Friday, 18 December 2020

CHỦ QUYỀN QUỐC GIA và TƯƠNG QUAN NGHIÊM CHỈNH GIỮA QUÂN ĐỘI VÀ NHÂN QUYỀN (Đào Tăng Dực)

 


Chủ quyền quốc gia và tương quan nghiêm chỉnh giữa quân đội và nhân quyền

Đào Tăng Dực 

19/12/2020

https://baotiengdan.com/2020/12/19/chu-quyen-quoc-gia-va-tuong-quan-nghiem-chinh-giua-quan-doi-va-nhan-quyen/

 

Vào trung tuần tháng 12, một số biến cố quan trọng tại Úc xảy ra, liên hệ đến đảng CSTQ và có ảnh hưởng lâu dài đến chủ quyền quốc gia và tương quan giữa quân đội Úc và các bản giá trị nền tảng về nhân quyền, được khắc ghi trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc công bố ngày 10 tháng 12 năm 1948.

 

Trước hết, chúng ta phải lưu ý rằng, trong tương quan mậu dịch giữa Úc và CSTQ, thì Úc thặng dư mâu dịch hằng năm rất cao. Riêng tài khóa 2019- 2020 lên đến 77.4 tỷ Úc Kim.

 

Cũng một phần vì lý do này, CSTQ nghĩ rằng mình là quốc gia ân nhân của Úc và Úc phải đứng về phía TQ trên trường quốc tế.

 

Điều làm Bắc Kinh vô cùng phẩn nộ và ngạc nhiên là vào tháng Tư, 2020, Ngoại trưởng Úc Marise Payne là chính khách quốc tế đầu tiên yêu cầu xúc tiến một cuộc điều tra quốc tế về khả năng xử lý Đại Dịch Vũ Hán của TQ, độc lập với Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) mà cả Hoa Kỳ lẫn Úc đều cho là bị ảnh hưởng của CSTQ. Lời kêu gọi này lập tức được Hoa Kỳ cũng như các cường quốc tây phương nhiệt liệt ủng hộ.

 

CSTQ coi đây là một sự phản bội và đưa ra một loạt chính sách trừng phạt kinh tế Úc như tăng thuế, cấm hoặc kiểm soát khắc khe nhập cảng những mặt hàng Úc như than đá, rựu và thịt, trị giá lên đến nhiều tỷ Mỹ Kim.

 

Chính quyền Úc, dưới sự lãnh đạo của Thủ Tướng Scott Morrison, tuyên bố sẽ không bao giờ nhượng bộ khi chủ quyền quốc gia và những bảng giá trị dân chủ cốt lõi bị đe dọa. Đầu tháng 12 vừa qua, quốc hội lưỡng viện, với sự đồng thuận của lưỡng đảng, đã thông qua Sắc Luật Bang Giao Quốc Tế 2020.

 

Sắc luật này minh thị trao cho Liên Bang quyền duyệt xét và thay đổi các hiệp ước thân hữu với TQ, ký kết giữa các chính quyền tiểu bang, lãnh thổ, địa phương hoặc các đại học bất lợi cho chủ quyền quốc gia Úc.

 

Úc tuy có gia nhập Hiệp Định Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực (RCEP) do TQ chủ trương về phương diện mậu dịch, nhưng trên phương diện quốc phòng lại cũng gia nhập nhóm 5 quốc gia Ngũ Nhãn (Five Eyes) do thám những động thái quân sự của TQ gồm Úc, Canada, Tân Tây Lan, Anh và Hoa Kỳ.

 

Úc là một đồng minh của Hoa Kỳ tham chiến tại Afghanistan. Úc là một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính, với một hệ thống báo chí tư nhân hùng mạnh. Nhiều năm qua, đã có những rò rỉ cáo buộc về những vi phạm nhân quyền tại Afghanistan của binh đoàn SAS (Special Air Service), một đơn vị thiện chiến nhất của quân đội Hoàng Gia Úc.

 

Tiến Sĩ Samantha Crompvoets đã được Bộ Quốc Phòng yêu cầu điều tra và bản phúc trình của bà cho thấy sự vi phạm nhân quyền trầm trọng của khoảng 10 chiến binh trong bình đoàn này đối với các thường dân Afghanistan. Một bản phúc trình của Tướng Paul Brereton cũng kết luận khoảng 39 thường dân và tù binh Afghanistan bi giết.

 

Sự thật bùng nổ trên báo chí. Chính phủ Úc tuyên bố sẽ cải tổ binh đoàn SAS, thủ tướng Úc xin lỗi nhân dân Afghanistan và hứa sẽ bồi thường.

 

CSTQ lợi dụng tình trạng này và vào cuối tháng 11, một viên chức cao cấp bộ Ngoại Giao CSTQ đăng trên Twitter một hình ảnh giả tạo về một chiến binh SAS Úc cầm dao kè cổ một em bé Afghanistan kèm lời dèm pha diễu cợt quân đội Úc.

 

Đây là một sỉ nhục lớn lao cho toàn thể quân lực Úc. Chính vì thế thủ tướng Úc yêu cầu Băc Kinh xin lỗi, rút lại hình ảnh. Tuy nhiên CSTQ cho rằng Úc đã phản ứng thái quá lố về một sự kiện họ cho là không đáng kể.

 

Tại sao đối với Úc Đại Lợi đây là một biến cố trọng đại, còn đối với CSTQ thì đây chỉ là một sự kiện không đáng kể?

 

Lý do chính là vì Úc có một nền văn hóa tôn trọng nhân quyền, còn CSTQ có một nền văn hóa khinh bỉ nhân quyền.

 

Khi chính phủ Úc nghiêm xử các chiến binh tàn ác với dân Afghanistan, họ không những muốn bảo vệ người dân Afghanistan vô tội, mà họ còn muốn bảo đảm rằng, quân đội Hoàng Gia Úc sẽ không bao giờ tàn sát chính nhân dân của mình như Quân Đội Nhân Dân CSTQ tàn sát hằng ngàn người dân vô tội tại Thiên An Môn năm 1989, hoặc Quân Đội Nhân Dân CSVN thảm sát hằng ngàn dân Việt vô tội tại cố đô Huế năm 1968.

 

Các đảng CSTQ và CSVN không bao giờ hiểu được rằng sự kiện chính phủ Úc hành xử nghiêm khắc với một số thành phần tội ác, trong một binh đoàn SAS ưu tú của quân đội họ, là vì nhân quyền nền tảng và phúc lợi lâu dài của quốc gia Úc.

 

Cả hai đảng CS này cho rằng hình ảnh giả tạo một chiến binh SAS kè dao vào cổ một em bé Afghanistan là chẳng có gì lớn lao. Họ hoàn toàn không hiểu tại sao chỉ giết một vài thường dân Afghanistan xa xôi, mà phải cải tổ sâu rộng binh đoàn SAS, hoặc xin lỗi nhân dân Afghanistan và chấp nhận bồi thường?

 

Bài học cho dân tộc Việt Nam là gì?

 

Trước hết, một nước Việt Nam không cộng sản của tương lai sẽ bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng mọi giá và bất khuất trước bá quyền Đại Hán, dứt khoát không ương hèn như đảng CSVN bây giờ.

 

Thêm vào đó, Việt Nam sẽ có một bản hiến pháp dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên, rút tỉa những ưu và khuyết điểm của các thể chế (từ tổng thống chế đến quốc hội chế) và hiến pháp đương đại, làm mẫu mực cho thế hệ mai sau.

 

Nhất là, trong giai đoạn hậu CS, dân tộc Việt phải được sự bảo vệ của một quân đội và những quân nhân nghiêm chỉnh, tôn trọng hiến pháp, trung thành với tổ quốc Việt Nam, vượt lên trên những tranh chấp đảng phái, nhất là nuôi dưỡng một lòng nhân ái sâu xa và trân trọng những nhân quyền căn bản của người dân.

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats