Thursday, 17 December 2020

NGUYỄN PHÚ TRỌNG hay KHÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG? (Jackhammer Nguyễn)

 


Nguyễn Phú Trọng hay không Nguyễn Phú Trọng?

Jackhammer Nguyễn

17/12/2020

 https://baotiengdan.com/2020/12/17/nguyen-phu-trong-hay-khong-nguyen-phu-trong/

 

Ông Trọng hay không ông Trọng?

 

Ngày 16/12/2020, trong bài viết “Hé lộ danh sách ứng viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá XIII”, trên trang Tiếng Dân, tác giả Phạm Vũ Hiệp tiết lộ danh sách các ứng viên của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) gồm 24 người, không có tên ông Nguyễn Phú Trọng.

 

Hầu như cùng lúc, giới thạo tin trên mạng đồn rằng, chức danh tổng bí thư đảng đang có cơ hội chia đều cho ba người, ông Trần Quốc Vượng, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, và ông Nguyễn Xuân Phúc.

 

Ngày 14/12/2020, khi báo chí nhà nước loan tin về Hội nghị Trung ương đảng lần thứ 14 tổ chức, chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng lần thứ 13, cũng đưa lên trang nhất ảnh ông Nguyễn Phú Trọng cùng ba vị kể trên.

 

Các thông tin này trái ngược với đồn đoán rằng, ông Trọng sẽ ở lại lãnh đạo thêm một thời gian nữa. Ông Trọng hiện nắm hai chức, tổng bí thư đảng và chủ tịch nước.

 

Một viên chức nhà nước Việt Nam nói với tôi khả năng đó, vì cho rằng ông Trần Quốc Vượng, người được đồn đoán nhiều nhất rằng sẽ thay ông Trọng, không đủ bản lĩnh để lãnh đạo đảng.

 

Một nhà báo của tờ Tuổi Trẻ viết trên trang The Diplomat bằng tiếng Anh ngày 10/12/2020, cũng đề cập đến khả năng ông Trọng tiếp tục làm việc sau Đại hội 13 vào tháng Giêng năm nay.

 

Ông Lê Hồng Hiệp, một người làm việc nghiên cứu về Việt Nam ở Singapore và có vẻ có nhiều nguồn tin nội bộ từ Việt Nam, nói với BBC Việt ngữ về khả năng ông Trọng sẽ được xem xét một cách đặc biệt để ở lại, tiếp tục nắm chức chủ tịch nước.

 

Mr Clean và giáo điều

 

Ông Nguyễn Phú Trọng năm nay 76 tuổi, bắt đầu nắm chức vụ cao nhất của Đảng từ năm 2011. Ông thuộc thế hệ các lãnh đạo trưởng thành trong chiến tranh Việt Nam, nhưng lại không tham chiến. Có nhiều người không ưa ông, đặt hỗn danh cho ông, nhưng nếu ta nhìn lại thì vai trò của ông Trọng rất lớn trong suốt 10 năm qua, và có thể là ông đã bắt đầu những vận động ngầm trước đó.

 

Nếu ông Lê Duẩn là người đóng dấu ấn Việt Nam Cộng sản trong những năm cuối chiến tranh lạnh, ông Võ Văn Kiệt (ông này không phải tổng bí thư) đưa Việt Nam trở lại với tình trạng bình thường hơn, thì ông Nguyễn Phú Trọng là người lèo lái ĐCSVN qua một giai đoạn phức tạp của nó, với thành phần cốt cán đa dạng hơn, với ý thức hệ cộng sản đã nhạt nhòa trong nhiều đảng viên. Các đảng viên thời ông Trọng không còn dùng ý thức hệ để tranh đoạt quyền lực, mà là các dự án đầu tư, và… đô la!

 

Khác với hai ông Lê Duẩn với vốn liếng chính trị là chiến tranh Việt Nam, ông Võ Văn Kiệt là cú đột phá kinh tế, ông Nguyễn Phú Trọng phải từng bước gây dựng phe phái và sự ủng hộ của ông một cách tiệm tiến, vượt qua mặt những đối thủ sừng sỏ như Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Trần Đại Quang…

 

Ông Trọng có hai chủ bài để lên đến đỉnh cao quyền lực. Lá bài thứ nhất là ông đóng vai Mr Clean, ít nhất tới giờ này chưa thấy cáo buộc kèm bằng chứng khả tín, nói rằng ông Trọng tham nhũng. Lá bài thứ hai là những bài độc diễn về chủ nghĩa cộng sản của ông, giống như ông kẹ hù dọa những cán bộ nhũng lạm thời nay, ù ù cạc cạc về các thứ chủ nghĩa.

 

Với hai lá bài đó, cộng với sự khéo léo am tường cách dịch chuyển quyền lực giữa các viên chức trung ương và địa phương, đưa ông đến đỉnh cao quyền lực, điều khiến rất nhiều người, sau 10 năm cầm quyền của ông, vẫn còn ngạc nhiên.

 

Nan đề ông Trọng

 

Dưới sự lãnh đạo của ông Trọng, đảng CSVN thanh trừng phe phái bằng chiến dịch chống tham nhũng, mà nhiều người tung hô, ca tụng ông, gọi ông là “người đốt lò vĩ đại” của Đảng.

 

Nhiều người phê bình rằng, công cuộc “đốt lò vĩ đại này” của Đảng chỉ là cái cớ để ông Trọng diệt các đối thủ chính trị, rõ ràng nhất trong cuộc đấu của ông với ông Nguyễn Tấn Dũng, đầy hỉ nộ ái ố. Điều này là chắc chắn với chế độ đảng trị độc tôn và sự bí ẩn không bao giờ minh bạch của chính trị cộng sản.

 

Mặt khác cũng phải nói rằng, công cuộc đốt lò của ông Trọng giúp làm dân chúng hài lòng, xả xú báp bực tức của họ đối với bộ máy quan lieu, nhũng lạm. Có thể nói rằng ông Trọng thành công trong việc cứu đảng của ông ấy.

 

Thế nhưng, việc ở lại nắm quyền khi đã quá tuổi của ông Trọng trong nhiệm kỳ hiện tại, cũng như việc ông nắm luôn chức chủ tịch nước sau khi ông Trần Đại Quang qua đời, chứng tỏ rằng ĐCSVN lâm vào sự khủng hoảng lãnh đạo, hay nói đúng hơn là thiếu những người có thể dung hòa các phe phái như ông Trọng đang làm. Mô hình gom hai chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước chưa được quyết định rõ ràng, việc kiêm nhiệm của ông Trọng chỉ là một giải pháp tình thế, vì hiện không có ai cả.

 

Ông Trọng đã rất tích cực đưa những người mà theo ông là sạch sẽ, thăng tiến trong Đảng, với hình ảnh tiêu biểu nhất là ông nắm tay ông Trần Quốc Vượng, dung dăng dung dẻ trước bàn dân thiên hạ.

 

Một loạt lãnh đạo cốt cán chỉ chuyên đảng cũng được vào Bộ Chính trị trong thời gian ông Trọng cầm quyền, như các ông Trần Cẩm Tú, Phan Đình Trạc, Nguyễn Xuân Thắng,…

 

Nhưng trường hợp ông Trần Quốc Vượng cho thấy, các cán bộ chuyên đảng cũng rất khó lòng đương đầu, quản lý các tay sừng sỏ nắm nguồn lực kinh tế quốc gia, các địa phương rất đa dạng, cân bằng các vùng miền khác nhau…

 

Như vậy ông Trọng đã cứu được đảng của ông, nhưng sự tồn tại của đảng lại có vẻ như đang gắn liền với sự tồn tại của chính bản thân ông Trọng.

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats