Tuesday 19 January 2021

VACCINE NGỪA COVID-19 QUAN TRỌNG RA SAO QUA LỜI CÁC BÁC SĨ (Đoan Trang / Người Việt)

 


Vaccine ngừa COVID-19 quan trọng ra sao qua lời các bác sĩ   

Đoan Trang/Người Việt

January 18, 2021

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/vaccine-ngua-covid-19-quan-trong-ra-sao-qua-loi-cac-bac-si/

 

WESTMINSTER, California (NV) – Đại dịch COVID-19 vẫn đang bùng phát trên toàn Hoa Kỳ nhưng đến ngày 18 Tháng Giêng, theo Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC), toàn quốc mới có hơn 22.2 triệu người được chích mũi vaccince ngừa COVID-19 đầu tiên, trong đó có các cư dân của Orange County.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/01/BAC-SI-VACCINE-1-1536x943.jpg

Cư dân Orange County chờ đợi để được chích ngừa vaccine COVID-19 tại Disneyland, thành phố Anaheim hôm 13 Tháng Giêng, trong đó có nhiều người gốc Việt. (Hình: Mario Tama/Getty Images)

 

Ngoài tính cấp bách của việc chích ngừa, phóng viên báo Người Việt đã có cuộc phỏng vấn ba bác sĩ gốc Việt là Bác Sĩ Tùng Nguyễn, Bác Sĩ Phạm Đặng Long Cơ và Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng để tìm hiểu các thông tin quan trọng và cần thiết về vaccine ngừa COVID-19.

 

Bác Sĩ Tùng Nguyễn, Giáo Sư Đại Học Y Khoa University of California, San Francisco (UCSF), giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Sức Khỏe Người Mỹ gốc Á (Asian American Research Center on Health). Bác Sĩ Phạm Đặng Long Cơ, giám đốc Bolsa Medical Group trong khu Little Saigon, và Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng có văn phòng tại thành phố Fountain Valley.

 

Khả năng miễn dịch kéo dài bao lâu?

 

“Các loại vaccine ngừa COVID-19 có hiệu quả từ 90-95%, vì vậy việc chích ngừa sẽ giảm đáng kể nguy cơ bị nhiễm COVID-19,” Bác Sĩ Tùng Nguyễn cho biết.

 

Tuy nhiên, Bác Sĩ Tùng Nguyễn cũng chưa khẳng định khả năng miễn dịch từ chích ngừa sẽ kéo dài bao lâu.

 

Ông nói: “Vaccine của cả hai hãng Pfizer và Moderna đều mới. Tính từ ngày những người đầu tiên trong các cuộc nghiên cứu được chích ngừa vaccine, đến nay mới khoảng sáu tháng. Vì vậy chúng tôi cần thêm thời gian để biết được thời gian miễn dịch kéo dài bao lâu.”

 

Giải thích thêm về điều này, Bác Sĩ Phạm Đặng Long Cơ cho biết: “Người được chích ngừa vaccine sẽ phải chích hai liều. Ở liều thứ nhất, sau một tuần là có hiệu nghiệm khoảng 50-60%. Sau khi chích mũi thứ hai sẽ có hiệu nghiệm được 95% đối với Pfizer vaccine và 94.1% cho Moderna vaccine.”

 

Theo Bác Sĩ Phạm Đặng Long Cơ, tuy là thuốc mới, nhưng các nhà khoa học tin rằng vaccine có tác dụng ngăn ngừa được vi khuẩn gây ra đại dịch COVID-19 trong vòng một năm.

 

Ông nói thêm: “Nhiều người thắc mắc, rằng khi chích ngừa thì họ chích cái gì vào cơ thể con người và tác dụng của nó như thế nào? Câu trả lời là vaccine được chế tạo từ nhánh của vi khuẩn (mRNA), khi vào cơ thể người thì tạo ta antibody chống lại nhánh (spike), không cho vi khuẩn bám và xâm nhập vào các tế bào trong cơ thể.”

 

“Thật ra vi khuẩn không độc khi vô cơ thể của mình, nhưng khi nhánh của nó bám vào trong các tế bào, thì sẽ sinh sôi nảy nở, tạo ra phản ứng cytokine storm (cơn bão cytokine) làm phá hủy các bộ phận chính của cơ thể như phổi, tim mạch, thận,…” ông cho biết.

 

Dù khoảng 95% vaccine có hiệu quả sau chích ngừa, là con số rất cao, nhưng người được chích rất khó để biết rõ là mình nằm trong số 94-95% có hiệu quả, hay trong số 5-6% kia.

 

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàn nói: “Một cách có thể giúp tìm hiểu xem cơ thể của mình đã có kháng thể chống COVID-19 chưa, là thử máu sau khi chích mũi thứ nhì vài tuần. Nhưng ngay cả thử máu cho thấy cơ thể đã có kháng thể chống COVID-19, cũng vẫn không biết rõ là sức đề kháng đó sẽ kéo dài bao lâu.”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/01/BAC-SI-VACCINE-2-1536x1028.jpg

Một phụ nữ mừng rỡ sau khi được chích ngừa. (Hình: Mario Tama/Getty Images)

 

Sau khi chích ngừa vẫn có thể bị nhiễm bệnh

 

“Một người được chích ngừa rồi vẫn có thể bị nhiễm bệnh khi loại vi khuẩn này xâm nhập vào mũi hoặc miệng,” Bác Sĩ Tùng Nguyễn cho biết.

 

“Vaccine tạo hệ thống phòng thủ để ngăn vi khuẩn xâm nhập sâu hơn vào cơ thể và gây bệnh, nhưng cơ thể không loại bỏ được vi khuẩn khỏi mũi hoặc miệng. Vì vậy, về mặt lý thuyết, một người được chích ngừa có thể vẫn lây nhiễm vi khuẩn cho người khác.”

 

Còn Bác Sĩ Phạm Đặng Long Cơ giải thích: “Khi chích ngừa xong là có hiệu lực rồi, nhưng con vi khuẩn có thể ở trong miệng, trong nước miếng của mình. Nếu mình nói chuyện oang oang, bắn nước miếng vào mặt người khác, thì họ có thể bị lây. Vì vậy, càng nhiều người được chích ngừa thì mới chống được sự lây lan của dịch bệnh. Đó là lý do các nhà khoa học kêu gọi phải có 70-80% dân số Hoa Kỳ được chích ngừa (herd immunity).”

 

Bác Sĩ Phạm Đặng Long Cơ tin tưởng điều này sẽ được thực hiện, vì theo ông: “Tổng Thống đắc cử Joe Biden đã nghĩ đến chuyện đó. Ông chỉ là người bình thường, nhưng biết lắng nghe. Các nhà khoa học khuyên gì thì ông tin và thực hiện ngay. Bên Do Thái bây giờ người dân được chủng ngừa rất nhiều nhờ phân phối vaccine rộng rãi. Sắp tới, ông Biden cũng làm như thế tại Mỹ.”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/01/BAC-SI-VACCINE-3-1536x1052.jpg

Những người bị bệnh được khuyến cáo không nên chích ngừa. (Hình: Mario Tama/Getty Images)

 

Phụ nữ mang thai có nên đi chích ngừa?

 

Theo Bác Sĩ Tùng Nguyễn, phụ nữ mang thai không nằm trong diện nghiên cứu vaccine, nhưng không có dữ liệu nào cho thấy vaccine gây hại cho thai phụ hoặc thai nhi.

 

Ông cho biết: “Cho đến nay chúng ta vẫn chưa biết rõ điều này, nhưng với phụ nữ mang thai nên xem xét giữa nguy cơ chưa biết này, với nguy cơ thực sự bị nhiễm COVID-19 có thể gây hại cho phụ nữ và thai nhi. Vì thế, những người mang thai nên nói chuyện với bác sĩ của mình để có được lời khuyên tốt nhất.”

 

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng có cùng suy nghĩ này. Theo ông, việc cân nhắc xem phụ nữ mang thai có chích hay không, nên được bàn bạc với bác sĩ, và dựa vào các yếu tố như: Mức độ trầm trọng của dịch COVID-19 ở trong cộng đồng người đó đang sống. Nguy cơ bị lây nhiễm của cá nhân người đó. Nguy cơ của người đó và bào thai nếu người đó bị lây nhiễm COVID-19. Hiệu quả của vaccine. Các tác dụng phụ của vaccine. Các dữ liệu đã thu thâp được về việc chích ngừa vaccine đó cho người mang thai.

 

“Trong hai vaccine đang được dùng hiện nay, cả hai đều đã không được thử nghiệm trên phụ nữ mang thai, nhưng vaccine của Moderna đã được thử trên súc vật mang thai, cho thấy là nguy cơ nguy hiểm trên bào thai; còn vaccine của Pfizer đã không được thử trên thú vật mang thai,” Bác Sĩ Hoàng nói.

 

Trong khi đó, Bác Sĩ Long Cơ cho rằng đã có trường hợp thai phụ bị nhiễm COVID-19, và “sợ ảnh hưởng đến thai nhi, nên Hội Sản Phụ Khoa Hoa Kỳ ra thông cáo, khuyên rằng nên cho thai phụ, và phụ nữ mới sanh xong được chích ngừa, để bảo vệ cho cả mẹ lẫn con.”

 

Ai không được chích ngừa vaccine COVID-19?

 

“Ai cũng cần nên chích ngưa,” Bác Sĩ Long Cơ nói. Ông giải thích thêm, những người đang mắc bệnh nhưng không quá nguy hiểm đến tính mạng, người đã được thay nội tạng như thận, tim, có khả năng miễn nhiễm yếu, cũng nên chích ngừa. Ngay cả người không có khả năng miễn nhiễm, cũng chích như thường. Nhưng với những bệnh nhân này cần phải cho họ biết để cẩn trọng hơn,” ông nói.

 

Theo Bác Sĩ Tùng Nguyễn, một số bệnh có thể làm cho tình trạng nhiễm COVID-19 trở nên trầm trọng hơn. Vì thế, Bác Sĩ Phạm Đặng Long Cơ cho biết vaccine ngừa COVID-19 không chích cho người nào bị phản ứng nặng bất thường với thuốc có thể gây sốc phản vệ (anaphylaxis).

 

“Nếu mọi người đều đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và thực hiện giãn cách thì không sao, nhưng nếu một phút lơ đãng khi tiếp xúc gần mà thiếu sự bảo vệ thì cũng dễ bị nhiễm. Tuy vậy, về quan điểm y khoa, người bị bệnh nan y giai đoạn cuối, bác sĩ đã ‘bó tay’ và họ không sống được bao lâu, thì không nên chích. Còn bị ung thư vừa được chữa khỏi, vẫn nên chích ngừa,” Bác Sĩ Long Cơ nói.

 

Bác Sĩ Trần Hoàng đưa ra khuyến cáo cho những người sau đây, cần cẩn thận bàn bạc với bác sĩ, nhân viên y tế trước khi chích ngừa: Những người bị suy giảm miễn dịch. Những người đã từng bị dị ứng nặng với các loại thuốc chủng hay thuốc chích khác. Những người đã bị nhiễm COVID-19 cấp tính trong vòng 90 ngày. Những người đã được điều trị với passive antibody (kháng thể thụ động) trong vòng 90 ngày. Những người đã tiếp xúc với COVID-19 trong vòng 90 ngày.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/01/BAC-SI-VACCINE-4-1536x1024.jpg

Những liều vaccine COVID-19 đầu tiên tại California được ưu tiên cho các nhân viên tuyến đầu và người trên 65 tuổi. (Hình: Valerie Macon/AFP via Getty Images)

 

Vaccine hiện nay có tác dụng đối với virus COVID-19 biến thể

 

Theo Bác Sĩ Tùng Nguyễn, hiện tại không có bằng chứng cho thấy vaccine không bảo vệ khỏi các biến thể mới.


Ông giải thích: “Hệ thống phòng thủ (miễn dịch) của cơ thể được vaccine huấn luyện để tấn công các thành phần khác nhau của COVID-19. Các biến thể mới có các thành phần tương tự như các biến thể cũ, vì vậy vaccine đều có tác dụng bảo vệ.”

 

Bác Sĩ Phạm Đặng Long Cơ cũng cho biết: “Hãng Pfizer đã dùng vaccine của họ để thử và đã cản được chủng vi khuẩn biến thể mới này. Hãng Moderna vì cùng nguyên tắc thuốc chủng ngừa nên có thể cùng hiệu nghiệm như vậy, nhưng hãng này nói họ cần phải thử lại với vi khuẩn mới.”

 

“Đến nay vẫn còn quá mới để khẳng định một điều gì đó, nên đây là lý do khác khiến những người đã được chích ngừa nên tiếp tục đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng tránh để bảo vệ cho bạn và những người xung quanh,” Bác Sĩ Tùng Nguyễn cho biết.

 

Cụ thể hơn, Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng đưa ra lời khuyên, “Dù có đã chích đủ hai mũi vaccine rồi, mọi người vẫn nên tiếp tục các biện pháp phòng ngừa đang thực hiện. Tức là, giữ khoảng cách với người khác 6 feet (khoảng 2 mét), đeo khẩu trang, tránh sờ tay vào mắt, mũi, miệng và rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước ấm, tránh vào chỗ kín, không thông khí, có nhiều người. Nếu vào, dĩ nhiên càng cần phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách.” [kn]

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats