Saturday, 19 December 2020

CSVN ĐỦ CHIÊU TRÒ VỀ CẤP PHÉP CA KHÚC TRƯỚC 1975 và GIẤY PHÉP NGHỆ SĨ (Người Việt)

 


CSVN đủ chiêu trò về cấp phép ca khúc trước 1975 và giấy phép nghệ sĩ

Người Việt

Dec 19, 2020

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/csvn-du-chieu-tro-ve-cap-phep-ca-khuc-truoc-1975-va-giay-phep-nghe-si/

 

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Vài ngày sau khi có tin nhà chức trách bãi bỏ việc cấp phép ca khúc trước 1975 và giấy phép đối với nghệ sĩ hải ngoại về nước biểu diễn, một bài đăng trên tờ Pháp Luật TP.HCM hôm 19 Tháng Mười Hai cho thấy CSVN không thực tâm làm điều này.

 

Việc bỏ thủ tục hành chánh nhắm vào ca khúc trước 1975 và giới nghệ sĩ hải ngoại đã được nhà cầm quyền CSVN đánh tiếng từ hai năm trước. Tuy vậy, đến nay, không có chỉ dấu nào cho thấy các nhà tổ chức show diễn có thể “dễ thở” hơn khi các quy định cấp phép được bãi bỏ.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/12/VN-Cap-phep-ca-khuc-1-1536x1006.jpg

Ca khúc “Ly Rượu Mừng” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương chỉ mới được cho phép phổ biến lại gần đây ở Việt Nam do có ca từ bị cho là “nhạy cảm” về người lính VNCH. (Hình chụp qua màn hình)

 

Báo Pháp Luật TP.HCM dẫn lời giải thích của ông Trần Hướng Dương, cục phó Nghệ Thuật Biểu Diễn: “Mỗi địa phương có quyền chấp thuận hoặc không. Bởi có thể bài hát này, ca sĩ này phù hợp với địa phương này nhưng địa phương khác thì không.”

 

 “Đơn cử như có những ca khúc phù hợp biểu diễn ở nhà hát nhưng không phù hợp nơi công cộng hay gần cơ sở tôn giáo. Điều đó phụ thuộc vào việc phù hợp thuần phong mỹ tục, văn hóa bản địa vùng, miền.”

 

Ông Dương nói thêm: “Việc địa phương thấy phù hợp ca khúc, ca sĩ này hay không… quan trọng nhất chính là phải đưa ra một lý do chính đáng. Các cấp quản lý ở địa phương phải có lý do rõ ràng của việc không chấp thuận chứ không phải không thích là không chấp thuận.”

 

Vị giới chức quản lý văn hóa này cho biết rằng cơ quan quản lý cấp bộ “sẽ là nơi giám sát, thẩm định khi có địa phương không giải quyết được những vấn đề lớn.”

 

Đơn cử, báo Pháp Luật TP.HCM nhắc lại trường hợp của ca sĩ Chế Linh, người có thể biểu diễn khắp các tỉnh thành nhưng ông vẫn chưa được phép diễn tại Sài Gòn dù đã “lận lưng” giấy phép biểu diễn của Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn từ vài năm trước.

 

Trong một diễn biến khác, giới yêu âm nhạc lâu nay vẫn lên tiếng đề nghị cơ quan quản lý văn hóa CSVN công bố danh mục các ca khúc trước 1975 bị cấm, để rộng đường dư luận.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/12/VN-Cap-phep-ca-khuc-2-1536x1023.jpg

Ca sĩ Chế Linh được hát ở nhiều tỉnh thành tại Việt Nam, ngoại trừ Sài Gòn. (Hình: Dân Trí)

 

Liên quan đề nghị này, báo VNExpress hồi Tháng Mười, 2019, từng dẫn ý kiến của ông Phạm Hoài Nam, nhiếp ảnh gia, nói:

 

“Nhiều người trong chúng tôi – vốn sống và làm việc với âm nhạc – từ lâu nhận thấy việc cấp phép ca khúc phụ thuộc vào góc nhìn của cán bộ xét duyệt, không có mẫu số chung hay thước đo nào. Đây chính là lỗ hổng về mặt quản lý không đáng có, được tạo ra trên những quan điểm đã cũ, không còn hợp thời và cần được xem xét lại.”

 

Ông Nam cũng viết thêm:

 

“…Đơn giản hóa vấn đề, xem bài hát như một sản phẩm nghệ thuật sẽ khác rất nhiều việc coi nó như sản phẩm tuyên truyền cho một hình thái xã hội không còn tồn tại nữa. Đó có lẽ là điều cần làm của các cấp quản lý văn hóa trong hành trình đi tìm một lộ trình phát triển bền vững, bớt thủ tục hành chính cứng nhắc, xóa tan sự phân biệt vùng miền.”

 

Tuy vậy, đến nay, nhà chức trách không đưa ra phản hồi về danh mục những bài hát bị cấm phổ biến. (N.H.K) [qd]

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats