Luật
sư nhân quyền Jared Genser: Khóa tài khoản MXH của Trump không vi phạm tự do
ngôn luậ
TRẦN
HÀ LINH - LUẬT KHOA
10/01/2021
Quyết định của
Facebook và Twitter là một thắng lợi của thị trường tự do.
Luật sư nhân quyền
quốc tế Jared Genser. Ảnh: salzburgglobal.org.
*
Luật Khoa xin giới thiệu bình luận của luật sư nhân quyền quốc
tế Jared Genser (hãng luật Perseus
Strategies – Mỹ) về vụ Twitter và Facebook khóa tài khoản của Tổng thống Mỹ
Donald Trump. Jared Genser là một trong những luật sư nhân quyền quốc tế nổi tiếng
nhất hiện nay, sáng lập viên của tổ chức Freedom Now. Thân chủ của ông
bao gồm nhiều nhà hoạt động nhân quyền như Vaclav Havel, Aung San Suu Kyi,
Desmond Tutu, Lưu Hiểu Ba và vợ của Lưu Hiểu Ba là Lưu Hà… Ông cũng từng là viện
sĩ của Trung tâm Carr về Chính sách Nhân quyền (Đại học Harvard) từ năm 2014 đến
2016, và được trao Giải thưởng Nhân quyền Quốc tế của Liên đoàn Luật sư Hoa Kỳ
năm 2013.
***
Thật thú vị khi thấy rất
nhiều người ở phe bảo thủ chỉ trích quyết định của Twitter và Facebook trong việc
khóa tài khoản của Tổng thống Trump, nhiều người trong số họ còn lập luận rằng
truyền thông xã hội đang tìm cách cản trở quyền tự do ngôn luận của tổng thống.
Đây không phải là một lập
luận hợp lý.
Là một luật sư nhân quyền
quốc tế, tôi có thể nói rằng theo luật quốc tế và Tu chính án thứ Nhất [của Hiến
pháp Mỹ – ND], bạn không có quyền chủ động (positive right) tiếp cận nền tảng của
một doanh nghiệp để khuếch trương tiếng nói của mình. Bạn chỉ có quyền thụ động
(negative right) – nghĩa là chính phủ của bạn không thể hạn chế ngôn luận tự do
của bạn ở bất kỳ môi trường nào mà bạn chọn để bày tỏ.
Twitter và Facebook là những
công ty tư nhân. Sẽ là một lập luận cực kỳ cấp tiến (liberal) – và cũng phản bội
chủ nghĩa bảo thủ (conservatism) – nếu nói rằng nên đối xử với doanh nghiệp tư
nhân tương tự như một thực thể công quyền, nơi mọi người đều có quyền như nhau
trong việc tiếp cận dịch vụ của họ nếu muốn.
Cả hai đều là các công ty
đại chúng và họ tồn tại chủ yếu để tối đa hóa lợi nhuận cho các cổ đông của họ.
Đúng là họ nên có trách nhiệm với xã hội, nhưng thị trường tự do cũng là một cơ
chế kiểm soát hành động của họ. Cho dù có nhiều lập luận […] về việc các công
ty này có độc quyền và hành xử theo lối độc quyền và trái pháp luật hay không,
chưa có tòa án nào của Mỹ đưa ra những phán quyết như vậy. Vì thế, trước mắt, họ
sẽ tiếp tục tồn tại vì lợi nhuận của chính các cổ đông của họ.
Để nói cho rõ thì tôi
không phải là fan của công ty nào. Tôi nghĩ cả hai đều đã có những quyết định rất
tệ hại về phương cách kinh doanh và liên tục thất bại trong việc ngăn chặn những
chuyện phi pháp hoặc nguy hiểm trên nền tảng của họ.
Tôi cũng chẳng mảy may
tin rằng các tài khoản của Tổng thống Trump bị khóa đơn giản vì vi phạm điều
khoản sử dụng dịch vụ của họ. Tôi nghĩ rằng trên thực
tế, cả hai công ty đều nhận định rằng nếu họ không tống khứ ông ta đi thì họ sẽ
thiệt hại hàng tỷ đô-la tổng giá trị doanh nghiệp khi cổ đông bán bớt cổ phiếu
và đẩy giá cổ phiếu xuống.
Vì thế, theo tôi, những
quyết định này nên được coi là một thắng lợi của thị trường tự do và nên được
những người bảo thủ hoan nghênh. Họ không nên cãi rằng những quyết định này là
ví dụ của văn hóa tẩy chay (cancel culture) hay là một sự hạn chế bất hợp pháp
đối với quyền tự do ngôn luận – chẳng có cái nào đúng cả. Đây chỉ là việc các
doanh nghiệp trong một thị trường tự do đưa ra một quyết định kinh doanh rất dễ
dàng.
Điểm mấu chốt ở đây là vị
tổng thống, với tư cách là một khách hàng của Twitter và Facebook, đã sai lầm
nghiêm trọng khi tin rằng họ cần một khách hàng như ông ấy hơn là ông ấy cần họ
để loan tin. Đến lúc việc tiếp tục cho ông ấy sử dụng dịch vụ có thể khiến họ
thiệt hại hàng tỷ đô-la thì việc tống cổ ông ấy đi là một quyết định kinh doanh
dễ dàng và sáng suốt.
Đọc thêm:
Ứng
xử với ngôn luận của bên thua cuộc: Bài kiểm tra của nước Mỹ
Phản
bác lập luận của hai phe trong vụ Big Tech kiểm duyệt Trump
No comments:
Post a Comment