Monday, 18 January 2021

KHI CALIFORNIA TRỞ THÀNH HÌNH MẪU CỦA NGHỊ SỰ PHÁT TRIỂN QUỐC GIA (Minh Đăng - Saigon Nhỏ News)

 


Khi California trở thành hình mẫu của nghị sự phát triển quốc gia

Minh Đăng  -    Saigon Nhỏ News

Jan 18, 2021

https://saigonnhonews.com/khi-california-tro-thanh-hinh-mau-cua-nghi-su-phat-trien-quoc-gia/

 

Trên Los Angeles Times (17-1-2021), cây bút Evan Halper đặt tựa bài viết là “Make America California Again? That’s Biden’s plan”. Cách chơi chữ của tác giả cho thấy California đang nổi lên như một trong những tiểu bang trở thành mô hình gây tác động đến các quyết sách tầm quốc gia…

 

 

California và “hiệu ứng Kamala Harris”

 

California – vùng đất của ý tưởng, của những thử nghiệm dân chủ và của vô số thiên tài công nghệ – không chỉ là mô hình phát triển thay đổi không ngừng giúp tiểu bang này trở thành một trong những tiểu bang giàu nhất nước Mỹ mà giờ còn trở thành mô hình quản trị được nâng lên tầm quốc gia. Điều này hiển nhiên có ảnh hưởng của “yếu tố” Kamala Harris, một thượng nghị sĩ California trở thành Phó Tổng thống Hoa Kỳ. California chưa bao giờ có một đảng viên Dân chủ nằm trên lá phiếu chính trị quốc gia, huống hồ là lá phiếu thắng – nhận xét của cựu Thống đốc Gray Davis. Từ nay, một Californian Kamala Harris lại có mặt trong tất cả nghị sự quan trọng cấp liên bang. Bà sẽ chia sẻ các ý tưởng, phát kiến và đột phá từ California để có thể giúp giải quyết những vấn đề trọng yếu tầm quốc gia – ông Gray Davis nói thêm.

 

Sân khấu chính trường Hoa Kỳ từ sau ngày 20-1-2021 không chỉ có Kamala Harris là đại diện California. Còn có nhiều Californian cũng có mặt trong Nội các Joe Biden. Tổng chưởng lý California, Xavier Becerra, đang được đề cử ghế Bộ trưởng y tế và dịch vụ nhân sinh. Người được đề cử Bộ trưởng Tài chính, Janet Yellen, hiện là giáo sư Đại học UC Berkeley – tương tự Jennifer Granholm, người được đề cử chức Bộ trưởng Năng lượng.  Chưa hết, một công dân cố cựu California, Alejandro Mayorkas, đang được đề cử chức Bộ trưởng Bộ Nội an. Trong Quốc hội, bà dân biểu San Francisco, Nancy Pelosi, lại nắm ghế Chủ tịch Hạ viện.

 

Bốn năm qua, Trump thường xuyên bày tỏ sự khó chịu và “ác cảm” với California. Đây là tiểu bang ít khi Trump đặt chân đến trong các chuyến công du tổng thống. Trump liên tục gây hấn với Thống đốc Gavin Newsom và để lại trong ký ức nhiều người California những phát biểu “độc đáo” khó quên chẳng hạn tại sao chính quyền California không… “quét lá rừng” khiến năm nào tiểu bang này cũng sính vính lo chữa cháy. Trong khi đó, Nội các Biden có khuynh hướng thân thiện California. Cũng dễ hiểu: đây là tiểu bang gắn bó trung thành với đảng Dân chủ. Chính quyền sắp tới sẽ áp dụng một số sáng kiến tiên phong của California, chẳng hạn các chương trình khử carbon cho lưới điện và chính sách giáo dục cao đẳng miễn phí. Nghị sự mới của Nhà Trắng-Biden áp dụng cho nước Mỹ có nhiều chính sách vốn là đặc trưng của California, chẳng hạn cấm xe gây ô nhiễm được phép lưu thông. Biden cũng ủng hộ nhiệt tình kế hoạch xây đường sắt cao tốc – vốn là nghị trình lâu nay của California.

 

Dân biểu Jared Huffman (D-San Rafael) nhận định: California “là một địa điểm kích thích sáng tạo, thiết lập xu hướng và khai phá dẫn đầu”. Ảnh hưởng California mạnh đến mức nó tác động lên các xu hướng sống của người Mỹ nói chung, từ việc mua nhà, sắm xe đến cả cách tiết kiệm tiền hưu. Chương trình CalSavers, mà cựu lãnh đạo Thượng viện bang Kevin de León từng đưa ra, đang được xem là khuôn mẫu cho nghị sự Biden về an sinh hưu trí. Kế hoạch của California nhằm loại hoàn toàn các nguồn phát thải carbon khỏi lưới điện vào năm 2045 cũng đang tạo ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách của chính quyền sắp tới. Biden đề xuất một mốc thời gian thậm chí quyết liệt hơn: zero-carbon vào năm 2035.

 

Cần nhắc lại, khi Trump đề nghị rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, California lại cam kết đáp ứng các mục tiêu về khí thải và còn thành công trong việc thuyết phục 23 bang khác làm tương tự. Biden đang chuẩn bị gia nhập lại Hiệp định trên.  Chỉ riêng Los Angeles đã có chương trình Green New Deal của họ, dựa trên cam kết “5 không”: đến năm 2050 hoặc sớm hơn, Los Angeles sẽ có lưới điện, hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng xây dựng – tất cả đều zero-carbon; không đưa chất thải vào các bãi chôn lấp; và không lãng phí nước. Cam kết đó đi kèm các khoản đầu tư vào công nghệ xanh, giúp tạo ra hàng chục nghìn việc làm bền vững trong 5 năm qua… Los Angeles không làm việc này một mình mà hợp tác với gần 100 thành phố khác thông qua C40, mạng lưới các thành phố trong đó thành viên buộc phải chịu trách nhiệm những chương trình zero-carbon mà tất cả cùng cam kết.

 

Một lực lượng đặc biệt về môi trường được thành lập vào cuối năm 2020 với các thành viên trong Đảng Dân chủ – do cựu Ngoại trưởng John F. Kerry đồng chủ trì (ông được bổ nhiệm vào Nội các Biden với tư cách đặc phái viên về khí hậu) – đã giục chính quyền sắp tới tìm kiếm ý kiến tư vấn từ California. Một chính sách của California mà Biden hứa sẽ nhân rộng là kế hoạch giảm tỷ lệ phụ nữ da đen chết khi sinh con. Chính quyền Biden cũng sẽ đề xuất các hành động bổ sung để giải quyết vấn đề bất bình đẳng chủng tộc trong chăm sóc sức khỏe cũng như những qui định liên quan việc bảo vệ người lao động.

 

 

California trên nghị sự quốc gia

 

California quả thật là một tiểu bang không chỉ lớn về kích cỡ. Trong bài viết mới đây trên Foreign Affairs (29-12-2020), thị trưởng Los Angeles Eric Garcetti cùng đồng tác giả Nina Hachigian (phó thị trưởng Los Angeles đặc trách quốc tế vụ, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại ASEAN – Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) đã viết về vai trò của các thành phố lớn trên bình diện chính sách đối ngoại. Bài viết đề cập rằng chính sách đối ngoại cấp địa phương cần hướng đến sự tác động đến việc hoạch định chính sách toàn cầu và xây dựng các liên kết thực dụng giữa các chính quyền địa phương, cả trong và giữa các quốc gia.

 

Chỉ trong ba năm qua, Los Angeles đã tổ chức các cuộc gặp song phương với các thủ tướng và tổng thống của Armenia, Canada, Đức, Ireland, Israel, Hàn Quốc, Tây Ban Nha…, chưa kể Đức Thánh Cha Phanxicô. Một lý do khiến các thành phố và tiểu bang phát triển những kết nối này là nhằm thúc đẩy nền kinh tế địa phương, tương tự những gì được thực hiện bởi Bộ Thương mại Hoa Kỳ và các cơ quan khác ở cấp quốc gia. Giới lãnh đạo địa phương thiết kế các chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy du lịch và chuẩn bị các sự kiện như Thế vận hội Olympic và Paralympic (dự kiến tổ chức tại Los Angeles vào năm 2028).

 

Bài viết có đoạn: “Tại Los Angeles, chúng tôi đang làm việc với chính phủ Anh về các giải pháp xử lý những thách thức lớn liên quan giao thông đô thị. Chúng tôi thúc đẩy và quảng bá những giải pháp cách tân của nhau, giúp các công ty có trụ sở tại Los Angeles mở rộng sang các thị trường Anh (và ngược lại); và tham gia các cuộc trao đổi khởi nghiệp. Chúng tôi cũng cộng tác với Chính phủ Nhật Bản và khu vực tư nhân của nước này để triển khai công nghệ “hydro xanh” tiên tiến, trong vài năm ngắn nữa, có thể cung cấp năng lượng zero-carbon cho lưới điện Los Angeles”.

 

Hai tác giả nhắc rằng, Los Angeles là thành viên sáng lập Urban 20 (U20), tổ chức thúc đẩy các nhà lãnh đạo G-20 triển khai các ưu tiên tiến bộ như phục hồi môi trường xanh và hồi phục sau đại dịch COVID-19. Năm 2018, tại cuộc họp U20 đầu tiên, các nhà lãnh đạo Los Angeles đã nói với các quan chức từ Buenos Aires, Paris, Seoul, Tokyo và nhiều thành phố khác rằng, bất chấp những gì họ đã nghe từ Nhà Trắng, các thành phố của Mỹ vẫn cởi mở với thế giới, trọng thị các đối tác nước người, và tôn vinh những ý tưởng dân chủ. Tháng 11-2020, Los Angeles – cùng Barcelona, ​​Freetown, London, Mexico City và Tokyo – đã ra mắt mạng lưới thành phố quốc tế đầu tiên nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, khi mà các thị trưởng có quyền lực đáng kể trong việc cải thiện đời sống phụ nữ và trẻ gái, cũng như các vấn đề an toàn công cộng, giáo dục, tuyển dụng và thiết kế hệ thống giao thông công cộng. Los Angeles cũng hợp tác với hơn 20 thành phố quốc tế để thúc đẩy hành động địa phương đối với các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc…

Đó là chỉ riêng Los Angeles. California nói chung đang trở thành điểm tập trung chú ý mới của nước Mỹ, nơi có một Californian chuẩn bị ngồi ghế Phó Tổng thống. Ít nhất trong bốn năm tới, một phần sự thay đổi của nước Mỹ có thể bắt đầu từ những nền tảng mô hình California.

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats