Monday, 7 December 2020

NƯỚC MỸ VÀO LÚC PHẢI ĐỐI DIỆN VỚI SỰ THỰC (Nguyễn Gia Kiểng)

 


Nước Mỹ vào lúc phải đối diện với sự thực

Nguyễn Gia Kiểng

7/12/20

https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/19820-nu-c-m-vao-luc-ph-i-d-i-di-n-v-i-s-th-c

 

Hơn 74 triệu người, đại diện cho gần một nửa nước Mỹ, bầu cho Trump để ông ta có thể tiếp tục đập phá nước Mỹ sau bốn năm đập phá khiến nước Mỹ phân hóa, bị cô lập và bị coi thường như chưa bao giờ thấy. Nước Mỹ đang ở trong một tình trạng rất hiểm nghèo. Vì đâu ?

 

https://live.staticflickr.com/65535/50692198938_0f7de6c7d8.jpg

Khối người ủng hộ tổng thống Donald Trump cho biết sẽ sẵn sàng cầm súng nổi dậy nếu Trump kêu gọi.

 

Hai tuần trước, hãng thông tấn Reuters có thực hiện một cuộc thăm dò ý kiến trong khối người ủng hộ tổng thống Donald Trump. Có thể mẫu thăm dò –nghĩa là số người được chọn để hỏi ý kiến- không tiêu biểu cho toàn bộ 74 triệu người bỏ phiếu cho Trump nhưng kết quả thật đáng kinh ngạc. Tất cả, 100%, đều tin rằng cuộc bầu cử vừa qua là gian lận, đáng lẽ Trump phải thắng lớn. Đáng sợ hơn nữa là đa số còn cho biết sẽ sẵn sàng cầm súng nổi dậy nếu Trump kêu gọi. Một số cho biết họ đang tập trận trong một đạo quân được đặt tên là Những Người Yêu Nước Miền Nam (The South Plains Patriots). Họ chỉ chờ Trump. Nước Mỹ chia rẽ một cách đáng sợ, ngoài mọi tưởng tượng.

 

Từ bất mãn đến phẫn nộ

 

Những người này là ai và tại sao họ có thể tin Trump đến như thế ?

 

https://live.staticflickr.com/65535/50692940741_f7e644b5b8.jpg

Điều chắc chắn là đại đa số người Mỹ ủng hộ Donald Trump thuộc thành phần được gọi là Da trắng ít học (Non-college Whites). Những người sẵn sàng nổi loạn võ trang đều là những người đàn ông da trắng.

 

Trong một bài viết đầu năm nay tôi đã cố gắng tìm hiểu lý do tại sao một số đông đảo người Mỹ ủng hộ Donald Trump (1). Điều chắc chắn là đại đa số thuộc thành phần được gọi là Da trắng ít học (Non-college Whites). Những người sẵn sàng nổi loạn võ trang đều là những người đàn ông da trắng. Ta có thể hình dung họ là những người lái xe pickup, đội mũ Make America Great Again trong các bang miền Nam, làm việc trong các nông trại, hay làm những công việc tạm thời hoặc không toàn thời gian trong các công ty như Amazon, Walmart, Target. Chỉ gần đúng thôi bởi vì cũng có những người tốt nghiệp đại học có việc làm ổn vững với lương khá cao và cũng có những chủ nông trại lớn. Nói chung đa số là những người da trắng không chỉ bất mãn mà còn phẫn nộ trước hiện tình nước Mỹ. Họ là những người mà cha ông đã khai phá và xây dựng nước Mỹ thành cường quốc số 1 thế giới. Mới cách đây một nửa thế kỷ họ còn là thành phần thượng đẳng đầy tự hào trong xã hội Mỹ, các thành phần khác hoặc chỉ là những người mới tới, hoặc thuộc lớp người phục dịch cũ vừa được thăng tiến.

 

Nhưng xã hội Mỹ đã thay đổi quá nhanh. Từ một cường quốc sản xuất và xuất khẩu thành một cường quốc tiêu thụ và nhập khẩu, từ một trung tâm công nghiệp thành một trung tâm tài chính, từ một nước Thiên Chúa giáo ngoan đạo thành một nước vật chất thế tục. Rồi phong trào toàn cầu hóa đảo lộn tất cả. Các công nghệ truyền thống di chuyển dần ra nước ngoài, các công việc mới được trả lương cao dành cho những người có học thức và kỹ năng cao, nhiều khi vừa mới đến lập nghiệp tại Mỹ. Một số khá đông những người da trắng sau một thời gian hài lòng và yên trí bừng tỉnh nhận ra mình đã trở thành giai cấp thua kém trong xã hội, không chỉ không có mà còn không thể có công việc làm ổn vững với lương cao và chỗ đứng đáng tự hào trong đất nước mà họ tạo dựng ra. Họ thua kém cả về kinh tế lẫn kiến thức so với một khối người mà mới cách đây không lâu họ còn nhìn với con mắt kẻ cả. Bất mãn nhanh chóng trở thành phẫn nộ.

 

Các thăm dò cho thấy đa số người Mỹ da trắng bỏ phiếu cho Donald Trump (52% nói chung, 55% đàn ông, 48% phụ nữ). Như vậy phải hiểu là có gần một nửa người Mỹ da trắng đã thích nghi với tình thế mới và thành công. Điều này càng làm cho khối người sa cơ thất thế tủi hổ và giận dữ hơn. Họ tin Trump khi ông nói cuộc bầu cử này gian lận mà không cần ông phải đưa ra một bằng chứng thuyết phục nào bởi vì họ đã coi ông là đại diện và phát ngôn viên của họ, bởi vì họ muốn ông thắng để tiếp tục đập phá cái trật tự xã hội đã gạt họ ra ngoài lề và xuống dưới. Những người này cảm thấy như không còn gì để mất. Không thể thảo luận với họ về những gì có lợi cho nước Mỹ vì nước Mỹ này không còn là của họ nữa. Họ sẵn sàng làm tất cả để giành lại nước Mỹ mà họ nghĩ rằng họ đã mất. Nước Mỹ vĩ đại là nước Mỹ của họ chứ không cần là nước Mỹ thực sự vĩ đại.

 

Trong cuốn sách ngắn nhất, nhưng cũng là cuốn sách cần đọc nhất của ông, Những vấn đề của Triết (Problems of Philosophy), Bertrand Russell đã nhận xét : "Tất cả những gì chúng ta biết đều đặt nên tảng trên những niềm tin từ bản năng". Nhưng trong bản năng của những người ủng hộ Trump chỉ còn lại sự tức giận. Quá giận mất khôn. Vả lại từ lâu rồi họ không còn biết những gì đang xảy ra nữa. Họ chỉ nghe nhạc, xem phim hay những reality shows và những trận quyền Anh, football. Họ không đọc sách báo, không theo dõi những chương trình thời sự và bình luận và không quan tâm tới chính trị, dù đã giận dữ với chính trị đến độ sẵn sàng nổi loạn. Đó là khối cử tri cơ sở của Trump. Bạo lực và những đám đông cuồng nhiệt có sức thu hút của chúng, khối người này đã lôi kéo thêm được một số người khác, kể cả những trí thức bình thường có thể suy nghĩ một cách sáng suốt.

 

Châu Âu cho tới khi bức tường Berlin sụp đổ không thiếu những trí thức trình độ cao, như Jean-Paul Sartre và Louis Aragon, cổ võ cho chủ nghĩa cộng sản. Tại Việt Nam sau Cách mạng tháng 8-1945 nhiều trí thức hàng đầu –như Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa và nhiều người khác- đã hùa theo Đảng cộng sản vào đúng lúc mà họ đang tàn sát thẳng tay những ngưới yêu nước không cộng sản.

 

Một cách tương tự thành phần cuồng nhiệt theo Trump cũng đã lôi kéo theo được những người có địa vị và học vị. Có những người chạy theo để lợi dụng, nhưng cũng có những người chỉ đơn giản bị hớp hồn, và cũng có những người sai lầm dù có bằng cấp. Kết quả là hơn 74 triệu người, đại diện cho gần một nửa nước Mỹ, bầu cho Trump để ông ta có thể tiếp tục đập phá nước Mỹ sau bốn năm đập phá khiến nước Mỹ phân hóa, bị cô lập và bị coi thường như chưa bao giờ thấy. Nước Mỹ đang ở trong một tình trạng rất hiểm nghèo. Vì đâu ?

 

Chủ nghĩa phóng khoáng và chế độ tổng thống

 

Nguyên nhân đầu tiên là chủ nghĩa thực tiễn (realism) thường được biết tới và đồng hóa với thể hiện kinh tế của nó là chủ nghĩa phóng khoáng (liberalism) hay, gần đây, tân phóng khoáng (neoliberalism).

 

https://live.staticflickr.com/65535/50692940731_18b9a92ef7_w.jpg

Nền tảng của chủ nghĩa thực tiễn là dành ưu tiên cho quyền lợi cụ thể.

 

Hầu như từ ngày lập quốc nước Mỹ chỉ biết chủ nghĩa này nhưng ngày càng theo đuổi một cách cực đoan hơn. Nền tảng của chủ nghĩa thực tiễn là dành ưu tiên cho quyền lợi cụ thể. Điều này có nghĩa là mỗi khi có mâu thuẫn giữa quyền lợi và đạo đức thì quyền lợi phải đi trước. Nền tảng của chủ nghĩa phóng khoáng là niềm tin mù quáng rằng cứ để cho mỗi người mặc sức tranh giành một cách tham lam và vị kỷ rồi đâu sẽ vào đó, sẽ có một bàn tay vô hình dàn xếp tất cả để sau cùng xã hội sẽ phồn vinh và hài hòa, mỗi người sẽ được phúc lợi. Không cần quá thắc mắc về số phận của những người nghèo khổ, luật và quy định càng ít càng tốt, thuế càng thấp càng hay. Nhiều lý thuyết gia của chủ nghĩa phóng khoáng, như Robert Nozick, còn lên án thuế và liên đới xã hội là vi phạm nhân quyền. Đó gần như là một tín ngưỡng tôn giáo bởi vì không có gì chứng minh cả, trái lại cuộc sống hàng ngày liên tục cho thấy lòng tham và lòng vị kỷ là những nguyên nhân quen thuộc của tội ác và thảm kịch.

 

Sức thu hút của chủ nghĩa phóng khoáng là nó đáp ứng bản năng sơ đẳng của con người, không đòi hỏi nghiên cứu và lý luận phức tạp và nhất là tiện lợi cho những người nhiều tiền và nhiều quyền. Bàn tay vô hình mà Adam Smith là người đầu tiên nói tới hơn hai thế kỷ trước không gì khác hơn là các giá trị đạo đức Kitô giáo –tôn trọng lẽ phải và yêu thương đồng loại- nhưng ngày nay bàn tay đó đã tê liệt vì Kitô giáo đã mất phần lớn ảnh hưởng. Hậu quả của chủ nghĩa phóng khoáng mà nước Mỹ mê mải chạy theo trong hơn một nửa thế kỷ qua là các giá trị đạo đức mờ nhạt dần, chênh lệch giầu nghèo ngày càng thách thức và các mâu thuẫn tích lũy. Xã hội không chỉ mất dần sự liên đới mà còn mất cả trí tuệ và tâm hồn.

 

Trừ một ngoại lệ nhỏ dưới thời Obama, các tổng thống Mỹ cho tới nay nói chung đã chỉ biết giảm thuế và bớt luật để kích thích tăng trưởng. Liên đới xã hội và, nghiêm trọng hơn, giáo dục và đào tạo xuống cấp ; học phí các trường đại học có phẩm chất vượt khỏi tầm tay đa số gia đình. Nhưng giáo dục là xương sống của mọi quốc gia, là động cơ của linh động xã hội và cũng đang là cuộc thế chiến giữa các dân tộc trong cuộc tranh đua chinh phục tương lai. Vì thế cùng với sự xuống cấp của giáo dục giấc mơ Hoa Kỳ cũng tan biến dần. Ngày nay khi nhìn vào các chỉ số xã hội –dù là tuổi thọ trung bình, tỷ lệ người bị bệnh tâm thần, tỷ lệ tội phạm, tỷ lệ các bà mẹ vị thành niên, thanh niên bỏ học và nghiện hút v.v.- Mỹ đều thua hẳn mọi nước phát triển khác. Tăng trưởng kinh tế mà các tổng thống Mỹ đặt làm ưu tiên hàng đầu –và cũng được đánh giá theo đó- chỉ chủ yếu dành riêng cho 1% những người giầu nhất. Nghiêm trọng hơn nữa là đa số người Mỹ, đặc biệt là những cử tri cơ sở của Trump, không nhìn thấy lý do bởi vì kiến thức và tư tưởng chính trị của nước Mỹ đã xuống cấp.

 

Không phải là Mỹ thiếu những nhà tư tưởng và những tác phẩm giá trị về tư tưởng chính trị và xã hội. Mỹ giầu có và thừa khả năng để thu hút những thành phần tinh hoa nhất về mọi mặt của mọi quốc gia. Vấn đề là các tư tưởng quý báu này chỉ quanh quẩn trong các trường đại học danh tiếng và các câu lạc bộ trí thức. Những cuốn sách rất giá trị về triết, kinh tế, xã hội nếu bán được 10.000 cuốn cũng đã là khá. Các bài giảng rất hay của các giáo sư và học giả danh tiếng đưa lên Youtube sau vài năm nếu được 100.000 lượt xem là một thành tích khả quan, trong khi các bài hát và các trận đấu quyền Anh có thể thu hút vài triệu hay vài chục triệu người xem. Nước Mỹ có tư tưởng nhưng người Mỹ không có tư tưởng.

 

Vì sao kiến thức và tư tưởng chính trị không đến được với người Mỹ ? Câu trả lời giản dị là chế độ tổng thống.

 

https://live.staticflickr.com/65535/50693022687_59029cdce0.jpg

Chế độ Tổng thống Mỹ tập trung quyền lực vào tay một người và vì thế vô hiệu hóa và làm tan biến các chính đảng.

 

Chế độ này để người dân trực tiếp bầu người cần vận mệnh đất nước. Từ 25 thế kỷ trước, Socrates đã cảnh báo rằng tình trạng này cũng không khác để cho hành khách thay vì những người biết nghề đi biển biểu quyết chọn người thuyền trưởng. Mỗi cuộc bầu tổng thống gần như là một cuộc trình diễn, quần chúng bầu cho ứng cử viên hấp dẫn nhất hơn là cho người tài đức nhất bởi vì họ không đủ thông tin và trình độ để biết ai là người tài đức. Nguy hại nhất là chế độ tổng thống tập trung quyền lực vào tay một người và vì thế vô hiệu hóa và làm tan biến các chính đảng. Nghiên cứu và thảo luận làm gì khi mà các quyết định chỉ tùy thuộc một người không do đảng chỉ định và do đó không cần phục tùng đảng, trái lại các đảng viên phải phục tùng tổng thống để được ban phát ơn huệ ?

 

Nhưng các chính đảng đúng nghĩa là điều tối cần thiết cho một quốc gia. Ai không biết điều này thì đừng nên tham gia vào hoạt động chính trị. Đó là những môi trường đào tạo những người có khả năng đảm nhiệm các chức vụ công cộng, là môi trương sản xuất và sàng lọc các ý kiến đồng thời thảo luận về các vấn đề quốc gia và các giải pháp. Quan trọng hơn hết, qua khối đảng viên, các chính đảng cũng là hàng trăm nghìn, hàng triệu cỗ xe chuyên chở kiến thức và tư tưởng chính trị đến với quần chúng. Không có các chính đảng thì dân trí thấp là hậu quả tự nhiên. Đó là điều sau cùng đã xảy ra cho nước Mỹ. Cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa không còn là những chính đảng đúng nghĩa mà chỉ còn là những bộ máy gây quỹ và tranh cử. Nước Mỹ sở dĩ đã vươn lên mạnh mẽ là nhờ tinh thần lành mạnh của các Founding Fathers, nhưng bây giờ, sau hai thế kỷ rưỡi bị chế độ tổng thống làm hao mòn, tinh thần đó không còn nữa. Cho tới nay tất cả các chế độ tổng thống trên thế giới đều đã thất bại, hoặc đưa đến độc tài hoặc đưa đến mâu thuẫn bế tắc giữa hành pháp và lập pháp. Chế độ tổng thống đã là nguyên nhân chính khiến Châu Mỹ La Tinh không vươn lên được. Nó cũng đã khiến Châu Phi Da Đen quằn quại trong đói khổ hoặc, bi đát hơn, tan rã trong bạo loạn và nội chiến. Cho đến nay Mỹ vẫn được coi là ngoại lệ duy nhất mà chế độ tổng thống đã thành công. Ngoại lệ này bây giờ cũng chấm dứt.

 

Có thể chờ đợi gì ở Biden ?

 

https://live.staticflickr.com/65535/50692198848_0636f1df18.jpg

Joe Biden là vị tổng thống có tài nhất trong lịch sử nước Mỹ từ gần một thế kỷ nay (NGK)

 

Theo tôi, Joe Biden là vị tổng thống có tài nhất trong lịch sử nước Mỹ từ gần một thế kỷ nay. Sinh ra trong một gia đình trung lưu thấp, ông đã đấu tranh với hoàn cảnh khó khăn để vươn lên và đã có cả một nửa thế kỷ để học hỏi và chứng minh bản lĩnh chính trị. Ông là tổng thống Mỹ đầu tiên hiểu biết và có kinh nghiệm về tình hình thế giới. Ông đã thất bại trong các lần tranh cử sơ bộ trước đây vì bầu cử tổng thống trước hết là một trình diễn trong khi ông thiếu sức thu hút. Lần này ông đã chỉ được bầu vì Đảng Dân Chủ và một số đông người Mỹ nhận ra là nước Mỹ đang lâm nguy. Joe Biden là vị tổng thống phù hợp nhất cho nước Mỹ trong tình thế này. Tuy vậy có thể dự đoán trước là sẽ không thể chờ đợi ở Biden một kết quả cụ thể ngoạn mục nào vì ông thừa hưởng một di sản quá khó khăn với quá nhiều vấn đề nghiêm trọng và cấp bách đã bị trì hoãn quá lâu. Ông sẽ phải hòa giải một nước Mỹ quá chia rẽ trên ngưỡng cửa của một cuộc nội chiến. Ông sẽ phải hòa giải với các đồng minh đã mất hết lý do để tin tưởng vào nước Mỹ và phục hồi uy tín của nước Mỹ đã tan tành sau bốn năm Donald Trump, vào lúc mà Mỹ và các nước dân chủ phải đương đầu quả quyết với thách thức từ Trung Quốc và các chế độ độc tài dân túy. Chính sách tăng thuế đối với các công ty và những người giầu để đầu tư vào liên đới xã hội và giáo dục đào tạo của ông rất đúng và rất cần thiết nhưng sẽ chỉ mang lại kết quả về lâu về dài trong khi trước mắt ông phải đương đầu với dịch Covid-19 đã làm 300.000 người chết và vẫn còn tiếp tục tàn phá. Trong những điều kiện may mắn nhất kinh tế Mỹ cũng sẽ chỉ trở lại được tình trạng cuối năm 2019 vào cuối nhiệm kỳ của ông. Nếu Biden chỉ vạch ra được cho nước Mỹ một hướng đi đúng về tương lai thì cũng đã là may mắn lắm rồi. Ông cũng sẽ không có thời giờ và cơ hội để đặt ra vấn đề quan trọng nhất của nước Mỹ là thay đổi chế độ tổng thống.

 

Có thể nói gì giữa người Việt Nam với nhau ?

 

https://live.staticflickr.com/65535/50693022662_5789ff75aa.jpg

Dấu hỏi càng lớn và đáng lo ngại khi một số đông ủng hộ Trump một cách cuồng nhiệt đến độ có thể mạt sát những đồng bào mà mình từng quý mến chỉ vì họ có quan điểm khác

 

Sự kiện Việt Nam là một trong số vài dân tộc rất hiếm hoi trên thế giới mà cho tới gần đây đa số ủng hộ Trump là một dấu hỏi lớn về bản chất và văn hóa của dân tộc ta. Tại sao người Việt Nam, kể cả một số người có học vị và địa vị cao trong xã hội, có thể ngưỡng mộ một con người thấp kém về kiến thức, tồi tệ về đạo đức và nhỏ mọn trong tâm hồn như Donald Trump ? Chúng ta là một dân tộc như thế nào ? Dấu hỏi càng lớn và đáng lo ngại khi một số đông ủng hộ Trump một cách cuồng nhiệt đến độ có thể mạt sát những đồng bào mà mình từng quý mến chỉ vì họ có quan điểm khác. Chúng ta vừa chứng tỏ sự nông cạn về kiến thức chính trị và tư tưởng chính trị và đó là lý do chính giải thích tại sao chúng ta đã là chúng ta ngày nay. Chúng ta còn cần một cố gắng văn hóa rất lớn.

 

Một quyết tâm mà chúng ta phải có ngay trong lúc này, trước thềm của kỷ nguyên dân chủ sắp mở ra, là phải dứt khoát gạt bỏ chế độ tổng thống. Đừng để lịch sử lặp lại. Chính vì thiếu văn hóa chính trị mà chúng ta đã đã không nhìn thấy những khuyết tật độc hại của tư tưởng Mác-Lênin và đã rước lấy chủ nghĩa cộng sản vào lúc mà thế giới đã nhìn ra nó như một sai lầm và một tội ác, với hậu quả là 30 năm nội chiến, sáu triệu người chết, đất nước tan hoang và tụt hậu và vẫn còn phải mang trên cổ cái ánh độc tài. Chúng ta cần cảnh giác để đừng chuốc lấy chế độ tổng thống vào lúc nó đã tiết lộ bản chất tệ hại.

 

Nguyễn Gia Kiểng

(07/12/2020)

 

(1) Nguyễn Gia Kiểng, "Nước Mỹ nào sau Donald Trump ?", Thông Luận, 02/02/2020

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats