Vac-xin
chống Covid-19 : Một cuộc đua đường dài « chiến lược » của Bắc
Kinh
Minh
Anh -
RFI
Đăng ngày: 11/12/2020
- 13:09
https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20201211-trung-quoc-ngoai-giao-vac-xin-chien-luoc
Giữa Pfizer, Moderna và AstraZeneca, một cuộc chiến
gay gắt đang diễn ra để giành quyền sản xuất và phân phối vac-xin chống
Covid-19 trước tiên cho thế giới, nhất là tại châu Âu và Bắc Mỹ. Trong khi đó,
Trung Quốc, cùng với các loại vac-xin do nước này tự bào chế, đang âm thầm triển
khai các con tốt với hai mục tiêu chính : Đánh bóng lại hình ảnh đất nước,
đồng thời mở rộng các đối tác kinh tế và chiến lược.
Cho dù chưa có một loại
vac-xin ứng viên nào được chính thức công nhận, kể cả ở trong nước, nhưng Trung
Quốc đã bắt đầu ký kết nhiều hợp đồng phân phối « thuốc giải độc »
chống Covid-19 của mình cho nhiều nước trên khắp địa cầu. Trung Quốc hiện tại có 4 vac-xin
ứng viên do các hãng dược CanSino Biologics, Sinovac Biotech và China
National Biotec Group, một chi nhánh của hãng Sinopharm – nghiên cứu
và phát triển.
Chiến dịch phân phối
vac-xin của Bắc Kinh được khởi động trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)
bắt đầu tiến hành điều tra nguồn gốc virus corona. Nhiều nhà quan sát cho rằng
đây thật sự là một chiến dịch ngoại giao nhằm sửa chữa hình ảnh đã bị sứt mẻ.
Nhưng ông Huang Yanzhong, chuyên gia về các vấn đề Y tế công thuộc trung
tâm tư vấn Council on Foreign Relations của Mỹ, khi trả lời AFP, cho rằng
« đây còn là một cách để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng và san bằng những
căng thẳng địa chính trị »
Trên tờ Journal du
Dimanche, chuyên gia Antoine Bondaz, giảng viên đại học Khoa học Chính
trị (Sciences Po), Pháp, nhận định rằng có hai khía cạnh trong cuộc đua
vac-xin : Đó là đua nước rút, nhưng đồng thời cũng là đua việt dã. « Đua
nước rút cho biết nước nào sẽ cho ra lò vac-xin trước tiên […] Cuộc đua việt dã
để thể hiện nước đó có khả năng sản xuất đủ vac-xin và cung cấp cho các đối
tác, đây mới chính là điều căn bản ».
Vẫn theo chuyên gia
Bondaz, Trung Quốc đã đặt cược nhiều vào cuộc đua dài do có nhiều lợi thế. Thứ
nhất, Bắc Kinh đã dập được dịch bệnh từ nhiều tháng qua. Và vì không phải
đối phó với dịch bệnh trong nước, các hãng dược Trung Quốc có đủ thời gian thử
nghiệm ở nhiều nước đang phát triển khác trên khắp các châu lục từ đông sang
tây, từ bắc chí nam…
Thứ
hai, do nhu cầu trong nước rất
thấp và không « khẩn cấp » trong khi các hãng dược Âu – Mỹ phải
ưu tiên cung cấp cho thị trường trong nước, Trung Quốc có thể dành một phần để
cho xuất khẩu, và có thể hoàn toàn trông cậy vào « khả năng sản xuất
công nghiệp ồ ạt » để đủ cung cấp cho các nước đối tác. Trung Quốc còn
cho xây dựng nhiều cơ sở cất trữ tại châu Phi, Trung Cận Đông để đáp ứng nhu cầu
cho các nước tại những khu vực này, hay mở cơ sở sản xuất tại những nước có ký
kết thỏa thuận như Brazil, Maroc và Indonesia.
Cuối
cùng, vac-xin do Trung Quốc
bào chế theo phương pháp nuôi cấy vi khuẩn nên có thể dễ dàng vận chuyển và
phân phối, không đòi hỏi những kỹ thuật bảo quản nghiêm ngặt như của Pfizer, phải
ở mức -70°C.
Cuộc đua đường dài này
còn đặt ra thách thức địa chính trị khác cho Bắc Kinh. Ngoài vấn đề kinh tế, để
khẳng định đó là những hãng dược « công nghệ cao và có tính cạnh tranh »,
thì nhìn rộng hơn, trong các vấn đề dịch tễ, Trung Quốc muốn chứng tỏ là một đồng
minh đáng tin cậy mà các nước « có thể hợp tác chứ không chỉ có các nước
châu Âu ».
Đương nhiên, việc đánh
bóng lại hình ảnh là điều không thể thiếu. Nếu như tại châu Phi và Đông Nam Á,
Trung Quốc có thể dễ dàng làm cho làm quên đi trách nhiệm gây đại dịch của
mình, thì ở các nước phát triển, hình ảnh này hiện khó mà cải thiện được.
Chính vì vậy, trong khi
chờ đợi sự chấp thuận của các cơ quan y tế các nước, Trung Quốc thận trọng tiến
tới với hai tiêu chí : « Nhanh chóng và An toàn ». Một
vac-xin kém hiệu quả sẽ có những tác động tàn phá đối với chiến lược « ngoại
giao vac-xin » của Trung Quốc, vốn dĩ cũng là một phần trong chính
sách « con đường tơ lụa y tế » của nước này, có từ những
năm 1960, theo như kết luận của nhà nghiên cứu Antoine Bondaz.
***
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Covid-19
: Trung Quốc chuẩn bị vac-xin cho chiến dịch ngoại giao
Covid-19:
Brazil ngưng thử nghiệm vac-xin của Trung Quốc sau "tai nạn nghiêm trọng"
Vac-xin
Covid-19: Thách thức về sản xuất và phân phối
No comments:
Post a Comment