Monday, 14 December 2020

KATHERINE TAI : BIỂU TƯỢNG CỨNG RẮN CỦA THƯƠNG MẠI HOA KỲ ĐỐI VỚI TRUNG QUỐC (Tú Anh - RFI)

 


Katherine Tai: Biểu tượng cứng rắn của thương mại Hoa Kỳ đối với Trung Quốc

Tú Anh  -  RFI

Đăng ngày: 14/12/2020 - 15:44

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20201214-kathrine-tai....BB%91c

 

Thứ Hai 14/12/2020,tại Hoa Kỳ, đại cử tri đoàn chính thức hóa kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Trong số những nhân vật đã được tổng thống thứ 46 chọn vào chính quyền, có một phụ nữ được báo chí Mỹ nhiệt liệt khen ngợi: Bà Katherine Tai (Đới Kỳ), chuyên gia thương mại quốc tế, gốc Đài Loan, sẽ điều hành chính sách ngoại thương. Một tín hiệu cứng rắn trong cuộc chiến thương mại đối đầu giữa  Washington và Bắc Kinh, theo nhận định của giới quan sát.

 

https://s.rfi.fr/media/display/6ab1f236-3e0d-11eb-b166-005056bfd1d9/w:1280/p:16x9/AP20346742887864.webp

Bà Đới Kỳ (Katherine Tai), người được đề cử làm Đại Diện Thương Mại Mỹ tương lai, phát biểu tại The Queen theater ở thành phố Wilmington (bang Delaware, Hoa Kỳ) ngày 11/12/2020. AP - Susan Walsh

 

Một khi được Thượng Viện Mỹ chấp thuận, Katherine Tai ( Đới Kỳ), 45 tuổi, sẽ thay thế Robert Lighthizer ở chức vụ đại diện Thương Mại Mỹ, do Donald Trump bổ nhiệm từ năm 2017. Quyết định này mang ý nghĩa gì ? Katherine Tai bản lĩnh như thế nào ?

 

Đại diện Thương Mại tương lai của Mỹ tên thật là Katherine Đới Kỳ, bố mẹ là di dân từ Đài Loan. Khi bổ nhiệm một phụ nữ gốc Đài Loan vào chức vụ đại diện Thương Mại trong bối cảnh căng thắng với Trung Quốc, Joe Biden một mặt chứng tỏ ông tin cậy vào nữ giới xuất thân từ cộng đồng thiểu số để trao cho họ những trọng trách quốc gia và mặt khác ông có một nhà đàm phán kinh nghiệm và lợi hại.

 

Tốt nhiệp hai đại học danh tiếng Yale và Harvard, Katherine Tai bảo vệ quan điểm của Mỹ tại Tổ Chức Thương Mại Thế Giới đối đầu với Trung Quốc trong suốt nhiệm kỳ của Barack Obama, cũng như đã nắm nhiều vai trò khó khăn như luật sư trưởng của Ủy Ban Tài Chính Thuế Vụ của Hạ Viện và kiến trúc sư trong thỏa thuận mậu dịch Bắc Mỹ với đồng minh Canada và đối tác Mêhicô.

 

Sinh trưởng tại Hoa Kỳ, Katherine Đới Kỳ thuộc thế hệ hậu duệ thứ nhất, có kinh nghiệm sống tại Hoa lục, qua hai năm giảng dạy Anh Ngữ tại đại học Tôn Dật Tiên ở Quảng Đông. Thông thạo tiếng Trung Hoa, đại diện Thương Mại tương lai của Mỹ nắm trong tay lá chủ bài quan trọng trong cuộc thương chiến với Trung Quốc.

 

Theo những người thân cận, Katherine Đới Kỳ có tài năng chuyên môn có thể giúp nước Mỹ đương đầu với Bắc Kinh trên các vấn đề gai góc như cưỡng bách lao động, quyền sở hữu trí tuệ và cùng lúc duy trì được mối quan hệ thương mại cần thiết giữa hai đại cường kinh tế lớn nhất thế giới. (Politico).

 

Báo chí Mỹ đã không tiếc lời khen ngợi quyết định của Joe Biden và xem đây là tín hiệu tổng thống thứ 46 của Mỹ sẽ tiếp tục chính sách đối đầu với Trung Quốc nhưng cứng rắn hơn và có bài bản hơn Donald Trump. (Le Monde).

 

Katherine Đới Kỳ sẽ tấn công vào các hồ sơ gai góc vẫn còn treo lơ lửng trong thỏa hiệp đình chiến thương mại Mỹ-Trung vào đầu năm 2020: đó là chính sách cưỡng chế chuyển giao công nghệ và tài trợ cho xí nghiệp Trung Quốc cạnh tranh bất chính. Cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đều chủ trương tẩy chay Hoa Vi và ZTE.

 

Joe Biden cho biết trước là ông sẽ sử dụng vũ khí nhân quyền, Hồng Kông, Duy Ngô Nhĩ và cả về khí hậu để chống lại chính sách trợ giá của Trung Quốc.

 

Chưa hết, đối tượng phục vụ của Joe Biden là người lao động Mỹ, với khẩu hiệu Tái Thiết Tốt Hơn (Build Back Better), không khác gì Make America Great Again của Donald Trump.

 

Trong chiều hướng này, và được cả hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa cũng như các nghiệp đoàn lao động kính trọng, Katherine Đới Kỳ sẽ tiến hành một chính sách thương mại theo nhãn quan của tổng thống tân cử hầu phục vụ quyền lợi người lao động Mỹ, theo thông cáo bổ nhiệm đại diện Thương Mại tương lai.

 

Châu Âu và Canada, tuy là đồng minh, cũng phải dè chừng.

 

                                                       ***

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Trung Quốc: đảng Cộng Sản dường như « cài » người vào các định chế và doanh nghiệp nước ngoài

RCEP : Trung Quốc « ngáng đường » Hoa Kỳ trở lại châu Á ?

 

Mỹ trừng phạt một công ty dầu khí Trung Quốc khai thác ở Biển Đông

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats