Th12 5, 2020
Sau cú sốc năm 2016, tôi
tìm đọc đủ thứ mong cắt nghĩa hiện tượng Trump. Việc tôi ghét thậm tệ một người
như bà Hillary Clinton và bắt bà phải chịu trách nhiệm cho sự thắng cử của
Trump chỉ đủ cho Schadenfreude của cá nhân tôi. Câu chuyện
rõ ràng nghiêm trọng hơn.
Ở thập niên thứ sáu của
cuộc đời, tôi không còn là khối liberal trọn vẹn của tuổi trẻ.
Với một chút tự an ủi và khá nhiều rút gọn, tôi thấy mình bây giờ là pha trộn của
65% liberal và 35% conservative,
nên hiển nhiên dễ ăn ý với những người phân tích Trump từ góc trái hơn từ góc
phải.
Song một học giả bảo thủ
lại khiến tôi thích thú: ông Harvey Mansfield, triết gia chính trị, giáo sư
khoa Chính phủ và Quản lý nhà nước, chuyên gia hạng nặng về Tocqueville và
Machiavelli, thuộc thiểu số conservative tại Đại học Harvard vốn
có thiên hướng liberal, một học giả lão thành với 60 năm sự nghiệp,
thầy dạy của nhiều thế hệ học giả, nhà báo, chính khách và doanh nhân danh tiếng,
được trao Huân chương Nhân văn Quốc gia và được chọn là diễn giả Jefferson Lecture, phần thưởng danh giá nhất của chính
phủ Hoa Kỳ cho những cống hiến xuất sắc trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân
văn.
Giáo sư Harvey Mansfield
đã đinh ninh một kết cục khác cho Trump bốn năm trước. Ngay sau bầu cử, ông phát biểu thẳng tuột rằng “the whole
thing is a victory of the lower half of the American IQ”, toàn bộ vụ này là
chiến thắng của nửa dưới của chỉ số IQ Mỹ.
Mấy tháng sau, tiểu luận
“Nam tính dung tục của Donald Trump” (The Vulgar Manliness of Donald Trump) của ông đăng
trên Commentary, nguyệt san giàu ảnh hưởng với khuynh hướng tinh
hoa và tân bảo thủ[i],
xáo động dư luận – dĩ nhiên dư luận ở nửa trên của American IQ. Ông
cũng chính là tác giả của cuốn khảo luận Nam tính (Manliness,
Yale University Press, 2006) gây không ít sóng gió.
Khác những phê phán Trump
từ phía liberal, giáo sư Mansfield không nhìn nhận hiện tượng Trump
như một biệt lệ hay thậm chí như cáo phó của nền dân chủ, mà ngược lại, từ nội
hàm của khái niệm dân chủ, như sau:
Khía cạnh nổi bật nhất ở
Trump là sự dung tục ngang nhiên, không thèm che đậy. Đường đến Nhà Trắng của
ông ta rắc đầy những lời lăng mạ trơ tráo, quá đủ để gọi là dung tục, vậy mà
ông ta chẳng sao hết, thậm chí lại nhờ thế mà thành công.
Đó mới là điều đáng ngại:
nam tính dung tục của ông ta chẳng những không cản trở mà còn là một lợi thế
chính trị. Toàn bộ hiện tượng Trump, cả cá nhân ông ta lẫn những người mà ông
ta hướng đến, nhắc chúng ta phải nhớ đến sự dung tục trong thể chế dân chủ. Hay
thậm chí sự dung tục của con người – vì khinh khi hạ bệ thiểu số ở địa vị cao
hơn và quyền lực hơn luôn là điều hấp dẫn đám đông bên dưới.
Dân chủ không phải lúc
nào cũng là thể chế nhà nước tốt nhất, thậm chí duy nhất, như hiện nay chúng ta
thường quan niệm. Các nhà lập thuyết Hy Lạp cổ đại như Plato, Aristotle,
Thucydides và Plutarch đã rất dè dặt với nó. Họ thấy ở đó hình bóng một kẻ mị
dân tính khí nôn nóng, bốc đồng, hung hăng, trơ trẽn, thích trừng phạt, tìm sự
ngưỡng mộ từ những ai giống mình, tức từ đám đông (hoi polloi), từ dân
chúng (demos).
