Biden
đối đầu với Trung Cộng cách nào?
21/12/2020
https://www.voatiengviet.com/a/biden-tap-can-binh-suc-manh-mem/5707634.html
Vào thế kỷ 15, Trung Quốc
đứng đầu thế giới về kinh tế, quân sự. Các triều đình Minh, Thanh còn cả “sức mạnh
mềm” nhờ ảnh hưởng trên các nước láng giềng. Từ thế kỷ 19, Trung Quốc đã suy sụp.
Hiện nay Tập Cận Bình cổ động cho “Trung Quốc Mộng” để tái lập vai trò bá chủ
cũ. Mỹ và Trung Quốc sẽ tranh giành ảnh hưởng trên thế giới trong một thế hệ tới,
nếu không nói là trong cả thế kỷ 21.
Trong cuộc cạnh tranh
này, một nhược điểm của nước Mỹ là chính sách ngoại giao luôn thay đổi. Chính
phủ Mỹ lên xuống theo chu kỳ các cuộc bầu cử. Các đảng chính trị, Cộng Hòa và
Dân chủ, phải chiều theo dư luận dân chúng vì nhu cầu tranh cử. Mà dân Mỹ thường
chỉ nhìn vào các vấn đề thiết thực của họ, không coi các chính sách ngoại giao
là quan trọng. Mỗi chính phủ mới lên lại có thể đảo ngược các chính sách bang
giao, khiến người ta cảm thấy nước Mỹ không có một chiến lược lâu dài.
Điều may mắn là hiện nay
tất cả mọi người Mỹ đều coi Trung Cộng là một đối thủ lâu dài, nguy hiểm nhất.
Điều này được thể hiện rõ ràng trong quốc hội; cả hai đảng suy nghĩ giống nhau,
đồng ý phải đối phó với Trung Cộng. Những đối thủ nhỏ như Iran, Cuba, đáng quan
tâm nhưng không đáng sợ. Còn nước Nga, hiện càng ngày càng đi xuống, dù bên
ngoài vẫn làm ra vẻ mạnh.
Những vụ “tin tặc”
(hackers) xâm nhập vào máy điện toán của các công ty và chính quyền Mỹ, mà mọi
người coi chỉ có guồng máy gián điệp của Nga mới có khả năng thực hiện, cho thấy
Vladimir Putin cũng nguy hiểm không khác gì Tập Cận Bình. Nhưng hành động len lỏi
vào các hệ thống điện toán để có thể làm tê liệt, hoặc điều động theo ý muốn, để
nhắm vào mục tiêu nào? Gián điệp Nga có thể phát ra các lệnh làm xáo trộn hoạt
động của các ngân hàng, các nhà máy điện, hải cảng hay phi trường, cho đến cơ
quan nguyên tử lực ở Mỹ; nhưng sau đó họ sẽ làm gì để có lợi cho nước Nga và
chính quyền Nga?
Những hoạt động phá hoại
quy mô đó chỉ có lợi cho Nga nếu một cuộc chiến tranh toàn diện giữa hai quốc
gia. Mà chắc chắn ông Putin không muốn điều này xảy ra; bởi vì cuối cùng chỉ có
Trung Cộng hưởng lợi. Vì thế, đối thủ lớn nhất của Mỹ trên thế giới vẫn là
Trung Cộng.
Cuộc cạnh tranh giữa hai
cường quốc sẽ có tính cách toàn diện, nhưng quân sự không phải là mặt quan trọng
nhất. Nước Mỹ đã thắng trong cuộc chiến tranh lạnh thế kỷ trước là do sức mạnh
kinh tế và sức hấp dẫn của lý tưởng tự do. Điều này tới nay vẫn đúng. Sức mạnh
lâu dài của nước Mỹ là “sức mạnh mềm,” biểu hiện trong lối sống của một “xã hội
mở” người dân được sống tự do. Sức mạnh mềm này chỉ có thể được thi thố khi nước
Mỹ tạo được niềm tin của các dân tộc khác, các quốc gia khác. Cho nên bên cạnh
cuộc chạy đua kinh tế, Mỹ phải liên kết mạnh hơn với các dân tộc cùng theo chế
độ dân chủ tự do, vượt lên trên những xung khắc quyền lợi nhất thời.
Trên mặt kinh tế, Trung Cộng
có một chiến lược lâu dài. Tập Cận Bình đã cổ động cho kế hoạch Một Vành Đai, Một
Con Đường, khai thác các quặng mỏ ở châu Phi và gia tăng trao đổi với các nước
châu Mỹ La Tinh.
Trung Cộng đã chiếm chỗ của
Mỹ, trở thành nước giao thương lớn nhất với vùng Nam Mỹ, ngoài Mexico. Năm
2019, các nước này trao đổi $223 tỷ hàng hóa với Trung Cộng, chỉ có $198 tỷ với
Mỹ. Trung Cộng đã cho các nước trong vùng vay nợ nhiều tỷ đô la, trong chiến lược
dùng tiền nợ để ràng buộc lâu dài mà Bắc Kinh đã áp dụng khắp thế giới. Trung Cộng
nhắm vào các quặng mỏ đồng trong vùng núi Andes, mua nông sản và thịt của
Argentine và Brazil. Cựu tổng thống Bolivia, ông Jorge Quiroga nói, “Người ta hỏi
tôi thích Mỹ hay Trung Quốc hơn, tôi trả lời: Brazil! Lại hỏi tôi, sau Brazil
là nước nào, tôi nói, Trung Quốc! Chính phủ mới ở Mỹ phải xét lại những mối
bang giao này.
Tại châu Á, sau khi chính
phủ Mỹ rút ra khỏi thỏa ước Hợp tác Á châu Thái Bình Dương (TPP), bây giờ Mỹ
không thể trở lại tham dự thỏa ước mới thay thế TPP dù 11 nước còn lại vẫn giữ.
Vì họ sẽ đặt ra các điều kiện mới mà quốc hội Mỹ không thể chấp thuận. Trong
khi đó Trung Cộng đã xúc tiến để ký kết thỏa ước RCEP với các nước Đông Nam Á
cùng Nam Hàn, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Nhưng RCEP là một thỏa ước sơ
sài và rất yếu, cho nên Mỹ vẫn có thể xúc tiến việc liên kết với các quốc gia Á
châu để tạo một liên minh kinh tế mạnh hơn. Điều này có thể thực hiện được nếu
chính phủ mới ở Mỹ tỏ ra thiết tha muốn nối chặt lại các quan hệ thương mại. Và
các nước Á Đông đang trông đợi dấu hiệu đó.
Cạnh tranh kinh tế trong
thời gian tới sẽ là một cuộc chạy đua kỹ thuật, trong các lãnh vực viễn thông
và trí khôn nhân tạo. Nước nào mạnh hơn sẽ dẫn đầu thế giới trong việc ấn định
các tiêu chuẩn cho các nước khác cùng theo. Nếu Mỹ thắng thế, các chế độ dân chủ
sẽ thắng, nếu Trung Cộng mạnh hơn, quyền tự do của các dân tộc đều bị đe dọa.
Trong hai năm qua, chính
phủ và quốc hội Mỹ đã chú trọng tới mặt trận này khi dùng các biện pháp ngăn chặn
không cho các công ty Trung Quốc như Huawei chiếm lĩnh thị trường viễn thông 5G
ở Âu châu cũng như trong các nước khác. Mỹ đã được các nước Âu châu ủng hộ
trong kế hoạch không cho các công ty Trung Cộng xâm nhập, vì quyền lợi của
chính họ.
Một lợi thế của Mỹ là
Trung Quốc hiện nay còn lệ thuộc vào việc nhập cảng chất bán dẫn
(semiconductor) để chế tạo các chip điện tử hiện đại nhất. Mỹ còn tiếp tục giữ
được lợi thế này trong hàng chục năm tới. Mỹ đã cấm các công ty Mỹ, và các công
ty Âu châu, Úc, Nhật Bản, Nam Hàn, vân vân đang dùng đồ của Mỹ, không được cung
cấp các chip mạnh nhất cho Huawei và ZET. Ấn Độ cũng cấm các công ty lớn Trung
Cộng như Alibaba, TenCent, TikTok. Nhưng chiến thuật này không thể tiếp tục về
lâu về dài. Các xí nghiệp sẽ tìm cách “xé rào,” có thể mở ra những trung tâm
nghiên cứu và sản xuất trong lục địa Trung Hoa, giúp Trung Cộng thoát nạn và
phát triển thêm.
Chính quyền mới ở Mỹ sẽ
phải áp dụng một chiến thuật cô lập hóa Trung Cộng bằng cách liên minh với các
nước hiện đang dẫn đầu về chất bán dẫn và chế tạo chip. Khi Mỹ và một số nước
như Đài Loan và Nam Hàn đồng ý lập một hàng rào kỹ thuật ngăn cản Trung Cộng,
thì hiệu quả sẽ chắc chắn và vững vàng hơn.
Nhưng chính phủ Mỹ làm
cách nào biện hộ cho cuộc liên minh này, khi các nước khác thấy chính họ bị thiệt
hại về kinh tế?
Một cách thuyết phục các
đồng minh đó là nhu cầu liên kết giữa nước tự do dân chủ trước mối đe dọa của
chế độ cộng sản Trung Hoa đang làm sống lại tham vọng đế quốc ngàn đời.
Chính phủ Mỹ cần chứng tỏ
cho các nước Đài Loan, Nhật Bản, Úc, Nam Hàn và các nước Âu châu rằng các quốc
gia dân chủ cần đoàn kết trước mối đe dọa của một nước độc tài đàn áp dân Tây Tạng,
Tân Cương, lại nuôi giấc mộng khuynh đảo thế giới.
Nước Mỹ phải làm sống lại
niềm tin vào chế độ tự do dân chủ, trong lòng người dân các nước đồng minh ở Á
châu. Chế độ dân chủ mang một nhược điểm nội tại, không thể thay đổi được, là
lúc nào cũng chứa đựng các mối xung đột, có khi sinh ra chia rẽ gay go. Nhưng
chế độ dân chủ có một sức mạnh là luôn luôn biết cách tự cải thiện để tiến tới.
Cuộc bầu cử ở Mỹ vừa qua cho cả thế giới thấy là ngay cả khi người ta chia rẽ
trầm trọng, lúc người dân đã bỏ phiếu rồi thì thể chế dân chủ càng vững chắc
hơn. Vì những nền tảng như chế độ phân quyền, tinh thần trọng pháp, vẫn còn,
không thay đổi.
Cho nên, một nhiệm vụ của
chính quyền mới ở Mỹ là củng cố niềm tin vào lối sống trong các “xã hội mở.”
Các nước dân chủ ở Á châu sẽ là đồng minh lâu đời của Mỹ, sẽ hợp tác với Mỹ để
mở rộng lối sống dân chủ tự do cho người dân các nước khác trong vùng được hưởng.
Đó là chiến lược bền bỉ
mà nước Mỹ phải nắm chắc trong cuộc chạy đua kinh tế và thi thố sức mạnh mềm với
một chế độ độc tài vẫn ôm giấc mộng đế quốc lâu đời là Cộng sản Trung Quốc.
-------------
Vậy tóm lược trọng tâm của
bài viết này, theo cách hiểu của tôi, ý bác Dụng muốn nói là nước Mỹ phải thuyết
phục được các đồng minh châu Á của họ(Nhật, Hàn, Đài Loan,...) đoàn kết hơn để
'bao vây, cô lập, gây sức ép' lên Trung Cộng, ít nhất là trên 'mặt trận' công
nghệ để triệt tiêu lợi thế của Trung Cộng trong các lĩnh vực này.
Bác có biết là nhà máy của
Samsung, Apple, Foxcon, Toyota, ... phần lớn là đều nằm ở Trung Quốc, thuê công
nhân Trung Quốc và thị trường tiêu thụ lớn nhất cũng là Trung Quốc (tính theo
quốc gia). Bây giờ mà một lúc bảo tất cả các tập đoàn công nghệ trên 'quay lưng
với TQ' bỏ miếng bánh 'béo bở' bao nhiêu năm qua của họ chỉ để chiều theo chính
sách ngoại giao của chính quyền Mỹ thì có bao nhiêu khả năng họ chịu.
Và Bác có chắc chắn là
các nước đồng minh châu Á của Mỹ đều 'đồng lòng nhất trí' về đường lối ngoại
giao của Mỹ với Trung Quốc trong khi chính bản thân họ cũng có biết bao nhiêu lợi
ích kinh tế với TQ; họ sẽ dễ dàng vứt bỏ hết để chìu ý Mỹ hay sao; họ muốn chấp
nhận nguy cơ xung đột với TQ hay sao. Cái gì Bác nói nghe cũng dễ dàng, lý tưởng
hết. Ai trên đời này cũng muốn sống trong nền dân chủ tự do có đầy đủ nhân quyền;
câu hỏi là ai sẽ hy sinh và đấu tranh cho nền dân chủ của đó.
No comments:
Post a Comment