Wednesday, 9 December 2020

THẾ GIỚI HÔM NAY : 09/12/2020 (The Economist)

 


Thế giới hôm nay: 09/12/2020

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch

09/12/2020

http://nghiencuuquocte.org/2020/12/09/the-gioi-hom-nay-09-12-2020/

 

Chính phủ Anh cho biết đã đạt một thỏa thuận trên nguyên tắc với EU về việc thực hiện các quy chế về Bắc Ireland vốn được nêu trong hiệp ước rút khỏi EU của Anh. Anh sẽ loại bỏ các phần liên quan khỏi dự luật đã được lên kế hoạch vốn có thể khiến Anh vi phạm thỏa thuận ký đầu năm nay. Các cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại vẫn tiếp tục.

 

Anh đã dùng những liều vắc-xin covid-19 đầu tiên do Pfizer và BioNTech sản xuất. 800.000 liều nữa sẽ được phân phối trong những tuần tới. Trong khi đó, chính phủ Anh thông báo một loại vắc-xin khác của Đại học Oxford và AstraZeneca đã bị trì hoãn do các vấn đề sản xuất. Nhưng nghiên cứu công bố trên tạp chí y học Lancet cho thấy nó “an toàn và hiệu quả”.

 

Trong khi đó, FDA, cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc của Mỹ, công bố một báo cáo cho biết vắc-xin do Pfizer và BioNTech phát triển là an toàn và hiệu quả. Báo cáo được đưa ra trước cuộc họp của FDA vào cuối tuần này, theo dự kiến ​​sẽ công bố liệu vắc xin này có được chấp thuận hay không.

 

Joe Biden được cho là sẽ công bố Lloyd Austin, một tướng quân đội bốn sao, là lựa chọn của ông cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng. Điều này sẽ nối tiếp cách làm gần đây của ông Trump là đặt những tướng lĩnh chủ chốt vào các vị trí an ninh quốc gia hàng đầu vốn trước đây thường do bên dân sự nắm giữ. Tướng Austin, người đã nghỉ hưu vào năm 2016, sẽ cần miễn trừ của Quốc hội để đảm nhận công việc. Ông sẽ là bộ trưởng quốc phòng da màu đầu tiên.

 

Tổng chưởng lý Texas đã kiện Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin về cuộc bầu cử tháng 11. Khiếu nại của Ken Paxton nói các bang này đã thay đổi thủ tục bỏ phiếu của họ một cách bất hợp pháp trong thời kỳ đại dịch, và do đó kết quả không hợp pháp của họ (tất cả đều là chiến thắng cho Joe Biden) đã làm suy yếu giá trị lá phiếu hợp pháp của Texas trong cử tri đoàn. Chỉ Tòa án Tối cao mới có quyền xét xử các tranh chấp giữa các bang. Cử tri đoàn sẽ bỏ phiếu vào ngày 14 tháng 12.

 

Những người biểu tình đã phong tỏa các đường phố ở Yerevan, thủ đô Armenia, trong chiến dịch buộc thủ tướng Nikol Pashinyan từ chức. Ông đã phải đối mặt với chỉ trích dữ dội kể từ khi ký thỏa thuận ngừng bắn với Azerbaijan vào tháng trước, chấp nhận nhượng đất, vốn do Armenia nắm giữ suốt nhiều thập niên, ở vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh.

 

Uber đã kết thúc nỗ lực phát triển xe hơi không người lái. Thay vào đó, công ty gọi xe sẽ bán mảng xe tự hành của mình cho Aurora, một công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon. Như một phần của thỏa thuận, Uber sẽ đầu tư 400 triệu USD vào Aurora và nắm 26% cổ phần. Uber đã tinh gọn hoạt động kinh doanh nhằm đạt lợi nhuận.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Con trai tổng thống Indonesia tranh cử ghế thống đốc

Hơn 100 triệu người Indonesia, chiếm khoảng một nửa số cử tri, hôm nay sẽ đi bầu thống đốc, thị trưởng và quận trưởng mới. Đối với một quốc gia chỉ mới đi qua chế độ độc tài hơn hai thập niên trước, việc thực thi cuộc bầu cử này là một tuyên bố cho niềm tin vào hệ thống chính trị. Tuy nhiên có một xu hướng đáng lo ngại đang xuất hiện. Ngày càng có nhiều chính trị gia tìm cách thiết lập các triều đại, nổi bật nhất trong số đó là tổng thống Joko Widodo (hay còn gọi là Jokowi).

 

Việc ông thắng cử vào năm 2014 được ăn mừng chính vì ông không quá liên hệ với giới tinh hoa. Song kể từ đó, ông đã dọn đường cho con trai mình, Gibran Rakabuming Raka, một gương mặt chính trị mới, lên tranh cử thị trưởng Surakarta, thành phố từng giúp khởi đầu sự nghiệp cho Jokowi. Công chúng Indonesia tỏ ra thất vọng trước tình trạng con ông cháu cha trong tầng lớp chính trị nước mình. Nhưng không có ứng viên nặng ký nào sẵn sàng chống lại con trai Jokowi, đồng nghĩa ông gần như được đảm bảo chiến thắng.

 

Pháp công bố dự thảo luật kiềm chế “chủ nghĩa ly khai Hồi giáo”

Chính phủ Pháp hôm nay sẽ tiết lộ một dự luật gây tranh cãi được thiết kế để kiềm chế việc lan truyền hệ tư tưởng Hồi giáo cực đoan. Ban đầu được Tổng thống Emmanuel Macron xác định là một phương tiện để kiềm chế “chủ nghĩa ly khai Hồi giáo”, bản dự thảo giờ đây không còn đề cập đến Hồi giáo, một phần là để phủ nhận các cáo buộc nó kỳ thị người Hồi giáo. Thay vào đó, nó nhằm mục đích “củng cố các nguyên tắc của nền cộng hòa”.

 

Các biện pháp bao gồm hạn chế đối với việc học tại nhà (không phải lệnh cấm một phần như ban đầu) nhằm vào giảng dạy các ý tưởng cực đoan, các quy định chặt chẽ hơn về việc kiểm tra và cấp vốn cho các nơi thờ tự, và cấm các bác sĩ cấp “giấy chứng nhận trinh tiết”. Những chi tiết này đã được soạn thảo trong nhiều tháng. Nhưng dự thảo cũng sẽ có một điều khoản mới được bổ sung gần đây, đó là cấm phát tán thông tin địa chỉ hoặc nơi làm việc của một người nếu làm vậy có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của họ. Đây là một phản ứng trực tiếp đối với vụ tấn công khủng bố mà trong đó giáo viên Samuel Paty bị nêu đích danh trong một chiến dịch trực tuyến, và sau đó bị một sát thủ chặt đầu.

 

Tranh cãi về Cơ chế Ổn định châu Âu ở Ý

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte hôm nay có nguy cơ bị mất mặt. Ông sẽ yêu cầu cả hai viện của quốc hội ủng hộ mình trước các cuộc thảo luận về cải cách Cơ chế Ổn định châu Âu (ESM), một quỹ cứu trợ của khu vực đồng euro, tại cuộc họp của các lãnh đạo khu vực này vào ngày 11 tháng 12. Nếu muốn nhận tiền từ quỹ, quốc hội Ý phải phê chuẩn những thay đổi đối với ESM. Đây là một trong những vấn đề gay gắt nhất trong chính trị Ý.

 

ESM bị những người phản đối – bao gồm cả Phong trào Năm Sao (M5S), một đối tác trong liên minh của ông Conte – coi là một công cụ để áp đặt chính sách thắt lưng buộc bụng và cải cách khắt khe lên các nước nghèo hơn của khu vực đồng tiền chung. Hôm 2 tháng 12, 58 nhà lập pháp M5S đã công bố một lá thư phản đối cải cách. Liệu ông Conte có được quốc hội ủng hộ trong chuyến đi tới Brussels hay không còn phụ thuộc vào việc bao nhiêu người trong số họ sẽ nổi dậy. Nền tảng ủng hộ ông đang lung lay, nhưng chính phủ chưa kêu gọi bỏ phiếu tín nhiệm. Và chẳng mấy ai trong M5S, vốn đang có điểm thấp trong các cuộc thăm dò, thích một cuộc bầu cử.

 

Thổ Nhĩ Kỳ và thắng lợi của Azerbaijan

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm nay sẽ tới Azerbaijan để tham dự cuộc diễu hành đánh dấu chiến thắng gần đây của nước chủ nhà trước Armenia trong cuộc chiến Nagorno-Karabakh. Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ cho Azerbaijan máy bay không người lái có vũ trang, cố vấn và hỗ trợ chính trị vô điều kiện. Và có nhiều bằng chứng vững chắc cho thấy họ cũng đã gửi đến hàng trăm lính đánh thuê Syria. Ông Erdogan có lý do để ăn mừng.

 

Chỉ trong hơn sáu tuần giao tranh, kết thúc bằng lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian, đồng minh chính trong khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ đã giành lại phần lớn lãnh thổ bị mất vào tay Armenia trong một cuộc chiến trước đó một phần tư thế kỷ. Nhưng một khi trở về nhà, ông Erdogan phải đối phó với một cuộc phiêu lưu quân sự khác. Tại hội nghị thượng đỉnh dự kiến bắt đầu vào ngày 10 tháng 12, các lãnh đạo EU sẽ quyết định có áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ về hoạt động khoan của nước này tại các khu vực giàu khí đốt ở đông Địa Trung Hải mà Hy Lạp và Síp tuyên bố chủ quyền hay không. Ông Erdogan đã thắng trên đất liền. Nhưng trên biển có thể ông phải lùi lại.

 

Đức bắt đầu bối rối trước Covid-19

Vài tuần trước, bộ trưởng y tế Đức Jens Spahn đã khoe khoang rằng nước ông đang xử lý làn sóng coronavirus thứ hai tốt hơn hầu hết các nước khác. Hôm nay ông sẽ không lặp lại tuyên bố này. Không như các quốc gia châu Âu lớn khác, ở Đức, số ca mắc covid-19 ngày càng tăng. Số ca tử vong hàng ngày ở mức kỷ lục và một số khoa hồi sức cấp cứu đang quá tải. Trong khi các nước khác cân nhắc dỡ bỏ hạn chế, các bang của Đức đang thắt chặt hạn chế của mình. Những diễn biến đáng lo ngại này sẽ ảnh hưởng đến phần phát biểu của bà Angela Merkel trước Hạ viện sáng nay.

 

Mặc dù quốc hội đang chính thức triệu tập để thảo luận về ngân sách 2021 của Đức, nhưng việc xử lý đại dịch của chính phủ chắc chắn sẽ được đề cập. Trớ trêu thay, chính thủ tướng cũng nằm trong số những người chỉ trích: bà Merkel từ lâu đã lập luận rằng các lãnh đạo bang của Đức, những người có vai trò quyết định hầu hết các quy định y tế và các chính sách liên quan khác, đã tự mãn trong việc kiềm chế virus lây lan. Khi nước Đức trải qua một mùa Giáng sinh khó khăn, lời minh oan của bà khó có thể mang lại nhiều niềm an ủi.

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats