The
Economist
Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch
23/12/2020
http://nghiencuuquocte.org/2020/12/23/the-gioi-hom-nay-23-12-2020/
Israel sẽ bước vào cuộc bầu cử lần thứ tư trong vòng hai năm sau khi
chính phủ liên minh của họ không thể thống nhất được ngân sách. Nếu không có
quyết định nào được thông qua trước nửa đêm, quốc hội sẽ giải tán, mở ra một cuộc
bầu cử vào ngày 23 tháng 3. Thủ tướng Binyamin Netanyahu đáng lẽ sẽ nhường lại chức vụ cho Benny Gantz, đối thủ của ông, vào tháng 10 tới.
Ông Netanyahu, người đã nắm quyền từ năm 2009, có thể muốn ở lại lâu hơn nữa.
Pháp cho biết họ sẽ mở cửa biên giới cho công dân EU và cư dân Pháp đến
từ Anh vào thứ Tư, miễn là họ đã xét nghiệm âm tính với
covid-19 trong 72 giờ trước đó. Pháp là một trong số hơn 50 nước đã phải đóng cửa
với người đến từ Anh vì lo ngại biến thể mới của coronavirus lây lan. Hơn 2.800
xe tải đang đợi ở Kent, đông nam nước Anh, để được nhập cảnh vào Pháp. Chính phủ
Anh cho biết đã đạt được một thỏa thuận mở cửa biên giới và hứa với những người
lái xe tải là chính phủ sẽ “cập nhật” tình hình vào tối thứ Ba.
Tổng thống Donald Trump dự
kiến sẽ ký thành luật một gói kích thích thứ hai,
trị giá 900 tỷ đô la, để xoa dịu tác động của covid-19 lên nền kinh tế Mỹ.
Thỏa thuận này, được Quốc hội gấp rút thông qua hôm tối thứ Hai, bao gồm khoản
thanh toán lên tới 600 đô la cho mỗi cá nhân và tăng 300 đô la trợ cấp thất
nghiệp trong 11 tuần, nằm chung trong một dự luật dài 5.600 trang bao gồm cả
1,4 nghìn tỷ đô la ngân sách chính phủ liên bang cho đến tháng 9 năm sau.
Tổng thống Nga Vladimir
Putin đã ký luật cho phép các cựu tổng thống trở thành thượng nghị sĩ
suốt đời khi rời Điện Kremlin. Ông Putin cũng đã sửa đổi hiến pháp trong năm
nay, cho phép ông tại vị thêm hai nhiệm kỳ sáu năm, trên lý thuyết là giúp ông
giữ ghế cho đến năm 2036. Trong khi đó, Moskva mở rộng danh sách các quan chức
châu Âu bị cấm đến Nga trong động thái đáp trả các lệnh trừng phạt áp đặt lên
Nga vì vụ đầu độc Alexei Navalny, một thủ lĩnh phe đối lập.
Hàng chục nghìn người biểu
tình ở Armenia yêu cầu thủ tướng Nikol Pashinyan từ chức. Người
biểu tình đã tụ tập ở thủ đô Yerevan trong làn sóng phản đối cách ông Pashinyan
xử lý xung đột Nagorno-Karabakh. Hôm 10 tháng 11, ông đã ký một thỏa thuận do
Nga làm trung gian kết thúc 44 ngày giao tranh tại khu vực Azerbaijan do
Armenia kiểm soát, khiến Armenia phải nhượng lại phần lớn lãnh thổ này.
Coronavirus đã đến Nam Cực. Quân đội Chile báo cáo 36 ca nhiễm covid-19
tại trung tâm nghiên cứu General Bernardo O’Higgins Riquelme của họ; tất cả những
người bị nhiễm đã được sơ tán đến Chile. Tin này đến vài ngày sau khi ba thủy
thủ đoàn trên một con tàu giao hàng cho trạm [ở Nam Cực] có kết quả dương tính
với virus. Đến nay covid-19 đã được ghi nhận trên tất cả bảy châu lục.
TIÊU
ĐIỂM
Tuần này, The Economist giới thiệu các bài điểm lại
năm 2020. Chủ đề của hôm nay là khoa học và công nghệ.
Băng Greenland mất dần khối lượng
qua từng năm
Theo phân tích dữ liệu vệ
tinh của các nhà nghiên cứu tại Đại học Bang Ohio, lượng tuyết rơi hàng năm
không còn có thể bù đắp cho lượng băng tan chảy vào đại dương từ các sông băng
của Greenland. Họ cho rằng lượng băng mất đi lớn đến mức nó đã kích hoạt một
vòng tự lặp lại không thể đảo ngược. Đây là tin xấu cho các thành phố ven biển;
việc mất đi toàn bộ mảng băng ở đây sẽ làm mực nước biển dâng cao hơn 7 mét.
Băng của Greenland thường
giúp giữ một sự cân bằng tương đối. Mỗi năm lớp băng này mất một lượng băng vào
mùa hè – cả do băng và tuyết tan trên bề mặt cũng như các khối băng trôi ra biển
– tương đương với lượng tuyết mới vào mùa đông. Nhưng sau năm 2000, tảng băng bắt
đầu mất dần khối lượng. Những thay đổi trong khu vực phản ánh quá trình và tác
động của biến đổi khí hậu; suy giảm băng Greenland là điềm báo trước của những
điều sắp đến.
Vấn nạn tạp chí học thuật giả
mạo
Hầu hết các học giả đang
cố gắng tìm ra những khám phá quan trọng. Trong khi đó, một số tác giả lại tìm
cách ngụy tạo những bản lý lịch khoa học còn mỏng của mình bằng cách xuất bản
các nghiên cứu thiếu sáng tạo, lặp lại, hoặc giả mạo. Điều này chủ yếu xuất hiện
trong các tạp chí “săn mồi”, sử dụng mô hình “truy cập mở” — tính phí cho
tác giả, thay vì cho độc giả — nhằm xuất bản bất cứ thứ gì để kiếm tiền.
Cabells, một công ty
chuyên lưu giữ danh sách đen các tạp chí như vậy bằng tiếng Anh, ước tính có
khoảng 1.000 tạp chí dạng này tồn tại hồi năm 2010. Ngày nay có ít nhất đến
13.000. Cabells sử dụng các tiêu chí như thiếu các số xuất bản trước để phát hiện
gian lận. Kế đó là nhiều lỗi chính tả hoặc cho phép xuất bản nhanh. Theo
Bo-Christer Björk thuộc Trường Kinh tế Hanken của Helsinki, tạp chí săn mồi
trung bình xuất bản ít hơn một nửa số bài so với tạp chí uy tín. Và 60% bài báo
trong các tạp chí như vậy không được trích dẫn trong tương lai, so với 10% của
các bài trên những tạp chí đáng tin cậy. Song nó đồng nghĩa một con số đáng ngờ
250.000 bài vẫn được trích dẫn mỗi năm.
Nhìn lại tác động lớn của Dự
án Bản đồ Gene Người
Vào ngày 26 tháng 6 năm
2000, Dự án Bản đồ Gene Người và đối tác tư nhân của nó, một công ty có tên
Celera Genomics, đã đồng thời xuất bản một “bản thảo chưa hoàn thiện” về bộ
gene. Thông báo này chỉ là một sự khởi đầu. Ngành nghiên cứu gene giờ đây đã ăn
sâu trong ngành sinh học đến mức khó có thể nhớ lại mọi thứ trước đây trông như
thế nào. Những trình tự đầu tiên trong gene người vốn cần hàng tỷ đô la mới có
được. Ngày nay, với sự ra đời của công nghệ mới, một chuỗi đầy đủ có giá chỉ
khoảng 200 đô la, và các phiên bản ít chi tiết còn rẻ hơn nữa.
Ví dụ, các nhà nghiên cứu
cần kiểm tra một giả thuyết có thể đến các ngân hàng sinh học chứa thông tin
chi tiết của hàng chục hoặc hàng trăm nghìn người — hồ sơ y tế, giáo dục, việc
làm và quan trọng là dữ liệu về bộ gene của họ. Các công ty tư nhân cũng sẽ
trình tự hóa các bộ gene theo các tiêu chuẩn khác nhau, với mức giá phù hợp. Có
thể đã có hơn 1 triệu bộ gene người được giải mã.
Cân nặng của các chính trị gia
có liên quan đến mức độ tham nhũng
Tại thị trấn High Wycombe
miền nam nước Anh, hàng năm nghị sĩ, thị trưởng và các ủy viên hội đồng được
cân nặng công khai, để ngăn họ “tăng cân làm thiệt hại cho người đóng thuế”.
Truyền thống hàng thế kỷ này phần lớn chỉ là trò đùa, nhưng người dân thị trấn
có thể đã dựa vào điều gì đó. Một nghiên cứu gần đây về 15 quốc gia hậu Xô Viết
đã sử dụng một thuật toán để phân tích ảnh của gần 300 bộ trưởng nội các và ước
tính chỉ số khối cơ thể của họ, một thước đo mức độ béo phì.
Tác giả nhận thấy rằng chỉ
số BMI trung bình của nội các một quốc gia có mối tương quan cao với mức độ
tham nhũng của quốc gia đó, dựa trên các chỉ số của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức
Minh bạch Quốc tế. Các nước Baltic và Gruzia là những nước ít tham nhũng nhất
và cũng tự hào về nội các thon gọn của mình. Turkmenistan và Uzbekistan, nằm
trong số những nước tham nhũng nhất, có các chính trị gia nặng cân nhất. Các
chính trị gia béo phì không kém trung thực hơn những người gầy. Nhưng sẽ tốt
cho họ nếu giảm cân: các nghiên cứu cho thấy cử tri ít có khả năng bầu cho các ứng
viên… đẫy đà.
Các nhà nghiên cứu nam có xu
hướng tự đề cao hơn nữ
Một nghiên cứu gần đây
trên BMJ, một tạp chí nghiên cứu y tế, cho thấy nam giới có nhiều khả năng tự đề
cao bản thân hơn phụ nữ. Bằng cách kiểm tra ngôn ngữ của tiêu đề và phần tóm tắt
của hơn 100.000 bài nghiên cứu lâm sàng, các nhà nghiên cứu đã tách chúng làm
hai nhóm: nhóm có cả tác giả chính và tác giả phụ là nữ, và nhóm mà trong đó một
hoặc cả hai là nam giới. (Tác giả chính thường là một nhà nghiên cứu trẻ tiến
hành công việc, trong khi tác giả phụ thường là một học giả lớn tuổi có nhiệm vụ
hướng dẫn)
Họ nhận thấy các bài báo
có tác giả nam cả chính và phụ có xu hướng mô tả tác phẩm của họ tích cực hơn.
“Mới” là một thuật ngữ tích cực phổ biến nhất, và những nghiên cứu có tác giả
nam sử dụng từ này nhiều hơn 59,2% so với các bài của phụ nữ. Thuật ngữ “hứa hẹn”
thậm chí còn tương phản hơn. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng tự quảng
cáo có thể giúp ích cho sự nghiệp, và dẫn đến số lượng trích dẫn tương lai nhiều
hơn.
No comments:
Post a Comment