Saturday, 5 December 2020

GITANJALI RAO, 15 TUỔI, KID OF THE YEAR CỦA TIME 2020 (Kim Nguyen)

 



Gitanjali Rao, 15 tuổi, Kid of the Year của TIME 2020

Kim Nguyên

Ngày 04-12-2020 (GMT +7)

https://thenewviet.com/gitanjali-rao-15-tuoi-kid-of-the-year-cua-time-2020.html

 

https://cdn.thenewviet.com/thenewviet/2020/12/rao-5-large.jpg

Gitanjali Rao

 

92 năm qua, tạp chí TIME luôn duy trì truyền thống chọn “Nhân vật trong năm”. Năm 2019, cô bé 16 tuổi Greta Thunberg đã trở thành “nhân vật trong năm” trẻ nhất lịch sử báo TIME và là người đầu tiên dưới 25 tuổi được chọn. Năm nay, phối hợp với Nickelodeon, TIME thực hiện một thay đổi đặc biệt: thay vì “Nhân vật trong năm”, lần này là “Thiếu niên trong năm” (Kid of the year), như một sự nhìn nhận vai trò đang lớn dần của lớp thế hệ trẻ nhất của nước Mỹ. Trong số 5.000 gương mặt thiếu niên lọt vào danh sách, khoa học gia nhí Gitanjali Rao 15 tuổi là nổi bật hơn cả. 

 

https://cdn.thenewviet.com/thenewviet/2020/12/rao-3.jpg

Gitanjali Rao trên bìa tạp chí Time

 

Gitanjali Rao, 15 tuổi, ở Lone Tree, Colorado

 

“Quan sát, động não, nghiên cứu, xây dựng và giao tiếp” - đó là những gì nhà khoa học và nhà phát minh trẻ xuất sắc Gitanjali Rao đã nói với diễn viên và nhà hoạt động Angelina Jolie về mình. Mới 15 tuổi, Rao đã làm những việc đáng kinh ngạc, từ sử dụng công nghệ để giải quyết vấn đề nước uống bị ô nhiễm đến chống bắt nạt trên mạng, cũng như về sứ mệnh tạo ra một cộng đồng toàn cầu gồm những nhà đổi mới trẻ tuổi giúp chung tay giải quyết các thách thức trên thế giới. Rao đã truyền một thông điệp đầy cảm hứng: đừng cố gắng khắc phục mọi vấn đề, chỉ tập trung vào một vấn đề khiến bạn phấn khích. “Nếu tôi có thể làm được” – em nói - “Ai cũng có thể làm được”.

 

Dưới đây là cuộc phỏng vấn của diễn viên điện ảnh Angelina Jolie với Rao, đăng trên TIME-Kid of the year 2020.

 

ANGELINA JOLIE: Từ khi nào cháu nhận ra rằng khoa học là niềm đam mê của cháu?

GITANJALI RAO: Cháu cảm thấy dường như không thực sự có một khoảnh khắc cụ thể. Cháu luôn là người muốn đặt nụ cười lên khuôn mặt của ai đó. Đó là mục tiêu hàng ngày của cháu, chỉ để làm cho ai đó hạnh phúc. Và điều đó nhanh chóng biến thành: “Làm thế nào chúng ta có thể mang lại sự tích cực và xây dựng cộng đồng cho nơi chúng ta sống?”. Khi học lớp hai hoặc lớp ba, cháu bắt đầu nghĩ về cách chúng ta có thể sử dụng khoa học và công nghệ để tạo ra thay đổi xã hội. Năm 10 tuổi, cháu nói với bố mẹ rằng cháu muốn nghiên cứu công nghệ cảm biến ống nanotube carbon tại phòng thí nghiệm nghiên cứu chất lượng nước của Denver Water. Lúc đó mẹ cháu nói, "Hả, cái gì?" [Ghi chú của TIME: đó là những phân tử hình trụ được tạo thành từ các nguyên tử carbon rất nhạy cảm với những thay đổi hóa học, và do đó rất tốt để phát hiện hóa chất trong nước, cùng nhiều ứng dụng khác]. Chỉ là yếu tố thay đổi đó và việc này sẽ sớm nằm trong tay thế hệ chúng ta. Vì vậy, nếu không ai khác làm điều đó, cháu sẽ làm.

 

https://cdn.thenewviet.com/thenewviet/2020/12/rao-2.jpg

Gitanjali Rao

 

AJ: Cô thích điều đó. Vậy phần lớn những gì thế hệ chúng ta phải làm là đảm bảo rằng chúng ta gây thiệt hại ít nhất có thể, sao cho thế hệ tiếp theo có thể dẫn đầu. Cô có nghe một trong những sáng kiến mới nhất của cháu là giúp ngăn chặn nạn bắt nạt trên mạng. Cháu có thể cho cô biết về điều đó?

 

GR: Đó là một dịch vụ có tên Kindly - một ứng dụng và tiện ích mở rộng trên Chrome - có thể phát hiện bắt nạt trực tuyến ở giai đoạn đầu, dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo. Cháu bắt đầu viết mã một số từ có thể coi là bắt nạt, và sau đó ứng dụng sẽ lấy những từ đó và xác định những từ tương tự. Bạn nhập một từ hoặc cụm từ và ứng dụng sẽ nhận ra là trường hợp này có phải là hành vi bắt nạt hay không, đồng thời nó cung cấp tùy chọn chỉnh sửa hoặc gửi đi. Mục đích không phải để trừng phạt. Là thiếu niên, cháu biết các thanh thiếu niên đôi khi có xu hướng buông thả. Thay vào đó, ứng dụng cho bạn cơ hội để suy nghĩ lại những gì bạn nói để bạn biết phải làm gì vào lần sau.

 

.

AJ: Chúng ta chỉ cần cài ứng dụng vào điện thoại của con mình?

 

GR: Dạ. Cháu đã thực hiện một khảo sát với phụ huynh, giáo viên và học sinh; và cháu thực sự mong đợi rằng học sinh không muốn bị quản lý một cách quá sâu sát.

 

.

AJ: À. Các con cô hẳn sẽ nói: "Đừng đụng vào điện thoại của con. Hãy để con tự làm".

 

GR: Dạ đúng, chính xác, cháu cũng muốn như vậy. Rất nhiều thanh thiếu niên đã nói với cháu rằng, bạn biết không, không phải là chuyện tôi bị quản lý sâu sát mà là có vẻ như tôi đang được tạo cơ hội để học hỏi từ những sai lầm của mình. Đó là điều cháu vô cùng phấn khích, vì nhận ra rằng họ hiểu mục tiêu của ứng dụng này là gì.

 

https://cdn.thenewviet.com/thenewviet/2020/12/rao-4.jpg

Gitanjali Rao

 

AJ: Cách cháu đang nói về công nghệ như một công cụ để nhắc nhở mọi người và giúp họ phát triển dường như là một điều rất mới và khác biệt. Thật thú vị khi thấy một nhà phát minh trẻ và có tư duy tiến bộ như vậy. Điều đó có ảnh hưởng cháu theo bất kỳ cách nào không? Điều này khiến cô ngạc nhiên vì cô nghĩ phụ nữ giỏi giang thì có nhưng quá ít phụ nữ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

 

GR: Cháu không giống mẫu nhà khoa học điển hình của cô ạ. Tất cả những gì cháu thấy trên TV về nhà khoa học thường là người đàn ông da trắng lớn tuổi. Thật kỳ lạ đối với cháu là dường như mọi người đã ấn định vai cả rồi, xét về giới tính, tuổi tác, màu da. Mục tiêu của cháu thật ra là không chỉ chuyển từ việc tạo ra các thiết bị riêng của mình để giải quyết những vấn đề thế giới mà còn là truyền cảm hứng cho người khác cũng làm như vậy. Bởi vì, từ kinh nghiệm cá nhân, thật không dễ dàng khi bạn không thấy ai khác giống mình. Vì vậy, cháu thực sự muốn đưa ra thông điệp: Nếu tôi có thể làm được, bạn cũng có thể làm được và bất cứ ai cũng có thể làm được.

 

.

AJ: Cô biết cháu có những “quá trình cách tân”. Hãy kể cho cô về điều đó.

 

GR: Cháu chỉ xem xét những gì hiệu quả với cháu và quyết định chia sẻ với mọi người. Vì vậy, cháu đã tạo ra quy trình mà cháu sử dụng đối với mọi thứ: đó là quan sát, động não, nghiên cứu, xây dựng, giao tiếp. Nó bắt đầu với một bài thuyết trình và những kế hoạch học tập đơn giản, sau đó cháu bắt đầu đưa thêm việc thí nghiệm lẫn cuộc thi mà học sinh có thể tham gia. Giờ đây, cháu đã hợp tác với các trường học nông thôn, nữ sinh trong các tổ chức STEM, các viện bảo tàng khắp thế giới và những tổ chức lớn hơn như nhóm Khoa học và Công nghệ Thanh niên Quốc tế Thượng Hải và Học viện Kỹ thuật Hoàng gia London để điều hành các hội thảo về cách tân.

Những sinh viên mà cháu làm việc cùng, họ không biết bắt đầu từ đâu. Cháu nghĩ rằng nếu bạn cung cấp cho họ tia lửa mà sau đó họ có thể tạo ra thì điều đó sẽ thay đổi mọi thứ. Điều đó có nghĩa có thêm một người trên thế giới này muốn đưa ra ý tưởng để giải quyết vấn đề. Vào cuối mỗi hội thảo, mọi người đều có một cái gì đó mà họ có thể bắt đầu làm việc. Nếu bạn có thể làm điều này trong 45 phút đến một giờ, hãy tưởng tượng bạn có thể làm gì nếu bạn dành tháng này qua tháng kia để làm việc đó. Cháu rất phấn khích khi nhận được email như: “Này, tôi đã dự hội thảo của bạn cách đây bốn tháng và đây là thành phẩm của tôi, tôi thực sự thích nó, đó là một chiếc giày có tên 911”.

 

https://cdn.thenewviet.com/thenewviet/2020/12/rao-5.jpg

Năm 2017, cô bé người Mỹ gốc Ấn Gitanjali Rao đã được trao danh hiệu "America's top young scientist" 

 

AJ: Thật là ấn tượng tuyệt vời. Đối với nhiều bạn trẻ, cần rất nhiều sự tự tin để có thể đưa ra ý tưởng. Cháu thật sự có một bộ óc tuyệt vời, và cháu rất rất hào phóng với bộ óc đó, và điều đó thực sự tuyệt vời. Cháu đang làm gì thời điểm hiện tại?

 

GR: Cháu đang nghiên cứu cách làm thế nào để dễ dàng phát hiện các chất gây ô nhiễm sinh học trong nước, những thứ chẳng hạn ký sinh trùng. Cháu hy vọng kỹ thuật này không tốn kém và chính xác để mọi người ở các quốc gia thế giới thứ ba có thể xác định những gì có trong nguồn nước của họ. Gần đây cháu đã đạt được mục tiêu qui tụ được 30.000 sinh viên mà cháu từng hướng dẫn, điều này thật thú vị. Nó giống như việc tạo ra một cộng đồng những nhà cách tân. Cháu thực sự hy vọng công việc mà tất cả bạn trẻ này đang làm sẽ cho thấy đổi mới là điều cần thiết chứ không còn là sự lựa chọn. Cháu hy vọng mình có thể là một phần nhỏ trong số đó.

 

https://cdn.thenewviet.com/thenewviet/2020/12/rao-7a.jpg

Gitanjali Rao trong một chương trình TED Talk

 

AJ: Hiển nhiên là cháu trong số đó rồi. Thế hệ của cháu là duy nhất. Các cháu không chỉ chấp nhận những gì đang được đưa ra, mà còn muốn đặt câu hỏi, và điều này rất quan trọng. Cô biết có rất nhiều vấn đề mà chúng ta đang đối mặt ngày nay. Với công việc của cháu về ô nhiễm nguồn nước, môi trường có phải là thứ nằm trong tầm ngắm của cháu?

 

GR: Dạ đúng. Thế hệ chúng cháu đang đối mặt rất nhiều vấn đề mà chúng ta chưa từng thấy trước đây. Nhưng đồng thời chúng ta cũng đối mặt những vấn đề cũ còn tồn tại. Điển hình, chúng ta đang ngồi ở đây giữa một đại dịch toàn cầu mới và chúng ta cùng lúc đối mặt với các vấn đề nhân quyền. Có những vấn đề chúng cháu không tạo ra nhưng giờ chúng cháu  phải giải quyết, chẳng hạn biến đổi khí hậu và nạn bắt nạt trực tuyến xuất hiện cùng với sự ra đời của công nghệ. Cháu nghĩ, hơn bất cứ điều gì vào lúc này, chúng ta chỉ cần tìm ra một thứ mà chúng ta đam mê và giải quyết nó. Ngay cả khi đó là một thứ nhỏ, chẳng hạn, cháu muốn tìm cách thức làm thế nào để nhặt rác một cách dễ nhất. Mọi thứ đều tạo nên sự khác biệt. Đừng cảm thấy áp lực khi nghĩ ra một điều gì đó lớn lao.

Hầu hết công việc của cháu liên quan các chất gây ô nhiễm sinh học là dựa trên một giải pháp xử lý gien mà cháu vẫn cố tìm hiểu. Cháu cũng đang nghiên cứu một sản phẩm giúp chẩn đoán chứng nghiện opioid ở giai đoạn đầu dựa trên việc sản sinh protein của gien thụ thể opioid mu. Cháu thực sự rất quan tâm đến di truyền học. Đó là những gì cháu thích, vì vậy đó là những gì cháu quyết định làm.

 

https://cdn.thenewviet.com/thenewviet/2020/12/red-and-brown-minimal-interactive-instagram-post.jpg

Gitanjali Rao

 

AJ: Cháu biết đấy, một trong những điều cháu đã chỉ ra rất quan trọng là có quá nhiều thứ cần làm, khiến cháu có thể bị choáng. Khi cô bắt đầu làm việc trong các trại tị nạn, có rất nhiều vấn đề khác nhau phải giải quyết chỉ riêng trong hoàn cảnh liên quan những người phải bỏ xứ ra đi. Cháu bị choáng và cháu không thực sự muốn đi. Cô thích những gì cháu đang nói: hãy tìm những gì bạn đam mê và đừng cố gắng giải quyết mọi thứ. Mọi giải pháp đều là một phần của bức tranh lớn hơn về những gì chúng ta phải làm. Cô thực sự nghe thấy điều đó và đánh giá cao khi cháu nói điều đó.

Cháu lấy tin tức hoặc nghiên cứu ở đâu?

 

GR: Nguồn tin tức phổ cập đại chúng của cháu thực sự là tờ MIT Tech Review. Cháu đọc nó liên tục. Cháu nghĩ đó thực sự là nơi khơi nguồn cảm hứng: nghe về tất cả những người tuyệt vời ở các trường như MIT và Harvard, những người đang làm những công việc tuyệt vời với công nghệ. Và cháu cố gắng kết nối nó lại với những gì cháu thấy bên ngoài và đặt chúng lại với nhau theo cách mà chưa ai từng thấy trước đây.

 

.

AJ: Khi cháu không làm tất cả những điều tuyệt vời này, vì cô có cảm giác như mình đang nói chuyện với một nhà khoa học 60 tuổi ở Geneva, cháu sẽ làm gì khác mà các cô cậu 15 tuổi thường làm?

 

GR: Thực ra cháu dành nhiều thời gian hơn để làm những việc của tuổi 15 trong thời gian cách ly. Cháu nướng một thứ lãng nhách. Không ngon chút nào và vẫn đang nướng ạ. Ừa thì nó cũng giống khoa học thôi ạ.

 

https://cdn.thenewviet.com/thenewviet/2020/12/rao-6.jpg

Gitanjali Rao

 

AJ: Vậy ra khoa học về nhà bếp không phải là chuyên môn của cháu?

 

GR: Cháu nghĩ là không, không. Công bằng mà nói, thường thì chúng ta không có trứng ở nhà hoặc bột mì, vì vậy cháu phải lên mạng và tìm kiếm các loại bánh quy không trứng, không bột, không đường, và sau đó cháu cố làm. Gần đây cháu đã làm bánh mì và nó rất ngon ạ. Cháu thấy tự hào ghê.

 

AJ: Ái chà, cô rất vui khi được biết thêm về cháu một chút. Cô chắc chắn rằng cô sẽ sử dụng các phát minh của cháu trong thời gian tới, và tiếp tục theo dõi cháu với sự ngưỡng mộ với những gì cháu làm nhiều hơn trong cuộc đời. Lúc ấy cô có thể nói, “À, tôi đã có lần gặp cô bé ấy”.

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats