Tuesday, 26 January 2021

TRUNG QUỐC THĂM DÒ PHẢN ỨNG CỦA BIDEN : SAU TRÊN KHÔNG SẼ ĐẾN TRÊN BIỂN (Anh Vũ - RFI)

 


Trung Quốc thăm dò phản ứng của Biden : Sau trên không sẽ đến trên biển

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 26/01/2021 - 14:39

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210126-trung-quoc-hoa-ky-dai-loan-joe-biden

 

Vac-xin, tiêm chủng và phong tỏa trở lại trước đà lây lan đáng lo ngại của Covid-19 đang khiến chính phủ Pháp đau đầu. Trung Quốc thử phản ứng của chính quyền mới của Biden bằng màn đe dọa Đài Loan. Việt Nam, chống dịch Covid thành công, nắm bắt cơ hội kinh tế. Nga, đối lập ngoài hệ thống trỗi dậy. Trên đây là những chủ đề nổi bật được các báo Pháp ra hôm nay (26/01/2021) quan tâm nhiều.

 

https://s.rfi.fr/media/display/40ade31e-5fd7-11eb-96f2-005056a98db9/w:900/p:16x9/000_14S25N.webp

Một chiến đấu cơ F-CK-1 của Đài Loan hộ tống chiến đấu cơ quân đội Trung Quốc Tu-154M. Ảnh do bộ Quốc Phòng Đài Loan cung cấp ngày 11/05/2018. AFP - HANDOUT

 

Thời sự châu Á, báo Le Figaro chú ý tới sự kiện Trung Quốc lại gây căng thẳng trong khu vực với vụ việc đưa không quân ồ ạt xâm nhập không phận Đài Loan để thị uy liên tiếp trong hai ngày cuối tuần qua, ngay khi Mỹ vừa có chính quyền mới.

 

La Croix nhận định : « Trung Quốc đe dọa Đài Loan và khiêu khích Joe Biden ». Cùng chung quan sát, Le Figaro có bài phân tích : « Bắc Kinh trắc nghiệm quyết tâm của Joe Biden trên bầu trời Đài Loan ».  Tờ báo nhận xét hành động này của Bắc Kinh như một lời cảnh báo đến chính quyền của đảng Dân Chủ Mỹ vừa chính thức làm việc được vài ngày.

 

Nhật báo cánh hữu ghi nhận : Sau khi chìa tay với chủ nhân mới của Nhà Trắng hôm thứ Năm (21/01) kêu gọi « hợp tác », chế độ Cộng Sản đã lên gân để răn đe Washington không nên tiếp tục theo đuổi chiến lược tăng cường hậu thuẫn Đài Bắc như chính quyền Trump đã làm năm 2020. 

 

Trong năm vừa qua, quân đội Trung Quốc đã có 380 lần xâm nhập bầu trời Đài Loan, nhưng chưa bao giờ điều ồ ạt máy bay trong một ngày như lần này. Bắc Kinh đã cảnh báo ngay sau ngày Joe Biden nhậm chức tổng thống rằng Washington phải xử lý hồ sơ Đài Loan « một cách thận trọng » để tránh gây tổn hại cho quan hệ song phương. 

 

Theo tờ báo, sau Hồng Kông, mọi chú ý hướng về đảo Đài Loan, một mục tiêu mới của chế độ toàn trị Trung Quốc và sẽ là một trong những điểm nóng chính trong cuộc đọ sức chiến lược Trung - Mỹ trong nhiệm kỳ Biden. Thách thức đặt ra là độ tin cậy cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ khu vực đang được coi như lá phổi kinh tế của thế giới.

 

Vì thế mà Washington đã trả lời sự hăm dọa của Trung Quốc bằng khẳng định sự « ủng hộ vững như bàn thạch » đối với Đài Loan, mặc dù giữa Mỹ và Đài Loan không hề có hiệp ước Quốc phòng nào được ký.

 

Giới quan sát cho rằng đây mới chỉ là màn dạo đầu cho những căng thẳng giữa Trung Quốc và chính quyền mới của đảng Dân Chủ ở Mỹ, « trong những tháng tới, Bắc Kinh sẽ còn trắc nghiệm quyết tâm của chính quyền Biden, nhất là ở trên biển », như nhận xét của Rory Medcalf, giáo sư tại Đại học Quốc gia Úc, được Le Figaro trích dẫn.

 

Trên biển ở đây theo Le Figaro, chính là vùng Biển Đông, nơi Trung Quốc ngang ngược đòi chủ quyền tới 90% diện tích. Trong khi đó chính quyền mới của Biden đã đánh tín hiệu quyết tâm tăng cường sự hiện diện ở Đông Nam Á, trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương. Phát ngôn viên Ngoại Giao mới của Mỹ Ned Price đã tuyên bố Washington « lo ngại Trung Quốc có xu hướng hăm dọa các nước láng giềng ».

Tờ báo nhận định, bên ngoài thì Bắc Kinh muốn lên gân nhưng bên trong hậu trường đang tìm cách nối lại đối thoại với chính quyền Biden với hy vọng nhanh chóng quét đi di sản mà Trump để lại sớm nhất có thể, nhưng họ cũng biết là không dễ gì làm được điều đó.

 

 

Diễn đàn Davos : Tập Cận Bình lại kêu gọi thế giới đa phương

 

Vẫn liên quan đến Trung Quốc, nhật báo Les Echos có bài « Tại diễn đàn Davos, Tập Cận Bình muốn tránh một cuộc chiến tranh lạnh mới ».

 

Diễn đàn kinh tế hàng đầu thế giới diễn ra hôm 25/01 không phải ở Davos mà qua cầu truyền hình vì đại dịch Covid. Dư luận chú ý nhiều đến diễn văn của chủ tịch Trung Quốc. Ông Tập một lần nữa đề cao chủ nghĩa đa phương. Nhắm tới Hoa Kỳ và châu Âu, lãnh đạo Trung Quốc đề nghị không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.

 

Tờ báo trích dẫn một loạt phát biểu của của Tập Cận Bình kêu gọi một thế giới cởi mở, hợp tác để tránh một cuộc chiến tranh lạnh hay đối đầu giữa các quốc gia. Những phát biểu hùng hồn đầy triết lý của lãnh đạo Trung Quốc không giấu được cảm giác Bắc Kinh đang bị thế giới cô lập.

 

Một điểm được dư luận chú ý là bài diễn văn không hề đề cập đến việc minh bạch thông tin về giai đoạn đầu đại dịch xuất hiện ở Trung Quốc. Đây là điều mà Trung Quốc đã bị chỉ trích gay gắt trong một phiên thảo luận khác trong Diễn đàn Davos.

 

 

Việt Nam : Cú đúp thành công chống dịch và kinh tế

 

Một sự kiện khác ở châu Á cũng được các báo Pháp chú ý : Đại hội thứ 13 đảng Cộng Sản Việt Nam, chính thức khai mạc hôm nay tại Hà Nội. Nhật báo Le Monde có bài viết « Việt Nam tận dụng cơ hội trong sự tàn phá của Covid ».

 

Tờ báo nhận thấy chế độ Cộng Sản Hà Nội có thể vui mừng với thành công kép y tế và kinh tế trong năm 2020. Việt Nam là trường hợp ngoại lệ của khu vực Đông Nam Á và thậm chí cả trong vùng châu Á-Thái Bình Dương.

 

Trong lúc những nước như Thái Lan, Indonesia hay Nhật Bản đang lao đao vì đại dịch Covid-19, nền kinh tế suy thoái, thì Việt Nam nổi lên như một điển hình, kinh tế vẫn tăng trưởng được gần 3%. Các chỉ số kinh tế đều tích cực. Việt Nam trong năm 2020 vươn lên đứng hàng thứ 4 trong khu vực, sau Indonesia, Thái Lan và Philippines về thu nhập đầu người.

 

Lý do cho sự thành công này ? Theo Le Monde, Việt Nam đã kiểm soát chặt bệnh dịch, nắm bắt được cơ hội khi kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, các cạnh tranh bị suy sụp trong đình đốn khắp nơi và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

 

Tờ báo cũng ghi nhận, chính bằng chuyên quyền độc đoán mà chế độ Hà Nội đã quản lý, kiểm soát  được dịch bệnh. Nhưng bên cạnh thành công đó, giới quan sát cũng nhận thấy trước Đại hội Đảng, Việt Nam đẩy mạnh trấn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến.

 

Cùng chung cái nhìn với Le Monde, nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết : « Việt Nam, giữa mở cửa kinh tế và trấn áp trong nước » ghi nhận việc trấn áp tiếng nói đối kháng chưa bao giờ mạnh như trong năm 2020. Việt Nam đã bỏ tù số lượng kỷ lục các nhà hoạt động chính trị đối kháng với những bản án nặng nề. 

 

Việc trấn áp như vậy đã khiến nhiều tổ chức phi chính phủ và dân biểu đặt vấn đề liệu Việt Nam có vi phạm tinh thần các thỏa thuận thương mại đã ký với phương Tây, đặc biệt là thỏa thuận với Liên Hiệp Châu Âu ký hồi tháng 8 năm 2020, sau 12 năm thương lượng.

 

 

Nga : Đối lập ngoài hệ thống đang hình thành

 

Chuyển qua châu Âu, thời sự nổi bật cuối tuần qua là tại Nga từ trong tù, nhà đối lập nổi tiếng Alexei Navalny vẫn huy động được người ủng hộ biểu tình đòi trả tự do cho ông.

 

Le Monde có bài « Tại Nga, đường phố ủng hộ Alexei Navalny », trở lại với sự kiện hôm thứ Bảy (23/01) vừa rồi, hàng chục nghìn người ở nhiều thành phố lớn của Nga, bất chấp lệnh cấm của chính quyền vẫn tổ chức các cuộc biểu tình đòi trả tự do cho nhà hoạt động đối lập, bị bắt giam ngay khi từ Berlin đặt chân trở về Matxcơva hôm 17/01. Chính quyền ra tay trấn áp mạnh, bắt giữ hàng nghìn người. Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu lên án hành động đàn áp của Matxcơva.

 

Le Monde có bài xã luận kêu gọi : « Đối mặt với Nga, cần phải ngừng dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 ». Đây là dự án dẫn khí đốt từ Nga đến Đức, có trị giá đầu tư 10 tỷ euro, đã hoàn thành 90% công việc. Một dự án gây bất hòa giữa Mỹ và Đức.

 

Không chỉ đòi ngừng dự án này, Le Monde còn kêu gọi : « Bằng cách này hay cách khác EU không còn có thể né tránh xem lại một cách nghiêm túc chính sách với Nga và với các nước láng giềng để có chung hướng hành động đối với những giá trị mà châu Âu vẫn khẳng định bảo vệ ».

 

Cũng về chủ đề này, mục tranh luận của báo La Croix đặt câu hỏi : Phải chăng một phe đối lập đang hình thành ở Nga ? Tờ báo đăng ý kiến của chuyên gia chính trị Tatiana Stanovaïa, lãnh đạo R.Politik, dự án phân tích độc lập về chính trị Nga.

 

Theo chuyên gia này thì ở Nga vẫn có phong trào đối lập tồn tại dưới hai dạng : Một nằm ngoài hệ thống chính trị, nhằm trực tiếp vào Vladimir Putin và một nằm trong hệ thống như đảng Cộng Sản Nga, vẫn phê phán chính phủ Nga nhưng không bao giờ nhắm trực tiếp vào Putin.

 

Phe đối lập kiểu hình thức này vẫn tồn tại trong hệ thống chính trị Nga. Chính quyền chỉ chủ trương loại trừ và ngăn chặn đối lập ngoài hệ thống tham gia chính quyền. Nhưng từ vụ biểu tình ủng hộ đích thân Alexei Navalny lần này, mọi chuyện có thể thay đổi, đối lập với chế độ sẽ không còn nằm ngoài lề nữa.

 

Từ nhân vật trung tâm Alexei Navalny, phe đối lập có thể hình thành với tham vọng chính trị cụ thể là tham gia chính trường Nga. « Kremlin chỉ có hai lựa chọn : Trấn áp vũ lực hoặc khôn khéo đối thoại », theo nhà phân tích Nga.

 

Dường như trấn áp không làm những người ủng hộ Navalny sợ, họ tiếp tục kêu gọi biểu tình vào cuối tuần này, La Croix cho hay.

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats