Các mạng xã hội xóa và khóa tài
khoản của tổng thống Trump có vi phạm quyền tự do ngôn luận?
https://www.facebook.com/cui.cac/posts/10214168876856258
Việc Twitter xoá và Facebook khoá tài khoản của tổng
thống Donald Trump đã dấy lên nhiều tranh cãi, rằng việc kiểm duyệt này có vi
phạm đến quyền tự do ngôn luận và biểu đạt của ông Trump và cộng đồng hay
không?
Để trả lời cho câu hỏi
này, chúng ta cần đánh giá sự việc thông qua một công cụ chuẩn mực, đó là Luật
Nhân quyền Quốc tế, và bởi phạm vi truyền bá thông tin và tư tưởng bất kể
biên giới của các trang mạng xã hội này.
Hoa Kỳ đã phê chuẩn Công
ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), tại điều 19 Công ước này quy định, quyền tự do
ngôn luận và biểu đạt không phải là quyền tuyệt đối, mà có thể bị hạn chế, nhằm
mục đích bảo vệ cho: (1) An ninh quốc gia, (2) Trật tự công cộng; (3) Sức khỏe
cộng đồng; (4) Đạo đức cộng đồng; và (5) Quyền và uy tín người khác.
Twitter và
Facebook của tổng thống Donald Trump có vi phạm một trong năm vấn đề nêu trên để
phải chịu sự hạn chế hay không? Câu trả lời là có. Các nội dung trên Twitter và Facebook của
Trump không chỉ vi phạm một, mà vi phạm đủ luôn cả năm vấn đề. Cụ thể là:
– Vấn đề (1) và (2): Trump sử dụng Twitter và Facebook đưa ra lời
kêu gọi triệu tập những người ủng hộ mình tụ tập tại Quốc Hội nhằm gây áp lực
ngăn cơ quan này kiểm phiếu và công nhận tổng thống dân cử hợp pháp.
Trump kích động vụ việc bằng
các từ ngữ như “hãy sử dụng sức mạnh” và kết quả là những người được triệu tập
theo lời kêu gọi của Trump đã đột nhập bất hợp pháp, phá hoại trụ sở Quốc Hội,
đe dọa đến sự an toàn của các thành viên Quốc Hội. Sự việc đã dẫn đến bạo động
và gây ra chết người. Điều này rõ ràng cho thấy, các nội dung kêu gọi của Trump
trên mạng xã hội đã dẫn đến hậu quả xâm hại đến an ninh quốc gia và trật tự
công cộng tại Hoa Kỳ.
– Vấn đề (3): Trump sử dụng Twitter và Facebook để đưa ra những
thông tin sai lệch về bệnh dịch Covid-19. Từng gọi bệnh dịch này là “không có
thật” và truyền đi những thông điệp coi thường các khuyến cáo phòng tránh dịch
của chuyên gia y tế, cũng như quảng bá các phương thuốc và liệu pháp điều trị
không được kiểm chứng của chuyên gia. Các thông tin sai lệch của Trump về dịch
bệnh Covid-19 trong tư cách là người đứng đầu quốc gia, đã dẫn đến hậu quả làm
người dân Mỹ chết vượt xa các quốc gia còn lại, dù nước Mỹ có nền chăm sóc y tế
tiên tiến bậc nhất thế giới. Rõ ràng các thông tin về dịch bệnh của Trump đã
gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
– Vấn đề (4) và (5): Có thể nói rằng, hiếm có một nguyên thủ quốc
gia nào công khai xúc phạm đến đối tác, đối thủ và nhân viên dưới quyền như
Donald Trump. Trump chửi và xúc phạm công khai trên mạng xã hội, bằng các thuật
ngữ như “thằng đần”, “con mụ nói dối bệnh hoạn”, “kẻ sát nhân”… dù những người
bị Trump xúc phạm đều là những người có địa vị và uy tín trong xã hội.
Trump mạt sát từ ứng viên
tổng thống, các nhà báo, các cơ quan truyền thông, cho đến một bài hát của Neil
Young. Trump đã thiếu đi một chuẩn mực đạo đức trong ngôn từ, xúc phạm đến danh
dự và uy tín của người khác đã trở thành thương hiệu của “Trump tweets”.
Như vậy, căn
cứ vào các quy định giới hạn của quyền tự do ngôn luận và biểu đạt theo điều 19
của Công ước ICCPR, việc hai trang mạng xã hội Twitter và Facebook “bịt miệng
Trump”, nhằm ngăn chặn việc Trump tiếp tục gây ra hậu quả đối với 5 vấn đề nêu
trên là hoàn toàn phù hợp theo các quy định của Luật Nhân quyền Quốc tế.
Chúng ta cũng lưu ý rằng,
quyết định này không phải là quyết định được đưa ra bởi “dân kỹ thuật” mà bởi
các chuyên gia luật nhân quyền. Cụ thể như vào tháng 5 năm nay, Facebook đã lập
một “Hội đồng thẩm phán” ban đầu với 20 người, có chức năng tương tự như một
tòa án tối cao trên facebook, nhằm phân xử các khiếu nại và xem xét đến việc
xóa nội dung từ người dùng Facebook.
Hội đồng này được thiết lập
có thẩm quyền cao hơn người sáng lập Facebook trong việc quyết định có khóa một
tài khoản của một người như Donald Trump hay không. Do đó, việc khóa tài khoản
của Trump trên trang mạng xã hội này đã được cân nhắc và xem xét kỹ lưỡng về mặt
chuyên môn bởi nhóm các chuyên gia độc lập về nhân quyền.
Lưu ý rằng, Donald Trump
sử dụng mạng xã hội không phải với tư cách cá nhân mà trong vai trò của một tổng
thống. Ông ta ưa thích sử dụng các trang mạng xã hội để loan tải các thông tin
liên quan đến việc điều hành đất nước, nhằm không bị kiểm soát bởi bất kỳ một bộ
phận nào trong chính quyền. Vì vậy, việc kiểm duyệt thông tin các trang xã hội
của Trump là cấp thiết nhằm đảm bảo kiểm soát sự tùy tiện của ông “tổng thống
thất thường” trong những ngày cuối nhiệm kỳ.
Việc các trang mạng xã hội
bịt miệng Donad Trump không phải là hành vi bịt miệng tổng thống, bởi còn rất
nhiều phương tiện chính thức của chính phủ loan tải tiếng nói của tổng thống
Trump. Các trang mạng xã hội này đã làm một việc rất cần thiết và đúng đắn, dù
hơi trễ, là buộc Trump phải đi vào guồng máy chính thức, đảm bảo luôn có sự kiểm
soát của các bộ phận trong chính quyền trước việc đưa ra các thông điệp và phát
ngôn của mình.
Từ đây có thể kết luận rằng,
việc xóa và khóa các tài khoản của Donald Trump không phải là biểu hiện của sự
kiểm soát chuyên quyền độc đoán về tự do ngôn luận và biểu đạt. Đây là một việc
làm cần thiết và phù hợp với luật định nhằm bảo vệ cho an ninh trật tự, đạo đức
và sức khỏe cho cộng đồng, cũng như bảo vệ cho nền dân chủ và pháp quyền trước
các hành vi thù địch và sai trái của tổng thống Donald Trump.
No comments:
Post a Comment