Hiếu
Chân
Dec 8, 2020
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/viet-nam-bon-noi-kho-rach/
Mấy ngày qua, trong nước
có một sự kiện nhỏ nhưng đáng chú ý là cuộc bãi công, biểu tình của hàng ngàn
người chạy “xe ôm công nghệ” cho hãng Grab trước trụ sở của hãng này và
diễn hành qua nhiều đường phố ở Hà Nội và Đà Nẵng để phản đối Grab tăng tỷ lệ
chiết khấu mà họ phải đóng.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/12/A1-Viet-Nam-bon-noi-kho-rach-1536x1024.jpg
Các tài xế phản ứng
việc Grab tăng giá cước gây ảnh hưởng đến thu nhập của họ. (Hình: Anh Định/Tuổi
Trẻ)
Đáng chú ý, đây có thể là
lần đầu tiên có cuộc biểu tình vì cơm áo diễn ra ngay trung tâm các thành phố lớn,
trước bàn dân thiên hạ. Những cuộc biểu tình trước, tuy hiếm hoi, nhưng phần lớn
tập trung vào các vấn đề biển đảo, chống Trung Quốc xâm lược hoặc phản đối các
dự luật phi lý và nguy hiểm như Luật An Ninh Mạng, dự Luật Đặc Khu. Những cuộc
bãi công đòi tăng lương của công nhân thỉnh thoảng cũng nổ ra nhưng hầu hết gói
gọn trong phạm vi các nhà máy và vùng phụ cận, thường nằm ở ngoại ô, không gây
được chú ý.
Grab là công ty
Singapore, phát triển mạnh ở các nước Đông Nam Á, mô phỏng mô hình “kinh doanh
chia sẻ” (sharing business) do tập đoàn Uber Mỹ khởi xướng, có điều chỉnh chút
ít cho phù hợp với một khu vực mà xe gắn máy là phương tiện giao thông chính. Tại
Việt Nam, Grab phát triển rất nhanh, thâu tóm chi nhánh Uber Việt Nam và hiện
chiếm thị phần lớn nhất trong các hãng vận chuyển sử dụng công nghệ thông tin
làm môi giới.
Để trở thành một tài xế
Grab, người lao động chỉ cần có một chiếc xe gắn máy, một tài khoản ngân hàng
và một điện thoại thông minh nối mạng Internet, cài ứng dụng Grab để nhận thông
tin khách đi xe và nhận tiền. [Grab kinh doanh cả vận tải bằng xe hơi gọi là
GrabCar và xe gắn máy gọi là GrabBike, nhưng để tiện phân tích ở đây chúng tôi
chỉ nói tới “xe ôm công nghệ” GrabBike]. Toàn bộ chi phí hoạt động của người
lái xe, từ tiền đổ xăng, sửa xe, hao mòn xe cộ, tiền công… đều trông vào số tiền
mà khách trả sau mỗi cuốc xe. Số tiền này trước khi đến tay tài xế đã bị trừ đi
20%-25%, gọi là tiền “chiết khấu” mà hãng Grab thu của mỗi lái xe và có thể
tăng hay giảm tùy theo hợp đồng giữa lái xe với hãng.
Do cước phí khá thấp, “xe
ôm công nghệ Grab” sớm trở thành phương tiện đi lại được cư dân đô thị lựa chọn
trong hoàn cảnh đường phố chật hẹp và đông đúc, phương tiện vận tải công cộng
như xe buýt quá thiếu thốn và bất tiện. Và cũng do điều kiện trở thành người
“xe ôm công nghệ” tương đối dễ dàng, Grab nhanh chóng trở thành nơi cung cấp
công ăn việc làm và thu nhập cho hàng triệu người Việt Nam thất nghiệp, nhất là
giới trẻ có bằng cấp và học vấn nhưng không chen chân vào được các công sở và
công ty các loại hoặc sinh viên đang còn đi học cần làm thêm kiếm tiền trang trải
cuộc sống. Nói vắn tắt, chỉ mới vào Việt Nam hơn năm năm, và còn nhiều vấn đề tệ
lậu mà chúng tôi sẽ bàn bên dưới, nhưng Grab đã góp phần mang lại nhiều lợi
ích, người dân có một loại phương tiện đi lại giá cả phù hợp, người lao động có
việc làm và thu nhập và chính quyền thu được thuế.
***
Xung đột giữa Grab và các
lái xe bùng phát sau khi nhà cầm quyền CSVN ban hành Nghị Định 126 về quản lý
thuế, có hiệu lực từ ngày 5 Tháng Mười Hai, 2020, theo đó các đơn vị vận tải
công nghệ phải đóng thuế giá trị gia tăng (value-added tax, VAT) bằng 10% doanh
thu mà khách hàng thanh toán. Lợi dụng sự thay đổi trong chính sách của nhà cầm
quyền, hãng Grab lập tức tăng giá cước và tăng tỷ lệ chiết khấu mà lái xe phải
chịu, dẫn tới thu nhập thực tế của người chạy xe ôm công nghệ bị sụt giảm mạnh,
nồi cơm của họ bị xén bớt. Và đó là lý do để hàng ngàn lái xe Grab tự động “tắt
ứng dụng,” đình công và phản đối mấy ngày qua.
Thu nhập của lái xe bị giảm
như thế nào trước và sau khi có Nghị Định 126 và sự thay đổi mức chiết khấu của
Grab? Lấy ví dụ một cuốc xe ôm Grabbike khách phải trả 100,000 đồng và tỷ lệ
chiết khấu 20%, chúng ta sẽ có:
(1) Trước ngày 5 Tháng Mười
Hai, lái xe được nhận 80,000 đồng, Grab nhận 20,000 đồng. Do luật thuế (cũ) quy
định lái xe đóng thuế VAT 3%, công ty đóng VAT 10% nên lái xe phải đóng 2,400 đồng,
còn lại 77,600 đồng; công ty Grab đóng 2,000 đồng còn 18,000 đồng, chính quyền
thu được 4,400 đồng (4.4%).
(2) Sau ngày 5 Tháng Mười
Hai, nếu giá cước và tỷ lệ chiết khấu nói trên không thay đổi, thì chính quyền
thu thuế VAT được 10,000 đồng (10% x 100,000 đồng), Grab vẫn thu được 18,000 đồng
(không đổi, 20% x 90,000 đồng), còn lái xe chỉ thu được 72,000 đồng (80% x
90,000 đồng), mất 5,000-6,000 đồng. Khoản chênh lệch 5,000, 6,000 đồng này thực
chất đã chuyển từ túi của người lái xe sang túi của nhà nước!
Không dừng lại ở đó, lợi
dụng Nghị Định 126 vừa có hiệu lực, Grab đã tăng giá cước và tỷ lệ chiết khấu với
lý do thu hộ thuế VAT cho chính quyền. Theo phản ánh của báo chí trong nước,
giá cước cho mỗi cây số xe ôm Grabbike đã tăng từ 3,400 đồng lên 4,000 đồng;
cho mỗi phút tăng từ 300 đồng lên 350 đồng. Tăng giá cước có thể giúp bù vào phần
thất thoát mà lái xe phải chịu do điều chỉnh thuế VAT nhưng cũng làm cho khách
đi xe phải cân nhắc, nhu cầu sụt giảm và lái xe khó cạnh tranh hơn. Cũng viện
lý do thuế VAT, công ty Grab tăng tỷ lệ chiết khấu mà lái xe phải nộp thêm
6-8%; hiện mỗi lái xe Grab đã bị trừ 20% phí sử dụng ứng dụng (chưa kể thuế VAT
và thuế lợi tức cá nhân) nhưng tỷ lệ này vừa được Grab điều chỉnh lên mức
27.2%-32.8% tùy theo hợp đồng với từng tài xế, theo phản ánh của báo VNExpress.
Trở lại ví dụ cuốc xe
100,000 đồng nói trên. Nếu tính theo giá cước mới và tỷ lệ chiết khấu mới mà
Grab ấn định, lấy mức thấp nhất là 27.2%, thì khách đi xe phải trả 117,650 đồng;
trong đó nhà nước thu 11,765 đồng thuế VAT, Grab thu tiền chiết khấu 28,800 đồng
(27.2% x 105,882 đồng), người lái xe chỉ còn 77,000 đồng. Xem ra, so với trước
ngày 5 Tháng Mười Hai, 2020, phần của người lái xe bị giảm chút ít, còn phần của
nhà nước tăng gần gấp ba và của Grab tăng gấp 1.6 lần!
Đến đây chúng ta có thể
nhận ra, bằng Nghị Định 126, nhà cầm quyền Việt Nam và công ty Grab đã bòn rút
thêm nữa mồ hôi nước mắt của người chạy xe ôm để tăng phần lợi nhuận của họ.
Như đã nói trên, thành phần chạy xe ôm này hầu hết là người nghèo, sinh viên xa
nhà… những người đứng bên lề công cuộc phát triển kinh tế của đất nước. Một lái
xe Grab nói với đài VTC ở Hà Nội: “Tài xế chúng tôi phải chạy liên tục, không
nghỉ mới có đủ 300-400 ngàn đồng/ngày đêm [khoảng $15-$18]. Vừa dịch [COVID]
xong, khó khăn chồng chất mà chúng tôi còn bị trừ thêm 10% VAT nữa thì không thể
chấp nhận. Hôm nay chúng tôi tập trung ở đây để phản đối việc tăng phần trăm
chiết khấu của Grab.”
***
Nhà cầm quyền Việt Nam
tìm đủ mọi cách tăng thuế, phí mà người dân phải nộp đã là chuyện thường ngày,
chuyện tất nhiên. Với bộ máy song trùng đảng và nhà nước đông như kiến cỏ, chi
tiêu hoang phí, tiền thu vào bao nhiêu cũng không đủ, phải liên tục tăng thuế
và vay thêm tiền của nước ngoài, đẩy gánh nặng nợ nần cho đời sau. Năm 2020, đại
dịch Vũ Hán làm cho hàng trăm ngàn công ty điêu đứng, dẹp tiệm, tiền thu thuế bị
hụt mà các khoản chi lại tăng thêm nhiều do tổ chức đại hội đảng các cấp và bù
lỗ cho các công ty kinh doanh của nhà nước như hãng hàng không Vietnam Airlines.
Cho nên, dự báo năm nay và năm sau người dân phải è cổ đóng thêm nhiều loại thuế,
phí bất hợp lý và giá cả các mặt hàng do nhà nước độc quyền như điện, nước,
xăng dầu sẽ tăng chóng mặt. Nhà báo Đào Tuấn từ Hà Nội viết Facebook cho biết
năm nay “bội chi [chi nhiều hơn thu] khoảng 357,900 tỷ đồng, tương đương 5.59%
GDP!” Bóp chẹt giới “xe ôm công nghệ” chỉ là một miếng rất nhỏ bù đắp số bội
chi khủng khiếp đó, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam như người sắp chết đói, vớ được
miếng nào hay miếng nấy đã.
Thế còn Grab tại sao được
ưu ái như vậy? Sao chính quyền lại “bòn nơi khố rách, đãi nơi quần hồng,” cắt
xén của người lao động nghèo để ưu ái cho các ông chủ tư bản? Có thể thấy đây
là một trường hợp tiêu biểu cho lối kinh doanh gian manh của giới tư bản gọi là
“đầu tư nước ngoài” – chủ yếu là các thương nhân Châu Á, tại Việt Nam mấy chục
năm qua. Vừa lợi dụng sự ngây ngô của luật pháp trong nước, vừa cấu kết với đám
quan chức tham nhũng, các ông chủ nước ngoài này ra sức bóc lột sức lao động rẻ
mạt của người dân trong nước để trục lợi khủng khiếp.
Cũng như ông tổ của nó là
Uber mà Grab bắt chước, Grab thực chất là một ứng dụng trên điện thoại di động
kết nối người lái xe với khách cần xe nhờ hai nguồn tài nguyên hết sức quý giá
là hệ thống định vị toàn cầu GPS (Global Position System) được xây dựng và vận
hành bằng tiền thuế của người dân Mỹ và bản đồ kỹ thuật số trực tuyến Google
Map của tập đoàn Alphabet ở California. Không có hai tài nguyên gần như “miễn
phí” này mọi công ty vận chuyển theo công nghệ trên thế giới đều phải dẹp tiệm.
Ứng dụng thì đặt sẵn trên
“đám mây,” trong cửa hàng nhu liệu của Google hay Apple, người dùng chỉ việc tải
xuống miễn phí là có thể sử dụng. Là công ty “vận tải công nghệ” nhưng Grab
không có chiếc xe nào, không có lái xe hay bãi đỗ xe, không tốn tiền xăng dầu,
không bảo trì sửa chữa mà cũng không đóng bảo hiểm, thuế lưu hành hàng năm cho
nhà nước những nơi nó hoạt động.
Mọi chi phí cho hoạt động
kinh doanh, cũng như sự phát triển vượt bậc của công ty Grab, hầu như đều do
lao động của những anh “xe ôm công nghệ” Grab. Chúng tôi cho rằng, không nên cường
điệu vai trò của sức lao động thuần túy như học thuyết về giá trị thặng dư của
Karl Marx nhưng cũng không nên quá đề cao vai trò của một công ty như Grab – mà
cốt lõi là một mô hình kinh doanh sao chép, không có mấy phát minh sáng tạo hay
vốn liếng đầu tư.
Bộ máy nhân lực của Grab
thực chất chỉ làm công việc cập nhật nhu liệu, theo dõi hoạt động, thu tiền, cắt
tiền chiết khấu cho chủ công ty và đóng thuế. Vậy nhưng năm nào Grab ở Việt Nam
cũng báo lỗ để không phải đóng thuế, dù mức thuế của các nhà “đầu tư nước
ngoài” như Grab đã được ưu đãi tối đa. Theo dữ liệu của trang
kinhtemoitruong.vn, năm 2014 khi chưa có doanh thu, Grab lỗ 51.7 tỷ đồng, năm
2016 thu được 187.9 tỷ đồng nhưng lỗ 445 tỷ, năm 2017 thu 758.8 tỷ nhưng lỗ 789
tỷ, năm 2018 thu vào tới 2,195 tỷ nhưng vẫn lỗ 885 tỷ! Grab đã làm gì, đã chi
vào đâu để thua lỗ khủng khiếp như vậy?
Bộ máy thuế vụ, cảnh sát
kinh tế, kiểm toán ở đâu mà để cho Grab khai báo lỗ chỏng gọng nhiều năm liền,
càng làm ăn càng lỗ to như vậy? Không khó cũng đoán được Grab sẽ không thể ung
dung trục lợi như vậy nếu không có một thế lực chống lưng trong chính quyền,
trong Bộ Tài Chính, Tổng Cục Thuế và các địa phương trong cả nước.
***
Cuộc biểu tình tuần hành
của các “xe ôm công nghệ” đã nhanh chóng bị lực lượng cảnh sát Hà Nội và Đà Nẵng
cưỡng bức giải tán, giống như những cuộc vận động đòi dân chủ, thậm chí đòi bảo
vệ biển đảo của Tổ quốc trước đây. Đảng Cộng Sản Việt Nam cầm quyền vẫn luôn
rêu rao là “đội tiên phong của giai cấp công nhân” chống bất công, áp bức và
bóc lột, nhưng qua những vụ xung đột như thế này, đảng và nhà nước hiện nguyên
hình là một nhóm lợi ích đang tận dụng vị thế và quyền lực để trục lợi, sẵn
sàng câu kết với tư bản cá mập trong ngoài nước bóp hầu bóp họng người dân và
khi xảy ra xung đột họ đứng về phía những kẻ bóc lột, thay vì giúp đỡ, hỗ trợ
người lao động đòi lại quyền lợi chính đáng.
Lẽ ra nhà cầm quyền nên
nhân cơ hội này để quyết định tổ chức thanh tra, điều tra việc kinh doanh của
Grab, phương thức ấn định và kiểm soát giá cước, tỷ lệ chiết khấu và việc thực
hiện nhiệm vụ đóng thuế của công ty, đồng thời hỗ trợ người lao động thành lập
nghiệp đoàn – theo tinh thần của Hiệp Định Tự Do Thương Mại Châu Âu-Việt Nam
(EVFTA) và Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương CT-TPP
mà Việt Nam là thành viên – để họ trực tiếp thương lượng hợp đồng với chủ sử dụng
lao động.
Điều đó đã không xảy ra với
một chính quyền cấu kết với tư bản để trục lợi, coi người dân là “thế lực thù địch”
dù lúc nào cũng tự xưng là nhà nước xã hội chủ nghĩa, đại diện của giai cấp vô
sản! Cuộc biểu tình của những người chạy xe ôm công nghệ đã bị giải tán nhưng
mâu thuẫn quyền lợi giữa họ và công ty Grab vẫn còn đó, nghĩa là vẫn có mầm mống
để bùng phát trở lại trong tương lai không xa. [qd]
No comments:
Post a Comment