Y thù ghét giới quý tộc,
cao sang, quyền quý, hoặc đơn giản là giới gentlemen mà y
không bao giờ có thể gia nhập[ii],
và buộc tội họ là kẻ thù của nhân dân mà y tự cho mình là đại diện. Dân chúng,
đám đông ấy chiếm phần lớn nhưng không phải là toàn xã hội; kẻ thù của đa số
dung tục là thiểu số tinh hoa, kẻ thù của số lượng là chất lượng và sự độc tài
của đám đông do một kẻ mị dân lãnh đạo đã cài sẵn trong gen của mô hình dân chủ.
Các nhà lập quốc Hoa Kỳ
cũng ý thức rõ nguy cơ ấy. James Madison có nhận định nổi tiếng, phân biệt giữa
một bên là dân chủ (democracy, chớ nhầm với Đảng Dân chủ), tức dân chủ
trực tiếp thông qua quyền lực của đa số, của dân chúng (demos) và một
bên là cộng hòa (republic, chớ nhầm với Đảng Cộng hòa), tức dân chủ gián
tiếp thông qua quyền lực của các định chế đại diện dựa trên cấu trúc phân quyền
và tản quyền. Họ muốn tránh cho quốc gia khỏi rơi vào cạm bẫy của một kẻ mị dân
dung tục, thu hút đám đông dung tục bằng nam tính dung tục.
Người dung tục có thể
trung thực và tốt bụng, nhưng dễ làm mồi cho cảm xúc và thường thiếu kiên nhẫn,
mà guồng máy dân chủ lại cần nhiều thời gian để vận hành đúng đắn. Madison muốn
chính phủ không đơn thuần phản ánh mà hơn thế: phải tinh lọc, nâng cao, mở rộng
và đa dạng hóa quan điểm của dân chúng dung tục. Nó truất quyền lực từ tay đám
đông dung tục với sự chấp thuận của chính đám đông dung tục ấy. Kết quả là một
thể chế dân chủ lập hiến sử dụng tài năng, đức hạnh và tham vọng của một thiểu
số đặc tuyển.
Thể chế ấy mở ra nhiều
con đường cho tất cả những ai có tham vọng vươn lên thành những cá nhân xuất sắc,
vượt khỏi đám đông dung tục để gặt hái quyền lực và tác động vào xã hội, vì vậy
thiểu số tinh hoa sinh ra từ thể chế này mang xuất xứ dân chủ, khác hẳn nguồn gốc
quý tộc tiền định ở những xã hội trước. Donald Trump thuộc thiểu số đó, đầy
tham vọng, song hầu như không có gì đáng kể ngoài tham vọng.
Xuất thân từ một gia đình
giàu có, song Trump mang trong huyết quản sự thô lỗ trơ trẽn của tuýp đàn ông
dung tục. Ông ta hấp dẫn những người – cả nam lẫn nữ – thích kiểu đàn ông đậm
chất đàn ông. Việc ông ta thiếu gu, thiếu văn hóa cư xử, thiếu lịch thiệp, thiếu
chuẩn mực, thiếu tế nhị, chỉ khiến họ càng thêm ngưỡng mộ. Họ diễn giải sự
ngang ngược bất cần, đạp lên mọi phép tắc của ông ta là trung thực, là “có sao
nói vậy”, như thể trung thực phải là bạn đường của vô liêm sỉ.
Tuy giàu – thực chất giàu
đến đâu thì nào ai biết – Trump không hề là một nhà từ thiện, không hề có khao
khát đem tài sản của mình ra xây đắp xã hội và thịnh vượng chung. Ông ta chưa
bao giờ tài trợ cho bất kì hoạt động nghệ thuật hay giáo dục nào, ngoài việc
thành lập Đại học Trump, một tượng đài thất bại về động cơ lợi nhuận[iii].
Ông ta trưng sự giàu có của mình bằng tất cả sự dung tục kệch cỡm, vì đó cũng
chính là cách mà những người hâm mộ ông ta ưa thích. Ông ta thành danh bằng
truyền hình thực tế, kiếm tiền bằng kinh doanh sòng bạc và cũng nợ đầm đìa ở
đó.
Ông ta đem cái tên của
mình gắn lên mọi doanh nghiệp, như thể đó là vinh dự to lớn nhất mà ông ta có
thể ban tặng, và bằng mọi giá quyết làm cho toàn thiên hạ phải biết đến cái tên
ấy. Lòng tự ái với một cái Tôi khổng lồ của ông ta thường trực đòi vuốt ve, đòi
quan tâm, đòi phần thưởng, không chấp nhận bất kỳ phản ứng nào trái ý và không
thể tiêu hóa một lời phê bình nào dù nhẹ nhất: một cấu trúc tâm lý vừa ồn ào
hung hãn vừa quá dễ trầy xước. Ở điểm này, Trump khác những người đàn ông thực
sự giàu nam tính: họ không để ý thiên hạ nghĩ sao về mình.
Người dung tục thường ngả
theo bên thắng cuộc, nên Trump luôn nhắc nhở đám đông dung tục rằng ông ta là một winner,
thắng và chỉ thắng, win, win, win, thắng vô điều kiện, không bao giờ
nhận thua. Người dung tục, dù sống chừng mực trong phạm vi những hàng rào quy ước,
lại rất ngưỡng mộ những hành vi phá bĩnh, phá cách, phá rào, đạp đổ, vượt qua mọi
giới hạn. Như thể theo lời dạy của cố vấn chính trị giảo hoạt Machiavelli,
Trump đã chủ ý chọn chiến lược phá rào để gây ấn tượng với dân thường và làm nhụt
chí giới tinh hoa từng ngày mong ông ta phải trả giá cho những hành vi ngang
ngược ấy, một chiến lược hoàn toàn phù hợp với một kẻ mị dân.
Trump kích động một đám
đông những con người thấy mình thấp cổ bé họng, hướng sự phẫn nộ của họ vào giới
quyền quý cao sang của cả hai đảng mà ông ta khoác cho danh hiệu thời thượng establishment,
một khái niệm vốn là phát minh của phe Tân Tả (New Left) cuối những năm
sáu mươi.
Mà quả thật, Trump không
quan tâm đến những tranh luận tả-hữu, cấp tiến-bảo thủ, Cộng hòa-Dân chủ hay bất
kì một tranh luận nào thực sự có nội dung hay cần một xác tín nhất định. Nhưng
với trực giác phi thường, ông ta đã tìm ra một điểm nhạy cảm để tấn công đối thủ: political
correctness (khái niệm gần gũi nhất trong tiếng Việt là chủ
nghĩa phải đạo hay đúng lập trường), đường lối bao trùm
trong identity politics, chính sách bản sắc, của Đảng Dân chủ và những
người cấp tiến thiên tả.
Chính sách này xuất phát
từ việc bênh vực quyền lợi của các nhóm bản sắc dễ bị tổn thương: phụ nữ, da mầu,
nhập cư, đồng/chuyển/liên và đa giới tính, song Trump đã dùng nó để phang lại
chính nó. Bản sắc phản bản sắc. Trong diễn giải của ông ta, cộng đồng người Mỹ
truyền thống da trắng, sống chủ yếu ở nông thôn và những “vùng sâu vùng xa”, học
vấn thấp, sùng đạo, chuộng bình an, làm việc trong những ngành nghề tụt hậu và
bị bỏ rơi ở thời đại kỹ thuật số và toàn cầu hóa, lạc lõng trước thế giới tân
tiến đầy bất an và cám dỗ hào nhoáng ở các đô thị hiện đại, mới chính là cộng đồng
chịu thiệt thòi, bị lãng quên, dễ tổn thương nhất.
Chính sách hội nhập đa dạng
của Đảng Dân chủ loại trừ họ. Chính sách ưu tiên để chống kỳ thị (affirmative
action) của giới liberal kỳ thị ngược đối với
họ. Thậm chí sinh mệnh của người da đen thì đáng để xuống đường bạo loạn, còn
sinh mệnh họ chẳng ai buồn ngó. Trừ Trump. Họ theo Trump để vùng lên giành lại
vị trí của mình, giành lại một nước Mỹ vĩ đại mà họ từng đại diện trong quá khứ.
Và giành lại một nam tính dung tục mà chủ nghĩa phải đạo duy nữ quyền của cánh
tả quyết gột sạch, trước hết bằng một ngôn ngữ phải đạo, trung lập hóa giới
tính.
Trump tấn công chủ nghĩa
phải đạo ấy và bảo vệ nam tính dung tục đúng theo cách của một nhà dân túy. Ông
ta gặt phăng những định chế của hiến pháp, hệ thống đảng chính trị và các cơ
quan truyền thông vì chúng chỉ khống chế, cản đường hoặc gây nhiễu, trong khi
ông ta muốn đến thẳng với quần chúng và trực tiếp nói với họ bằng một ngôn ngữ
không kiểm duyệt, đơn giản, dễ hiểu, dễ ghi lòng tạc dạ. Ông ta bắn tweets vô
tội vạ, nổ ào ạt những phát ngôn rất không phải đạo, vì cách tốt nhất để gây sốt
là gây sốc.
Cách ông ta huênh hoang
chém gió có thể ngớ ngẩn và quả thật ngớ ngẩn, nhưng lại khiến dân chúng nghĩ rằng
thế mới là táo bạo, thế mới là thẳng thắn và hẳn trung thực hơn những kẻ uốn lưỡi
bảy lần đạo đức giả. Những lời dối trá ráo hoảnh của ông ta cũng vậy, sai đúng
không quan trọng, cốt là tạo ấn tượng rằng ông ta bộc trực, không rào đón và vì
thế đáng tin hơn sự quy củ cứng nhắc của giới kiểm tin (fact-checker).
Cách lăng nhục thô tục của ông ta tiết lộ một tâm hồn nông cạn, không một tia
hóm hỉnh và chẳng biết thế nào là hài hước. Ông ta luôn nghiêm túc mà cuối cùng
vẫn luôn cường điệu.
Tóm lại, Donald Trump phản
ánh nam tính dung tục ở người Mỹ hay ở bất kỳ một dân tộc nào khác. Gọi ông ta
là dân dã thì đúng hơn là dân chủ. Các nhà lập quốc
Hoa Kỳ đã kiến tạo một nền dân chủ lập hiến, trong đó có Đại Cử tri Đoàn (electoral
college), một cơ chế ngăn chặn để những người như Trump không bao giờ có thể
thắng cử. Song thật trớ trêu, chính cơ chế ấy đã giúp ông ta bước vào Nhà Trắng[iv].
Có lẽ mọi thiết chế mà
con người dựng nên cho điều Thiện đều có thể bị lợi dụng cho điều Ác. Và không
phải chỉ những người ủng hộ Trump mà tất cả chúng ta buộc phải hy vọng rằng biết
đâu dân dã có thể giúp nhuận sắc thay vì hạ giá dân chủ, biết đâu một kẻ mị dân
cũng có thể có một tác động tốt. Chí ít, biết phân biệt giữa dung tục và tinh tế
cũng là một điều tốt.
***
Trong lúc đọc Harvey
Mansfield, tôi thường xuyên phải nhớ đến thứ nhất là sự ngưỡng mộ Trump của số
đông người Việt. Họ thấy ở đó một đấng nam nhi như trong mơ, vợ đẹp con khôn,
giàu sang phú quý, sự nghiệp lẫy lừng. Một cá tính thẳng băng, mạnh mẽ, quyết
liệt, quyết đoán. Một hảo hán giang hồ, anh hùng Lương Sơn Bạc. Một Từ Hải chọc
trời khuấy nước, chết cũng không quỳ gối. Chỉ chừng ấy, chưa cần đại tự sự chống
Tàu, đã đủ làm say đắm tâm hồn Việt – cả nam lẫn nữ – chưa bao giờ hết khao
khát một tồn tại hay được dựa vào một tồn tại không hổ kiếp nam nhi.
Và thứ hai, cuộc cách mạng
của dân chúng lầm than Việt Nam gửi lời chào. Sau khi tiêu diệt thành
công establishment cũ – tư sản, địa chủ và trí thức tinh hoa
-, nền dân chủ nhân dân đã thọ ba phần tư thế kỷ ở đất nước này dựng nên một tầng
lớp lãnh đạo mới, một thiểu số đặc tuyển mới, không tài năng, không đức hạnh,
không có gì ngoài sự dung tục và tham vọng quyền lực.
_____
Ghi chú:
[i] “The Vulgar Manliness of Donald Trump”, Commentary tháng
9.2019
[ii] Xem
thêm bài “Why Donald Trump Is No Gentlemen“ của Harvey Mansfield
đăng trên Wall Street Journal, 29.7.2016
[iii] Đại
học Trump bị hơn 6000 sinh viên kiện về tội lừa đảo. Mười ngày sau khi thắng cử
tổng thống năm 2016, Trump
đồng ý trả 25 triệu dollar bồi thường để đình chỉ tất cả các vụ kiện
liên quan.
[iv] Trong
cuộc bầu cử năm 2016, Trump thắng cử nhờ phiếu Đại Cử tri Đoàn, trong khi thua
Hillary Clinton gần 3 triệu phiếu phổ thông.
No comments:
Post a Comment