Tuesday 12 January 2021

CHUYẾN THĂM ĐÀI LOAN 'VÀO PHÚT CHÓT' CỦA HOA KỲ KHIẾN TRUNG QUỐC TỨC GIẬN (BBC Tiếng Việt)

 


Chuyến thăm Đài Loan 'vào phút chót' của Hoa Kỳ khiến TQ tức giận

BBC Tiếng Việt

12 tháng 1 năm 2021

https://www.bbc.com/vietnamese/world-55629037

 

Chuyến đi sắp tới của một nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tới Đài Loan, khi Washington vừa gỡ bỏ các hạn chế kéo dài hàng thập niên cho các cuộc tiếp xúc giữa các quan chức của hai nước, khiến căng thẳng Trung-Mỹ leo thang một lần nữa.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/03D7/production/_116438900_gettyimages-1228129455.jpg

Kelly Craft, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, dự kiến ​​đến Đài Bắc hôm thứ Tư

 

Kelly Craft, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, sẽ đến Đài Bắc hôm thứ Tư cho chuyến thăm kéo dài ba ngày.

 

Chuyến đi vào phút cuối của bà - vài ngày trước khi nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump kết thúc - khiến Trung Quốc vô cùng phẫn nộ.

 

Đài Loan tự quản, mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của riêng mình, ca ngợi sự thay đổi trong quan hệ ngoại giao.

 

Chuyến thăm của Đại sứ Craft diễn ra sau một năm gia tăng sự thù địch giữa Washington và Bắc Kinh.

 

Hòn đảo dân chủ Đài Loan luôn là một cái gai lớn trong mối quan hệ đang xấu đi. Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Đài Bắc - tăng cường việc bán vũ khí và cử các quan chức cấp cao tới lãnh thổ này, bất chấp những cảnh báo gay gắt từ Trung Quốc.

 

Gần đây nhất, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố Mỹ sẽ chấm dứt "các hạn chế tự đặt ra" với cho cuộc tiếp xúc giữa quan chức Mỹ và Đài Loan, đã được đưa ra cách đây nhiều thập niên để "xoa dịu" chính phủ Trung Quốc đại lục, vốn tuyên bố chủ quyền với hòn đảo này.

 

Đồng thời, Mỹ xung đột gay gắt với Bắc Kinh trên nhiều phương diện gồm thương mại, nhân quyền và đại dịch virus corona.

 

Hoa Kỳ gỡ bỏ các hạn chế về tiếp xúc với Đài Loan

Reuters: Đài Loan bày tỏ hy vọng hợp tác chặt chẽ với Mỹ

Đài Bắc chặn chiến đấu cơ TQ bay quanh Đài Loan

 

Tại sao chuyến đi lại xảy ra bây giờ?

 

Chuyến thăm tạo nhiều chú ý mới chỉ được Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố cuối tuần trước.

 

Cuối một tuyên bố lên án vụ bắt bớ hàng loạt những người ủng hộ dân chủ ở Hong Kong, ông Pompeo nói thêm rằng Đại sứ Clark sẽ đến thăm Đài Loan.

 

Đại sứ Kelly Craft là quan chức cao cấp thứ ba của Mỹ được cử đến hòn đảo này kể từ tháng 8, trong chuyến công du bắt đầu chỉ một tuần trước lễ nhậm chức tổng thống Mỹ của Joe Biden và kết thúc nhiệm kỳ của ông Trump.

 

Đài Loan là "một đối tác đáng tin cậy và nền dân chủ sôi động đã phát triển mạnh mẽ bất chấp những nỗ lực của ĐCSTQ," ông Pompeo phát biểu bằng ngôn ngữ hết sức thẳng thừng, và nói thêm: "Đài Loan cho thấy những gì một Trung Quốc tự do có thể đạt được".

 

Evan Resnick, trợ lý giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam của Singapore, gọi đây là một động thái "khiêu khích" vào phút cuối của chính quyền ông Trump.

 

Ông nói với BBC rằng nó dường như được thiết kế để "ném bùn vào mắt Trung Quốc" và khiến mọi thứ trở nên "khó khăn hơn cho chính quyền sắp tới của Biden".

 

''Các bước đi "hỗn loạn, thiếu thận trọng" như vậy đã là "thông lệ" dưới thời ông Trump, Tiến sĩ Resnick nói thêm, rằng chuyến đi có thể sẽ mang lại "bất ổn hơn nữa" cho quan hệ Trung-Mỹ vào thời điểm Mỹ nên hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề như đại dịch và khủng hoảng khí hậu.

 

 

Điều này báo trước điều gì cho Biden?

 

Chuyến đi gây ra phản ứng giận dữ từ Trung Quốc, làm tổn hại thêm mối quan hệ của nước này với Mỹ khi ông Biden chuẩn bị lên nắm quyền.

 

"Hoa Kỳ sẽ phải trả giá đắt cho hành động sai lầm của mình", phái bộ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc tuyên bố trong một văn bản tuần trước, trước chuyến đi dự kiến ​​của Đại sứ Craft.

 

"Trung Quốc mạnh mẽ kêu gọi Hoa Kỳ ngừng hành động khiêu khích điên cuồng, ngừng tạo ra những khó khăn mới cho quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc... và ngừng đi xa hơn trên con đường sai lầm," nước này nói.

 

Bắc Kinh nhắc lại lời cảnh báo sắc bén của họ với Mỹ vài ngày sau đó, khi ông Pompeo tuyên bố rằng Mỹ sẽ loại bỏ các hạn chế lâu nay đối với các tương tác của họ với các quan chức Đài Loan.

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian nói với các phóng viên hôm thứ Hai rằng: "Bất kỳ hành động nào gây tổn hại đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc sẽ bị đáp trả bằng đòn phản công kiên quyết và sẽ không thành công".

 

Bản chất của các chính sách mới của chính quyền Mỹ đối với Trung Quốc và Đài Loan vẫn còn được xem xét nhưng Tiến sĩ Resnick tin rằng một chiến lược "chặt chẽ hơn nhiều" sẽ được triển khai.

 

"Họ sẽ muốn bác bỏ rất nhiều các chính sách của Trump", ông nói và nói thêm rằng Bắc Kinh có thể chỉ chờ xem chính quyền sắp tới sẽ làm gì và "liệu nó có bắt đầu hạ nhiệt độ một chút hay không".

 

 

Chia rẽ giữa TQ và Đài Loan bắt nguồn từ đâu?

 

Trung Quốc và Đài Loan đã có các chính phủ riêng biệt kể từ khi cuộc nội chiến Trung Quốc kết thúc năm 1949.

 

Bắc Kinh luôn tìm cách hạn chế các hoạt động quốc tế của Đài Loan và cả hai đều tranh giành ảnh hưởng ở khu vực Thái Bình Dương.

 

Đó là lý do tại sao chuyến đi của Đại sứ Craft mang tính biểu tượng cao, vì Đài Loan không phải là thành viên của Liên Hiệp Quốc hoặc hầu hết các tổ chức toàn cầu, vì sự phản đối của Bắc Kinh.

 

·         US angers China with high-profile Taiwan visit

 

Giống như hầu hết các quốc gia, Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc - mặc dù luật pháp ràng buộc Hoa Kỳ phải cung cấp cho hòn đảo này các phương tiện tự vệ.

 

Vì vậy, việc chấm dứt các hạn chế lâu năm cho các cuộc tiếp xúc chính thức mà ông Pompeo công bố cuối tuần qua đánh dấu một sự thay đổi lớn trong quan hệ.

Đài Bắc ngay lập tức ca ngợi động thái này là chấm dứt "nhiều thập niên phân biệt đối xử".

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/EB45/production/_104492206_gettyimages-1052576002-1.jpg

Một số người Đài Loan ủng hộ độc lập chính thức nhưng hầu hết ủng hộ vị trí trung dung

 

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan gia tăng trong những năm gần đây và Bắc Kinh không loại trừ việc sử dụng vũ lực để lấy lại hòn đảo này.

 

Trước những mối đe dọa ngày càng tăng này, chính phủ Đài Loan đã không ngừng khẳng định chính mình.

 

Trong lần tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai năm ngoái, Tổng thống Thái Anh Văn nói với BBC rằng chủ quyền của Đài Loan không phải là điều có thể đàm phán.

 

"Chúng tôi đã là một quốc gia độc lập và chúng tôi tự gọi mình là Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan)", bà nói.

 

Do Preeti Jha tường trình.

 

                                                      ***

 

TIN LIÊN QUAN

 

Pompeo: Hoa Kỳ gỡ bỏ các hạn chế về tiếp xúc với Đài Loan

10 tháng 1 năm 2021

.

Reuters: Đài Loan bày tỏ hy vọng hợp tác chặt chẽ với Mỹ

15 tháng 11 năm 2020

.

Đài Loan chặn chiến đấu cơ TQ và được dự họp với WHO

9 tháng 2 năm 2020

.

Đài Loan: Trên 60 nước chúc mừng bà Thái Anh Văn tái đắc cử'

16 tháng 1 năm 2020

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats