Friday, 11 December 2020

THẤY GÌ TỪ CHUYỆN GẠO NGON VIỆT NAM TỪ HẠNG NHẤT XUỐNG HẠNG NHÌ THẾ GIỚI (Thanh Trúc - RFA)

 


Thấy gì từ chuyện gạo ngon Việt Nam từ hạng nhất xuống hạng nhì thế giới 

Thanh Trúc  -  RFA

10/12/2020

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnamese-rice-rank-drops-in-international-contest-12102020152739.html

 

Gạo ST25 thơm ngon sản xuất tại Việt Nam lần đầu tiên được trao giải gạo ngon nhất thế giới trong cuộc thi World’s Best Rice ở Philippines.

 

Qua năm 2020, tại cuộc thi World’s Best Rice ở Hoa Kỳ, ST25 của Việt Nam về nhì,  nước bạn Thái Lan về nhất  với gạo thơm Hom Mali của họ. 

 

Đây là cuộc thi do tổ chức thương mại The Rice Trader của Singapore diễn ra hàng năm với sự tham dự của Thái Lan, Lào , Việt Nam, Campuchia, Philippines, Myanmar và cả Hoa Kỳ. 

 

Quyết định đưa gạo ST25 sang Mỹ dự thi năm nay do Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam VFA, với hy vọng thắng giải nhất là cánh cửa cho gạo Việt  bước vào thị trường tiêu thụ Mỹ, cũng là cơ  hội gia  tăng sản lượng bán và giá trị hạt gạo Việt Nam lên.

 

Tác giả của ST25, ông Hồ Quang Cua, cho hay trước giờ Thái Lan hai năm đi thi gạo ngon nhất thế giới chỉ với một giống, Campuchia cũng dự thi với một giống lúa, vì thế ST25 sẽ tiếp tục góp mặt trong các cuộc thi World’s Best Rice khi nào ông còn sức. 

 

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, doanh nhân ngành du lịch nhưng chuyển sang kinh doanh ST25 trong giai đoạn khó khăn vì COVID-19 gần một năm nay, việc ST25 của Việt Nam từ hạng nhất xuống hạng nhì khiến nhiều người thất vọng: :

 

Thật lòng giải nhất quan trọng hơn giải nhì, cũng như bóng đá người ta chỉ nhớ đội vô địch thôi chứ ít nhớ đội thứ nhì. Rõ ràng được giải nhất thì sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh và PR hơn”

Nói rằng năm nay Thái Lan đi thi với giống gạo cũ thì tôi không tin. Nếu mình cứ bê nguyên giống gạo cũ đi thì tôi e rằng đến năm 2021 sẽ là thứ 3 và có thể bị loại khỏi cuộc chơi đó không chừng. Đưa mãi một giống đi thì còn lâu mình mới qua mặt được Thái Lan. Chắc chắn Thái Lan sẽ tìm cách cải thiện giống nào ngon nhất của họ để luôn được nhất thị trường chứ không thể bằng lòng với cái họ đang có”.

 

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chiến Lược Nông Nghiệp, tư vấn Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, cho đây là cuộc thi giới thiệu sản phẩm không mang tính chất hoặc tiêu chuẩn cố định dài hạn, vì thế nhất nhì đều xứng đáng:

 

Hạt gạo đấy do nhóm nghiên cứu của một nhà khoa học ở địa phương làm ra mà không qua trường lớp quốc tế nào, không có viện nghiên cứu hiện đại nào đỡ đầu. Họ làm được như thế chứng tỏ tiềm năng nông nghiệp là nếu đầu tư đúng, đặt nó lên vị trí xứng đáng thì Việt Nam sẽ là cường quốc về nông nghiệp. Đấy mới là ý nghĩa quan trọng nhất, chúng ta cũng có thêm một chút kích thích để cố gắng hơn trong các đợt thi sau

 

Chuyên gia nông nghiệp Đại học Nam Cần Thơ, giáo sư Võ Tòng Xuân, cho rằng trước hết nên trả ST25 về vị trí xứng đáng của nó:

 

ST25 là giống lúa cho cái gạo ngon nhất của Việt Nam 40 năm nay, công khó là kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm cộng tác với anh, hoàn toàn sử dụng tiền riêng để làm với quyết tâm có giống lúa thơm ngon để có thể cạnh tranh với Thái Lan. Điều này thì các viện lúa của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn có làm nhưng chưa được. Một số bà con nông dân cũng tìm tòi học hỏi rồi chọn ra mấy giống lúa nhưng không bằng giống ST25”

“Bộ Nông Nghiệp cũng muốn Việt Nam có thương hiệu lúa gạo, nhưng khi giống ST25 được vinh danh hạng nhất hồi năm ngoái, thì Bộ Nông Nghiệp mặc dù có khen thưởng kỹ sư Hồ Quang Cua nhưng lại nói cái này do tư nhân làm thành ra phải khảo nghiệm một cách bài bản trên đất nước Việt Nam”.

 

Đây là quyết định dùng dằng và quan liêu cứng ngắt, gây chậm trễ cho sự phát triển của ST25, là nhận định tiếp của Giáo sư Võ Tòng Xuân:

 

“Sự chậm trễ này làm ST25 bị thất thế một phần. Đáng lẽ có giống gạo mới này rồi thì Bộ Nông Nghiệp phải mạnh dạn đứng ra phát triển nó lên nhưng ông cứ làm thinh chờ kết quả khảo nghiệm”. 

 

Năm 2020 Bộ Nông Nghiệp tổ chức cuộc thi gạo ngon, cơ quan chủ quản là Hiệp Hội Lương Thực VFA cũng do Bộ cử ra. Cuộc thi đã xác nhận ST25 là loại gạo ngon nhất. Chính vì thế Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam đã gởi ST25 đi tranh giải gạo ngon nhất thế giới năm 2020:

 

Chắc có lẽ Bộ Nông Nghiệp muốn kiểm tra lại coi giống ST25 này có đúng là ngon nhất thế giới không, coi quốc tế có xác nhận như vậy không. Thứ hai là coi xem 2 giống lúa đi kèm với giống ST25 này có được chọn là ngon hơn không. Bộ muốn có thành tích khác hơn là của tư nhân, còn chính thức thì ST25 phải chờ kết quả khảo nghiệm”.   

 

Cách suy nghĩ và cách làm như vậy khiến ST25 bị mất thế, Giáo sư Võ Tòng Xuân nói tiếp, chẳng khác nào gởi một cô hoa hậu đi thi tuyển một lần nữa mà kết quả nhiều phần là khó đạt ngôi vị người đẹp nhất một lần nữa.

 

Đó là thân phận gian truân của ST25 dưới mắt chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân:

 

Lúa thơm của Việt Nam mình hơn của Thái Lan là mình có thể trồng 3 vụ một năm, có thể gặt từ 5 tới 7 tấn/hectare/vụ. Trong khi đó gạo thơm Thái Lan hoặc Campuchia hoặc Myanmar thì nó là lúa mùa, mỗi năm chỉ trồng có một lần, năng suất chỉ khoảng 3,5 đến 3,8 tấn chứ không qua được 4 tấn. Lúa ST25 của mình ngon tương đương với gạo Thái Lan, chỉ có cái Thái Lan thơm 10 thì mình thơm 8”.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/gaost25aa.jpeg/@@images/8642eb41-86fa-4d98-8ad5-949e06a79e84.jpeg

Gạo ST25 của Việt Nam. Hình Vietnam Plus

 

Đáng mừng là ST25 bị hạ xuống bậc nhì gạo ngon thế giới không ảnh hưởng mất đến đến việc xuất khẩu gạo của Việt Nam, là kết luận của Giáo sư Võ Tòng Xuân.

 

Trong bối cảnh đầu tư nông nghiệp chỉ chiếm 6% tổng đầu tư toàn xã hội, cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn yếu kém, tiến sĩ Đặng Kim Sơn nhận định:

 

Khi bắt đầu đổi mới thì ngay năm 1989 chúng ta bắt đầu xuất khẩu lúa gạo. sau đó là cứ xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước. Còn nhớ suốt những năm đầu giá gạo Việt Nam thấp xa so với giá gạo Thái Lan, thế nhưng cuối cùng giá gạo Việt Nam lên sát giá gạo Thái Lan”

 

Việt Nam bây giờ vẫn tiếp tục phấn đấu về những  vấn đề chất lượng, giá trị, tiêu thụ, thương hiệu và uy tín:

 

Phát triển lúa gạo Việt Nam phải có chiến lược đồng bộ và quốc gia, phải nghiên cứu các giống lúa rất cản thận, hệ thống chế biến, hệ thống logistics phải thật đồng bọ để có thể giảm chi phí tối đa cho hạt gạo. Tôi nghĩ  chúng ta có thể làm được điều đó”.

 

Việt Nam xuất khẩu 6,12 triệu tấn gạo năm 2018, có giá trị 3 tỷ USD. Đây là số liệu từ Bộ Công Thương được báo chí đăng tải lại. 

 

Các báo trong nước số ra cuối tháng 12/2019 cho thấy lượng gạo xuất khẩu năm 2019 là 6, 259 triệu tấn, nhưng khoản tiền thu về chỉ 2,758 tỷ USD. Tức là lượng tăng 2,5% so với 2018 nhưng về giá trị lại giảm 10% do giá gạo trên thị trường thế giới sụt giảm.

 

Năm 2020, từ tháng Giêng đến tháng 8, Việt Nam đã bán ra ngoài 4,61 triệu tấn gạo, thu về 2,25 tỷ USD.

 

Cũng tháng 8/2020, số liệu cho thấy giá gạo Việt Nam vượt qua Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan. Theo Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, đây là lần thứ hai Việt Nam có thể trở lại vị trí xuất khẩu gạo số một thế giới.

 

------------------------------

 

Tin, bài liên quan

·         Thương hiệu gạo ngon nhất thế giới ST25 bị nhái giả tràn lan!

·         Giá gạo của Việt Nam giảm liên tục do Trung Quốc siết chặt quy định nhập khẩu gạo

·         Nếp VN gặp khó khi xuất vào Trung Quốc do thuế tăng gấp 10 lần

·         Bộ Công Thương bãi bỏ quy hoạch kinh doanh xuất khẩu gạo

·         Người tiêu dùng Việt tin cậy thực phẩm của Việt Nam?

·         Việt Nam trúng thầu xuất gạo sang Philippines

·         Gạo xuất khẩu quý 1 thấp kỷ lục

·         Việt Nam trúng thầu bán 800 ngàn tấn gạo

·         Khi Trung Quốc nắm yết hầu ngành gạo

·         Việt Nam hạ giá gạo xuất khẩu

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats