Saturday, 23 January 2021

BA NGƯỜI PHỤ NỮ TIÊN PHONG TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA TỔNG THỐNG JOE BIDEN (Hương - Luật Khoa)

 


Ba người phụ nữ tiên phong trong lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ

HƯƠNG  -  LUẬT KHOA

23/01/2021

https://www.luatkhoa.org/2021/01/ba-nguoi-phu-nu-tien-phong-trong-le-nham-chuc-cua-tong-thong-my/

 

Hành trình để họ có mặt trên đồi Capitol hôm ấy truyền cảm hứng cho cả thế giới.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/01/image4-2-1024x536.png

Từ trái qua: Phó Tổng thống Kamala Harris, nhà thơ Amanda GormanThẩm phán Sonia Sotomayor. Ảnh: Getty, AP, AFP. Đồ họa: Luật Khoa

 

Joseph R. Biden Jr., hay thường gọi là Joe Biden, chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ vào rạng sáng thứ Năm 21/1, theo giờ Việt Nam. Không chỉ riêng nước Mỹ, cả thế giới đã hướng về đồi Capitol để chứng kiến sự bắt đầu của một giai đoạn mới đầy thách thức nhưng cũng đầy hy vọng thay đổi.

 

Ngọn gió thay đổi có thể được cảm nhận ngay trong sự xuất hiện của ba người phụ nữ đặc biệt ngày hôm đó. Họ đều là những người tiên phong trong lịch sử, mỗi người theo một cách khác nhau.

 

 

Kamala Harris, người phụ nữ đầu tiên trở thành phó tổng thống Mỹ

 

Kamala Harris, 56 tuổi, vừa tạo nên ba dấu mốc đầu tiên cùng một lúc: người phụ nữ đầu tiên, người gốc Á đầu tiên, và người da màu đầu tiên giữ chức phó tổng thống Mỹ. Bà tuyên thệ nhậm chức ngay bên cạnh chồng mình, Doug Emhoff, người cũng “mở hàng” danh xưng Đệ nhị Phu quân (Second Gentleman) của Hoa Kỳ.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/01/image5-2.png

Kamala Harris giơ tay phải lên để tuyên thệ, còn tay trái đặt trên hai cuốn kinh thánh thuộc về hai vị anh hùng trong cuộc đời bà.. Ảnh: AP.

 

Cuốn kinh thánh đầu tiên là vật gia truyền do Regina Shelton, người mà Harris xem là người mẹ thứ hai của mình, truyền lại. Cuốn thứ hai thuộc về Thurgood Marshall, thẩm phán da màu đầu tiên của Tối cao Pháp viện, một biểu tượng của phong trào dân quyền.

 

Thẩm phán Marshall là người sáng lập Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (National Association for the Advancement of Colored People – NAACP). Trong vai trò tư vấn pháp lý, Marshall và NACCP đã giành chiến thắng cho Brown, một người thợ hàn tại thành phố Topeka thuộc bang Kansas, khi ông này kiện hội đồng giáo dục thành phố vì họ phân chia trường học theo chủng tộc của học sinh. Đó chính là án lệ Brown v. Board of Education năm 1955 – nền tảng pháp lý quan trọng góp phần giành lại quyền bình đẳng cho người da màu.

 

Án lệ ấy chắc chắn đã ảnh hưởng đến cá nhân Harris, con gái của hai người nhập cư da màu. Mẹ bà Harris sinh ra ở Ấn Độ, còn cha bà chào đời ở Jamaica. Hai người ly dị lúc Harris mới năm tuổi. Bà lớn lên với mẹ, Shyamala Gopalan Harris, một nhà nghiên cứu về bệnh ung thư và cũng là một nhà hoạt động dân quyền.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/01/image6-2.png

Kamala Harris, em gái Maya và mẹ. Ảnh: BBC.

 

Harris kể rằng bà được nuôi lớn trong văn hóa Ấn Độ và rất yêu quý nguồn gốc chủng tộc của mình. Môi trường ấy khiến Harris quan tâm đến các cộng đồng khác nhau ở nước Mỹ, góp phần định hình sự nghiệp chính trị của bà.

 

Kamala Harris không xa lạ với danh hiệu “người đầu tiên”. Năm 2003, bà là người phụ nữ đầu tiên giữ chức tổng chưởng lý bang California. Trong vai trò lãnh đạo tư pháp của bang đông dân nhất nước Mỹ, bà Harris đã giúp đòi được 20 tỷ USD tiền bồi thường cho những người dân bị ngân hàng tịch thu nhà, và giúp đòi một tỷ USD bồi thường cho các sinh viên là nạn nhân một công ty dịch vụ giáo dục. Bà bảo vệ cho Đạo luật Chăm sóc sức khỏe Hợp túi tiền (Affordable Care Act), giúp thực thi luật bảo vệ môi trường, và là người đi đầu trong phong trào thúc đẩy bình đẳng trong hôn nhân.

 

Bà luôn tâm niệm lời dạy của mẹ mình trong suốt cuộc đời làm việc cho những giá trị công.

 

“Kamala, con có thể là người đầu tiên trong rất nhiều việc mình làm, nhưng hãy đảm bảo rằng con không phải là người cuối cùng.”

 

Kamala Harris học luật ở Đại học Howard và Đại học California – Hastings. Bà từng là đối thủ của Biden khi tranh cử cho vị trí ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ, sau đó được ông chọn làm người đồng hành. Biden gọi bà là một trong những công chức xuất sắc nhất mà ông từng biết.

 

                                                        ***

 

Sonia Sotomayor, thẩm phán gốc Latin đầu tiên của Tối cao Pháp viện Mỹ

 

Kamala Harris tuyên thệ nhậm chức trước sự chứng kiến của Thẩm phán Tòa Tối cao Sonia Sotomayor, một người phụ nữ tiên phong khác. Bà Sotomayor là người gốc Latin đầu tiên ngồi vào hàng ghế thẩm phán trong tòa án quyền lực nhất nước Mỹ.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/01/image-1.png

Thẩm phán Sotomayor làm chứng cho lời tuyên thệ của Phó Tổng thống Harris. Ảnh: AP.

 

Thẩm phán Sotomayor, 66 tuổi, là lựa chọn của Tổng thống Obama vào năm 2009. Ông Obama chia sẻ rằng mình tin tưởng không chỉ vào năng lực trí tuệ và sự chính trực của bà Sotomayor, mà còn vào những trải nghiệm sống giúp bà có thể đồng cảm với những công dân Mỹ bình thường nhất.

 

Bố mẹ của bà Sotomayor là người gốc Puerto Rico. Họ gặp nhau ở Mỹ trong Thế chiến II, sau khi Celina Báez, mẹ của bà, giải ngũ. Họ định cư tại Bronx, New York vào những năm 1960, cùng với một cộng đồng người Latin. Sonia Sotomayor lớn lên ở đó.

 

Có ba điều ảnh hưởng nhất tới thời thơ ấu của Sotomayor theo lời kể của chính bà. Đó là hình ảnh người cha nghiện rượu, các cuộc cãi vã của cha mẹ, và căn bệnh tiểu đường mà bà mắc phải từ năm lên bảy.

 

Năm chín tuổi, cha của Sonia qua đời. Mẹ bà phải làm việc sáu ngày một tuần để nuôi hai con nhỏ. Sonia tìm được niềm an ủi trong sách. Bà là fan của các tác phẩm trinh thám của Nancy Drew và ước mơ trở thành một cảnh sát điều tra, nhưng căn bệnh tiểu đường không cho phép bà thực hiện ước mơ đó. Sotomayor vẫn phải tiêm insulin thường xuyên để kiểm soát bệnh.

 

Vào thời điểm Sotomayor phát hiện mắc bệnh, tiểu đường là một lời nguyền chết chóc. Từ lúc đó, bà đã hiểu rằng mình sẽ không sống lâu được như hầu hết mọi người, nên luôn tự dặn rằng không được phí phạm thời gian. Nhận thức về sự ngắn ngủi của đời sống vẫn luôn theo bà đến tận bây giờ.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/01/image-2-1024x725.png

Obama và Biden chúc mừng Sotomayor trong ngày bà được tiến cử vào Tối cao Pháp viện năm 2009. Ảnh: AP.

 

Sotomayor là nữ thẩm phán tối cao thứ ba trong lịch sử, sau Sandra Day O’Connor và Ruth Bader Ginsburg. Sau khi Thẩm phán Ginsburg qua đời, Sotomayor được xem là niềm hy vọng lớn nhất của phe cấp tiến trong bối cảnh quan điểm bảo thủ đang chiếm đa số trong Tối cao Pháp viện. Dù không nổi tiếng như người đồng nghiệp đã khuất, Sotomayor đã luôn là tiếng nói mạnh mẽ chống lại những bất công trong hệ thống, bảo vệ quyền của nhóm yếu thế.

 

Mới đây nhất, Sotomayor đã kịch liệt phản đối phán quyết của Tối cao Pháp viện cho phép chính quyền Mỹ thi hành án tử hình với một phạm nhân 48 tuổi. Bà chỉ là thiểu số trong phán quyết 6-3. Vài giờ sau đó, Dustin Higgs, 48 tuổi, bị tiêm thuốc độc.

 

Trong ý kiến phản đối, bà kể tên từng người trong số 12 người đã bị tử hình từ tháng 7/2020. Bà nhấn mạnh rằng chỉ trong sáu tháng, số ca tử hình mà chính quyền Trump cho thực hiện đã nhiều gấp ba lần số lượng trong cả sáu thập niên vừa rồi.

 

“Đây không phải là công lý” (This is not justice), Thẩm phán Sotomayor viết.

 

                                                       ***

 

Amanda Gorman, nhà thơ trẻ nhất từng biểu diễn trong một lễ nhậm chức tổng thống

 

Khi Amanda Gorman bước lên bục biểu diễn và bắt đầu cất tiếng, người ta biết ngôi sao của buổi lễ nhậm chức là ai.

 

Gorman, 22 tuổi, trong chiếc áo vàng rực rỡ, đọc bài thơ do cô sáng tác mang tên “The Hill We Climb” với một thần thái nổi trội. Không gian lặng phắc. Mọi sự chú ý dồn vào từng từ mà Amanda phát ra, và cách mà tay cô di chuyển.

 

Báo chí Anh – Mỹ ngay sau đó dành cho cô hàng loạt mỹ từ. The Guardian gọi cô là người “đánh cắp” buổi lễ nhậm chức (steal the inauguration show) với một bài thơ “khuấy động tâm hồn” (soul-stirring). Chỉ trong vài tiếng sau đó, hai cuốn sách vẫn chưa ra mắt của Amanda được đặt trước nhiều đến mức đứng đầu danh sách bán chạy trên Amazon.

 

VIDEO :

WATCH: Amanda Gorman reads inauguration poem, 'The Hill We Climb'

https://www.youtube.com/watch?v=LZ055ilIiN4&feature=emb_logo

 

Phần biểu diễn xuất chúng của nhà thơ trẻ khiến nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng cách đây vài năm, Amanda vẫn còn nói ngọng. Cho đến tận lúc trở thành sinh viên ngành xã hội học ở Harvard, cô vẫn không nói được chữ “R”.

 

Giống như Joe Biden, một người cũng mắc phải tật nói lắp, Amanda quyết tâm vượt qua khiếm khuyết này. Cô rèn luyện mỗi ngày bằng cách nghe đi nghe lại bài “Aaron Burr, Sir“, một bài hát trong vở nhạc kịch lịch sử “Hamilton”. Đó là một bài hát có đầy chữ R.

 

Cô chia sẻ rằng, chính trong quãng thời gian phải tự dạy mình cách phát âm, cô đã phát triển khả năng cảm thụ ngôn ngữ. Chữ R vì thế với cô không còn là một điểm yếu.

 

Amanda Gorman là người đầu tiên được phong danh hiệu National Youth Poet Laureate (Nhà thơ trẻ quốc gia) của nước Mỹ vào năm 2017, lúc chỉ mới 19 tuổi. Năm nay, ở tuổi 22, cô là nhà thơ trẻ nhất từng biểu diễn trong một lễ nhậm chức tổng thống Mỹ.

 

Khi biết tin mình được mời đọc thơ, Amanda đã nhảy cẫng và hét toáng lên. Nhưng ngay sau đó, cô không biết phải bắt đầu thế nào. Nước Mỹ vừa trải qua một thời kỳ thật đen tối và đầy sự chia rẽ.

 

Amanda tìm về lịch sử, như cách cô vẫn thường làm. Cô ngụp lặn trong câu chuyện về những bài thơ được đọc trong các buổi lễ nhậm chức trước đây, những tác phẩm cũng ra đời trong bối cảnh chia rẽ, nhưng hướng về sự đoàn kết. Khi cuộc bạo loạn tại đồi Capitol xảy ra vào ngày 6/1, Amanda vẫn đang viết dở bài thơ. Cô nhận thấy trách nhiệm phải nhắc đến cuộc tấn công này.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/01/image-3.png

Ảnh: AP.

 

Cô cũng kể lại trong bài thơ câu chuyện của chính mình, một câu chuyện gieo hy vọng.

Amanda lớn lên cùng chị gái song sinh và mẹ, một người mẹ đơn thân. Cô mắc hội chứng rối loạn cảm nhận âm thanh (auditory processing disorder – APD) và cực kì nhạy cảm với mọi loại tiếng động.

 

Không có điều kiện để xem tivi, cô bắt đầu tập làm thơ để tiêu khiển từ năm tám tuổi. Thơ ca với cô là cách để biểu đạt và thực hành quyền của mình. Cô viết thường xuyên về công lý, chủng tộc, sự áp bức, nữ quyền, và về cộng đồng người gốc Phi.

 

Amanda có dự định tranh cử tổng thống vào năm 2036. Hillary Clinton, trong tweet khen ngợi cô sau buổi lễ, nói rằng bà háo hức muốn được chứng kiến điều này thành hiện thực.

 

Nước Mỹ của Amanda trong tương lai có vẻ là một nơi đáng để chờ mong.

 

Vậy nhưng, bình minh đến trước khi ta kịp nhận ra.
Bằng cách nào đó, ta đã vượt qua.
Bằng cách nào đó, ta đã chống chọi và chứng kiến một dân tộc không phải hết cách chữa,
chỉ là chưa biết nhào nặn sao cho vừa.
Chúng ta, hậu bối của một đất nước trong thời kỳ mà một đứa bé Da Đen ốm nhom có gốc gác nô lệ và được một bà mẹ đơn thân nuôi lớn có thể mơ trở thành tổng thống tương lai, bỗng thấy mình đang đọc thơ chúc mừng tổng thống hiện tại.

 

(And yet, the dawn is ours before we knew it.
Somehow we do it.
Somehow we’ve weathered and witnessed a nation that isn’t broken,
but simply unfinished.
We, the successors of a country and a time where a skinny Black girl descended from slaves and raised by a single mother can dream of becoming president, only to find herself reciting for one.)

 

*Trích từ bài thơ The Hill We Climb, Amanda Gorman. Bản dịch tiếng Việt của Y Chan.

 

 

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats