Covid-19 tăng
vọt ở Mỹ, một số người gốc Việt cho rằng ‘không nghiêm trọng’
04/12/2020
https://www.voatiengviet.com/a/covid-19-t%C4%83ng-v%E1%BB%8Dt-%....html
Bất chấp
tình hình dịch Covid-19 ở Mỹ đang xấu đi nhanh chóng, một số người gốc Việt ủng
hộ Tổng thống Donald Trump vẫn cho rằng ‘dịch bệnh đang bị thổi phồng’ và ‘thật
sự không có gì quá lo ngại’, theo tìm hiểu của VOA.
Nước Mỹ đang chứng kiến cả
số ca nhiễm và số tử vong vì virus corona tăng vọt trở lại. Chỉ riêng ngày
2/12, nước Mỹ đã ghi nhận trên 100.000 người nhập viện và 2.700 người tử vong,
theo Covid Tracking Project.
Đây là lần đầu tiên nước
Mỹ có con số nhập viện vì Covid-19 vượt quá 100.000 người mỗi ngày và cũng là
ngày có số tử vong cao nhất kể từ khi đại dịch khởi phát. Hiện giờ nước Mỹ đã có gần 14
triệu ca nhiễm và trên 270.000 người chết, tiếp tục đứng đầu thế giới.
Trung tâm Ngăn ngừa và
Phòng chống Dịch bệnh Mỹ, tức CDC, dự đoán cho đến tháng 2 năm sau, nước Mỹ sẽ
vượt mốc 450.000 người chết vì virus corona.
‘Covid là có thật’
Từ vùng Little Saigon thuộc
Quận Cam, bang California, một trong những bang bị dịch nặng nề nhất và hiện
đang thực hiện lệnh giới nghiêm từ 10h tối đến 5h sáng cho đến hết tháng 12, bà
Nguyễn Tường Khánh Trang, chủ tiệm làm móng và tóc Tiffany ở thành phố Santa
Ana, nói với VOA rằng bà tin Covid-19 là có thật.
Bà nói trong hai lần trước
tiểu bang đóng cửa để chống dịch, bà chỉ nghe có người nhiễm, người chết trên
báo đài nên bà ‘không tin’. “Bây giờ tôi phải tin vì đã có những bạn bè và người
thân của tôi đã và đang nằm điều trị Covid,” bà nói.
“Bạn bè, khách hàng của tôi đã nhập viện chính mắt
tôi thấy và nghe được, tường tận được những ca bệnh này nên tôi rất thận trọng
trong kỳ này,” bà Trang cho biết.
Tiểu bang California cùng với Texas và Florida hiện có
trên một triệu ca nhiễm virus corona. Trong ngày 2/12, tiểu bang này đã báo cáo
hơn 20.000 ca nhiễm mới, con số nhiễm trong ngày ở một bang cao nhất từ trước đến
nay ở Mỹ.
Trước tình hình đó, chính
quyền bang đang lên kế hoạch áp đặt lệnh ở nhà một lần nữa ở những khu vực mà
công suất khu chăm sóc đặc biệt trong các bệnh viện chỉ còn chưa tới 15%, theo
tường thuật của tờ Guardian. Hồi mùa xuân, tiểu bang đã một lần ban hành lệnh ở
nhà để chống dịch mà theo đó các cơ sở kinh doanh không thiết yếu đã phải đóng
cửa.
Theo lời bà Trang, một
người sui gia cùng một người khách hàng thân thiết của bà, đều trên 65 tuổi, hiện
vẫn đang tiếp tục được điều trị Covid ở bệnh viện. Ngoài ra, bà còn biết 4 người
quen của bà trong độ tuổi từ 40 trở xuống cũng bị nhiễm Covid hiện đang tự cách
ly ở nhà.
“Đích thân tôi đi mua đồ
ăn đem tới để trước cửa nhà cho họ mỗi ngày. Họ chờ xe tôi đi thì họ mới ra lấy
đồ ăn đem vào,” bà cho biết.
Bà nói ở khu Little
Saigon hiện giờ ‘rất là vắng vẻ’. “Đến 5h chiều là không còn quán xá nào có
khách nữa. Đến 7h tối thì là đèn tắt tối thui hết. Đến 9h các chủ tiệm phải dọn
dẹp sạch sẽ để về nhà kịp trước giờ giới nghiêm là 10h,” bà nói thêm.
Bãi đỗ xe trong khu tiệm
của bà sau 4h chiều chỉ còn lác đác vài chiếc xe của các chủ tiệm chứ không còn
khách hàng nữa, cũng theo lời bà Trang. Bà giải thích là ‘người ta hạn chế đi
lang thang ngoài đường vì sợ dịch’.
Sau hai lần dịch bùng
phát mạnh mẽ ở California, đến lần này bà Trang nói bà ‘đã có kinh nghiệm biết
phòng ngừa như thế nào’. “Lần đầu tiên tôi còn ngỡ ngàng không biết bệnh lây
như thế nào và gây chết chóc làm sao,” bà kể.
Mấy tháng chống dịch vừa
rồi thì người dân ở Little Saigon cũng đã quen nấu ăn ở nhà nên ‘các nhà hàng mất
khách gần một nửa’, người chủ tiệm này cho biết.
‘Không nghiêm trọng’
Tuy nhiên, bà Trang cho rằng
mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh đã ‘bị thổi phồng’. Bà giải thích là 4 người
quen của bà được cho về nhà tự điều trị ‘chỉ uống Tylenol (một loại thuốc trị cảm
cúm) khoảng 8 ngày là hết’.
“Tại sao chỉ qua một đêm
mà có thêm hàng chục ngàn bệnh nhập viện, hàng ngàn người chết,” bà lập luận và
cho rằng con số đó ‘bị thổi phồng.’ “Tiệm tôi có trên dưới trên 1.000 khách mà
tôi chưa từng đi đám tang nào vì Covid.”
Mặc dù không lo về sự
nghiêm trọng của dịch bệnh, nhưng do đặc thù công việc của bà phải tiếp xúc gần
với nhiều khách hàng khác nhau, bà Trang cũng lo lắng cho an toàn của bản thân.
Bà nói hai người thân của
bà đang nhập viện ‘cũng làm cho tôi hoang mang’. “Bản thân tôi khi làm việc
không dám gỡ khẩu trang và tấm chắn ra,” bà cho biết.
Theo lời bà thì điều bà
lo lắng nhất không phải là sức khỏe mà là vấn đề làm ăn của cửa tiệm. Bây giờ
khi khách hàng không dám ra đường, thợ của bà cũng không dám đến tiệm làm thì cửa
tiệm của bà hiện rất khó khăn.
“Tôi sợ đợt này nữa thì
tôi không biết gánh nổi kinh tế hay không. Thứ hai nữa là dịch đã kéo dài lâu
quá rồi khiến tôi mệt mỏi. Tôi chờ một ánh sáng mờ mà chưa thấy được,” bà Trang
than thở.
Bà cho biết bà đã ba lần
nộp hồ sơ xin vay gói cứu trợ doanh nghiệp nhỏ của chính phủ, tức PPP, nhưng đều
bị bác vì ‘không đủ điều kiện về thuế’. Thay vào đó, bà vay được từ Cục Quản lý
Tiểu thương, tức SBA, số tiền 23.000 đô la từ tháng 3 và hiện nay đã chi tiêu hết.
Bây giờ bà vừa mượn một số tiền của bạn bè để chi dụng cho những tháng kế tiếp.
Là một người ủng hộ nhiệt
thành của ông Trump và tin là cuộc bầu cử vừa qua ‘có gian lận’, nhưng bà Trang
không đồng ý với những người Việt tuần nào cũng tụ tập xuống đường tuần hành
‘Stand with Trump’ kể từ cuộc bầu cử tới nay.
“Chính vì tôi biết nhóm
Black Lives Matter mấy tháng trước tụ tập giữa mùa dịch khiến dịch tăng nên tôi
không xuống đường ủng hộ Trump,” bà giải thích.
“Xung quanh mấy ngàn người
đứng trong chu vi rất nhỏ. Họ đứng ngay trên ngọn gió thổi xuống mà còn la lối
um sùm thì thế nào cũng có người nhiễm bệnh,” bà nói.
Bà Trang cho rằng khẩu hiệu
của những người biểu tình là ‘chẳng thà bị Covid-19 còn hơn Biden 21’ (tức Tổng
thống tân cử Joe Biden vào Nhà Trắng vào năm sau) là ‘quá cuồng’.
“Tổng thống không phải
ông này thì là ông khác, còn sinh mạng mình chỉ có một mà thôi,” bà phân tích.
“Không thể lấy sinh mạnh mình ra đánh cược được.”
Cư dân này nói rằng những
người xuống đường ủng hộ ông Trump như vậy sẽ ‘tội nghiệp cho bác sĩ và y tá
trong nhà thương phải dành thời gian cứu tính mạng bệnh nhân’.
No comments:
Post a Comment