Tuesday 26 January 2021

TRUNG QUỐC : "HOA KỲ, ĐỐI TÁC và ĐỐI THỦ CẦN SOÁN NGÔI" (Minh Anh - RFI)

 



Trung Quốc : « Hoa Kỳ, đối tác và đối thủ cần soán ngôi »

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 26/01/2021 - 10:02

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210126-trung-quoc-hoa-ky-doi-tac-doi-thu

 

Quan hệ song phương Mỹ - Trung là mối quan hệ quan trọng nhất trên hành tinh. Mọi thế cân bằng thế giới, chiến tranh, hòa bình đều lệ thuộc nhiều vào tiến triển của mối quan hệ này. Bốn năm Donald Trump ngự trị ở Nhà Trắng đã làm cho quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng trên cơ sở những tranh chấp thương mại. Hoa Kỳ giờ xem Trung Quốc là kẻ thù trên bình diện kinh tế và chiến lược. Vậy Trung Quốc có cái nhìn như thế nào về Mỹ ?

 

Hai nhà báo Jean-Marc Four và Franck Ballanger, trong mục « Nhìn từ phía khác » của đài phát thanh France Culture, đưa ra 5 điểm quan trọng giải thích vì sao Trung Quốc tự tin cho mình hơn hẳn Hoa Kỳ. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu.

 

 

Địa lý thuận lợi

 

Về mặt kích cỡ, Trung Quốc và Hoa Kỳ có diện tích gần như bằng nhau (chưa tới 10 triệu cây số vuông) và một vị trí địa lý đặt hai nước trong thế mặt đối mặt, mà ranh giới tự nhiên là Thái Bình Dương. Vùng duyên hải Trung Quốc cách các vùng lãnh thổ của Mỹ như đảo Guam và quần đảo Bắc Marianna chưa tới 3.000 km.

 

Nhưng Trung Quốc tự thấy mình lớn hơn và có vị trí tốt hơn đối thủ. Bởi vì, về dân số, Trung Quốc có đến 1,4 tỷ người dân, nhiều gấp 4 lần số dân của Mỹ và chiếm đến ¼ dân số thế giới.

 

Trung Quốc có vị trí địa chiến lược thuận lợi, nằm giữa tâm của thế giới mới, giữa lòng một châu Á có mức tăng trưởng kinh tế cao và Bắc Kinh xem đây là vùng ảnh hưởng tự nhiên của mình. Về mặt địa lý, Trung Quốc gần với các vùng Trung – Cận Đông, cả vùng Đông Phi hơn là Mỹ.

 

 

Ngàn năm lịch sử

 

Trung Quốc tự hào có nền văn hóa và lịch sử lâu đời hơn Mỹ. Dưới triều đại nhà Hán, Trung Quốc là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới thời đó. Ảnh hưởng của Trung Quốc trải dài từ Bắc Triều Tiên ở phía bắc, đến Việt Nam ở phía nam, rồi qua cả Trung Á như Kirghizstan ở phía tây. Chính vì thế mà Trung Quốc mới có dự án Con đường tơ lụa mới.

Đế chế Trung Hoa tồn tại trong nhiều thế kỷ, áp đặt nền văn hóa của mình, nhất là trong suốt thời cai trị của người Mãn Châu, thế kỷ XVIII. Đến thế kỷ XIX và thậm chí là đầu thế kỷ XX, Trung Quốc mới bị suy yếu dưới những đòn tấn công của phương Tây (đặc biệt là Anh và Pháp).

 

Trung Quốc ngày nay muốn lấy lại sức mạnh năm xưa bị mất, ao ước trả thù những đòn sỉ nhục phải hứng chịu thời đó, nhất là từ cuộc chiến nha phiến. Việc lấy lại thế mạnh ngày nay là một sự trở về công bằng cho trật tự của tự nhiên. Và đó còn là một sự phục thù cho việc phương Tây áp đặt Trung Quốc dưới chế độ « bán thuộc địa » vào thế kỷ 19.

 

Ngược lại, Trung Quốc coi Hoa Kỳ chỉ là một cường quốc mới. Nhìn theo dòng chảy Lịch sử, Hoa Kỳ chỉ thống trị thế giới từ nửa sau thế kỷ XX. Từng là đồng minh trong Đệ Nhị Thế Chiến, rồi là đối thủ thông qua các cuộc chiến ủy nhiệm Triều Tiên và Việt Nam, quan hệ Mỹ - Trung lúc thăng – khi Washington chính thức nhìn nhận Trung Quốc năm 1979 – lúc trầm, như cuộc chiến thương mại dưới thời Donald Trump.

 

Nhưng điều cốt yếu, nhìn từ Trung Quốc, là Lịch sử, theo đúng nghĩa của nó, được hình thành từ sự thống trị của Trung Quốc nhiều hơn là Mỹ.

 

 

Kinh tế quan hệ phụ thuộc chặt chẽ

 

Kinh tế, tiêu chí chủ đạo trong một mối quan hệ được cho là phức tạp. Là hai nước giầu nhất hành tinh, có GDP cao nhất thế giới, nhưng Trung Quốc xem Hoa Kỳ là một đối thủ cần phải đánh bật, và là một đối tác không thể thiếu để phát triển các ngành công nghệ mới cũng như kỹ thuật số. Thế nên, về mặt kinh tế, hai nước này lệ thuộc chặt chẽ với nhau.

 

Hiện tại, Trung Quốc đang dần bắt kịp Hoa Kỳ, và rất có thể vượt qua Mỹ trước năm 2030. Thoạt nhìn, quan hệ thương mại bị mất cân đối, có lợi cho Trung Quốc. Mức xuất khẩu của Trung Quốc cao gấp 4 lần so với mức nhập khẩu hàng Mỹ vào nước này. Thặng dư mậu dịch của Trung Quốc còn tăng mạnh do dịch bệnh Covid-19 hoành hành, làm tê liệt nền kinh tế Mỹ.

 

Hơn nữa, các nhà đầu tư Trung Quốc là những chủ nợ hàng đầu của Mỹ, ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đô la. Một con số to lớn ! Nhưng trong chiều ngược lại, Trung Quốc cũng mắc nợ, nên cũng cần đến Mỹ, vốn dĩ là đầu ra lớn cho ngành xuất khẩu Trung Quốc như may mặc, công nghệ. Những dòng sản phẩm vận hành cỗ máy kinh tế Trung Quốc, cho phép nuôi sống hơn 1,4 tỷ dân.

 

Thế nên, chiến lược đề ra của Bắc Kinh là giờ hạn chế dần sự lệ thuộc vào Mỹ bằng cách phát triển tiêu thụ nội địa, khởi xướng dự án « Con đường tơ lụa mới » sang Trung Đông, châu Âu, châu Phi và nhất là ký kết các thỏa thuận thương mại mới như những gì diễn ra gần đây với Liên Hiệp Châu Âu, với các nước láng giềng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Và Trung Quốc hy vọng soán ngôi đối thủ.

 

 

Luật lệ

 

Hiện có hai kiểu tranh chấp lớn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Kiểu thứ nhất đang diễn ra chính là cuộc chiến thương mại. Năm 2018, Washington áp đặt một loạt các mức thuế quan nhắm vào hàng hóa Trung Quốc, tương đương với nhiều trăm tỷ đô la. Nhưng Bắc Kinh cũng không ngần ngại đáp trả tương tự.

 

Thương chiến gia tăng khi Washington cáo buộc các hãng sản xuất điện thoại và kỹ thuật số, mạng 5G, các loại thẻ nhớ của Trung Quốc như Hoa Vi, Tik Tok… là những dụng cụ dọ thám tiềm tàng cho chính quyền Bắc Kinh.

 

Căng thẳng thứ hai liên quan đến Đài Loan, và rộng ra hơn nữa là tình hình Biển Đông. Từ năm 1949, Đài Loan được cho là độc lập trên thực tế, dù là Trung Quốc vẫn xem hòn đảo tự trị này như là một phần của lãnh thổ. Hoa Kỳ hiện tại vẫn là đồng minh của Đài Loan, và một trong những cử chỉ sau cùng của chính quyền Trump là cho dỡ bỏ toàn bộ mọi hạn chế tiếp xúc giữa các quan chức Mỹ và Đài Loan.

 

Nhìn từ Trung Quốc, đây quả thật là một hành động thách đố, « một hướng đi nguy hiểm ». Trung Quốc không ngừng mở rộng các hoạt động quân sự trong toàn khu vực ở phía nam Đài Loan, khi cho thành lập nhiều căn cứ mới như xung quanh quần đảo Trường Sa. Đối với Washington, ở đây có một vấn đề pháp lý : Tự do lưu thông trong khu vực bị đe dọa.

 

Căng thẳng quân sự vì thế gia tăng, và ngay chính tại khu vực điển hình nhất trên thế giới này mà Tập Cận Bình chọn để « phô trương sức mạnh » với Hoa Kỳ.

 

 

Tâm lý và Xã hội học

 

Đây có lẽ là một yếu tố khá thú vị trong cuộc đọ sức Mỹ - Trung. Một tấm ảnh năm 2018 cho thấy quang cảnh một phiên đàm phán thương mại giữa hai nước. Thoạt nhìn tấm ảnh có vẻ tầm thường : Một chiếc bàn dài, mỗi bên một phái đoàn. Nhưng khi nhìn kỹ, một chi tiết đập vào mắt : ở bên trái là phái đoàn Trung Quốc, tuổi trung bình tầm 40. Bên phải là Hoa Kỳ, độ chừng 70 tuổi.

 

Trên mạng xã hội Vi Bác (Weibo), hình ảnh này có tính biểu tượng : Trung Quốc là hiện thân của tương lai, của sự hiện đại. Trung Quốc đang trên đà thay thế một nước Mỹ già nua và lỗi thời.

 

Nhìn từ Trung Quốc, « mô hình Mỹ » đang bị suy thoái, sắp lỗi thời. Tập Cận Bình tin rằng « mô hình của Trung Quốc » (dựa trên tăng trưởng kinh tế và chuyên chế chính trị) mới là tốt nhất, hiệu quả hơn. Trung Quốc chỉ có 4.600 người chết vì Covid-19, trong khi Hoa Kỳ có đến gần 400 ngàn người.

 

Virus có đến từ Vũ Hán hay không, đối với Bắc Kinh, điều đó không quan trọng và phủi mọi trách nhiệm. Chỉ biết rằng kể từ giờ Trung Quốc tiến lên trên mọi mặt kể cả những lĩnh vực có tính biểu tượng cho sức mạnh Hoa Kỳ như chinh phục không gian, trí thông minh nhân tạo, kỹ thuật số. Và nhất là, Bắc Kinh cũng không phải bận tâm đến những chỉ trích của Hoa Kỳ về các vấn đề dân chủ, tự do, Hồng Kông hay người Duy Ngô Nhĩ.

 

Cho nên, khó có thể dự đoán chuyện tiếp theo. Có một điều chắc chắn là nhóm cộng sự của ông Biden, người biết rõ Trung Quốc ngay từ năm 1979, cũng sẽ không gặp dễ dàng gì hơn so với chính quyền Donald Trump. Đối đầu Mỹ - Trung vẫn sẽ tiếp tục và mang tính cấu trúc, diễn ra trên mọi bình diện : Kinh tế, Công nghệ, Địa chiến lược và Ý thức hệ.

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats