Bài
học gì cho người Việt từ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ?
Tạ
Dzu
21/01/2021
https://baotiengdan.com/2021/01/21/bai-hoc-gi-cho-nguoi-viet-tu-bau-cu-tong-thong-hoa-ky/
Một nền dân chủ lâu đời,
bén rễ hơn ba trăm năm qua của một cường quốc hàng đầu thế giới bỗng dưng trở
thành nền “cộng hòa chuối” (banana republic)[1] qua cuộc bầu cử tổng thống 2020, với
tố cáo gian lận, kiện tụng rồi trở thành bạo loạn sau đó, tưởng như chỉ có thể
xảy ra ở một nước độc tài kém phát triển nào đó ở Nam Mỹ hay mãi tận châu Phi
xa xôi. Tại sao lại có thể xảy ra những chuyện kỳ lạ như thế với một nền dân chủ
được xem như mẫu mực để thế giới noi theo?
Điều gì biến nền dân chủ
lâu đời này, dù trải qua những thách đố khắc nghiệt, nhiều lần tưởng chừng như
gục ngã đã hiên ngang vươn dậy, tiếp tục đi tới rồi bỗng một sớm một chiều lại
như thụt lùi đứng chung với hàng ngũ các quốc gia chậm tiến?
Đây là bài học vô giá đối
với những người mong muốn dân chủ hoá Việt Nam và cho cả những đảng viên cộng sản
thức tỉnh muốn quay về với dân tộc để cùng toàn dân thực hiện công cuộc dân chủ
hoá đất nước trong ôn hoà bằng tình anh em.
Muốn hiểu tình trạng này
và qua kinh nghiệm đó, tìm cách xây dựng một nước Việt Nam mới, chúng ta cần đi
ngược dòng lịch sử để hiểu cách vận hành của hệ thống chính trị Mỹ.
Cân
bằng dẫn tới giằng co
Năm 1787, lãnh đạo các tiểu
bang đầu tiên của Hoa Kỳ họp nhau lại, viết bản hiến pháp cho một quốc gia mới.
Họ muốn một chính quyền mạnh và công bằng nhưng tránh cảnh nhà nước lạm dụng
quyền lực, đồng thời phải bảo vệ quyền tự do cá nhân mà hệ thống tam quyền phân
lập ra đời. Hệ thống chính trị này là một sáng kiến tuyệt vời nhằm thực hiện
công việc nêu trên, với dụng ý cân bằng quyền lực giữa ba nhánh hành, lập pháp
và tư pháp trong chính quyền.
Các đảng phái đứng ra tổ
chức cho dân chúng bầu cử thành lập chính quyền. Người dân làm chủ đất nước
thông qua đại diện các chính đảng. Các đảng đưa đại diện của mình ra cho dân bầu
vào những cơ quan quyền lực cao nhất đất nước: quốc hội (lập pháp) và hành
pháp. Tổng thống đề cử chín vị thẩm phán vào tối cao pháp viện (tư pháp), cần
được quốc hội chuẩn thuận.
Mặc dù với ý định tốt của
buổi ban đầu là ba nhánh phải cân bằng và kiểm soát lẫn nhau nhưng trên thực tế,
ngay trong quốc hội đã có sự tranh chấp quyền lực giữa hai đảng chính – Dân Chủ
(DC) và Cộng Hoà (CH) – đảng nào cũng muốn cán cân nghiêng về phía mình. Nếu một
trong hai đảng kiểm soát cả hai viện Thượng và Hạ (đa số trong Quốc hội), chính
sách của đảng dễ được thông qua. Trong trường hợp tổng thống (hành pháp) cũng
là người cùng đảng nắm đa số ở quốc hội, các chính sách của đảng cũng dễ dàng
được thực hiện.
Tuy nhiên, nhiều người lo
ngại rằng khi một đảng kiểm soát cả hai nhánh hành và lập pháp, chính sách thường
nghiêng nhiều về lý tưởng của đảng – Cộng hòa được cho là thiên về giới giàu,
Dân chủ đi với nhà nghèo – sự phát triển sẽ mất cân đối và dễ tạo ra khuynh hướng
lạm quyền.
Ngược lại, nếu tổng thống
là người thuộc đảng đối lập với đảng nắm đa số trong quốc hội, tổng thống trở
thành một loại ‘vịt què’ (lame duck president), khó có thể làm được gì có hiệu quả
lớn lao. Tranh giành quyền lực giữa hai đảng khiến nền dân chủ Mỹ trở thành một
loại “dân chủ giằng co”. Chưa kể, khi chính quyền (hành pháp) thay đổi giữa đảng
này sang đảng kia, chính sách đối ngoại (kể cả nội trị) thường xoay ngược 180 độ,
như trường hợp giữa Obama và Trump. Những thay đổi này dễ đem lại xáo trộn, thậm
chí hỗn loạn và có thể nguy hiểm cho đất nước, nhất là khi quốc gia trong thời
kỳ chiến tranh.
Yếu
tố Trung Quốc
Ngoài các lý do khác, một
trong những nguyên do quan trọng khiến ông Trump thắng cử trước bà Hillary
Clinton năm 2016 là vì trong ba thập niên toàn cầu hoá, lợi dụng giá lao động rẻ,
rất nhiều hãng xưởng đã dọn sang Trung Cộng (TC) khiến công nhân mất việc, ông
Trump hứa sẽ đem công việc về lại Mỹ. Tiến trình toàn cầu hoá đòi hỏi những tay
nghề chuyên môn cao mới có thể tìm được việc làm vững chắc, lương cao để bảo đảm
đời sống.
Tiến trình đó đã khiến đời
sống của hàng chục triệu người thuộc giới trung lưu vừa và thấp (công nhân cổ
xanh và lao động chân tay), vốn từng là một phần của nền tảng, xương sống của nền
dân chủ Mỹ lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Có thể vì lý do tài chánh và tuổi tác, họ
khó có thể trở lại trường để được tái huấn luyện nhằm tìm được việc đủ để nuôi
sống gia đình. Khoảng cách giàu nghèo giữa người có bằng đại học và người ít học
ngày càng sâu rộng, dễ tạo những bất ổn xã hội. Theo một bài báo trên CNBC ngày
19 tháng 01 năm 2019, chỉ 40% dân Mỹ mới có nổi một ngàn đô tiêu xài trong trường
hợp khẩn cấp, như vào bệnh viện hay phải sửa xe[2].
Tình trạng nói trên đã tạo
ra “hai nước Mỹ”. Một, bao gồm các tiểu bang với những người khá giả ven bờ biển;
một, gồm những bang nghèo trong nội địa, nằm ở trung Mỹ và miền nam. Ông Trump
biết cách khai thác nỗi bất mãn của giới này qua ba thập niên toàn cầu hoá nên
trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.
Ông ta đã tạo ra sự tin
tưởng cho thành phần trung lưu bằng hứa hẹn đem việc làm về lại Mỹ, chống Trung
Cộng vì đã tạo ra tình trạng bất cân bằng trong cán cân mậu dịch giữa hai nước,
chưa kể các cáo buộc đánh cắp trí tuệ, đòi chuyển giao kỹ thuật từ các hãng Hoa
Kỳ làm ăn ở TC, bảo vệ biên giới phía nam, từ bỏ vai trò cảnh sát quốc tế miễn
phí v.v…
Bạo loạn ngày 6/1/2021
cho thấy, các thành phần bị “bỏ rơi” trong tiến trình toàn cầu hoá đã không được
các chính trị gia hai đảng quan tâm giải quyết, hoặc họ cũng tìm cách giải quyết
nhưng không thực hiện được vì tình trạng “dân chủ giằng co” giữa hai đảng nói
trên.
Những lời kêu gọi “Stop
the Steal” của ông Trump cũng như khuyến khích đám đông biểu tình tiến về toà
nhà quốc hội gây áp lực trong ngày chuẩn thuận tổng thống mới tạo ra bạo loạn
(do cả những nhóm cực hữu tác động) đã là giọt nước tràn ly của nỗi bất mãn và
hệ thống chính trị đảng tranh (Hoa Kỳ nói riêng, châu Âu nói chung), đòi hỏi một
sự cải tổ sâu rộng để nền dân chủ vốn đã bén rễ ba trăm năm qua tiếp tục có những
bước vững mạnh tới trước.
Người Việt học được gì
qua kinh nghiệm đắt giá đó, thay vì gọi nhau là “cuồng Trump” hay “thổ tả” đến
từ sự tranh chấp quyền lực hai đảng ở Mỹ?
Cơ
chế đan quyền
Qua rất nhiều sự kiện mà
cao điểm là hai cuộc đàn hặc Tổng thống Clinton hai mươi năm trước và Trump
ngày nay, ta thấy hệ thống chính trị dựa trên tranh chấp đảng phái mà quyền lợi
các chính đảng đôi khi quan trọng hơn quyền lợi toàn dân, trong đó có đông đảo
thành phần trung lưu bị mất việc qua cuộc toàn cầu hoá, tiếng nói của họ không
được các chính trị gia lắng nghe, đời sống khó khăn của họ không được quan tâm
giải quyết, hệ thống chính trị đảng tranh với nền dân chủ giằng co cần phải được
tu chỉnh sâu rộng.
Qua sự phát triển của lịch
sử, người dân Mỹ hiện làm chủ đất nước một cách gián tiếp qua đại diện các
chính đảng, tiếng nói của họ cũng phải thông qua các chính đảng mới tới các cơ
quan quyền lực cao nhất, rất nhiều khi không được lắng nghe trọn vẹn, lại còn bị
nạn tranh chấp quyền lực lẫn quyền lợi ảnh hưởng, người dân chưa thực sự nắm
quyền, nhất là quyền quyết định lấy đời sống mình qua chính sách quốc gia
chung.
Theo tôi, ta hãy học lại
bài học của cha ông trong giai đoạn cường thịnh nhất dưới hai triều Lý, Trần. Hệ
thống quyền lực được tổ chức thông qua một cơ chế tạm gọi là “đan quyền” giữa
trung ương và địa phương, tương tự hệ thống liên bang Hoa Kỳ, có thể tóm gọn bằng
cụm từ “trung ương tập quyền, địa phương phân quyền”.
“Tập quyền” ở đây không
có nghĩa dân chủ tập trung kiểu cộng sản, mà là những gì thuộc về toàn dân thì
được tập trung quyết định ở trung ương cho nhanh gọn, nhưng với địa phương thì
phân quyền qua cụm từ “phép vua thua lệ làng”, bởi đời sống ở địa phương
khác xa trung ương, phải do chính người dân địa phương quyết định mới hợp lý.
Vì vậy mà phép vua cũng phải dừng lại trước cổng làng.
Những gì liên quan đến đời
sống toàn dân? Có thể liệt kê một số như kinh tế, quốc phòng, an ninh, ngoại
giao v.v… Điểm khác biệt quan trọng so với hệ thống chính trị của Mỹ là cần một
sự thống nhất ý chí toàn dân ở trung ương để có những quyết định nhanh gọn và dễ
dàng, do không bị tình trạng tranh chấp đảng phái giằng co gây ra. Khi thiếu vắng
tranh chấp quyền lợi phe đảng, các quyết định sẽ dễ thuận theo khuynh hướng quyền
lợi toàn dân hơn.
Đời sống chính trị là đời
sống của toàn dân, nào phải chỉ của các chính đảng mà dân không được góp phần
quyết định?
Ngày nay, xã hội dân sự
(civil society) với đủ mọi ngành nghề chuyên môn đã trở thành đời sống của nhân
dân, nhưng xã hội dân sự đó chưa được tham gia vào việc quyết định các chính
sách quốc gia mà vẫn phải chờ đợi các dân biểu và nghị sĩ, đa phần là thành
viên các chính đảng. Cũng vì lý do đó mà quyền lợi của tầng lớp trung lưu bị “bỏ
rơi” nói trên trong công cuộc toàn cầu hoá không được quan tâm đúng mức.
Xã hội dân sự cần được
tham gia vào sinh hoạt chính trị quốc gia để tiếng nói người dân được trực tiếp
lắng nghe và thực hiện. Toàn dân, thông qua xã hội dân sự càng được tham dự vào
hệ thống chính trị bao nhiêu, quyền dân càng cao bấy nhiêu.
Toàn dân, nhìn theo hệ thống
chính trị và hành chánh có thể thấy hai cơ cấu. Một, là cơ cấu chính trị của
dân tại từng địa phương, cụ thể là từ làng đến xã, huyện, tỉnh. Hai, là các tổ
chức dân sự theo hoạt động chuyên ngành, từ văn hoá đến kinh tế, chính trị. Các
đảng phái nằm trong các tổ chức dân sự này. Tóm lại, toàn dân tham gia công việc
quốc gia qua hai hình thức, hành chánh địa phương và xã hội dân sự.
Các tổ chức chính trị cần
thay đổi chức năng để trở thành một thành viên của xã hội dân sự. Vai trò xã hội
dân sự càng trở nên quan trọng thì vai trò đảng phái trong hệ thống chính trị
nhẹ đi, cuối cùng là hoà mình vào đời sống toàn dân. Tất nhiên, sẽ vẫn có tranh
cãi và tranh chấp trong hệ thống quyền lực cao nhất (quốc hội), nhưng sẽ được
giải quyết nhanh gọn, bớt tình trạng giằng co và các quyết định dễ có khuynh hướng
dựa trên quyền lợi toàn dân, thay vì trên các nhóm quyền lợi, hoặc bị đảng phái
thao túng.
Tổ chức hệ thống chính trị
và hành chánh được như vậy thì người dân sẽ thực sự nắm quyền. Quyền dân càng
cao, lực nhà nước càng mạnh.
Tất cả các ngành nghề, tập
thể trong xã hội do dân tự thành lập vì quyền lợi chung của tập thể đều có thể
cử người vào các cuộc bầu cử từ trung ương đến địa phương. Tất cả đều được bình
đẳng cơ hội đóng góp vào sinh hoạt chính trị quốc gia.
Vậy vai trò của nhà nước
sẽ là gì? Nhà nước sẽ chuyển đổi từ cai trị (ruling) hiện nay sang điều hành và
phối hợp (execution and cooperating), tạo điều kiện cho nhân dân, thông qua xã
hội dân sự tự tổ chức và quyết định lấy đời sống dân sinh lẫn đời sống chính trị
của mình.
Ví dụ, các nông dân tự tập
họp với nhau, thành lập các tổ hợp nông nghiệp nhằm giúp đỡ nhau thăng tiến đời
sống và ngành nghề. Họ bàn nhau cách chọn giống, phân bón, gặt hái, tiếp thị,
xâm nhập thị trường quốc tế v.v… Đó có thể coi là ‘dân chủ trực tiếp’ – nhân
dân trực tiếp quyết định lấy đời sống mình. Chính vì là nông dân, họ hiểu tất cả
các khó khăn cũng như ưu, khuyết điểm trong ngành nghề để có những quyết định
sáng suốt và hợp lý, hữu hiệu nhất. ‘Bộ Nông nghiệp’ cần tạo tất cả các điều kiện
thuận lợi để nông dân thực hiện các điều đó, thay vì ra lệnh cho nông dân phải
làm thế này thế kia một cách duy ý chí và kém hiệu năng.
Khi cả xã hội dân sự đều
hoạt động theo cách thức ấy sẽ tạo ra một xã hội linh động nhịp nhàng, ai vào
việc nấy, toàn dân trực tiếp tham gia làm chủ mình, làm chủ xã hội và đất nước.
Nhân dân sẽ thực hiện được các tiêu chí cao đẹp của hai hệ thống chính trị khác
biệt đề ra: mình vì mọi người, mọi người vì mình, và một nền cộng
hoà bởi dân, do dân và vì dân, hay khái niệm “dân vi quý” xuất
hiện từ xa xưa.
Tổng
hợp và thích ứng một cách sáng tạo
Một khi nhân dân và nhà
nước thông lưu với nhau và là một, hệ thống chính trị sẽ khó bị các thế lực
chính trị lũng đoạn tạo ra các rào cản, đôi khi trở thành bế tắc và hỗn loạn
như chúng ta đang chứng kiến trong sinh hoạt chính trị Mỹ, dù đã được bén rễ cả
ba trăm năm nay.
Dân Việt là một giống dân
có tinh thần tổng hợp cao độ vì từng là nơi mà các nền văn minh gặp gỡ, từ xa
xưa (Hoa-Ấn) cho đến ngày nay (thêm phương Tây). Chúng ta cần phải gấp rút học
lại bài học tổng hợp của cha ông, chấp nhận khác biệt, kết hợp với đạo thống
Tiên Rồng và sử thống Việt (cơ chế đan quyền) vốn từng tạo nên một quốc gia
hùng vĩ dưới trời Đông Á thời Đại Việt 1000 (Lý-Trần) tồn tại trong năm trăm
năm.
Liệu cháu con có noi
gương được cha ông để từ bỏ hận thù, mọi thành phần dân tộc cùng góp sức tạo ra
một thời kỳ hoàng kim mới của “Đại Việt 2000” ngày nay, thay vì bị lôi cuốn vào
thế tranh chấp thương đau, trải dài từ đối đầu tư bản-cộng sản của Chiến tranh
Lạnh, sang thế đối đầu đảng phái Cộng Hoà-Dân Chủ của một nền dân chủ đang cần
được tu chỉnh để tiến hoá cao hơn nữa?
_____
[1] Cụm từ “cộng hòa chuối” được đặt ra vào
năm 1901 bởi nhà văn người Mỹ, O. Henry (1862–1910).
[2] A $1,000 emergency would push many
Americans into debt, truy cập ngày 17 tháng 01 năm 2021.
https://www.cnbc.com/2019/01/23/most-americans-dont-have-the-savings-to-cover-a-1000-emergency.html
No comments:
Post a Comment