Ngọc Lễ - VOA
12/12/2020
Bất chấp việc Mỹ thoái
lui khỏi vai trò lãnh đạo với chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’ và ảnh hưởng của Mỹ
ở châu Á ngày càng suy yếu so với Trung Quốc, các nước châu Á vẫn cần Mỹ quay
trở lại để cân bằng với Trung Quốc.
Đó là nhận định được đưa
ra tại buổi hội thảo trực tuyến với chủ đề ‘Một trật tự mới cho nước Mỹ và châu
Á – Á châu không cần Mỹ?’ do Quỹ Carnegie cho Hòa bình Quốc tế (Carnegie
Endowment for International Peace) có trụ sở ở Washington tổ chức hôm 10/12 quy
tụ các nhà ngoại giao và cựu quan chức chính quyền đến từ Mỹ và châu Á.
Hội thảo dựa trên tiền đề
là vai trò dẫn dắt của Mỹ ở khu vực kể từ Đệ nhị Thế chiến không còn nữa dưới
thời Tổng thống Donald Trump. Các nước châu Á, dưới sự dẫn dắt của Trung Quốc
hay Nhật Bản, đã tự đặt ra các chuẩn mực thương mại, đầu tư, kỹ thuật số… mà
không cần có Washington.
Bằng chứng rõ ràng nhất
là hai hiệp định tự do thương mại khổng lồ trong khu vực là Hiệp định Đối tác
Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế
Toàn diện Khu vực (RCEP) đều đã được ký kết mà không có sự tham gia của Mỹ.
Bối cảnh đó đặt ra thách
thức cho chính quyền của Tổng thống Mỹ tân nhiệm Joe Biden vì khi ông nhậm chức
vào ngày 20/1 năm sau, tình hình châu Á về mặt chiến lược, chính trị và thể chế
sẽ không còn giống như khi ông rời nhiệm sở trên vai trò Phó Tổng thống hồi năm
2017.
‘Từ bỏ vai trò’
Mở đầu buổi hội thảo, ông
Evan A. Feigenbaum, phó chủ tịch Nghiên cứu phụ trách khu vực châu Á của Quỹ
Carnegie cho Hòa bình Quốc tế (Carnegie Endowment for International Peace) lưu
ý về vai trò đang suy yếu của Mỹ trong khu vực.
Ông phân tích rằng vai
trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á được thể hiện qua hai trụ cột: trụ cột an ninh với
vai trò đảm bảo hòa bình, an ninh cho khu vực thông qua sự hiện diện quân sự và
mạng lưới đồng minh; trụ cột kinh tế với vai trò là thị trường xuất khẩu chính
cho các nước trong khu vực hướng đến sự thịnh vượng. Nhờ đó mà Mỹ đóng vai trò
chủ chốt trong việc đặt ra các quy định, chuẩn mực, luật lệ quyết định cuộc
chơi.
Về trụ cột an ninh, các
nước châu Á vẫn cần vai trò của Mỹ do không có sự tin tưởng giữa các nước lớn
như Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ nên châu Á không xây dựng được cơ chế an ninh
tập thể như châu Âu dựa trên trục Pháp-Đức. Trên trụ cột kinh tế, vì ảnh hưởng
của Mỹ trong khu vực ngày càng giảm so với Trung Quốc, các nước châu Á ngày
càng trở nên dựa vào thị trường Trung Quốc hơn là thị trường Mỹ, cũng theo ông
Feigenbaum.
“Nước Mỹ (dưới thời
Trump) dường như đang từ bỏ vai trò (xác định luật lệ) không chỉ với việc họ
rút ra khỏi các hiệp định thương mại và các quá trình khác mà các nước châu Á
đang xúc tiến mà không cần có Mỹ,” ông nói.
Việc Mỹ rút lui đã dẫn đến
các nước châu Á ngày càng tìm đến nhau trong lĩnh vực vốn, giao thương, kiến thức,
công nghệ, ý tưởng, dữ liệu…, cũng theo vị học giả này. “Nước Mỹ sẽ đóng vai
trò gì trong khu vực vốn ngày càng tìm đến nhau hơn chứ không chỉ là nhìn qua
bên kia bờ Thái Bình Dương nữa?” ông đặt vấn đề.
Từ Singapore, bà Chan
Heng Chee, đại sứ lưu động Bộ Ngoại giao và từng là Đại sứ Singapore ở Mỹ, đồng
ý rằng Washington ngày càng yếu đi trước Bắc Kinh đang trỗi dậy ở khu vực và rằng
chính quyền của ông Joe Biden phải lưu ý rằng ‘châu Á đang có cảm giác tự tin mới’
trong khi nước Mỹ hiện nay, theo bà, ‘rất là chia rẽ’.
“Làm sao nước Mỹ có thể
tiến lên được? Quý vị có thể đem đến nhiều điều tốt nhưng làm sao quý vị có thể
hành động trên trường quốc tế được,” bà Chan lập luận.
“Tổng thống Trump và
chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’ của ông khiến chúng tôi tự hỏi có phải nước Mỹ
đang rút lui những lợi ích của họ và chính vì vậy mà tất cả các nước trong khu
vực cần phải lấp vào lỗ hổng đó và thành lập các liên minh mới,” bà nói thêm và
chỉ ra rằng các nước châu Á ‘không thể nào tin một quốc gia dẫu đầu về khoa học
và công nghệ như Mỹ lại xử lý đại dịch Covid-19 yếu kém như vậy’.
Do đó, bà cho rằng trong
tình hình mới nước Mỹ cần phải chấp nhận việc các nước châu Á tự mình hành động
mà không cần có Mỹ và nước Mỹ ‘không còn là bá quyền (hegemon) ở châu Á nữa mà
thay vào đó, khu vực đang chuyển động theo hướng trật tự đa cực với Trung Quốc
đang đuổi kịp để thay thế Mỹ. “Sẽ có hai cực dẫn đầu và các nước khác,” bà nhận
định.
Về phần mình, ông
Shivshankar Menon, người từng là Ngoại trưởng và Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ,
cho rằng từ những sụp đổ do dịch Covid-19 gây ra và chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ mà
các nước châu Á ngày càng nhìn vào bên trong khu vực để tìm nguồn tăng trưởng.
“Riêng Trung Quốc trong
năm ngoái đã chiếm đến 40% tăng trưởng kinh tế toàn cầu,” ông lưu ý và nhận định
toàn cầu hóa đang trở nên ‘địa phương hóa’ trong khu vực châu Á.
Chính vì sự thay đổi cán
cân quyền lực đó mà ông Shivshankar đặt vấn đề: “Tại sao có nhiều nước trong
khu vực ngày càng tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng, tình báo? Tại vì họ
thấy cán cân quyền lực đang thay đổi.”
Ông Michael Froman, cựu Đại
diện Thương mại Mỹ trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama và là người
đàm phán của Mỹ trên các vấn đề thương mại và đầu tư quốc tế, cho rằng quyết định
của chính quyền Trump rút ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP)
là ‘một trong những sai lầm chiến lược tệ hại nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại’.
Ông Feigenbaum nhắc lại lời
của cựu Tổng thống Obama khi ông vận động cho TPP rằng ‘nếu nước Mỹ không viết
luật lệ thì Trung Quốc sẽ quyết định luật lệ trong khu vực’ và cho rằng điều
này đã xảy ra với việc Mỹ rút ra khỏi TPP.
Tuy nhiên, ông Froman cho
rằng với CPTPP vẫn ‘thể hiện phần lớn những gì Mỹ đã đàm phán trong TPP’ nên
Washington vẫn duy trì ảnh hưởng. Theo ông, mặc dù khối RCEP lớn về quy mô
nhưng lại ‘tương đối thấp về chuẩn mực’ và ‘không thật sự là hiệp định đặt ra
luật lệ như TPP’.
‘Cần nước Mỹ quay
lại’
Một vấn đề đặt ra là nếu
các nước châu Á tăng cường hội nhập về kinh tế với nhau trong khi Mỹ đứng bên
ngoài thì liệu một ngày nào đó sự gắn bó về kinh tế sẽ dẫn đến sự hội nhập về
an ninh hay không? Khi đó thì vai trò của Mỹ trong cấu trúc an ninh khu vực sẽ
không cần thiết nữa.
Ông Menon không tin giả
thiết này sẽ xảy ra. “Có nhu cầu trong khu vực cho cả sự can dự kinh tế và vai
trò đảm bảo an ninh của Mỹ và dĩ nhiên là vai trò của Mỹ như là người thiết lập
quy tắc trên cả hai lĩnh vực. Câu hỏi duy nhất là hiện giờ Mỹ có sẵn sàng làm
nguồn cung hay không?” ông lập luận.
Bà Chan chỉ ra rằng ‘rất
khó thiết lập được sự hợp tác chính trị’ giữa ba nước châu Á từng là cựu thù là
Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. “Điều này sẽ không xảy ra. Cảm giác trong khu
vực là họ tin tưởng nhất ở Mỹ trên vấn đề an ninh. Họ mong muốn Trung Quốc làm
nhiều hơn để trở nên đáng tin cậy hơn,” bà nói.
Cho nên trên vấn đề an
ninh, theo lời cựu Đại sứ Singapore, thì nhiều nước châu Á dựa vào Mỹ do đã có
lòng tin trong khi Bắc Kinh ‘phải học cách xây dựng lòng tin’.
Bà cũng cho biết châu Á
‘đang rất mong muốn nước Mỹ (dưới thời ông Joe Biden) sẽ quay trở lại’ nhưng nước
Mỹ sẽ cần tham vấn các nước trong khu vực bởi vì hiện giờ châu Á ‘đã khác so với
bốn năm trước đây’.
“Mỹ cần phải hiện diện một
cách hết sức mạnh mẽ. Họ sẽ phải tham dự các cuộc họp trong khu vực,” bà khuyến
cáo. Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ của mình đã bỏ qua các hội nghị thượng
đỉnh với Asean, thượng đỉnh Đông Á và APEC và chỉ cử các quan chức cấp dưới đi
thay. Điều này đã khiến các nước nghi ngờ về cam kết của Mỹ đối với khu vực.
“Bộ Ngoại giao Mỹ cần đề
cử những người mà chúng tôi có thể nói chuyện được. Những người đó sẽ đến khu vực
để lắng nghe những gì chúng tôi nói và đem thông điệp đó trở về Washington để
đưa những ý kiến đó vào quá trình hoạch định chính sách với châu Á,” bà nói.
Cựu Đại diện Thương mại Mỹ
Michael Froman cũng thừa nhận rằng ‘có nhu cầu rất lớn ở châu Á về Mỹ tiếp tục
can dự và lãnh đạo’.
Ông lưu ý rằng một khi Bắc
Kinh càng trở nên thống trị khu vực thì những giá trị và nguyên tắc của thể chế
độc tài của họ sẽ ngày càng khuếch trương ra bên ngoài và ngày càng lộ liễu
trên cả ngoại giao kinh tế và an ninh.
“Các nước trong khu vực
muốn có sự hiện diện của Mỹ không phải chỉ cần thiết là để kiềm chế mà là để
cân bằng, để họ có thêm lựa chọn,” ông nói.
Sau bốn năm của chính quyền
Trump, ông Froman cho rằng sự xoay trục và tái cân bằng sang châu Á (chiến lược
kiềm chế Trung Quốc của chính quyền Obama) vẫn còn đó và nước Mỹ ‘vẫn là cường
quốc châu Á’.
Ông Menon chỉ ra việc mô
hình nước Mỹ vẫn rất có sức mạnh ở châu Á và vai trò của nước Mỹ về mặt kinh tế
và đối tác chiến lược vẫn rất cần thiết cho các nước trong khu vực.
No comments:
Post a Comment