Sunday, 13 December 2020

PHONG TRÀO ĐÒI BỎ HỆ THỐNG ĐẠI CỬ TRI (Joaquin Nguyễn Hòa)

 


Phong trào đòi bỏ hệ thống đại cử tri

Joaquin Nguyễn Hòa

13/12/2020

https://baotiengdan.com/2020/12/13/phong-trao-doi-bo-he-thong-dai-cu-tri/

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/12/1-46.jpg

Người dân Mỹ xếp hàng bỏ phiếu tại một địa điểm hôm 3/11/2020. Nguồn: AP/ Scott Sonner

 

Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, quyết định ai thắng cử không phải do tổng số phiếu người dân bầu trên toàn quốc, mà là số phiếu đại cử tri được chia cho từng bang cộng lại.

 

Bang đông dân như California có 55 phiếu, bang ít dân như Wyoming có ba phiếu. Số đại cử tri của mỗi bang là tổng cộng số các hạ nghị sĩ ở quốc hội liên bang (chia theo số dân), và hai thượng nghị sĩ (bang lớn hay nhỏ đều có hai thượng nghị sĩ).

 

Theo luật hiện nay thì ai thắng cử ở bang nào sẽ lấy toàn bộ đại cử tri của bang đó, trừ hai bang Maine và Nebraska có chia phiếu theo tỷ lệ.

 

Ví dụ như trong lần bầu cử vừa rồi ông Trump thắng 70% số phiếu ở Wyoming, ông lấy tất cả 3 phiếu đại cử tri ở đó. Ông Biden thắng 65% số phiếu ở California, ông lấy hết 55 phiếu đại cử tri của bang này.

 

Thoạt nhìn việc chia phiếu đại cử tri theo số dân có vẻ công bằng, nhưng một cách tương đối thì không như thế, các bang đông dân thấy rằng, số dân của họ được 1 phiếu đại cử tri nhiều hơn các bang ít dân, cho nên họ bị thiệt.

 

Tổng cộng các đại cử tri trên toàn quốc là 538, vậy ai đạt mức 270 sẽ thắng. Năm nay ông Biden đạt 306 phiếu nên thắng ông Trump, chỉ có 232.

 

Mỹ là quốc gia duy nhất hiện nay, trong các nền dân chủ phương Tây, có quy chế bầu cử gọi là đại cử tri, theo Trung tâm nghiên cứu Pew. Các quốc gia khác, hoặc là lấy phiếu phổ thông, ai nhiều phiếu nhất trên toàn quốc thì thắng, hoặc theo chế độ đại nghị, trong đó đảng thắng cử ở quốc hội sẽ chọn vị lãnh đạo theo ý họ.

 

Với kiểu đại cử tri, có trường hợp ứng cử viên được nhiều người chọn nhất trên toàn quốc lại là người thua, như trường hợp ông Al Gore trong lần bầu cử năm 2000, và bà Hilary Clinton năm 2016. Lý do là vì nguyên tắc ai thắng ở tiểu bang nào, thì lấy tất phiếu đại cử tri của bang đó, cho nên thắng rất lớn ở một tiểu bang cũng không có nghĩa gì.

 

Điều này dẫn đến việc các ứng cử viên tính toán số đại cử tri mà mình có khả năng giành được, và thế là sinh ra các bang chiến trường có thể làm lệch cán cân giữa hai bên. Các bang chiến trường năm nay là Pennsylvania, Wisconsin, Georgia, Arizona và Michigan.

 

Hậu quả của việc này là các ứng cử viên chỉ lo vận động tranh cử ở các bang chiến trường thôi. Ngoài ra các bang đông đúc và có tiềm lực kinh tế cao như California, New York, Texas lại không quan trọng nữa. Texas thì phe Cộng hòa chắc chắn thắng, California và New York thì phe dân chủ chắc thắng.

 

Vì nhiều lý do như vậy cho nên đã xuất hiện một phong trào đòi bỏ hệ thống đại cử tri, có tên là Phong trào phiếu phổ thông toàn quốc, National Popular Vote. Phong trào này xuất phát từ các bang có khuynh hướng dân chủ, vì các bang này thường là các bang giàu có, đông dân, cảm thấy mình bị thiệt, vì dân của họ đông, nhưng họ lại có ít phiếu đại cử tri, một cách tương đối theo số dân.

 

Năm nay ông Biden thắng 306 đại cử tri so với 232 của ông Trump, và ông Biden còn thắng hơn 7 triệu phiếu phổ thông nữa, xem ra không có sự mâu thuẫn giữa đại cử tri và phiếu phổ thông.

 

Nhưng vấn đề là ông Trump lại mè nheo không chịu thua, thưa đi kiện lại ở những bang chiến trường, dù không có bằng chứng nào cả. Chẳng hạn như, ông Trump cáo buộc rằng ông đang thắng ở Wisconsin thì tại sao lại chuyển sang thua (sic); trong khi đó ở Texas, ông Biden cũng đang thắng lại chuyển sang thua nhưng ông không thắc mắc, vì ông biết đang kiểm phiếu, nên lúc ông thắng không phải là kết quả cuối cùng.

 

Nếu không có hệ thống đại cử tri, ông Trump không thể mè nheo bằng cách đưa đơn kiện liên tục chỉ ở vài bang đó và cũng liên tục bị bác bỏ.

 

Việc mè nheo này của ông Trump làm cho phong trào National Popular Vote có khả năng mạnh hơn nữa. Hiện có 15 tiểu bang và Washington D.C. ký tên tham gia phong trào này, tất cả đều có khuynh hướng dân chủ: California, Colorado, Connecticut, Delaware, Hawaii, Illinois, Maryland, Massachusetts, New Jersey, New Mexico, New York, Oregon, Rhode Island, Vermont, Washington và Washington D.C. với 196 phiếu đại cử tri.

 

Những người chủ trương phong trào này đang thúc đẩy ở Virginia, một bang đang dần chuyển sang khuynh hướng dân chủ chắc chắn, và một vài bang khác trong năm 2021 là Arizona, Arkansas, Maine, Michigan, Minnesota, Nevada, North Carolina and Oklahoma. Tổng cộng các phiếu đại cử tri của các bang này và 15 bang đã tham gia sẽ vượt qua con số 270, đủ để Quốc hội cứu xét việc sửa lại luật, hủy bỏ hệ thống đại cử tri.

 

Tuy nhiên những người bênh vực hệ thống đại cử tri nói rằng, hệ thống này giúp các bang nhỏ có tiếng nói mạnh hơn ở liên bang, cũng như quyền lợi cho các vùng quê ít dân, đối trọng với các khu đô thị đông dân. Thống đốc Steve Sisolak của bang Nevada là người thuộc đảng Dân chủ cũng nói như vậy, bang này chỉ có 6 phiếu đại cử tri. Nếu như bỏ hệ thống đại cử tri thì khuynh hướng của các bang đông dân như California, New York luôn thắng thế.

 

Những người thúc đẩy bỏ đại cử tri lại nói rằng, hệ thống này xâm phạm đến quyền lợi đầu phiếu của một cá nhân, ví du như những người bầu cho bà Clinton năm 2016, và bà được đa số người Mỹ tín nhiệm với sự khác biệt khoảng 3 triệu phiếu, nhưng bà lại thua, tức là có sự bất công cho những người Mỹ đa số này.

 

Bài có sử dụng một số thông tin từ AP

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats