Cao
Huy Thuần
(Thời Đại Mới 12-2020)
http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai39/202039_CHThuan.pdf
Con chim có cánh. Con
công, con thiên nga có cánh. Con gà con vịt có cánh. Con người không có cánh.
Giống như con bò, con khỉ, bất cứ con vật gì có bốn chân, hoặc hai chân hai
tay, nghĩa là tứ chi.
Không có cánh, cho nên
con người không biết bay, không bay. Con người đi, hai chân trên đất. Và có nhiều
người tự hào như vậy, tự hào đi hai chân trên đất. Họ cười những người không giống
họ: anh chàng này không đi hai chân trên đất, anh chàng kia đang lơ lửng trên
cung trăng.
Sự việc hiển nhiên và tầm
thường như thế. Vậy mà muốn nói đến những vấn đề lý thuyết cao siêu, có khi lại
phải bắt đầu bằng những nhận xét vụn vặt con gà con vịt như vậy. Vấn đề dân chủ
chẳng hạn - tất nhiên tôi muốn nói đến dân chủ ở phương Tây này.
Dân chủ là gì? Ai cũng trả
lời na ná như nhau: là quyền của dân, là dân tự mình cai trị mình. Thế nhưng nếu
có người hỏi tiếp: dân là gì? dân là ai? chưa chắc tôi đã dễ trả lời. Trong
ngôn ngữ Hy Lạp, demos, vào khoảng thế kỷ thứ năm trước tây lịch, có nghĩa là cộng
đồng dân chúng thành Athène tập hợp lại trong một hội đồng, một ekklesia. Thế
nhưng demos vừa có thế hiểu là toàn thể (plenum), vừa có thể hiểu là đám đông
(polloi), vừa có thế hiểu là đa số (pleiones). Sự lẫn lộn đó càng rõ ràng hơn
trong ngôn ngữ hiện tại. Trong ngôn ngữ Pháp, Đức, Ý, từ peuple, volk, popolo
hàm chứa ý niệm một tập hợp duy nhất, trong khi từ people của Anh lại mang tính
cách số nhiều, đa nguyên. Sự khác biệt này có hậu quả quan trọng lắm: quan niệm
thứ nhất mời gọi chúng ta xem dân như là một linh hồn tập thể, một tổng thể hữu
cơ có khả năng phát biểu ý muốn của mình như là một ý muốn chung mà không ai thấy
cả, trong khi quan niệm thứ hai nhìn dân qua những cá nhân đang sống sờ sờ ra đấy,
và ý muốn của dân là ý muốn của tập hợp những cá nhân mà ai cũng thấy được, ông Mít,
ông Xoài, ông Ổi.
Thế thì dân nào "tự
mình cai trị mình"? Nếu đó là dân hiểu theo quan niệm thứ nhất thì chính
thể nào, dân chủ hay không, đều có thể vỗ ngực xưng mình là dân chủ, bởi vì nhà
cầm quyền nào cũng có thể tuyên bố nhân danh một ý muốn chung mà mình là người
phát ngôn, là đại diện chân chính. Nếu dân hiểu theo quan niệm thứ hai thì,
trong thực tế, không có dân nào tự mình cai trị mình cả, bởi vì, trong thực tế,
nền dân chủ nào cũng dựa trên nguyên tắc đa số, nghĩa là có đa số nắm quyền và
có thiểu số bị hất ra khỏi quyền lực. Có điều là thế này: thiểu số đó sống và
hoạt động như thể mình sẽ trở thành đa số ngày mai. Dân chủ Tây phương là như vậy.
Và, trong ý nghĩa đó, "dân" nắm quyền nghĩa là đa số nắm quyền trong
sự tôn trọng quyền của thiểu số.
Thế thì, trong dân chủ
Tây phương, tuyển cử là cơ chế quyết định. Đó là lúc mà "dân" thực hiện
quyền của mình. Thay đổi đa số, thay đổi người cầm quyền: dân muốn, dân làm.
Thế nhưng từ đó lại có một
loạt vấn đề đặt ra. Vấn đề hiển nhiên trước tiên, Rousseau đã nói từ lâu: dân bầu
lên người đại diện có khác nào ủy thác cho người đó quyền của mình; trong thực
tế, đó là kẻ nắm quyền thực sự, không phải dân. Dân là thượng đế trong ngày tuyển
cử, sau đó, coi chừng, có cơ nguy trở thành nô lệ. Ấy là khôn một giờ dại đến
ba bốn năm. Khổ thay, dân chủ trực tiếp mà Rousseau mơ ước không thể áp dụng được
trong các quốc gia rộng lớn ngày nay, đành phải nhờ cậy đến khái niệm dân chủ đại
diện mà thôi. Trên lý thuyết, dân chỉ có quyền kiểm soát, kể cả dân hiểu theo
nghĩa đa số, dân đang chiến thắng qua tuyển cử. Nhưng làm sao kiểm soát được
người đại diện đang nắm quyền trong xã hội chính trị phức tạp ngày nay mà vấn đề
nào cũng đòi hỏi những hiểu biết chuyên môn rất sâu? Hỏi ông Ổi, ông Mít, ông
Xoài về sự phá giá của đồng bạc, về chính sách mậu dịch quốc tế, ông sẽ rất bằng
lòng nhường những chuyện tuế toái đó cho những người đại diện của ông và tiếp tục
phơi nắng trên bãi biển. Hoặc giả các ông đó lại tiếp tục phơi nắng và nhường
luôn quyền kiểm soát cho đảng phái của các ông. Đảng phái, vì vậy, lại là một
cơ chế tất yếu của dân chủ đại diện, của dân chủ phương Tây. Nó mà trục trặc
thì dân chủ xứ này rơi vào khủng hoảng.
‘
XEM TIẾP : http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai39/202039_CHThuan.pdf
No comments:
Post a Comment