúc khiến chúng ta tin hay không tin.

 

Rất ít có khả năng rằng bảy mươi lăm triệu cử tri đã bỏ phiếu cho Trump đều là bấy nhiêu những bộ não yếu ớt bị những bài phát biểu của ông và những thông tin sai lệch mà chúng truyền đạt thuyết phục. Họ không tin theo nghĩa là họ cho rằng những gì ông ấy nói đều là sự thật. Họ tin theo nghĩa là họ hạnh phúc khi nghe những gì họ nghe được: một niềm vui có thể, cứ mỗi bốn hoặc năm năm, lại được thể hiện bằng một lá phiếu, nhưng được thể hiện một cách đơn giản hơn nhiều mỗi ngày bằng một cú nhấp chuột ưa thích/like đơn giản. Và những người rao bán thông tin sai lệch cũng không phải là những người ngây thơ tưởng tượng những thông tin giả này là đúng hay những người hoài nghi biết chúng là sai. Họ chỉ đơn giản là những người muốn nó như thế, muốn nhìn thấy, suy nghĩ, cảm nhận và sống trong cái cộng đồng đầy cảm giác mà những lời lẽ này thêu dệt.

 

Tư duy như thế nào về cộng đồng và mong muốn này? Đây là lúc mà một khái niệm khác rình rập được tạo ra bởi sự lười biếng mãn nguyện, khái niệm chủ nghĩa dân túy. Khái niệm này không còn viện dẫn đến một nhân dân tốt và ngây thơ, mà ngược lại, một nhân dân bị uất ức và đố kỵ, sẵn sàng đi theo những ai biết cách thể hiện nỗi cay đắng của mình và chỉ ra nguyên nhân của chúng.

 

Thường thì ta sn sàng xem Trump là đại diện của tất cả những người da trắng hèn mọn đang trong tình trạng nguy khốn và tức giận: những người bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi kinh tế và xã hội, những người đã mất việc làm do tiến trình phi công nghiệp hóa và mất những cái mốc của nhân cách của mình với các hình thức mới về cuộc sống và văn hóa, những người cảm thấy bị giới tinh hoa chính trị xa xôi bỏ rơi và bị giới tinh hoa có văn bằng khinh thường. Đây là một luận điệu không mới: điều này đã xảy ra khi mà nạn thất nghiệp được sử dụng vào những năm 1930 như một lời giải thích cho chủ nghĩa Quốc xã và được mãi mãi tái sử dụng để giải thích cho bất kỳ sự nổi lên nào của cánh cực hữu trong các nước chúng ta. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể nghiêm túc tin rằng 75 triệu cử tri của Trump đều phù hợp với cái hình tượng của những nạn nhân của cuộc khủng hoảng, nạn thất nghiệp và sự giáng cấp này? Lúc đó, chúng ta phải từ bỏ cái phao thoát nạn thứ hai của sự thoải mái về trí tuệ, hình tượng thứ hai của một nhân dân thường được giao phó vai trò của một tác nhân phi lý trí: nhân dân bị uất ức và thô bạo này là đối trọng của một nhân dân tốt và chất phác.

 

Một cách sâu sắc hơn, chúng ta phải tra vấn cái hình thức thuần lý giả thông thái này, vốn tìm cách biến các nét thuộc về một thành phần xã hội đang thăng tiến hay đang suy yếu thành những hình thức biểu hiện chính trị của chủ thể-nhân dân. Nhân dân chính trị không phải là biểu hiện của nhân dân xã hội học tồn tại trước đó. Nó là một sự sáng tạo đặc thù: sản phẩm của một số thể chế, thủ tục, phương thức hành động, mà cả của những câu chữ, hình ảnh và hình tượng không thể hiện cảm xúc của nhân dân nhưng tạo ra một nhân dân nhất định, bằng cách tạo ra cho nó một chế độ cảm xúc đặc thù.

 

Không có gì bí ẩn về niềm đam mê mà Trump kêu gọi, đó là niềm đam mê về sự bất bình đẳng.

 

Nhân dân của Trump không phải là biểu hiện của các tầng lớp xã hội đang gặp khó khăn và đang tìm kiếm một người bảo trợ. Trước hết, đó là một nhân dân được tạo ra bởi một thể chế đặc thù, nơi mà nhiều người khăng khăng muốn nhìn thấy như là biểu hiện tối cao của nền dân chủ: một nền dân chủ thiết lập mối quan hệ tương hỗ và tức thì giữa một cá nhân được cho là hiện thân cho quyền lực của tất cả và một tập thể các cá nhân nghĩ rằng mình nhận ra chính mình nơi cá nhân đó. Sau đó, đó là một nhân dân được xây dựng bởi một phương thức liên hệ đặc biệt, một mối liên hệ mang tính cá nhân được thực hiện nhờ vào các công nghệ truyền thông mới, khi mà nhà lãnh đạo nói chuyện hàng ngày với từng người và mọi người, cả với tư cách là con người công và con người tư, sử dụng cũng các hình thức giao tiếp cho phép mỗi người và mọi người nói lên những gì trong tâm trí hoặc trái tim của họ hàng ngày.

 

Cuối cùng, đó là nhân dân được xây dựng bởi hệ thống cảm xúc đặc thù mà Donald Trump đã triển khai thông qua hệ thống giao tiếp này: một hệ thống cảm xúc không dành cho bất kỳ tầng lớp đặc biệt nào và không lợi dụng sự hụt hng mà ngược lại nhấn mạnh đến sự hài lòng về tình trạng của bản thân, không phải dựa trên cảm giác về sự bất bình đẳng cần được đền bù mà trên cảm giác về đặc quyền cần được duy trì chống lại tất cả những ai muốn xâm phạm nó.

 

Không có gì bí ẩn về niềm đam mê mà Trump kêu gọi, đó là niềm đam mê đối với sự bất bình đẳng, một thứ đam mê cho phép cả người giàu và người nghèo tìm thấy vô số kẻ thấp kém hơn. Bằng mọi giá họ phải duy trì sự ưu việt của họ đối với những người này. Thật vậy, luôn có một ưu thế mà chúng ta có thể tham gia: ưu thế của nam giới đối với phụ nữ, của phụ nữ da trắng đối với phụ nữ da màu, của người lao động đối với người thất nghiệp, của người làm việc trong các ngành nghề của tương lai đối với những người khác, của người có một bảo hiểm tốt đối với người phụ thuộc vào sự đoàn kết công, của người bản xứ đối với người di cư, của người công dân đối với người nước ngoài và của công dân của quốc gia mẹ của nền dân chủ đối với phần còn lại của nhân loại.

 

Sự có mặt đồng thời tại Điện Capitol do những tên côn đồ ủng hộ Trump chiếm giữ, của lá cờ của mười ba bang sáng lập và lá cờ của miền Nam ủng hộ chế độ nô lệ minh họa khá rõ sự sắp xếp kỳ lạ này khiến sự bình đẳng trở thành bằng chứng tối cao của sự bất bình đẳng và việc mưu cầu hạnh phúc thành một cảm xúc hằn thù. Nhưng, không chỉ với một giai tầng xã hội cụ thể nào, sự đồng nhất quyền lực của tất cả mọi người với vô số những ưu thế và thù hận cũng không thể bị đồng hóa với phong cách của một nước cụ thể. Ở đây chúng ta biết vai trò của sự đối lập giữa nước Pháp làm việc và nước Pháp được cứu trợ, giữa những người tiến lên phía trước và những người vẫn bám vào các chế độ bảo trợ xã hội cổ xưa, hay giữa các công dân của xứ sở của phong trào Khai sáng và quyền con người và các nhóm dân cư lạc hậu và cuồng tín đang đe dọa sự toàn vẹn của nước Pháp. Và hàng ngày trên Internet, chúng ta có thể thấy sự căm ghét mọi hình thức bình đẳng được những bình luận của độc giả tờ báo thường xuyên nhắc đi nhắc lại.

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjRXPR4zB0zTKpTt56LD-X-9B6Lg_8dsJfM7UHjAVPz60d9dYQT7SRf12FuGYzyGrz5qs-YTR9scG6bjHoSASC9DDJOdWHI8HjbFfxmpAAGMF4Ch0iBqCvbiCYo2RNOiQapPxxVJSWuPewu/w129-h200/Joseph+Jacotot+%25281770-1840%2529.jpg

Joseph Jacotot (1770-1840)

 

Cũng như sự ngoan cố phủ nhận không phải là dấu hiệu của những đầu óc lạc hậu mà là một biến thể của tính duy lý thống trị, văn hóa hận thù không phải là tác phẩm của các giai tầng xã hội bị thua thiệt mà là sản phẩm của sự vận hành của các thể chế của chúng ta. Đó là một cách để thuộc về nhân dân, một cách tạo ra một nhân dân thuộc về logic của sự bất bình đẳng. Gần hai trăm năm trước, nhà tư tưởng về sự giải phóng trí tuệ, Joseph Jacotot, đã cho thấy sự phi lý trí bất bình đẳng đã giúp xã hội vận hành như thế nào, một xã hội trong đó mọi người thấp kém đều có thể kiếm ra một kẻ thấp kém hơn và tận hưởng cái ưu thế mà anh có đối với người này. Chỉ một phần tư thế kỷ trước, về phần tôi, tôi đã gợi ý rằng sự đồng nhất hoá nền dân chủ với sự đồng thuận đã tạo ra, để thế chỗ cho một nhân dân bị xem như là cổ xưa dựa trên sự phân chia xã hội, một nhân dân còn cổ xưa hơn nữa dựa trên những cảm xúc duy nhất về sự hận thù và sự loại trừ.

 

Thay cho sự thoải mái của sự phẫn nộ hoặc sự chế nhạo, các sự kiện đánh dấu sự kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump đáng lẽ phải đốc thúc chúng ta khảo sát một cách sâu sắc hơn một chút những gì chúng ta gọi là các hình thức tư tưởng thuần lý và các hình thức cộng đồng mà chúng ta gọi là dân chủ.

Jacques Rancière

Phạm Nhu Hồ dịch

 

Nguồn: “Les fous et les sages – réflexions sur la fin de la présidence Trump. AOC, 14.01.2021

 

----

 

Bài có liên quan:

 

·         Sự từ nhiệm của cánh tả

 

·         Nội chiến ám ảnh nước Mỹ đang bị chia rẽ

 

·         USA 2020: Giải thoát

 

·         Trích dịch: “Hoa Kỳ và nền dân chủ”

 

·         Những sự phá hoại mới nhất của Donald Trump

 

·         Bạo lực ở Đồi Capitol và biểu tình ở Hồng Kông: sự tuyên truyền đến cùng của Trung Quốc

 

·         Một chủ nghĩa Trump không có Donald Trump

 

·         Cử tri bầu Donald Trump và sự suy giảm của nền công nghiệp chế tạo Hoa Kỳ

 

·         Những kẻ điên và những nhà hiền triết – Suy nghĩ về sự kết thúc của nhiệm kỳ của Tổng thống Trump

 

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats