Tuesday, 19 January 2021

HOA KỲ : JOE BIDEN và NGHỆ THUẬT TIẾN NHANH DÙ BỊ CẢN LỰC (Tú Anh - RFI)

 


Hoa Kỳ : Joe Biden và nghệ thuật tiến nhanh dù bị cản lực

Tú Anh  -  RFI

Đăng ngày: 19/01/2021 - 14:43

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20210119-hoa-k%E1%BB%B3-joe-biden-v%C3%A0-ngh%E1%BB%87-thu%E1%BA%ADt....BA%A3n-l%E1%BB%B1c

 

Ngày 20/01/2021, Joe Biden bước vào Nhà Trắng trong tình trạng nước Mỹ phân hóa. Tổng thống cao tuổi nhất trong lịch sử Hoa Kỳ đối mặt với nhiều thách thức to lớn trong khi chỉ có một đa số sát sao tại lưỡng viện. Tuy nhiên, theo giới phân tích, ông có một vài lá chủ bài cho phép thành công. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/c5365530-59a6-11eb-800e-005056bff430/w:980/p:16x9/2021-01-16T190736Z_1601450730_RC279L9TUUHP_RTRMADP_3_USA-BIDEN.webp

Tổng thống tân cử Joe Biden họp báo để giới thiệu êkíp khoa học của Nhà Trắng, Wilmington, bang Delaware, Hoa Kỳ, ngày 16/01/2021. REUTERS - KEVIN LAMARQUE

 

Nhìn từ Paris, nhà bình luận Pháp Jean-Marc Vittori, trên báo Les Echos, phác họa trận thế đầy chông gai đang chờ tân tổng thống thuộc đảng Dân Chủ, sau bốn năm cầm quyền của Donald Trump Cộng Hòa : một nước Mỹ với xã hội bị phân hóa, kinh tế chao đảo, y tế khủng hoảng.

 

Cái khó của Joe Biden không phải là chướng ngại, mà là có quá nhiều khó khăn cùng một lúc. Chưa bao giờ Hoa Kỳ bị chia rẽ như thời chiến tranh Nam-Bắc, khủng hoảng kinh tế với 18 triệu dân sống nhờ vào trợ cấp thất nghiệp, tang tóc với 400.000 nạn nhân đại dịch Covid-19 nghiêm trọng hơn đại dịch cúm Tây Ban Nha vào năm 1914.

 

Ý thức được nhu cầu phải hành động khẩn cấp là một chuyện, nhưng khả năng và bản lĩnh có hội đủ hay không lại là chuyện khác.

 

Dễ làm trước, khó tính sau

 

Vụ những người ủng hộ Donald Trump tấn công vào tòa nhà Quốc Hội cho thấy tân chính quyền đứng trước một phong trào đối lập đường phố rất mãnh liệt và nước Mỹ bị chia rẽ sâu rộng. Khác với phong trào « Áo vàng » tại Pháp, đa dạng và tranh đấu với nhiều lý do khác nhau, phương pháp mâu thuẫn nhau, thành phần « nổi loạn » ở Mỹ dường như có cùng cội nguồn, cùng mục tiêu tranh đấu, như kết quả cuộc bầu cử hai tháng trước : nông thôn da trắng bỏ phiếu cho Donald Trump, thành phố dồn phiếu cho Joe Biden.

 

Tuy thất cử, Donald Trump vẫn quy tụ được 73 triệu cử tri, chỉ kém Joe Biden có 5 triệu phiếu. Cách biệt sát sao này còn được thể hiện qua tương quan lực lượng ở Quốc Hội : 50/50 tại Thượng Viện, phe Dân Chủ có đa số nhờ lá phiếu của phó tổng thống Kamala Harris. Tại Hạ Viện, phe tổng thống Dân Chủ chỉ hơn đối thủ Cộng Hòa có 11 phiếu. Thế mà Hoa Kỳ tuy theo tổng thống chế, nhưng trên thực tế là một nền dân chủ đại nghị. 

 

Là một nhà chính trị lão luyện, nắm vững cơ chế vận hành của giới chính trị ở Washington từ 50 năm qua, Joe Biden sẽ nhanh chóng ký một loạt sắc lệnh hủy bỏ những sắc lệnh của Donald Trump, như tái hội nhập hiệp định khí hậu, bỏ luật cấm công dân một số nước Hồi giáo nhập cảnh, thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng Covid…

 

Nhưng những chuyện tiếp theo rất đáng lo, bởi vì ông Biden phải cần đến lưỡng viện, mà Thượng Viện thì đang bị « quá tải » với thủ tục biểu quyết chấp thuận hàng chục bộ trưởng và quan chức cao cấp trong chính quyền Joe Biden và với tiến trình…truất phế Donald Trump. Đây là lúc dễ xảy ra căng thẳng giữa hai bên, tác hại đến các hồ sơ quan trọng cần có sự hợp tác, nhất là kế hoạch vực dậy kinh tế 1.900 tỷ đôla. Thượng Viện Mỹ chắc chắn sẽ gây áp lực mặc cả, không để tăng thuế đánh vào xí nghiệp và người có thu nhập cao. Có thể họ sẽ đồng ý tăng trợ cấp cho các gia đình có thu nhập thấp, nhưng cùng lúc cắt giảm tài trợ cho các chính quyền địa phương khốn khó vì đại dịch nhưng có đa số cử trị bầu cho đảng Dân Chủ.

 

Đây là những chiếc « phanh » cản trở tân tổng thống thực hiện những lời hứa trong 100 ngày trăng mật.

 

Franklin Roosevelt mới ?

 

Tuy nhiên, Joe Biden sẽ không để bị trói tay. Một trong những ưu điểm của ông là có « mục tiêu rõ ràng » và biết rõ cách vận hành chính trị ở thủ đô.

 

Trả lời phỏng vấn đài NPR, phó tổng thống tương lai Kamala Harris cho biết, phương châm hành động của người lãnh đạo Hoa Kỳ trong bốn năm tới là nỗ lực xóa tan làn ranh phân hóa : « Đoàn kết dân tộc không phải là ảo tưởng, mà chính là phương pháp để cùng nhau hành động phụng sự quốc gia ».

 

Nhìn từ Pháp, nhà bình luận Jean-Marc Vittori đặt câu hỏi : Liệu Joe Biden có đủ năng lực để trở thành một Roosevelt mới hay không ?

 

Vào cuối thập niên 1930, vị tổng thống này đã thành công đưa nước Mỹ ra khỏi chính sách co cụm, để cùng các đồng minh Tây phương đương đầu và chiến thắng thế lực độc tài bành trướng thời đó là Đức Quốc Xã của Hitler.

 

                                                       ***

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Hoa Kỳ : Joe Biden sẽ ký một loạt sắc lệnh ngay ngày nhậm chức

 

Covid-19: Biden công bố kế hoạch tiêm chủng cho dân Mỹ

 

Một ngày trước lễ nhậm chức tổng thống của Biden, người dân Mỹ trông đợi gì ?

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats