Sunday 24 January 2021

VÌ SAO TT BIDEN KÝ SẮC LỆNH HỦY BỎ ĐƯỜNG ỐNG DẪN DẦU KEYSTONE XL NGAY NGÀY ĐẦU TIÊN NHẬM CHỨC? (Lê Hoàng)

 



Vì sao TT Biden ký sắc lệnh hủy bỏ đường ống dẫn dầu Keystone XL ngay ngày đầu tiên nhậm chức?

Lê Hoàng

24/01/2021

https://baotiengdan.com/2021/01/24/vi-sao-tt-biden-ky-sac-lenh-huy-bo-duong-ong-dan-dau-keystone-xl-ngay-ngay-dau-tien-nham-chuc/

 

Hệ thống Đường ống Keystone là một hệ thống đường ống dẫn dầu ở Canada và Hoa Kỳ, được đưa vào hoạt động năm 2010 và thuộc sở hữu của TC Energy và kể từ ngày 31 tháng 3 năm 2020 là Chính phủ Alberta. Nó chạy từ Lưu vực trầm tích Tây Canada ở Alberta đến các nhà máy lọc dầu ở Illinois và Texas, cũng như đến các trang trại bồn chứa dầu và một trung tâm phân phối đường ống dẫn dầu ở Cushing, Oklahoma.

 

Đường ống trở nên nổi tiếng khi Giai đoạn IV, Keystone XL thu hút sự phản đối của các nhà bảo vệ môi trường, trở thành biểu tượng của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và nhiên liệu hóa thạch.

 

Năm 2015, KXL tạm thời bị trì hoãn bởi Tổng thống Barack Obama. Vào ngày 24 tháng 1 năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã có hành động dự định cho phép hoàn thành đường ống. Vào ngày 20 tháng 1 năm 2021, Tổng thống Joe Biden đã thu hồi giấy phép cho đường ống vào ngày đầu tiên ông nhậm chức.

 

Hệ thống đường ống sẽ chuyển hơn 800,000 thùng dầu thô mỗi ngày từ Alberta, Canada, băng qua biên giới Mỹ, xuống đến các nhà máy lọc ở Gulf Coast.

 

Kết quả của đề nghị làm dấy lên những ý kiến mạnh mẽ, cả từ phía chống lẫn phía thuận. Giới ủng hộ nói, dự án này tạo thêm công việc làm và mang lại an toàn về năng lượng. Giới bảo vệ môi sinh chống lại khi nói việc này chỉ tăng thêm khí ô nhiễm nhà kính.

 

Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã lên tiếng chỉ trích sắc lệnh của Tổng thống Joe Biden trong ngày đầu tiên ông giữ chức Tổng thống, một dấu hiệu nhanh chóng cho thấy sự chia rẽ đảng phái vẫn tiếp diễn, bất chấp những lời kêu gọi đoàn kết.

 

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã bày tỏ sự thất vọng trước thông tin tổng thống Biden quyết định hủy bỏ đường ống dẫn dầu, nhưng đã cố gắng vượt qua bất đồng này khi nói rằng, ông mong được làm việc với Tổng thống Biden trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19, và để kiến tạo việc làm.

 

Nhưng dự án đã vấp phải những phản đối sau đây:

 

– Nhiều nhà hoạt động môi trường lo ngại đường ống sẽ làm tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ. Theo họ, dự án này sẽ tiêu tốn rất nhiều năng lượng để chiết xuất dầu và có thể dẫn tới thảm họa sinh thái nếu xảy ra sự cố tràn dầu, đe dọa tầng nước ngầm tại các bang thuộc khu vực cao nguyên rộng lớn ở miền Trung nước Mỹ, gây nguy hiểm cho các thị trấn ở nông thôn cũng như người dân địa phương. Năm 2011, các nhà hoạt động bảo vệ môi trường từng tổ chức cuộc biểu tình ngay trước Nhà Trắng. Do đó, chính quyền Mỹ đã nhiều lần trì hoãn phê duyệt dự án này.

 

– Tổng thống Obama cho biết xây dựng đường ống Keystone XL sẽ không “đóng góp có ý nghĩa, lâu dài” vào nền kinh tế của Mỹ, không hạ thấp giá xăng cho người tiêu dùng và sẽ không làm tăng an ninh năng lượng của Mỹ.

 

– Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề ra mục tiêu khử cacbon, giảm sự phụ thuộc của nước Mỹ vào dầu khí và hạn chế các chất gây ô nhiễm không khí. Phần lớn nguồn cung năng lượng của Mỹ vẫn đến từ nhiên liệu hóa thạch.

 

– Dù dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL bị khai tử, Mỹ vẫn có thể nhập khẩu lượng dầu mỏ kỷ lục từ Canada trong vài năm tới qua hệ thống đường ống khác đang được mở rộng.

 

Mark Oberstoetter, Giám đốc nghiên cứu của Tập đoàn tư vấn và nghiên cứu Wood Mackenzie cho rằng: “Chúng ta sẽ dư thừa đường ống dẫn dầu khi các đường ống dẫn dầu khác hoàn thành đúng kế hoạch… Nếu cộng tất cả các dự án đường ống dẫn dầu đó lại, có thể khiến những tranh luận về dự án Keystone XL trở nên thừa thãi“.

 

Các nhà hoạt động khí hậu và các bộ lạc bản địa đã chiến đấu chống lại việc cho phép xây dựng và khai thác đường ống XL trong nhiều năm và đó là một trong những trận chiến khí hậu lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ!

 

Đây là một phần trong kế hoạch môi trường của chính quyền mới, nhằm thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch và thay vào đó theo đuổi năng lượng tái tạo bền vững. Hủy bỏ ngành công nghiệp dầu mỏ là một chiến thắng lớn cho hành tinh!”

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats