HUỲNH MINH TRIẾT - LUẬT
KHOA
19/01/2021
https://www.luatkhoa.org/2021/01/cuoc-doi-donald-trump/
Chân dung về một
trong những nhân vật gây tranh cãi bậc nhất trong lịch sử hiện đại.
Chân dung Donald
Trump
Donald Trump là tổng thống
thứ 45 của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Từ một doanh nhân không có kinh nghiệm chính
trường, ông làm Washington rung chuyển khi đắc cử tổng thống vào tháng 11/2016
trước đối thủ sừng sỏ Hillary Clinton. Sự nghiệp chính trị bốn năm qua, cũng
như chính cuộc đời của Trump, là một câu chuyện dài đầy tranh cãi.
Tuổi thơ
Donald John Trump sinh ngày 14/06/1946 tại Queens, New York trong một căn nhà có 23
phòng. Cha ông, Fred Trump, là một đại gia bất động sản giàu có. Mẹ ông, Nancy
Trump, là một bà nội trợ. Trump mang cả dòng máu Đức của cha (ông bà nội Trump
là người Đức di dân) và dòng máu Scotland của mẹ.
Trump lúc lên bốn.
Nguồn: Donald J. Trump for President, Inc.
Lên ba tuổi, Trump đã có “thu nhập” tương đương 200.000 USD/ năm (tính
theo trị giá hiện nay). Trở thành triệu phú năm tám tuổi và tới năm 17 tuổi,
Trump đã sở hữu một phần tòa nhà chung cư 52 căn của cha.
Trump là một “richkid” (cậu
ấm sinh ra trong gia đình giàu có) hung hăng và bất trị. Trong cuốn “Art of the
Deal” xuất bản năm 1987, ông nói rằng vào năm học lớp hai, ông đã “đấm thâm mắt”
giáo viên dạy nhạc “vì cho rằng ông ta chẳng biết gì về âm nhạc”. Kết quả, ông
suýt bị đuổi học.
“Tôi không nói mình tự
hào về điều này nhưng đó là bằng chứng rõ ràng rằng ngay từ sớm, tôi đã có xu
hướng đứng lên tuyên bố ý kiến của mình theo một cách rất cứng rắn. Điều khác
biệt bây giờ là tôi dùng não thay vì dùng nắm đấm”, theo lời của Trump được
trích trong sách.
Đến năm 13 tuổi, cha Fred
chuyển Donald tới trường quân sự New York – một trường tư thục – nơi ông hy vọng “kỷ luật của trường học sẽ giúp chuyển năng lượng
của nó sang một hướng tích cực hơn”.
Thời niên thiếu
Những năm đầu ở trường
quân sự là địa ngục với “cậu ấm” Trump. Ông bị thầy phụ trách, Thiếu tá
Theodore Dobias, đánh và tát cho đến khi chịu đi dọn giường và cọ giày,
một việc Trump chưa hề phải mó tay.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/01/trump-2.jpg
Trump khi học tại Học
viện Quân sự New York vào năm 1964. Ảnh: Recordonline.
Nhưng nhanh chóng sau đó,
Trump tìm ra cách để vươn lên trong môi trường khắc nghiệt. Ông biến tính cách
ưa cạnh tranh của mình thành lợi thế: tất cả các nhiệm vụ được giao, Trump muốn
là người làm tốt nhất. Rất nhanh chóng, Trump có được sự tin
tưởng của thầy Dobias và trở thành đội trưởng Thiếu sinh quân. Trump cũng chơi
tốt các môn thể thao đến mức mà Dobias nói người của đội bóng chày Philadelphia tới
xem Trump, “nhưng cậu ta muốn học đại học và kiếm tiền”. Những thông tin về thời
niên thiếu xuất chúng của Trump được đăng trên các tờ NPR và Rollingstone vào
năm 2015, thời điểm Trump bắt đầu vận động tranh cử tổng thống.
Năm 1964, Trump vào học Đại
học Fordham. Hai năm sau, ông chuyển tới Trường Wharton thuộc Đại học
Pennsylvania, nơi Trump mô tả là “ngôi trường khó vào nhất, tốt nhất thế giới”.
Tờ New York Times, trong những bài viết đầu tiên về Trump trong thập niên 1970
từng hai lần bị đưa cho các thông tin sai rằng “Trump tốt
nghiệp số một trong lớp”. Tuy
nhiên, trên thực tế, Trump thậm chí không có mặt ở danh sách sinh viên nhận bằng
danh dự.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/01/trump-3.jpg
Trump tại Học viện
Quân sự New York. Ảnh: Seth Poppel/ Yearbook Library.
Cả Wharton và Học viện
Quân sự New York đều từ chối công bố thành tích học tập của Trump. Cháu gái
ông, Mary L. Trump, cáo buộc Donald đã thuê người thi hộ SAT để đậu được
vào trường kinh tế Wharton danh tiếng.
Luật sư riêng của Trump,
Michael Cohen, đầu năm 2019 khi điều trần trước Quốc hội đã tiết lộ việc
Trump ra lệnh cho ông “đe dọa trường cấp ba và đại học để
không bao giờ công bố điểm số hay điểm SAT” của Trump.
Thời sinh viên, Trump được
hoãn nhập ngũ bốn lần mặc dù đều đủ sức khỏe phục vụ. Năm 1972, Trump được hoãn
lần thứ năm vì bị “gai xương” ở chân. Luật sư Cohen trong phiên điều trần nói rằng
Trump đã làm giả hồ sơ bệnh án để không phải tới Việt Nam tham chiến. “Ông nghĩ
tôi ngu à, tôi sẽ không tới Việt Nam đâu”, Cohen kể lại lời của Trump trong một cuộc nói chuyện.
Gia đình
Năm 1977, Trump cưới người
vợ đầu tiên, một người mẫu Séc có tên Ivana Zelnickova. Họ có ba người
con: Don Jr, Ivanka và Eric. Năm 1992, hai người ly hôn sau vụ Trump ngoại
tình với nữ diễn viên Marla Maples.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/01/trump-ivana.jpg
Trump và người vợ đầu
tiên Ivana vào năm 1988. Ảnh: AP.
Trump cưới Maples
vào năm 1993. Hai người có con gái Tiffany trong năm đó. Năm 1999, Trump
ly hôn lần thứ hai.
Năm 2005, Trump cưới siêu
mẫu người Slovenia Melania Knauss và đón cậu con út Baron ra đời
năm 2006. Melania Trump sau này trở thành Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ.
Trump, vợ Melania
và con trai út Barron vào năm 2010. Ảnh: Regine Mahaux/ Getty Images.
Thăng trầm trên
thương trường
Donald Trump chưa bao giờ
phải làm một nhân viên bình thường. Năm 1971, ở tuổi 25, ông trở thành chủ tịch
một công ty bất động sản của cha và đổi tên công ty thành Trump
Organization. Trong thời gian này, Trump nhận được “một số vốn vay nhỏ từ
cha” – khoảng một triệu USD – để khởi nghiệp. Mặc dù ca ngợi sự nghiệp của cha,
người thành công nhờ xây nhà ở cho người thu nhập thấp và trung bình, Trump muốn
biến tên họ của mình thành một thương hiệu hạng sang. Tuy nhiên, mọi chuyện
không dễ dàng.
Donald Trump cùng
cha ông, Fred, tại công trình Trump Village, Brooklyn vào năm 1973. Khi đó
Trump đang học việc tại công ty của cha. Ảnh: Barton Silverman/ The New York
Times/ Redux.
Năm 1973, Bộ Tư pháp kiện
công ty bất động sản của hai cha con Trump vì phân biệt đối xử với người da
đen. Trump cùng vị luật sư khét tiếng Roy Cohn kiện ngược lại các quan chức
trong Bộ Tư pháp vì tội phỉ báng. Tuy vụ kiện này đã bị tòa bác và công ty
Trump Management cuối cùng phải chấp nhận học lại Luật Nhà ở Công bằng, Trump vẫn
tuyên bố mình “chiến thắng”. Trump nhấn mạnh, trong văn bản đồng thuận giải quyết vụ kiện mà
ông cuối cùng cũng ký, không có đoạn nào nói ông nhận tội.
Những năm 1970 và 1980,
Trump mở rộng ồ ạt công việc kinh doanh của cha mình. Ông đầu tư vào chuỗi
khách sạn và bất động sản hạng sang nhờ vào tiền bạc và mối quan hệ của cha.
Năm 1980, Trump mở cửa khách sạn Grand Hyatt Hotel sau thỏa thuận với chính quyền
thành phố New York cho phép ông không phải nộp thuế trong 40 năm. Năm 1983, ông
khánh thành Trump Tower, tòa nhà 56 tầng tại Đại lộ Năm (Fifth Avenue), và đặt
trụ sở của Trump Organization ở đây. Các năm tiếp theo, Trump tiếp tục mua và
phát triển thêm nhiều cơ ngơi khác, hầu hết đều là các khách sạn hạng sang.
Tuy nhiên, việc mở rộng
hoạt động quá đà khiến Trump lâm vào cảnh phá sản. Hàng loạt các thương hiệu
mang tên Trump rơi vào cảnh sớm nở tối tàn. Trong đó có những cái tên như: hãng hàng không Trump Airlines, hãng đồ
uống Trump Beverages, Trump Game (một dạng cờ tỷ phú), Trump Casinos, Trump
Magazines, Bít Tết Trump, GoTrump.com (hãng đặt vé du lịch), Trump Tower Tampa,
Đại học Trump, Trump Vodka, v.v.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/01/trump-tower.jpg
Trump đứng trên đỉnh
tòa tháp Trump vào năm 1987. Ảnh: Harry Benson/ Getty Images.
Tới những năm 1990, Trump
khánh kiệt. Các công ty của Trump đệ đơn phá sản sáu lần do mất khả năng trả nợ.
Trump nợ tới 4 tỷ USD ở 70 ngân hàng, với khoảng 800 triệu USD là
nợ được đảm bảo bằng tài sản cá nhân.
Trong quá trình nộp đơn
phá sản và đàm phán với ngân hàng, Trump từ chối trả khoản nợ hàng triệu USD cho người lao động cũng như
các đối tác nhà thầu của mình.
“Tôi biết cách chơi với
luật phá sản. Luật này rất có lợi với tôi, như một công cụ để giảm nợ”, Trump
nói với tờ Newsweek năm 2011.
Trong vòng 10 năm từ 1985
đến 1994, Trump lỗ ít nhất 1,17 tỷ USD. Một cách bí mật, Trump dựa
vào khối tài sản khổng lồ của cha để tiếp tục sống như ông hoàng trong mắt công
chúng và chuẩn bị cho sự quay trở lại. Như một lần vào năm 1990, cha của Trump
đã phải cho luật sư cầm tờ séc 3,35 triệu USD tới cứu một trong các sòng bài của
con trai.
Trump còn nghĩ ra cách soạn
thảo một bản bổ sung chúc thư (codicil) và nhờ các luật sư của
cha mình thuyết phục ông ký vào. Phần bổ sung này sẽ cho phép Trump có toàn quyền
quyết định tài sản thừa kế, nhưng ông Fred từ chối ký.
Trump đứng ngoài
sòng bạc Trump Taj Mahal, một trong những thất bại lớn nhất trong sự nghiệp
kinh doanh của ông. Ảnh: Getty.
Cuối những năm 1990, sau
khi 72 ngân hàng làm việc với Trump để thanh lý các tài sản công ty nhằm thu hồi
nợ, hầu hết đều không muốn cho Trump vay nữa, ngoại trừ một số ngân ngân hàng nước ngoài mới vào Mỹ
như Deutsche Bank. Năm
1998, ngân hàng Đức này cho Trump vay 425 triệu USD, tạo đà cho sự quay trở lại
của “ông trùm địa ốc New York”.
Trong phóng sự điều tra của
New York Times, công bố tháng 9/2020, ông Trump vẫn còn món nợ đảm bảo
cá nhân 421 triệu USD, phần lớn là nợ Deutsche Bank. Trong vòng ba thập niên
qua, Trump và các công ty của ông có liên đới tới tổng cộng hơn 4.000 vụ kiện tụng khác nhau, từ mâu thuẫn với khách
chơi bài, các tranh chấp triệu đô bất động sản, tới các vụ kiện phỉ báng cá
nhân.
“Tôi rất giàu”,
Trump nói năm 2015, sau khi công bố tranh cử. “Tôi có tài sản
ròng là 8,73 tỷ USD. Tôi không nói để khoe khoang, mà để cho thấy đây là kiểu
tư duy mà nước ta cần.”
Tuy vậy, không ai biết rõ
giá trị khối tài sản thực của ông là bao nhiêu. Bất chấp nhiều lần cam kết sẽ “công bố tờ khai thuế”, đến nay,
Trump vẫn chưa công bố vì lý do đang bị sở thuế kiểm toán. Năm 2020, Forbes ước tính giá trị tài sản của Trump là 2,5 tỷ
USD.
Sự nghiệp truyền
thông
Trump có một sự nghiệp
truyền thông thành công đến mức cái tên Trump từng được Obama nhắc đến vào năm
1991 như một biểu tượng giàu sang và thành công trong mắt người dân Mỹ, bất chấp
lúc đó Trump đang nợ đầm đìa.
Trong bài viết dài 144
trang khi đó – đóng góp cho dự án sách của một giáo sư luật – Obama và một bạn
học tại Harvard đã viết về “cái lạc quan tếu của nhiều người Mỹ”, khi
họ tin rằng “có thể bây giờ tôi chưa phải Donald Trump, nhưng cứ chờ xem, nếu
tôi không làm được, các con tôi sẽ làm được”.
Donald Trump và các
ứng viên thi hoa hậu. Ảnh: Rolling Stone.
Năm 1996, Trump mua Miss
Universe Organization, công ty tổ chức các cuộc thi sắc đẹp như Hoa hậu Hoàn
vũ, Hoa hậu Mỹ và Hoa hậu Tuổi teen.
Năm 2004, Trump tham gia
show truyền hình thực tế “Thực tập sinh” (The Apprentice) với đài NBC. Thù lao
khổng lồ 427 triệu USD từ 14 mùa, cộng với danh tiếng của show diễn đã cứu nguy cho sự nghiệp đang xuống dốc của Trump, theo
điều tra của New York Times.
Trump bị nhiều phụ nữ cáo
buộc tấn công tình dục và cư xử không đúng đắn với phụ nữ, nhất là trong thời
gian tổ chức các cuộc thi sắc đẹp. Năm 2005, ông bị cáo buộc xông thẳng vào phòng khi các thí sinh đang
thay đồ. Năm 2016, các băng ghi âm bị rò rỉ cho thấy Trump tự hào về khả năng
tiếp cận phụ nữ của mình. Trong đó, ông khoe rằng “cứ bóp lồn các cô gái, anh
muốn gì cũng được” (nguyên văn: “Grab ‘em by the pussy. You can do anything.”).
Việc này khiến Trump phải công khai xin lỗi (tuy nhiên, ngay cả trong lời xin lỗi của mình, Trump vẫn
không quên thòng thêm “Bill Clinton còn nói mấy thứ tệ hơn”).
E. Jean Carroll, ký
giả của tạp chí Elle, cáo buộc Trump đã tấn công tình dục bà trong phòng thay đồ
vào giữa những năm 1990. Trump đáp trả: “Cô ấy không phải mẫu người tôi thích”.
Ảnh: AP.
Trump đứng tên đồng tác
giả của cuốn sách thuộc loại bán chạy nhất “Art of the Deal” (Nghệ thuật Đàm
phán). Ngoài ra, tên ông còn xuất hiện bên cạnh các tác giả của nhiều cuốn khác
viết về kinh doanh như: “Art of Comeback” (Nghệ thuật trở lại, 1997), “Vì sao
Chúng tôi muốn bạn giàu” (2006), “Trump 101: Con đường Thành công” (2006),
“Trump Không bao giờ Bỏ cuộc: Làm thế nào tôi biến khó khăn lớn nhất thành
Thành công” (2008).
Cuốn “Art of the Deal” là
một trong những quyển sách nổi tiếng nhất về cuộc đời Trump – khi đó mới chỉ 38
tuổi. Tuy nhiên, đồng tác giả Tony Schwartz (người thực sự chấp bút) sau này
đã tỏ ra hối hận về những nội dung trong đó.
Sự nghiệp chính trị
Ông Trump đã đổi đảng năm lần. Năm 1987 ông ghi danh là thành viên Đảng Cộng hòa,
sau đó đổi sang Đảng Cải cách vào năm 1999. Ông lại chuyển sang Đảng
Dân chủ vào năm 2001, rồi trở về Đảng Cộng hòa năm 2009. Năm 2011, ông chuyển
thành cử tri độc lập (independent). Cuối cùng vào năm 2012, Trump ghi danh vào
Đảng Cộng hòa.
Ngay từ những năm 1980,
ông Trump đã được đồn thổi là sẽ ra tranh cử tổng thống với những phát biểu về
lập trường chính trị không khác hiện nay là mấy. Trong bức thư đề “Gửi nhân dân
Mỹ” vào năm 1987, ông tuyên bố “Nhật Bản và những nước khác đã lợi dụng
chúng ta nhiều năm” và “đừng để đất nước vĩ đại của chúng ta bị cười vào mặt nữa”.
Năm 1988, Trump lần đầu
tiên đứng vào top 10 danh sách những người đàn ông được ngưỡng mộ nhất nước Mỹ,
theo khảo sát của Gallup.
Năm 1999, Trump tuyên bố
ra tranh cử tổng thống Mỹ lần đầu tiên dưới tư cách thành viên của Đảng Cải
cách. Ông lập ủy ban thăm dò và cho đồng minh lâu năm Roger Stone làm giám đốc.
Trong những lần xuất hiện dày đặc trên truyền hình, ông khẳng định mình “có cơ
hội” thắng cử. Tháng 2/2000, ông chấm dứt chiến dịch vì cho rằng Đảng Cải cách “quá rối
loạn”. Những người chỉ trích nói đây là một chiêu trò của Trump nhằm đánh bóng
tên tuổi và bán sách.
Vào năm 2011, Trump là một
trong những người thúc đẩy thuyết âm mưu “Obama không sinh ra ở Mỹ” mạnh mẽ nhất.
Trên Twitter cũng như trên truyền hình, Trump liên tục đặt ra các nghi vấn và yêu cầu Obama công bố
giấy khai sinh của mình. Để chấm dứt tranh cãi, vào ngày 27/04/2011, ông Obama
công bố toàn bộ giấy khai sinh. Dẫu vậy, Trump đổ
lỗi cho Hillary Clinton bắt đầu cuộc tranh cãi này từ năm 2008, và ông
mới là người kết thúc nó.
Donald Trump chính
thức tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ sau khi bước xuống thang cuốn cùng với vợ.
Ảnh: New York Times.
Ngày 16/6/ 2015, ông
Trump chính thức tuyên bố tranh cử tổng thống với tư cách thành viên Đảng
Cộng hòa. Khẩu hiệu tranh cử của ông là “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” và “nước
Mỹ trên hết”.
Ngày 3/11/2016, ông thắng lớn
về số phiếu đại cử tri trước đối thủ Hillary Clinton, mặc dù thua gần ba triệu
phiếu phổ thông, trở thành tổng thống đắc cử thứ 45 của Hoa Kỳ.
Tổng thống Hoa Kỳ
Trên cương vị tổng thống,
ông Trump lập tức thực thi nhiều cam kết tranh cử của mình, trong đó có việc
rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thỏa thuận Khí hậu Paris, cắt giảm thuế và siết chặt an
ninh biên giới. Tuy vậy, khởi đầu của chính quyền Trump đã đầy sóng gió.
Ngày 17/5/2017, Bộ Tư
pháp chỉ định cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI)
Robert Mueller làm công tố viên đặc biệt phụ trách điều tra cáo buộc chiến dịch
của Trump thông đồng với Nga làm thay đổi kết quả bầu cử. Theo tài liệu
giải mật, khi Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions thông báo tin này, Tổng thống
Donald Trump đã “đổ phịch xuống ghế và thốt lên: ‘Ôi Trời ơi. Thật tồi tệ.
Nhiệm kỳ tổng thống của tôi tiêu rồi. Chết tôi rồi.’”
Lễ tuyên thệ nhậm
chức tổng thống của Trump vào đầu năm 2017. Ảnh: BBC.
Tuy vậy, sự nghiệp chính
trị của ông vẫn an toàn do cuộc đàn hạch tháng 12/2019 mà Đảng Dân chủ khởi xướng
không thông qua được Thượng viện. Trump được Thượng viện, với Đảng Cộng hòa chiếm
đa số, tuyên vô tội vào ngày 5/2/2020 với cả hai cáo buộc là
lạm dụng quyền lực và cản trở quốc hội. Ông cũng là tổng thống Mỹ thứ ba bị luận
tội trước Thượng viện, sau Andrew Johnson và Bill Clinton.
Với khẩu hiệu “nước Mỹ
trên hết”, bốn năm của Trump để lại một di sản đầy tranh cãi.
Được Đảng Cộng hòa tại
Thượng viện ủng hộ, Trump đã bổ nhiệm thành công ba thẩm phán bảo thủ vào Tối
cao Pháp viện. Ở cấp tòa án liên bang, ông cũng bổ nhiệm được hơn 200 thẩm phán chỉ trong một nhiệm kỳ.
Về nhập cư, Trump nổi tiếng
với tuyên bố “xây tường biên giới và buộc Mexico trả tiền cho nó”. Tuy nhiên,
sau bốn năm tranh cãi với Đảng Dân chủ, bức tường chưa xây xong và Mexico vẫn không trả một xu cho bức tường này. Trump cũng đặt
ra nguyên tắc “không khoan nhượng” khi đối xử với người
nhập cư trái phép qua biên giới, trong đó có việc dùng vũ lực tách trẻ em di cư
khỏi cha mẹ.
Tổng thống Trump giới
thiệu Thẩm phán Amy Coney Barrett vào vị trí Thẩm phán Tối cao Pháp viện hồi
tháng 9/2020 tại Vườn Hồng, Nhà Trắng. Sự kiện này sau đó bị coi là gây “siêu
lây nhiễm” do khách mời tham không đeo khẩu trang và không tuân thủ quy định
giãn cách xã hội. Nhiều người có mặt bị nhiễm COVID-19, trong đó có cả Tổng thống
Trump. Ảnh: Getty.
Kinh tế là lĩnh vực mà
Trump tuyên bố đã khiến nước Mỹ “vĩ đại trở lại”. Kinh tế Mỹ tăng trưởng ở
mức 2,5% mỗi năm trong ba năm đầu Trump cầm quyền, tăng 0,2% so với số tăng trưởng
hàng năm trong ba năm trước đó của chính quyền Obama. Chính sách cắt giảm thuế quyết liệt của chính quyền Trump, cắt
1.500 tỷ USD, đã thúc đẩy việc các tập đoàn chuyển hàng tỷ USD tư bản về
Mỹ. Chứng khoán Mỹ cũng nhiều lần phá kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp đạt mức thấp kỷ
lục trong vòng nửa thế kỷ tính đến trước đại dịch.
Tuy vậy, việc thất thu
thuế cộng thêm chi tiêu mạnh tay cho các dự án tham vọng của Washington khiến nợ
công của Mỹ tăng mạnh. Kể từ khi Trump nhậm chức đến tháng 10/2020, nợ công Mỹ tăng lên mức hơn 27.000 tỷ USD. Nếu tính
trước đại dịch, tới tháng 2/2020, nợ công Mỹ cũng đã tăng tới mức 23.000 tỷ USD.
Tổng thống Trump trở
về Nhà Trắng, leo lên ban công và bỏ khẩu trang sau khi được điều trị COVID-19
tại bệnh viện Walter Reed. Ảnh: AFP.
Sự xuất hiện của đại dịch
COVID-19 gần như xóa tan các thành tựu của kinh tế Mỹ về thất nghiệp, tăng trưởng
và việc làm. Trump tuyên bố: “Tôi đã khôi phục nền kinh tế Mỹ một lần, tôi sẽ
làm được lần thứ hai”.
Về đối ngoại, chiến lược
dùng ngoại giao cá nhân của Trump đem lại cho ông cả thành công lẫn sự dè chừng
và ghẻ lạnh từ đồng minh. Trump đã gặp mặt lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un ba lần, giúp tháo ngòi nổ chiến tranh hạt nhân trên bán đảo
Triều Tiên. Ở những tháng cuối nhiệm kỳ, chính quyền Trump cũng giúp hòa giải thành công mối thù truyền kiếp của một số nước
Ả Rập ở Trung Đông với Israel, mang lại một bình minh hòa bình mới ở mảnh đất
được gọi là chảo lửa chiến tranh này.
Tổng thống Trump gặp
lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un tại biên giới Nam-Bắc Hàn ngày 30/6/2019. Ảnh:
Brendan Smialowski/ AFP/ Getty Images.
Gây căng thẳng thương mại
là một dấu ấn mạnh mẽ trong chính quyền của Trump. Ngoài cuộc thương chiến gay
gắt và dai dẳng với Trung Quốc, ông Trump còn đe dọa “Việt Nam lợi dụng chúng ta nhất thế giới” và
khởi động cuộc điều tra Việt Nam thao túng tiền tệ. Các đồng minh thân thiết của Mỹ ở châu Âu, châu Mỹ và châu
Á đều đã nếm thử cơn thịnh nộ của Trump.
Donald Trump và phu
nhân Melania đứng cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và vợ tại Bắc Kinh năm
2017. Trong bốn năm nhiệm kỳ, ông Trump nhiều lần gọi ông Tập là “bạn tốt”. Ảnh:
AP.
Năm 2018, Trump tuyên bố
khẩu hiệu tranh cử mới cho nhiệm kỳ hai của ông là “giữ cho nước Mỹ vĩ đại”.
Tháng 8/2020, ủy ban
tranh cử của Trump công bố chương trình nghị sự nhiệm kỳ hai: “chiến đấu
vì bạn”.
Tháng 11/2020, sau cuộc bầu
cử với kết quả Joe Biden là người chiến thắng, Trump cáo buộc “bầu cử gian lận”, không công nhận kết quả và
khởi động cuộc chiến kiện tụng tốn kém tại các bang chiến trường.
Kết quả phiếu đại cử tri chung cuộc là 306-232, Trump
thua đúng bằng tỷ lệ mà ông đã thắng bà Clinton năm 2016.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/01/trump-jan-6.jpg
Ông Trump phát biểu
đằng sau lớp kính chống đạn, kêu gọi người biểu tình tiến về Điện Capitol, nơi
các nhà lập pháp đang kiểm phiếu Đại cử tri. Ảnh: Pete Marovich/ The New York
Times.
Ngày 6/1/2021, ông Trump dựng sân khấu trước Nhà Trắng, tuyên
bố trước những người biểu tình: “Chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng.
Chúng ta sẽ không bao giờ nhận thua”.
Ông thúc giục người ủng hộ “chiến đấu kịch liệt” (fight like hell) và
tiến về tòa nhà Quốc hội để ngăn chặn Đảng Dân chủ ăn cắp cuộc bầu cử.
Bạo loạn nổ ra tại Quốc hội Mỹ. Các nhà lập pháp phải
rút lui. Người ủng hộ Trump lao vào đập phá, cướp đồ trong Quốc hội, một cảnh
tượng chưa từng có kể từ khi quân Anh xâm chiếm thủ đô Washington vào năm 1814.
Người ủng hộ ông
Trump tấn công và lao vào tòa nhà Quốc hội Mỹ vào ngày 6/1/2021. Ảnh: Getty.
Tối 7/1, ông Trump lần đầu
tiên thừa nhận sẽ có một chính quyền mới tuyên thệ vào ngày
20/1. Đây được coi là diễn văn thừa nhận thất cử không chính thức của Trump.
Ông bị chính trị gia hai
đảng chỉ trích kịch liệt sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol. Ngày 13/1, Hạ viện
chính thức luận tội Trump lần thứ hai, với tội danh kích động bạo
loạn chống chính phủ Hoa Kỳ. Ông trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị luận tội
hai lần.
Nhiệm kỳ của Donald Trump
kết thúc vào trưa ngày 20/1/2021. Ông đã tuyên bố sẽ không có mặt tại lễ tuyên thệ của Joe
Biden. Hàng loạt cuộc điều tra hình sự và vụ kiện dân sự đang
chờ công dân Donald J. Trump.
No comments:
Post a Comment