Saturday, 12 December 2020

KHI NHỮNG "ÔNG TRỜI CON" LÀM QUAN . . . (Thu Hà)

 


Khi những “ông trời con” làm quan…

Thu Hà

12/12/2020

https://baotiengdan.com/2020/12/12/khi-nhung-ong-troi-con-lam-quan/

 

Đến cuối tháng 10/2020, tất cả 67/67 đảng bộ trực thuộc Trung ương đã hoàn thành việc tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2020-2025. Và 67 đại hội đã bầu đủ 1.381 đại biểu chính thức và 131 đại biểu dự khuyết, dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, theo đúng tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu đại biểu được Trung ương phân bổ.

 

Báo cáo cho biết, có 2.220 ông bà lãnh đạo cấp uỷ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, trong đó có 28 giáo sư, phó giáo sư. Cấp trên thì khen đáo để, nhưng dân chúng cho rằng, số “tiến sĩ giấy”, xài bằng cấp giả, mua văn bằng, hợp thức hoá học vị để kiếm một suất lãnh đạo, để tiến thân, thì đếm không xuể.

 

Đại hội XII năm 2016 cũng bầu ra đội ngũ “tinh hoa” như thế, nhưng kết quả là, cho đến nay Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật hơn 87.000 đảng viên và hơn 1.000 tổ chức đảng. Dư luận từng dấy lên đồn đoán, tham nhũng, bảo kê, hư hỏng, suy đồi trong đảng viên thậm chí có cả người ngồi trong “tứ trụ.

 

Trong số những người bị công khai khởi tố, bắt giam, lãnh án tù, có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, như: Uỷ viên Bộ chính trị, Uỷ viên Trung ương, các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, anh hùng LLVT, cùng đủ loại chức danh khác…

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/12/1-42-1024x567.jpg 

Một số gương mặt lãnh đạo đã nhúng chàm, bị kỷ luật, truy tố, lãnh án…

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/12/2-4.jpg

 

Thử nhìn lại đại hội ở các tỉnh thành vừa qua, đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ có trong sạch và tốt như trung ương tổng kết hay không.     

 

Người đầu tiên phải gọi tên là Nguyễn Mạnh Quyền, sinh ngày 24/4/1975, quê ở Đại Cường, Ứng Hoà, Hà Nội. Theo hồ sơ, Quyền có học vị Tiến sĩ quản lý hành chính công, Cử nhân kinh tế, Cử nhân ngoại ngữ, Cao cấp chính trị.

 

Thời làm Bí thư Huyện uỷ, kiêm Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, Nguyễn Mạnh Quyền thu hồi đất của dân một cách vô tội vạ, bồi thường rẻ mạt, tuỳ tiện. Quyền nhân danh UBND huyện lấy đất thu hồi của dân, cấp cho mẹ ruột là bà Tạ Thị Huyên và chị ruột là bà Nguyễn Thị Loan tổng cộng hơn 20 hecta để làm trang trại, thời hạn 49 năm.

 

Sai phạm vậy, nhưng năm 2017 Quyền được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội, thay cho Nguyễn Văn Tứ sinh 1965. Tứ rời ghế giám đốc sở, được bổ nhiệm giữ chức Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội. Năm 2019, Tứ bị Bộ Công an khởi tố, bắt giam vì liên quan đến vụ Nhật Cường buôn lậu và rửa tiền.

 

Về phần Nguyễn Mạnh Quyền, từ một kẻ bị kiểm điểm thường xuyên và suýt bị truy tố, hoạn lộ bỗng thong dong lạ kỳ. Tại đại hội đảng bộ Hà Nội lần thứ 17, Cường trúng cử Thành uỷ viên, nhiệm kỳ 2020-2025.

 

Chiều 9/12/2020, HĐND TP Hà Nội đã bầu Nguyễn Mạnh Quyền làm tân Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/12/3-3-1024x538.jpg

Nguyễn Đức Chung và Nguyễn Mạnh Quyền trả lời báo chí về vụ Nhật Cường. Ảnh trên mạng

 

Báo chí quốc doanh loan tin, Quyền được đánh giá là “thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, chấp hành chủ trương, đường lối và các nguyên tắc tổ chức, không có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hoá“.

 

Dư luận Hà Nội cho rằng, ngoài đại ca Hoàng Trung Hải, còn có anh ruột Quyền là người hỗ trợ em mình vượt qua mọi “bão táp phong ba”. Anh trai đó chính là Nguyễn Mạnh Khương, đương kim Chánh thanh tra Bộ Nội vụ đầy quyền lực.

 

                                                        ***

 

Nhân vật kế tiếp mà hoạn lộ không kém phần ly kỳ đó là Lê Quang Nam, sinh 19/10/1970, quê Quảng Thọ, Quảng Điền, Thừa thiên Huế. Hồ sơ cho biết, Nam có học vị cử nhân kinh tế, kỹ sư cơ khí, Tiến sĩ năng lượng, Cao cấp chính trị.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/12/4-3.jpg

Lê Quang Nam (trái) nhận QĐ từ PCT UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn (đang thụ án 3 năm tù giam). Nguồn: Báo CA Gia Lai

 

Duyên nợ đưa đẩy, Nam gặp và kết nghĩa huynh đệ cùng với Nguyễn Xuân Anh, lúc đó là Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Khi Xuân Anh lên Bí thư thành uỷ, chưa đầy 6 tháng, từ tháng 1/2016 đến 6/2016 ngài bí thư trẻ Xuân Anh đã ban cho Lê Quang Nam đến ba chức vụ. Từ giám đốc sở Khoa học Công nghệ, chuyển về Bí thư một quận, từ quận nhảy sang giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường (TN-MT) thay cho Nguyễn Điểu. Nguyễn Điểu sau này bị khởi tố, bắt giam và lãnh án 3 năm tù giam vì làm thất thoát 11.320 tỷ (tương đương 500 triệu đô la).

 

Ở vị trí này, chỉ trong hai năm, Lê Quang Nam đã là trợ thủ đắc lực cho Xuân Anh và Vũ “nhôm”, thu tóm đất đai, công sản Đà Nẵng. Dự án Đa Phước với hàng trăm hecta lấn biển là do giám đốc sở TN-MT Lê Quang Nam “đánh giá tác động môi trường”, tham mưu cho Thành uỷ Đà Nẵng bật đèn xanh cho Vũ “nhôm”. Ngoài ra, Nam còn đồng ý chủ trương cho doanh nghiệp của Vũ “nhôm” thuê nhà đất trụ sở, không qua đấu giá…

 

Ai cũng nghĩ Lê Quang Nam chết chìm theo Xuân Anh – Vũ “nhôm”, ai ngờ Nam chỉ bị kỷ luật khiển trách về Đảng và chính quyền. Đại hội đảng bộ Đà Nẵng lần thứ 22, Nam vẫn tái trúng cử Thành uỷ viên, nhiệm kỳ 2020-2025 và đưa vào danh sách bầu Uỷ viên Ban thường vụ nhưng đã bị loại.

 

Ngày 9/12/2020, Lê Quang Nam là người duy nhất được bầu bổ sung vào chức danh Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

 

Ai đã đưa Nam lên đỉnh cao quyền lực? Dư luận từ cán bộ Đà Nẵng râm ran là “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”. Tiền lót đến nhà hai ông bí thư và phó bí thư thường trực thành uỷ Trương Quang Nghĩa và Võ Công Trí, đã giúp Nam có được tất cả.

 

                                                       ***

 

Một nhân vật nữa không thể không nhắc đến đó là Trần Việt Trường. Trần Việt Trường sinh ngày 15/4/1971, quê xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Hồ sơ ghi Trường có học vị Tiến sĩ quân sự chuyên ngành Chiến lược quốc phòng, Cao cấp chính trị.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/12/5.jpg

Chân dung Trần Việt Trường. Ảnh: Báo ĐĐK

 

Bạn bè, người quen cùng thời thì cho biết, Trường vốn là công nhân sửa ống nước tại Xí nghiệp Da giày Meko, được anh trai Trần Quốc Trung đưa về làm cán bộ Đoàn rồi thăng tiến.

 

Năm 2016, khi Trần Quốc Trung là Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XII, Bí thư thành uỷ Cần Thơ, thì Trần Việt Trường được vào Uỷ viên Ban thường vụ thành uỷ khoá XIII, nhiệm kỳ 2015-2020, Trưởng Ban Tuyên giáo Cần Thơ.

 

Trước khi ông Trung rời chức bí thư thành uỷ, ông kịp cơ cấu Trường tái cử Uỷ viên BTV Thành uỷ khoá XIV, làm Phó bí thư thành uỷ nhiệm kỳ 2020-2025. Ngày 15/10/2020, HĐND TP Cần Thơ họp phiên 18, bầu Trần Việt Trường làm Chủ tịch UBND TP Cần Thơ.

Cũng nói thêm rằng, cùng với Triệu Tài Vinh, Nguyễn Nhân Chiến, Trần Quốc Trung trở thành “bộ tam” Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XII làm bí thư tỉnh thành, sắp đặt cho cả họ làm quan.

 

Ngoài Trần Việt Trường ra, người thân ông Trung còn có:

 

– Trần Quốc Vũ (em ruột) sinh năm 1974, Thành uỷ viên khoá XIV, Bí thư quận uỷ Bình Tân.

 

– Trần Xuân Mai (em ruột), sinh năm 1969, Giám đốc sở LĐ-TB-XH Cần Thơ, đại biểu HĐND TP Cần Thơ.

 

– Trần Thuý Hằng (vợ) sinh năm 1969, Bí thư đảng uỷ, Phó giám đốc BHXH Cần Thơ.

 

– Trần Hải Long (em vợ) sinh 1984, Phó giám đốc sở Công thương Cần Thơ, đại biểu HĐND TP Cần Thơ.

 

Đó là chưa kể đến anh em con chú, bác ruột, cô, dì, cậu… nội ngoại hai bên của ông Trung, đang làm cán bộ, nắm giữ các chức danh khác trong bộ máy công quyền Cần Thơ.

 

                                                      ***

 

Nhân vật cuối mà chúng tôi muốn nêu ở đây là Lê Hoà Bình. Lê Hòa Bình sinh ngày 1/4/1970 quê xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Hồ sơ ghi Bình có trình độ Thạc sĩ Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Cử nhân kinh tế, Cao cấp chính trị.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/12/6.jpg

PCT Lê Thanh Liêm (phải) trao quyết định GĐ sở cho Lê Hoà Bình. Nguồn: Báo SGGP

 

Bình vốn là đệ tử của Hai Nhựt, bí thư thành Hồ. Nhờ đó, Bình được cơ cấu vào Thành uỷ viên khoá X, làm chủ tịch UBND quận 7 từ năm 2016 đến 2019. Từ giữa năm 2017, khi Đinh La Thăng ngã ngựa, cùng hàng loạt quan chức thành Hồ bị khởi tố bắt giam sau đó, Bình sợ nên lo lót, “ôm chặt” lấy Nguyễn Thành Phong và Nguyễn Thiện Nhân như ôm phao cứu sinh.

 

Ba năm làm chủ tịch quận 7, Lê Hoà Bình hốt không biết bao nhiêu tiền. Cán bộ các cấp thành Hồ đều biết rõ, Lê Hoà Bình bảo kê cho Cty Đầu tư Bất động sản Hưng Lộc Phát xây chui 110 biệt thự ở phường Phú Mỹ, quận 7 thuộc dự án Green Star Sky Garden của “trùm” Nguyễn Dư Lực là một minh chứng.

 

Người dân ở các phường Tân Hưng, Tân Phong, Phú Thuận kêu cứu, khiếu kiện trong vô vọng. Hàng trăm ngàn tỷ từ đất công đã lọt vào túi các quan tham. Trách nhiệm lớn nhất thuộc về mình, nhưng lạ thay, chủ tịch Lê Hoà Bình không hề hấn gì, ngược lại, đi lên như diều gặp gió.

 

Tháng 4/2019, Lê Hoà Bình được bổ nhiệm ghế giám đốc Sở Xây dựng, thay cho Trần Trọng Tuấn. Tuấn bị điều động làm Bí thư Quận ủy quận 3, sau rút về Phó chánh văn phòng thành uỷ, rồi bị Bộ Công an khởi tố tháng 7/2020.

Ngày 8/12/2020, tại kỳ họp thứ 23, HĐND TP HCM Khóa IX đã tiến hành bầu bổ sung Lê Hoà Bình vào chức danh Phó Chủ tịch UBND TP, nhiệm kỳ 2016 – 2021.

 

                                                       ***

 

Bốn nhân vật đại diện cho hàng ngũ tân lãnh đạo ở bốn thành phố trực thuộc trung ương kể trên, phần nào cho thấy bộ mặt nền hành chính XHCN đương đại ở Việt Nam. Thật nham nhỡ và tệ hại, những tên lãnh đạo tiền nhiệm “sâu dân mọt nước” đã bị khởi tố, đi tù, bọn kế nhiệm cũng xuất thân “ăn không chừa bất cứ thứ gì”.

 

Nhân dân sẽ kỳ vọng gì ở những kẻ có quá khứ tồi tệ, mình dán đầy bùa chú của Đảng, cùng đủ thứ văn bằng không học mà có, đi vào chính trường bằng tiền tệ, quan hệ, hậu duệ?

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats