Friday, 1 January 2021

NGHĨ VỀ BẠN GÁI THỜI CỞI LỔ HỒ THỊ KIM THOA (Dương Tự Lập)

 


Nghĩ về người bạn gái thời cởi lổ Hồ Thị Kim Thoa

Dương Tự Lập

31/12/2020

https://baotiengdan.com/2020/12/31/nghi-ve-nguoi-ban-gai-thoi-coi-lo-ho-thi-kim-thoa/

 

Tin cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Hồ Thị Kim Thoa bị Bộ Công an phát lệnh truy nã làm tôi giật mình ngơ ngơ ngẩn ngẩn, lẩn tha lẩn thẩn nghĩ hoài về người bạn gái họ Hồ thời cởi lổ ở làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An quê choa (tôi) không dứt mạch cảm xúc.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/01/0-1.jpg

Chân dung người bạn gái thời cởi lổ của tác giả, cựu thứ trưởng Bộ Công thương, Hồ Thị Kim Thoa. Ảnh: VTC

 

Ngoái đầu nhìn ngược chặng đường dài đã qua khi còn ở trong quê, nhà tôi cách nhà Thoa mấy hộ mà hộ nào phía sau cũng có vườn rau, cây ổi, bụi mía, luống lang, khóm chuối, giàn bầu… na ná giống nhau, lại cùng xóm Lũy, nay gọi là thôn 3.

 

Ông nội Thoa tên Hồ Sỹ Tràng và bà nội Nguyễn Thị Chắt sinh được bảy người con. Cha đẻ Thoa là con thứ tư trong gia đình, có lúc gọi là Hồ Đức Đạt, có khi gọi Hồ Sỹ Đạt. Mẹ Thoa tên Trần Thị Xuân Mỹ, giáo viên giảng dạy cấp 2.

 

Sau thống nhất đất nước một năm, năm 1976, cha Thoa mang cả gia đình rời quê hương làng Quỳnh vào Nam sinh sống. Nhường lại ngôi nhà cho người chị ruột Hồ Thị Trúc, nay đã 93 tuổi. Khi ấy Thoa mới độ tuổi con gái mười lăm, da trắng nõn nường, đôi mắt ngăm ngăm lúc nào cũng nhìn bâng quơ, mơ mơ màng màng như con nai vàng ngơ ngác, đứng lạc giữa rừng hoang. Như lời thơ của thi nhân Việt Nam Nguyễn Nhược Pháp: “Em tuy mới mười lăm / Mà đã lắm người thăm / Nhờ mối mai đưa tiếng / Khen tươi như trăng rằm“.

 

Cha Thoa phấn đấu hết mình, cuối đời mới đến tột đỉnh chức Vụ trưởng của Bộ Công nghiệp nhẹ nay là Bộ Công thương. Cũng theo được vào Bộ Công thương nối gót cha mà sao Thoa nhàn hạ thế, mang hàm Thứ trưởng vừa chạm vào độ tuổi 50 nhẹ tênh. Vậy Thoa đã hơn cha thì chắc hẳn nhà có phúc. Nhớ câu nói: “Con lãnh đạo mà được làm lãnh đạo là hồng phúc cho dân tộc”. Lời vàng chữ ngọc của bà đảng viên ưu tú Nguyễn Thị Quyết Tâm, cựu Phó bí thư Thành ủy thành Hồ thở ra thơm phưng phức, nức nở lòng ta, bao la tình người, mười mươi như Thánh phán.

 

Ấy vậy mà có cô gái trẻ không biết điều, coi khinh lời chót môi đầu lưỡi của bà ta, chân yếu tay mềm, nhu mì nết na Nguyễn Thùy Dương của khu cư dân Thủ Thiêm trù mật, bị Đảng thảo khấu lục lâm cướp đất, phá lanh tanh bành nhà cửa bỗng nổi đóa, lên cơn thịnh nộ, rút dép dưới chân ẩm ương, tương thẳng vào, suýt xíu nữa tàn phế đời bà Quyết Tâm. Sau cú ném chiếc dép sượt đầu Tâm, lũ chúng quy Thùy Dương vào bọn “thế lực thù địch”, kết Thùy Dương vào loại “thành phần bất hảo” quyết tâm lấy dép ném tan tâm Đảng cướp chứ không phải chỉ ném vỡ cái mặt thớt cá nhân bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đâu.

 

Đảng này còn sống nhăn ra đấy chưa chết, hiện đang nằm trong tay của “người anh cả” cựu sinh viên trường THPT 10B Nguyễn Gia Thiều – Quận Long Biên – Hà Nội. Viết những dòng này bỗng nhớ tới chiếc dép của Nguyễn Thùy Dương trong cuộc gặp mặt bà Nguyễn Thị Quyết Tâm năm nào ở thành Hồ, lòng bỗng trào dâng, lâng lâng nhột nhột: Tôi vui tôi sướng biết bao nhiêu / Tôi “không có học” Nguyễn Gia Thiều / Nay đã trở nên “thằng khốn nạn” / Cuộc đời “xui xẻo gẫy cánh diều”.

 

Nếu cuộc sống cứ bình yên êm ả mà Đảng đừng có làm cái vụ cải cách ruộng đất 1953 đình đám long lở trời sao, lao đao thổ địa, lia lịa giết người. Để cha tôi phải bỏ quê chạy ra Hà Nội dung thân cũng như không có Bên thắng cuộc 1975 để cha Thoa nhào vô Sài Gòn dụng võ, thì biết đâu chúng tôi lại chẳng nên lứa thành đôi ở giữa làng quê êm ả thanh bình an cư lạc nghiệp rồi.

 

Bởi chúng tôi cũng có những kỷ niệm đẹp lắm, đáng nhớ lắm của cái thời nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò mà ông Giang Nam thơ thẩn, thẩn thơ nói hộ: Những ngày trốn học / “Đổ dế” cầu ao / Mẹ bắt được / Chưa đánh roi nào đã khóc / Có cô bé “là Thoa” / Nhìn tôi cười khúc khích / Mắt đen tròn thương thương quá đi thôi.

 

Biết đâu đấy theo thời gian năm tháng, chúng tôi dần lớn lên ở một góc làng quê nghèo, xóm đói, nhưng bình dị không bon chen ấy để chợt một ngày nào đó có nữ thơ Phan Thị Thanh Nhàn phát hiện: Cửa sổ hai nhà cuối “xóm” / Chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ / Đôi bạn ngày xưa học “chênh” một lớp / Cây “ổi” sau nhà ngan ngát hương đưa.

 

Kim Thoa có đôi mắt to tròn đen láy, Thoa không xinh nhưng cũng chẳng xấu, Thoa bình thường nhưng nhìn cũng có duyên, càng lớn lên đôi mắt lúng liếng biết nói ấy cộng với làn môi tươi roi rói biết diễn cười tự tình này của Thoa sẽ có lợi thế dư sức mạnh vô hình “Sắc bất ba đào dĩ nịnh nhân”. Nhan sắc phụ nữ không có sóng xô nhưng dễ nhấn chìm nhân thế. Tôi nghĩ về Thoa hơi lạc chủ đề một chút, bởi tôi với cái nhìn của gã ăn mày, của kẻ khác giới “Mắt con trai, tai con gái, hay nói khác đi – Con gái đôi tai, con trai đôi mắt”.

 

Tuổi bốn chín tươi trẻ vẫn còn dư khỏe hồi xuân, năm 2010 Hồ Thị Kim Thoa được “người tử tế” Nguyễn Tấn Dũng, nguyên là anh chàng y tá tiêm ven thật thà, chất phác, của miệt rừng Cà Mau, U Minh, rối linh tinh leo lên ghế Thủ tướng Chính phủ để mắt tới cho gọi Thoa đến thì thầm trao quyền Thứ trưởng Bộ Công thương, một chức tước mỡ màng mà cỡ hàng ngàn gái đẹp như cô hoa hậu Đỗ Thị Hà 2020 vừa qua, quê Thanh Hóa, ăn rau má, phá đường tầu, có nằm mơ cũng còn lâu tới lượt. Dẫu có dầy đức phước như cô hoa hậu nghèo đời đầu 1988 của Hà Nội Bùi Bích Phương, có ngồi ước còn tướt mướt mới tới thân.

 

Khoảng năm 1990, Thoa chập chững vào nghề, lúc đó mới chỉ là nhân viên làm việc tại Phòng Tài vụ Công ty Xuất nhập khẩu tạp phẩm – Bộ Thương mại tức Bộ Công thương của Thoa sau này. Hai mươi năm sau Thoa đã là một chính trị gia, một nữ doanh nhân giàu có, nổi tiếng của nước Việt. Gương mặt người phụ nữ họ Hồ đầu tiên tiêu biểu làm rạng rỡ đất làng Quỳnh của thời kỳ hiện đại Đảng trị. Chỉ ít lâu sau cũng chính Thoa lộ nguyên hình bộ mặt thật của một con mụ tú bà tởm lợm, uế tạp, nhơ nhớp nhất, bôi bẩn cả thanh danh họ Hồ và phụ nữ Quỳnh Đôi.

 

Sở dĩ tôi phải nói chính xác đến như vậy, chứ nếu không sẽ có người làng Quỳnh quê tôi nghe được đập cho nát mặt, vả cho vỡ mồm, cự lại, bảo thế còn nữ sĩ lẫy lừng Hồ Xuân Hương của làng ta thì mày nghĩ sao hả thằng Lập? Không, tôi sẽ không chịu, như vậy là so sánh khập khiễng, ai lại đem doanh nhân Hồ Thị Kim Thoa mà so với thi nhân Hồ Xuân Hương, thế thì khác gì: “Rõ là bì phấn với vôi / Bì l*n con đĩ với môi thợ kèn”.

 

Nên nhớ rằng, bà Hồ Xuân Hương không phải đảng viên Đảng Cộng sản. Bà ra đời trước đó đã lâu, dưới thời phong kiến trị chứ không phải đảng trị, nên bà không ăn tạp, táp bẩn như Thoa. Vậy thì nghiễm nhiên bà không nằm trong thời kỳ hiện đại do đảng lãnh đạo, càng không nằm trong sự dẫn dắt lắt léo vòng vo tài tình sáng láng của đảng như Hồ Thị Kim Thoa được thừa hưởng. Bà là nụ hoa thơm hương ngát của Quỳnh Đôi, là giọt sương ban mai long lanh trong vườn thơ nghệ thuật, là tinh tú trong bầu trời thi ca của nước Việt thương yêu.

 

Chẳng biết trên con đường hoạn đồ, hoạn lộ của mình, Thoa có chiêu trò gì xuất chúng chăng? hoặc giả chết bắt quạ, hay tung mánh khóe mỹ nhân kế, chắc Thoa biết mình không mỹ nhưng lại biết kế tận dụng triệt để vào đôi mắt lúng liếng biết nói và đôi môi tươi roi rói biết cười. Hoặc học sách Tôn Tử Binh pháp thực hành ba mươi sáu chước, chước “nằm” ngửa là hơn, nằm để phục vụ… rồi đứng lên tiến bước tiếp. Giống mỹ nữ Khương Bảo Hồng của Trung Hoa nằm với mấy chục quan chức đương nhiệm là cách tiến thân nhanh nhất lên Phó Thị trưởng thành phố Vũ Uy, Tỉnh Cam Túc.

 

Với cái chức Thứ trưởng mà Thoa nhẹ nhàng nắm giữ trong tay, tôi ngờ lắm. Muốn tồn tại để đứng được thật vững, leo lên thật cao trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản này thì Thoa phải đĩ bợm thác loạn cỡ nào. Thoa phải rũ bỏ hết nết na, thùy mị, dịu dàng, đức tính cơ bản vốn sẵn có trong người phụ nữ. Nhất là ở người phụ nữ làng Quỳnh chân chất, hiền lành, truyền đời với nghề làm hương trầm, trồng lúa, quay tơ, dệt lụa nổi tiếng.

 

Cứ lẩn thẩn nghĩ về cô bạn Kim Thoa có đôi mắt to, đen tròn thương thương quá đi thôi, hiền lành, nhu mì, thùy mị, nết na của thời cởi lổ là nhớ câu chuyện: “Tái ông thất mã tiếu, bất tri kỳ họa phúc”. Ở đời này chẳng biết đâu phúc, khó biết đâu họa. Biết đâu không lấy được Thoa lại là cái phúc, nếu lấy được Thoa chẳng hóa ra chuốc thêm họa. Ừ, đấy là ý nghĩ chủ quan nông nổi thế, chứ bụi bặm như tôi, Thoa nào thèm rớ tới. Nghe được cô ta lại chẳng nhảy lên tanh tách dí cái… ấy vào mặt tôi thêm dại dột. Thoa khôn lõi đời, tôi ngu mạt rệp.

 

Càng nghĩ lại càng thấy vui vui chứ nỏ thấy buồn. Vui vì dân mình đang được sống trong một đất nước quái lạ, khó lý giải lắm, nhưng vẫn phải gọi dạ, bảo vâng, niềm nở nhẫn nhục chịu đựng dưới sự áp bức điều hành của một đảng quái thú. Mà trong cái đội ngũ đảng đó thì lẫn lộn toàn lũ quái thai, trong cái lũ đó nếu có rũ ra thì lại lòi thêm một ổ, một lô, một lốc, một chốc, một bầy rặt những quái gở, quái loàn, quái ác, quái quỉ, quái đản, quái chiêu, quái dị, quái kiệt, quái nhân, quái quái, quái ơi là quái…

 

Tuổi thơ, tôi theo cha mẹ ra sống ở Hà Nội, qua người cô ruột Hồ Thị Hồng, kế sau cha đẻ Thoa, nhà ở phố Khâm Thiên; rồi qua bác ruột thứ ba của Thoa mà tôi gọi bằng o Hồ Thị Xinh, anh hùng lao động, Chủ nhiệm Hợp tác xã Lao động quận Đống Đa, nhà trên đường Đê La Thành, và bác cả của Thoa, bác Hồ Sỹ Bằng, cựu Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, nhà ở phố Hào Nam thì tôi mới được biết về Thoa nhiều hơn, có lần tôi đã nhắc đến bác trong bài: “Hội chứng lìa Đảng cùng nhà văn Nguyên Ngọc” trên báo Tiếng Dân trước đây.

 

Bởi bác Bằng biết rất nhiều chuyện “thâm cung bí sử”, lại hay sưu tầm được nhiều chuyện hay và thú vị lắm. Dịp nào đó tôi sẽ kể hầu bạn đọc, hé lộ một góc đời khiêm tốn còn mờ khuất của bác. Nói rõ thế vì người làng tôi thường bị nhầm lẫn với một người trùng tên họ khác cùng làng, cũng Hồ Sỹ Bằng, nhưng mang hàm đại tá, chú Bằng này là cựu Trưởng phòng Thư ký tòa soạn báo Quân đội Nhân dân, nhà ở 4b phố Lý Nam Đế, Hà Nội. Hai người đều chơi thân với cha tôi, tất cả, họ đã đi về một thế giới không ồn ào khác.

 

Ai bảo Hồ Thị Kim Thoa cùng đồng bọn đảng viên của Thoa không quái thú? Trong bảy năm trời, từ năm 2010 – 2017, Thoa ngồi ghế “Bà hoàng”, Thứ trưởng Bộ Công thương, tất nhiên trên Thoa còn có một ông Hoàng yêu của Thoa nữa, ông Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và dưới Thoa có hai đệ tử quí là Vụ trưởng Phan Chí Dũng cùng người em trai “phi công trẻ” Phó chánh văn phòng Trịnh Xuân Thanh. Cả ba anh em Thoa hiện đang “thiên nhật tại tù”, chỉ riêng Thoa là vi vu tại ngoại, mà ngoại đây là ngoại quốc mới oách chứ.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/12/1-74.jpg

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng (đeo kính), Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Phan Chí Dũng. Nguồn: NĐT

 

Theo nguồn tin phong thanh rò rỉ từ dân “chém gió” bung ra, thì Thoa mến của Lập thời cởi lổ ở làng Quỳnh hiện đang ngồi đúng tầng thượng của tòa tháp Eiffel nước Pháp, uống café ngắm chú gà trống Gaulois tung cánh cất tiếng gáy trên cổng Điện Élysées cạnh quảng trường Concorde tuyệt đẹp và hưởng gió mát lồng lộng thổi vào từ dòng sông Seine thơ mộng ngàn năm sóng vỗ. Trước khi Thoa hạ cánh an toàn còn không quên goodbye “vỗ bướm” vào mặt đảng yêu quái của Thoa để chuồn qua Paris, ăn bơ sữa nổi tiếng vùng Normandy, uống rượu vang mạnh Brandy chế từ miền Cognac lừng danh ở xứ tư bản.

 

Nếu không quái thú, trước khi hạ cánh an toàn Thoa đã kịp tẩu tán khối tài sản khổng lồ lên đến 672 tỷ đồng tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, phân chia sang tên nhà cửa đất đai bất động sản cho cha mẹ, con đẻ, các em ruột và thậm chí cả cháu nội của Thoa. Mọi người bàn tán xì xào rằng, Thoa cũng vào hạng “Đàn bà dễ có mấy tay / Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan”. Trí túc đa mưu kế, thức thời nhậy tình thế. Biết gả con gái của mình cho một gia đình cũng quyền lực cấp cao trong Đảng, danh gia vọng tộc, môn đăng hộ đối lắm.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/12/0-37.jpg

Hai ái nữ của Hồ Thị Kim Thoa: Nguyễn Thái Quỳnh Lê (áo đỏ) và chị ruột Nguyễn Thái Nga. Cả hai đều có cổ phần khủng. Nguồn: Dân Việt

 

Nếu không quái thú, tại sao cái đảng này thừa biết những kẻ đầy tội phạm như cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, cựu Giám đốc Sở tài chính Thành Hồ Đào Thị Hương Lan, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, cựu doanh nhân “thượng tá” công an Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm), cựu doanh nhân Chủ tịch Hội đồng quản trị của nhiều công ty Trần Bắc Hà… đều được ra nước ngoài và sau đó mới phát lệnh truy nã.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/12/1-75.jpg

Hồ Thị Kim Thoa luôn là người đề xuất tiến cử Trịnh Xuân Thanh khi Thanh còn ở Bộ Công thương.

 

Mấy năm trước, cái đảng quái thú cũng suy bụng ta ra bụng người, dùng hiểm kế đem cô gái trẻ đẹp Đỗ Minh Phương của Bộ Công thương, sang Berlin, Đức quốc để dụ bắt sống Trịnh Xuân Thanh mang về nước. Vậy liệu trong vụ này của Thoa, Tô Lâm cùng bậu xậu có dám đem “phi công trẻ” Trịnh Xuân Thanh qua Pháp để nhử bắt Hồ Thị Kim Thoa không?

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/12/0-38.jpg

Chim mồi Đỗ Minh Phương được trùm mật vụ Tô Lâm đem sang Đức nhử để bắt sống Trịnh Xuân Thanh. Ảnh trên mạng

 

Nếu không quái thú, tại sao những người vô tội như Cha Giuse Đinh Hữu Thoại, Đà Nẵng, người thường hỗ trợ cho các thương phế binh Việt Nam Cộng hòa; Linh mục Nguyễn Đình Thục, Anh Sơn, Nghệ An; Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong, Giáo xứ Thái Hà, Hà Nội, phê phán việc để xác ông Hồ Chí Minh 50 năm nay chi phí mỗi năm mất 900 tỷ đồng, ngốn biết bao nhiêu tốn kém; Linh mục Lê Ngọc Thanh, gắn bó với dân Vườn rau Lộc Hưng, Sài Gòn, bị đảng ủi bằng, cướp sạch; Linh mục Đặng Hữu Nam, đồng hành cùng dân Nghệ An khởi kiện Formosa gây ô nhiễm vùng biển, khí hậu miền Trung; nhà thơ Bùi Minh Quốc sang Mỹ mừng con trai tốt nghiệp… đều bị Đảng cấm xuất cảnh.

 

Bất ngờ Thoa nộp đơn từ chức xin thôi việc vào cuối tháng 7 năm 2017, sau bảy năm làm mưa làm gió, ngồi ghế Thứ trưởng nóng đít ở Bộ Công thương. Việc làm động trời của Thoa gây bàng hoàng cho Bộ Chính trị. Chỗ này theo cạn nghĩ của tôi, đảng nên có phần thưởng gì đó thật xứng đáng cho Thoa, chẳng hạn như trao Huân chương cao quí Hồ Chí Minh hay cao hơn nữa Huân chương Sao Vàng vì công lao to lớn tự nguyện từ chức. Thậm chí phải phát động phong trào thi đua trong Đảng noi theo tấm gương Hồ Thị Kim Thoa là người đã khơi nguồn mở đầu cho văn hóa từ chức. Một việc mà bấy lâu nay ta cứ thấy đem ra tranh luận bàn cãi lăng nhăng lít nhít mỗi lần họp Quốc hội chẳng ngã ngũ, cũng không nên cơm nên cháo gì.

 

Trước Thoa, chưa có ai dám làm như vậy, sau Thoa đố gã Chí Phèo, Thị Nở nào ở cấp Trung ương hay cấp Bộ Chính trị dám dũng cảm hành động như Thoa cho dân ta được nhờ. Mong thay chị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, người có 300 bộ áo dài Mode sành điệu đắt tiền của nhà thiết kế mẫu mã thời trang Võ Việt Chung độc quyền, mở lòng bảo lưu ý kiến khó lọt tai của tôi, một kẻ bần hèn của xã hội. Khi mà người dân nghèo đang méo miệng kiếm ăn từng cắc, còn đảng thì toét miệng cười tóe loe tưng bừng chờ đón ngày khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 đầu năm 2021 này, với số tiền ước tính chi phí có thể lên đến hàng tỷ đô la.

 

Biết có khi mô Thoa nhớ tới thằng cu Lập hàng xóm với Thoa, nhà ở giữa nhà bà chắt Rấn và ông hoe Giàng không? Cái thằng trốn học đổ dế cạnh cầu ao, bị mẹ bắt được cho ăn roi vào mông mà Thoa nhìn thấy cười khúc khích ấy. Người xưa nói: “Tha hương ngộ cố tri”. Xa quê hương gặp được người quen thì vui biết chừng nào. Chỉ mong lời người xưa vận vào Lập và Thoa nơi đất khách quê người này.

 

Mà ở đời Thoa ạ, vào cái tuổi “Lục thập vô phúc đáo tụng đình”, tuổi sáu mươi lỡ may bị bọn Tô Lâm có chơi trò bẩn thỉu như Trịnh Xuân Thanh, mà bắt được Thoa đem về hầu tòa thì cũng nên vui vẻ về đi Thoa, còn gì để mất nữa đâu, chẳng còn gì để sợ thằng mặt chó con mặt lợn nào nữa Thoa à! Chúng nó sống chắc gì hơn Thoa, có khi còn tởm lợm thối tha gấp trăm vạn lần Thoa ý chứ.

 

 

4 COMMENTS   

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats