Giải
tốt bài toán nguyên liệu sẽ giúp Việt Nam thoát phận làm thuê
RFA
30-11-2020
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-does-vn-escape-processing-plant-fate-11302020102750.html
Cái gì cũng nhập, nguy cơ
thành quốc gia làm thuê là cản báo được đưa ra tại hội thảo với chủ đề
“Khoa Học Công Nghệ và Đổi Mới Sáng Tạo” nhằm phục vụ phát triển công nghệ vật
liệu đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Sự kiện do Ban Kinh tế
Trung ương, phối hợp cùng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tổ chức
hôm 25/11.
Báo chí trong nước trích
dẫn phát biểu của Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát rằng
“ Việt Nam không thể nhập hầu hết nguyên liệu đầu vào cho công
nghiệp, nông nghiệp và các nền ngành kinh tế khác vì giá thành các sản phẩm của
nước ta sẽ cao hơn đối thủ cạnh tranh hoặc sẽ biến đất nước thành quốc gia gia
công, làm thuê”.
Ông Cao Đức Phát chỉ ra
giá thành các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam tăng cao, thiếu tính cạnh
tranh, sản xuất nội địa thiếu tính tự chủ, phụ thuộc rất lớn vào các chuỗi
giá trị ở nước ngoài.
Để xây dựng một nền kinh
tế cạnh tranh hiệu quả, ông nói tiếp, Việt Nam phải tự chủ tối đa nguyên vật liệu,
nhưng phải là nguyên vật liệu bằng hoặc tốt hơn về chất lượng, rẻ hơn so với nhập
khẩu.
Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài Chính Việt Nam, cho biết ông đồng
ý với nhận định của cán bộ Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát:
“Tất cả mọi thứ đều
qui ra tiền, đều dính đến tài chính hết, chuyện nhập khẩu toàn bộ nguyên vật liệu
đầu vào, kể cả máy móc thiết bị nữa, thì rõ ràng là đi làm thuê và
chỉ hưởng tí công ngay trên đất nước mình. Như vậy không bao giờ chúng ta có được
cái thu nhập thỏa đáng mà nó làm cho chúng ta cứ mãi là người
làm thuê thôi”
“Có những nguyên vật
liệu mà chúng ta không thể có được thì vẫn phải nhập từ nước ngoài về, nhưng những
gì có thể phát triển được thì phải qui hoạch tính toán bài bản”
Nêu ví dụ ngành dệt may của
Việt Nam, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng:
“Trước đây, có những
thời gian mà 70- 80% nguyên vật liệu cho ngành dệt may là nhập khẩu từ
Trung Quốc. Bây giờ, sau hai ba năm thì thực tế Việt Nam có thể tự túc được hơn
40% nguyên phụ liệu cho ngành rồi. Cộng thêm một số nhập khẩu từ các quốc gia
khác, nguồn vật liệu nhập từ Trung Quốc giảm đáng kể. Đó là bước tiến, là
bài toán Việt Nam đã làm được rất nhanh chóng và rất tốt”.
Theo đánh giá của Bộ Công
Thương Việt Nam, được ông Cao Đức Phát nhắc lại, năng lực sản xuất công nghiệp
vật liệu của Việt Nam còn yếu trong lúc năng suất và chất lượng thì hạn chế. Tỷ
lệ nội địa hóa sản xuất các loại vật liệu phục vụ cho ngành công nghiệp cũng vậy,
điển hình như vật liệu gang chế tạo không tới 30%. Bên cạnh đó, vật liệu nhôm,
vật liệu đồng chỉ chừng 5%. Các loại hóa chất cho ngành nhựa, cao su vẫn phải
nhập khẩu đến 70%, rồi thì nguyên liệu cho ngành dệt may thì 90% vải và 80% sợi
đều phải mua từ bên ngoài.
Tự chủ nguyên vật liệu
cho sản xuất không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà cho cả nhiều nước trên thế giới.
Ý kiến của ông Cao Đức Phát, cũng là quan điểm của kinh tế gia Phạm Chi Lan,
nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương Mại-Công Nghiệp Việt Nam, thành viên ban cố vấn
kinh tế thời thủ tướng Phan Văn Khải.
Trong thế giới ngày nay,
bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh, không nước nào có thể tự cung tự cấp được tất cả mọi
thứ mà phải nhờ đến nguyên vật liệu hoặc sản phẩm trung gian nhập từ nước ngoài
vào:
“Thế nhưng việc gần
như tất cả nguyên vật liệu đều phụ thuộc vào bên ngoài, rồi các sản phẩm
trung gian như linh kiện hoặc những bô phận này khác của máy móc thiết bị cũng
nhập khẩu từ bên ngoài thì cái đó thực sự là nguy cơ một nền kinh tế thuần
túy gia công bị phụ thuộc càng ngày càng nặng vào bên ngoài”.
Nếu nhìn vào quá trình
phát triển từ ngày Việt Nam thực hiện đổi mới, nhà nghiên cứu độc lập Phạm Chi
Lan nhận xét là càng hội nhập chừng nào thì mức độ lệ thuộc của Việt
Nam đối với nguyên vật liệu, sản phẩm trung gian đầu vào cho nền sản xuất, kể cả
sản xuất cho xuất khẩu cũng như sản xuất cho tiêu dùng trong nước càng
ngày càng tăng lên:
“Đấy là một thực tế thể
hiện rất rõ qua con số nhập siêu của Việt Nam từ các nước xung quanh, đặc biệt
từ Trung Quốc rồi sau này thêm từ Hàn Quốc và các nước ASEAN càng ngày càng lớn
lên. Rốt cuộc là Việt Nam cố gắng trong quá trình công nghiệp hóa của mình,
nhưng những sản phẩm cơ bản nhất để cung cấp cho nền kinh tế của mình thì nhiều
khi vẫn phải phụ thuộc vào thị trường bên ngoài”.
Người lao động may
áo khoác gia công cho hãng Zara ở một nhà máy tại Bắc Giang, gần Hà Nội hôm
21/10/2015. Hình Reuters
Vấn đề tự cung tụ cấp nguồn
nguyên vật liệu đáng lẽ phải được thực hiện từ hơn chục năm nay rồi. Bà Phạm
Chị Lan phân tích:
“Giai đoạn đầu đổi mới
thì phải nhập khẩu từ bên ngoài thật. Nhưng sau một thời gian đã có đầu
tư bên ngoài vô rồi, kinh tế bắt đầu vượt khỏi khủng hoảng hồi cuối thập
kỷ ’80, thì lẽ ra phải tập trung phát triển nhiều hơn về các nguyên liệu đầu
vào hoặc các sản phẩm phụ trợ”.
“Còn nhớ thời thủ tướng
Phan Văn Khải năm 1997 cũng đã bàn rất nhiều về việc phải tăng cường phát triển
các ngành công nghiệp của Việt Nam lên để làm sao đỡ bị lệ thuộc bên
ngoài. Khi tham gia WTO cũng là cơ hội tốt cho Việt Nam vào thị trường thế giới,
đồng thời cho Việt Nam tăng cường sản xuất của mình.”
Nhưng vì chưa thực hiện
được nên tình trạng của Việt Nam bây giờ là gia công, bà Phạm Chị Lan khẳng
định:
“Từ các ngành mà Việt Nam tự hào xuất khẩu nhiều
nhất, thí dụ dệt may, giày dép, túi xách du lịch…những sản phẩm tạo ra việc làm
nhiều nhất, có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất và tăng lên liên tục, thì những
ngành đó hầu hết đều là gia công. Nguyên vật liệu đầu vào, máy móc thiết bị nhập
vào chiếm tới 80% tổng kim ngạch những mặt hàng này. Thành ra tiếng là xuất khẩu
hàng chục tỷ USD nhưng trên thực tế thu nhập của Việt Nam vẫn rất thấp”.
Dẫn chứng báo cáo 2019 của
GENIO, Tổ Chức Phát Triển Công Nghiệp Liên Hiệp Quốc, và từ Sách Trắng Công
Nghiệp Việt Nam 2019, cho thấy giá trị gia tăng rất thấp là hậu quả của tình trạng
gia công.
Nếu không tự điều chỉnh
được, bà Phạm Chi Lan cảnh báo, Việt Nam sẽ nằm hoài ở bẫy thu nhập
trung bình chứ không thể ngoi lên thành nước có thu nhập cao theo như
tầm nhìn năm 2045 được:
“Làm gia công thì
không thể có thu nhập cao lên được. Phụ thuộc bên ngoài quá nhiều từ
nguyên vật liệu đầu vào trở đi thì sẽ không bứt ra khỏi bẫy thu nhập
trung bình đâu”.
Đó là cái nhìn và cách phân tích của lãnh đạo và
nhà kinh tế, còn phía
doanh nhân thì sao.
Theo ông Diệp Thành Kiệt,
chuyên gia ngành may mặc và da giày xuất khẩu, nên tách bạch vấn đề gọi là tự
chủ tối đa nguyên vật liệu nhưng phải là nguyên vật liệu bằng hoặc tốt hơn về
chất lượng, rẻ hơn so với nhập khẩu mà ông Cao Đức Phát nêu ra.
“Ngay cả Trung Quốc ai
cũng nói có đầy đủ nguyên liệu thì phải hiểu một cách tương đối là họ có phần mạnh
hơn các nước khác. Trung Quốc vẫn phải nhập một số từ
ngoài”
“Nói như thế để suy nghĩ việc xây dựng một bên là
nguyên liệu, một bên là chế tạo, liệu rằng có phải làm tất cả mọi thứ trên trời
dưới đất không. Việt Nam không có đủ điều kiện thổ nhưỡng để trồng bông, đất
cũng không đủ rộng để làm, liệu có phải cố hết sức trồng bông để tự túc cho
ngành dệt không”.
“Đối với ngành da giày và thuộc da, Bộ Nông
Nghiệp rồi Bộ Công Nghiệp cũng mong muốn tự túc để sản xuất giày và những sản
phẩm bằng da. Liệu có cần bỏ hết mọi thứ khi mà ta chưa có những cánh đồng để
nuôi những nuôi đàn bò cả trăm ngàn con, hoặc những loại thú khác để lấy da
và thuộc da. Nói đến thuộc da thì ta đã sẵn sàng làm chuyện thuộc
da ở trong nước chưa”.
Vì thế chỉ nên chủ động
và tập trung vào những cái có thể làm được, còn những gì không hay chưa làm được
thì:
“Chúng ta xây dựng và
ký kết Hiệp Định Thương Mại với nhiều nước là để chúng ta tận dụng những lợi thế
cạnh tranh của các nước. Không chỉ Việt Nam mà nhìn ra lân cận thì
có phải nước nào cũng đã có điều kiện chủ động tất cả nguồn nguyên liệu hay
không. Liệu phải làm tất cả mới gọi là chủ động hay là xem cái gì Việt Nam sản
xuất được mà các nước khác không thể làm được thì chúng ta tập trung vào cái đấy”.
“Thử hình dung là nếu
cả thế giới đi vào thế tự cung tự cấp thì toàn cầu hóa để làm gì, các Hiệp Đinh
Thương Mại, các quan hệ song phương về kinh tế để làm gì? Liệu rằng người
ta có chơi với cái ông chỉ biết bán mà không biết mua hay không, chưa kể câu hỏi
sau cùng và lớn nhất là nếu làm tất cả mọi thứ thì có tạo ra sản phẩm cạnh
tranh được với thế giới hay không”.
Đó là những câu hỏi mà
doanh nhân Diệp Thành Kiệt cho rằng các cấp hữu trách phải đặt ra và phải
nghiên cứu kỹ lưỡng. Vị trí của lãnh đạo ở đây, ông Diệp Thành Kiệt nói, không
phải là kêu ca hay than phiền mà là tập trung tìm giải pháp.
-------------
Tin, bài liên quan
·
Giấc
mơ trở thành cường quốc dệt may của thủ tướng Việt Nam!
·
Công
nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu nhận gia công cho nước ngoài
·
World
Bank: Việt Nam khó thoát bẫy thu nhập trung bình
·
Bẫy
thu nhập trung bình đã là hiện thực
·
Dệt
may VN trên thương trường thế giới
No comments:
Post a Comment